Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Phản biện từ bên trong Đảng vẫn khả thi


Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kỷ niệm 82 năm ngày
 thành lập

 
Theo BBC

Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên Ban cố vấn Chính phủ dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC ông tin rằng con đường trí thức phản biện xã hội từ bên trong Đảng Cộng sản, đóng góp phát triển đất nước, vẫn khả thi.
Tham góp ý kiến xung quanh cuộc trao đổi trên BBC từ đầu năm 2012 với chủ đề Trí thức Việt Nam và Đảng lãnh đạo, bàn về cách thức trí thức trong và ngoài nước nên đóng góp cho đất nước trong tình hình hiện nay, Giáo sư Tương Lai nêu quan điểm:

“Nếu ai cũng bỏ nước ra đi, rồi đứng ở bên ngoài nói, để rồi không bị một ràng buộc gì cả, thì đất nước này sẽ thế nào đây?”
“Tôi thì khác, tôi bám trụ tại đây. Tôi vẫn ở trong Đảng này. Tôi vẫn là người của chế độ này. Nhưng tôi muốn góp phần một cách công khai và minh bạch thúc đẩy những bước phát triển để Đảng có thể tự chấn chỉnh, tự, đổi mới.

“Và tôi tin điều đó có thể làm được vì những người nhận thức được, những người yêu nước không ít đâu.”
Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học điểm lại diễn biến của trí thức Việt Nam hậu thuẫn và tham gia các cuộc biểu tình yêu nước và chống Trung Quốc từ hai đầu của đất nước là Sài Gòn và Hà Nội mùa hè năm ngoái, khẳng định đó là hành động ‘không chống đối’ của trí thức:
“Trí thức không chỉ xuống đường mà họ còn ra những tuyên bố, những kiến nghị công khai và những người ký tên vào những tuyên bố, kiến nghị đó là những trí thức tên tuổi, nói lên ai cũng biết.
“Họ là những người tâm huyết, rất yêu nước và gắn bó với chính chế độ mà họ đã bằng máu xương và trí tuệ đã xây dựng nên. Họ không có việc gì để chống đối cả.
“Nhưng họ kiến nghị để nhà nước này sạch sẽ hơn, chế độ này tốt đẹp hơn và không bị lấn sâu vào những âm mưu rất đen tối của Trung Quốc xâm lược.”
‘Khát vọng tự do’
Trả lời câu hỏi liệu trí thức Việt Nam ở trong nước có nên độc lập hoàn toàn khỏi Đảng Cộng sản về các mặt tư tưởng, tài chính, chính trị; cũng như liệu đã tới lúc cần bỏ sự lãnh đạo của Đảng lên tầng lớp trí thức hay chưa, Giáo sư Tương Lai cho hay:
“Về khát vọng tự do và đòi hỏi dân chủ là một điều rất rõ ràng. Đó cũng là tiếng nói chung của những người trí thức có lương tri, những người trí thức biết tự trọng và họ biết cần phải làm gì cho đất nước này.

Nhiều trí thức VN đã lên tiếng qua nhiều kiến nghị gửi nhà nước
“Khi mà họ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng, thì đồng thời họ cũng có những đòi hòi rất rõ là sự lãnh đạo đó phải như thế nào. Nếu không như thế, thì họ không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng được.”
Chuyên gia xã hội học này tin rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một thực tế lịch sử khách quan, nhưng ông cũng thừa nhận rằng tệ “thoái hóa, biến chất” của nhiều cán bộ, đảng viên trong Đảng đang làm cho uy tín của Đảng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông nói: “Vai trò của Đảng Cộng sản trong lịch sử là một sự thực cần phải được thừa nhận. Đồng thời sự thoái hóa, biến chất của không ít cán bộ, đảng viên Cộng sản, đã làm cho uy tín của Đảng mất đi.”
Giáo sư Tương Lai cho biết thêm trí thức Việt Nam vốn chấp nhận sự lãnh đạo cũng Đảng cũng hiểu rất rõ vị trí, điều kiện của mình trong quan hệ với Đảng lãnh đạo.
Ông nhấn mạnh: “Là người trí thức, họ hiểu rất rõ họ đi với Đảng trong điều kiện nào và trong điều kiện nào thì họ không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng.”
‘Không thể ban phát
“Là người trí thức, họ hiểu rất rõ họ đi với Đảng trong điều kiện nào và trong điều kiện nào thì họ không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng.”
GS Tương Lai
Nhà xã hội học cho rằng để trở thành trí thức thực sự, người trí thức phải có một số phẩm chất và đòi hỏi nhất định, mà theo ông, trước hết là các yếu tố bản lĩnh, dám hành động:
“Đã là trí thức thì phải là người có bản lĩnh, người dám hành động theo lý trí và theo trí tuệ mà mình hiểu biết. Không phải là người ăn theo, nói leo.
“Và người trí thức như thế không nhiều, nhưng có, và càng ngày số đó càng nhiều lên. Tôi không bi quan về chỗ này.”
Về một số vấn đề đang được nhiều giới trong nước quan tâm liên quan việc soạn thảo, ban bố, thi hành một số đạo luật giúp thực thi quyền cơ bản của công dân, Giáo sư Tương Lai nêu quan điểm.
“Luật biểu tình ra, nếu có luật đi chăng nữa, thì cũng phải đấu tranh để cho luật ấy đi vào trong cuộc sống. Bởi vì đã có rất nhiều điều đã ghi trong Hiến pháp nhưng có thực hiện được đâu.
“Thực ra mà nói, dân chủ không thể được ban phát từ bên trên, dân chủ phải do đấu tranh mà giành lấy thôi. Điều này đã là thiên kinh địa nghĩa rồi, không chỉ ở Việt Nam.”

Không có nhận xét nào: