Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Nếu gia đình Đoàn Văn Vươn không nổ súng

Giang Sơn
 
Cuối cùng thì màn một của vở kịch “vụ án Tiên Lãng” đã diễn xong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những kết luận cuối cùng về “vụ việc” với vai trò là người đứng đầu của cơ quan hành pháp cấp cao nhất. Tinh thần chủ yếu trong kết luận của Thủ tướng như đầu đề bài báo “Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng” đăng trên báo điện tử VnExpress. Tuy nhiên, kết luận của Thủ tướng có một điểm mà dư luận thấy không được công minh và sòng phẳng, đó là điểm kết luận thứ ba:
Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng”.
ld.JPG
Gia đình Đoàn Văn Vươn may mắn hơn những dân oan lặn lội khiếu kiện đất đai này chăng?
Tất nhiên, về phía người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất, Thủ tướng có quyền “đổ tội”: “giết người và chống người thi hành công vụ” cho anh em, chú cháu Đoàn Văn Vươn (với ngầm ý: Chính quyền Tiên Lãng – Hải Phòng cũng là “nạn nhân” và đá “quả bóng xử tội anh em, chú cháu Đoàn Văn Vươn” sang cơ quan tư pháp ngay cả trong trường hợp mà người “đổ tội” biết rằng “tội” của anh em, chú cháu Đoàn Văn Vươn là do “tội” của chính quyền gây ra).
Với Bản kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, trách nhiệm của Thủ tướng coi như đã xong. Cái khôn khéo (hay cái thâm ý) của Bản kết luận là: Thủ tướng đã coi cả hai phía chính quyền Tiên Lãng – Hải Phòng và anh em, chú cháu Đoàn văn Vươn đều vừa là bị cáo vừa là nạn nhân của nhau; chính quyền trung ương sẵn sàng thí tốt để cứu vãn lấy “thế” trên bàn cờ (hòng làm an dân) nhưng cũng không quên mục đích lâu dài là “răn đe, cai trị” người dân. Màn hai của vở diễn thuộc về các cơ quan tư pháp (dưới sự chỉ đạo, định hướng của Đảng); mà màn hai mới là màn mà công chúng quan tâm nhiều nhất vì ở màn này, người “đạo diễn” phải “cởi” những cái nút cụ thể. “Cởi” như thế nào là trách nhiệm của Đảng chứ không còn là trách nhiệm của Thủ tướng Dũng nữa. Chắc chắn thời lượng của “màn hai vở kịch” sẽ không được ấn định. Để đáp lại sự “quan tâm” của người dân màn hai có thể sẽ dai dẳng giống như các vụ Nông trường Sông Hậu, vụ PMU18, vụ Vinashin,…; sẽ có sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, sẽ có điều tra đi, điều tra lại…: cho đến khi công chúng mỏi mệt, chán nản. Vả lại trong khi “diễn màn hai” thì xã hội lại có bao nhiêu vấn đề thời sự khác đáng quan tâm và công luận cũng như người dân sẽ không còn quam đến “vụ Tiên Lãng” nữa.
Nhưng dù sao đến lúc này, khi sự việc còn nóng bỏng, chúng ta hãy đặt câu hỏi: “Nếu gia đình Đoàn Văn Vươn không nổ súng trong vụ cưỡng chế trái Pháp Luật của chính quyền Tiên Lãng – Hải Phòng?”.
Câu trả lời đơn giản nhất là: Sẽ không có “vụ án Tiên Lãng” và không có vở kịch “xử án vụ án Tiên Lãng”. Gia đình Đoàn Văn Vươn sẽ giống bao nhiêu số phận các gia đình Dân oan khác mà không ai biết đến.
Tuy nhiên, câu trả lời không chỉ dừng ở đấy.
Vấn đề “đất đai”, “tranh chấp và khiếu kiện đất đai” là một vấn đề nổi cộm, bức xúc từ nhiều năm qua giữa một bên là chính quyền một bên là người dân, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thừa nhận: “khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”. Hành động chống trả bằng cách “nổ súng” của gia đình Đòan văn Vươn khi bị cưỡng chế “trái Pháp Luật” chỉ là một hành vi điển hình, cụ thể của rất nhiều trường hợp khác. Hành vi “nổ súng”“hình ảnh của giọt nước tràn ly”, là hành vi của người dân trong “bước đường cùng”. Đây là sự phản kháng của một người “có học”, hiểu biết vấn đề, hiểu biết Luật pháp nhưng không được Luật pháp bảo vệ khi bị xâm hại quyền lợi (gia đình Đoàn Văn Vươn đã khiếu kiện vụ việc ở nhiều cấp trong thời gian dài nhưng không được giải quyết và có lúc còn bị “lừa” để bản thân rút đơn khiếu kiện). Vấn đề “tranh chấp, khiếu kiện đất đai” trong cả nước nóng bỏng, bức xúc như Bà Lê Hiền Đức (một công dân chống tham nhũng được giải thưởng của Tổ chức minh bạch thế giới) đã nói: “Người nông dân bây giờ trắng tay… vì người ta không có trình độ chứ còn nếu có trình độ thì người ta sẽ vùng lên”. Trước khi có “tiếng súng” của “người có học” Đoàn Văn Vươn, người nông dân đã phản ứng nỗi bức xúc về đất đai của họ như thế nào? Thực sự họ đã tập hợp nhau có những khi hàng trăm, hàng nghìn người tại “Trụ sở tiếp dân” của Chính Phủ để đưa đơn khiếu kiện. Chính Phủ có biết không? Các đơn khiếu kiện đã được giải quyết đến đâu? Hay đa số các đơn khiếu kiện lại trả về địa phương và rồi đều rơi vào im lặng!!!
Nếu không có tiếng súng của gia đình Đoàn Văn Vươn thì Đảng và Chính quyền trung ương còn “làm ngơ, bỏ mặc vấn đề đất đai” đến khi nào? Mặc dù đã có rất nhiều những khuyến nghị, đề nghị, đề xuất của các chuyên gia, trí thức trong nước và ngòai nước về trao quyền “sở hữu đất đai” cho người dân để kinh tế và xã hội có điều kiện phát triển nhưng Đảng và Nhà nước đã tiếp thu ra sao? (chỉ biết rằng trong các Văn kiện của Đảng vấn coi Đất đai là sở hữu của Nhà nước???!!!).
Nếu không có tiếng súng của gia đình Đoàn Văn Vươn thì biết đến bao giờ sự lộng quyền, cát cứ của chính quyền địa phương mới được phơi bầy ra trước công luận? Và biết khi nào mới phơi bầy những bộ mặt “độc ác” của các “cường hào, ác bá” thời xã hội chủ nghĩa như những bộ mặt Lê Văn Hiền, Lê văn Liêm, Đỗ Hữu Ca,…?
Nếu không có tiếng súng của gia đình Đoàn Văn Vươn thì đến bao giờ công luận trong nước và nước ngòai mới thấu hiểu “nỗi đau khổ” của người nông dân Việt nam thời nay, mới thấu hiểu tình trạng mất Dân chủ trầm trọng đến mức nào trên đất nước này?
Nếu không có tiếng sung của gia đình Đoàn Văn Vươn thì binh lính, sỹ quan quân đội Việt Nam hiện nay làm sao có thể nhận thức được vai trò của Quân Đội là chỉ để gìn giữ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, bảo về người dân chứ không phải là công cụ để đàn áp người dân?
Còn rất nhiều câu trả lời cho câu “Nếu như gia đình Đoàn Văn Vươn không nổ súng”, nhưng còn một câu trả lời không thể nào không nói đến, đó là “Nhờ có tiếng súng của gia đình Đòan Văn Vươn mà tiếng nói của giới báo chí, truyền thông cả “quốc doanh và ngòai quốc doanh” đều cất lên những điều suy nghĩ thật lòng nhất trước một hiện tượng bất công đang trở thành phổ biến trong xã hội”.
Như vậy, vụ nổ súng của gia đình Đoàn Văn Vươn chống lại việc cưỡng chế trái Pháp luật của chính quyền Tiên Lãng là có “công” rất lớn với Dân với Nước chứ nhất quyết không thể là “giết người và chống người thi hành công vụ” như kết luận của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng được. Dù kết thúc của màn hai vở diễn, các cơ quan tư pháp có “khép tội” anh em, chú cháu Đoàn Văn Vươn ở mức độ nào dù ở mức thấp nhất (trừ khi tuyên án vô tội) cũng đều trái với nhân văn, đi ngược lại sự trông mong vào công lý của người dân.
Giang Sơn
Theo: Dân Luận.

Không có nhận xét nào: