Pages

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Lm. Đinh Hữu Thoại truy đến cùng những vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền

Sài Gòn – Như tin chúng tôi đã loan, ngày 07.02.2012, linh mục Đinh Hữu Thoại nhận được Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT do Tòa phúc thẩm – TAND Tối cao – tại TP.HCM gởi đến: “không chấp nhận kháng cáo của tôi và giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh Tây Ninh”.
Sau khi được các luật sư chuyên về hành chính tư vấn, cha Thoại quyết định truy đến cùng nguyên do nhà cầm quyền dựa vào để cấm ngài và nhiều người khác xuất cảnh. Đây là một việc làm giúp Việt Nam thượng tôn và minh bạch hoá các hành vi pháp luật.
Theo đó, đơn kháng cáo lên Giám đốc thẩm, cha Thoại viết:
“Xét thấy Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể:
- Tại khoản 1 Điều 207 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm phải tổ chức phiên họp và ra Quyết định giải quyết việc kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo”. Ở đây, Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT nêu rõ tôi có Đơn kháng cáo ngày 30/9/2011, tôi đóng tiền tạm ứng án phí ngày 10/10/2011, như vậy nếu cộng cả thời gian 5 ngày Tòa án cấp sơ thẩm gởi hồ sơ theo quy định tại Điều 186 Luật Tố tụng Hành chính thì thời hạn tối đa để Tòa phúc thẩm ra Quyết định là ngày 30/10/2011. Thế nhưng mãi đến ngày30/12/2011, Tòa án mới ra Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT là vi phạm thủ tục tố tụng.

- Cũng vậy, theo quy định tại Điều 208 Luật tố tụng hành chính “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra bản án Quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho đương sự…”. Cụ thể ở đây, ngày ra Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT là ngày 30/12/2011 nhưng mãi đến ngày 07/02/2012, Tòa án mới gởi Quyết định cho tôi là vi phạm thủ tục tố tụng.
- Ngoài ra, như Đơn kháng cáo tôi đã nêu rõ các căn cứ kháng cáo Quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án Tây Ninh, trong đó có nội dung:
Khoản 1 Điều 28 Luật TTHC có quy định khiếu kiện hành vi hành chính, không thuộc thẩm quyền Tòa án, nếu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định… Nhưng hiện tại, không có danh mục cụ thể của Chính phủ quy định những hành vi hành chính nào thuộc phạm vi bí mật Nhà nước không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, căn cứ vào đâu để Tòa án áp dụng Điều Luật này?
Cũng vậy, khoản 1 Điều 28 Luật TTHC quy định các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nhưng theo khoản 4 Điều 3 Luật TTHC thì hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụtrong phạm vi cơ quan, tổ chức đó. Tôi không có trong cơ quan, tổ chức Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Tây Ninh nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều Luật này; và:
Tại Điều 6 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính quy định trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính nhưng sau đó phát hiện đây là vụ án khác (dân sự, kinh tế, lao động)… thì Tòa án phải giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó… Còn nếu phát hiện vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền. Cụ thể trong trường hợp của tôi, vụ án đã được thụ lý, Tòa án tỉnh Tây Ninh chỉ có Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả hồ sơ cho tôi mà không giải quyết theo các quy định kể trên là không phù hợp pháp luật.
Thế nhưng, Quyết định số 17/2011/QĐ-HCPT đã không nêu ra được bất kỳ căn cứ pháp lý nào để bác bỏ các căn cứ kháng cáo của tôi mà chỉ lặp lại và áp đặt rằng “Ông Đinh Hữu Thoại kháng cáo yêu cầu hủy Quyết định đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm không có cơ sở chấp nhận” là không phù hợp pháp luật.
Kính mời quý vị đọc nguyên văn bản kháng án này.
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào: