Pages

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

TGM Nguyễn Văn Thuận, nguyên nhân 13 năm lưu đầy khổ nhục (I)

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Nguồn ảnh: USCCB Publishing
Đi tìm lại nguyên nhân, cội nguồn 13 năm lưu đầy khổ nhục và can trường của một Tổng giám mục
Lời nói đầu - Sau 30/04/1975, cái cảm nghiệm day dứt nhất đến với tôi là: Thôi, thế là hết. Hết tất cả. Về mặt tôn giáo, tôi có cảm giác là: Chúa đã khước từ! Cơ hội của Chúa không còn nữa!
Nhưng phải đến 21 năm sau, linh mục Chân Tín – người có tên trong danh sách những linh mục đòi thay thế Khâm Sứ Henri Lemaitre và “truất phế” TGM Nguyễn Văn Thuận mới kịp hối hận gián tiếp về những việc đã làm:

Ngày 28/01/1996, Chân Tín viết lại một cách chua cay: “Chúng tôi ngồi yên nhìn cái ngu dốt và một cái sa lầy của một chế độ đang trên đà tan rã.” Và một Nguyễn Văn Trung cay đắng cũng không kém: “Tham gia Cách Mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.”
Người ta đã nhìn thấy khuôn mặt chế độ ngay từ đầu trong việc bắt những thành phần “phản động” và chính sách bách hại tôn giáo xảy ra ngay những ngày đầu “Giải phóng”.
Thật vậy, từ đầu tháng 5/1975 đã nổ ra vụ trục xuất Khâm sứ, trục xuất TGM Phó Nguyễn Văn Thuận.
Nhưng trớ trêu là chính nhờ những cuộc bách hại như thế mà miền Nam mới có những anh hùng và những thánh nhân!
Anh hùng như các sĩ quan quân đội VNCH đã tuẫn tiết, đã nhiều năm tù cải tạo. Anh hùng như các vị hiện nay đang tranh đấu cho nhân quyền và đang ngồi tù trong các trại giam.
Về mặt tôn giáo thì người ta gọi những con người tù đó là những bậc thánh nhân như trường hợp Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, Hồng y Trịnh Như Khuê, thầy Marcel Văn, Lm Nguyễn Văn Vinh, Giám mục Phao lô Lê Đắc Trọng và biết bao nhiêu người có thể chết rũ tù mà không được biết đến.
Trong hơn 10 cuốn sách của TGM Nguyễn Văn Thuận thì tất đều được viết ra sau 13 năm tù. Không có 13 năm tù ấy – mà ông “mất hết, cô đơn,” “tim con tan nát vì phải xa cách giáo dân của con” đau khổ và tủi nhục, vì “họ đã liệt con vào những người gian ác.” (trích Phúc âm Luca, 22,37) đã làm nên cái cao cả của một Nguyễn Văn Thuận. Ông viết, “In the obscurity of faith, in service and in humiliation, the light of hope that changed my vision.”(1)
Xin đọc tiếp đoạn đường thương khó của người tù Nguyễn Văn Thuận:
“Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: “Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!” Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi! Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”(2).
Bài viết này sẽ khơi lại đầy đủ những nguyên nhân và hậu quả 13 năm tù của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.Bài viết được căn cứ vào những tài liệu thuộc loại đầu nguồn và khả tín do giáo sư Nguyễn Văn Trung còn giữ lại. Những tài liệu hiếm có này do linh mục Thanh Lãng trao cho Nguyễn Văn Trung trước khi linh mục Thanh Lãng qua đời.
Thanh Lãng là một nhân chứng quan trọng hàng đầu trong việc trục xuất Hồng y Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn và đưa đến hệ lụy 13 năm tù lưu đầy.
Bài viết cũng còn dựa trên chứng từ của chính quyền cộng sản như quan điểm của ông Nguyễn Hộ, Uỷ ban Quân quản thời bấy giờ cũng như quan điểm của ông Nguyễn Văn Hanh, Mặt trận tổ quốc và chủ tịch Trương Tấn Sang, chủ tịch UBNDTPHCM.
Và cuối cùng là tài liệu sách của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết và được in dịch ra nhiều thứ tiếng. Đồng thời tài liệu đủ loại của người Thiên Chúa giáo phần lớn ở hải ngoại.
Chúng tôi từ đó đi lại những bước đường dẫn đưa đến 13 năm lưu đầy của người con cao quý nhất của giáo hội công giáo VN.
Bài viết sau đây sẽ chỉ tập trung vào diễn biến, những nguyên nhân dẫn đưa đến 13 năm lưu đầy của Hồng y Nguyễn Văn Thuận và những hệ quả của 13 năm tù đầy.
13 năm ấy đứng về mặt con người và trần thế thì đúng là một bi kich, một bất hạnh. Nhưng đứng về mặt tinh thần và giá trị siêu nhiên, TGM Nguyễn Văn Thuận đã biến những đau khổ ấy thành một “của lễ dâng hiến”, đưa con người ông vượt thắng được chính mình, biến những đau khổ thành sức mạnh về niềm tin và hy vọng. Và từ đó, trong bóng tối của lao tù, nơi tưởng rằng chỉ có tuyệt vọng với tiếng khóc than và lời nguyền rủa oán hận, lóe lên sự tha thứ và tình yêu tha nhân, đồng loại.
Chúng tôi xin tự giới hạn và tập trung vào 4 cuốn chính đã được dịch sang tiếng Anh và những bản tiếng Việt. Đó là: Five loaves and two fish. Prayers of hope. Testimony of hope và Road of Hope.(3)
Những ai muốn tra cứu đầy đủ về những sách của TGM. Nguyễn Văn Thuận, xin vào trong Web Dunglac.com
Nguyên nhân, cội rễ
Sự đóng góp của một gia đình bình thường đến vô danh và của môt em bé tên Quang đã khởi đầu làm nên những trang ký này. Quang có bổn phận về xin bố mẹ những tấm giấy lịch xé rời và Quang kín đáo đưa vào trong tù cho người tù Nguyễn Văn Thuận và đến lấy mỗi ngày. Công việc xem ra là thường, nhưng thật ra đã là một hiểm nguy cho gia đình nếu Quang bị bắt quả tang. Nhờ một đứa trẻ, hôm nay chúng ta có dịp đọc được những suy nghiệm của Giám mục Nguyễn Văn Thuận.
Và từng ngày, “những giây phút hiện tại” là quý báu, người tù kiệt xuất ấy chiêm nghiệm, “tĩnh tâm” viết để lại cho đời những trang ký về chiêm nghiệm thần học công giáo, về lý tưởng phục vụ, về con người trong những mối tương quan đẵm thắm tình người yêu thương và tha thứ đồng thời những sứ điệp về niềm tin và niềm hy vọng ông gửi đến trong một tình thế bị biệt giam. Đó là hoàn cảnh tuyệt vọng mở ra ngưỡng cửa của hy vọng.
Những trang ký ấy sau này được đánh máy lại hoàn chỉnh và phổ biến rồi được in thành sách tại hải ngoại.
Chỉ rất tiếc, tôi không có được trong tay một bản viết trên tấm giấy lịch xé rời. Tôi cũng không thấy các sách in ở Hải ngoại làm công việc này. Phần tôi, sẽ thử tìm xem sao.
Theo linh mục Phan Văn Lợi, người đã gửi tài liệu cho tôi thì những tác phẩm của TGM Thuận đã được chính Lm Phan Văn Lợi ngồi đánh máy lại và phổ biến. Lm Phan Văn Lợi, người con tinh thần, nghĩa tử của cố TGM – cũng là một trong hơn 40 linh mục được TGM Nguyễn Văn Thuận truyền chức chui ngay lúc còn bị quản chế với sự tiếp tay của giám mục Phạm Đình Tụng.
Việc truyền chức linh mục chui này ngay lúc còn bị quản chế nghĩ lại thật kỳ diệu. Giáo hội hầm trú là biểu tượng tinh thần và ý chí của Giáo Hội Thiên Chúa giáo VN.
TGM Nguyễn Văn Thuận- một con người – một cuộc đời- một đời tu sĩ- một mảnh đời đi tù – một mảnh đời truyền giáo – một gương mẫu điển hình tại Giáo triều Vatican – đã làm nên lịch sử đời mình đã để lại một tấm gương sáng và làm vẻ vang cho giáo Hội Việt Nam.
Mới đây, tôi lại được nhìn thấy chân dung của ông do một họa sĩ người Úc tên là Paul Newton vẽ theo lời yêu cầu của Hồng y Pell tại Úc.
Bức họa mô tả cảnh người tù kiệt xuất này đang quỳ, hai tay giang ra dâng thánh lễ trong nhà giam.
Ai đã nhìn bức hình đó thì không khỏi bồi hồi xúc động. Nó như thật, nó sống động, nó mô tả từng chi tiết nhỏ nơi giam cầm. Nó hình như không nói gì, nhưng gián tiếp tố cáo một chế độ tàn bạo, bất nhân, tha hóa con người.
Ngược lại bức hình đó cũng làm nên cái cao quý của con người – trong tuyệt vọng vẫn còn hy vọng – trong tối tăm tù đầy vẫn còn ánh sáng của niềm tin tôn giáo. Nó toát ra sự can trường, nhẫn nhục, sự khó nghèo, sự khổ cực đồng thời sự cao cả tâm hồn của người tù nhân.
Nói tóm gọn, tấm hình có giá trị bằng hàng ngàn lời nói như lời chú thích của hai ông Lê Thiên và Lê Tinh Thông khi cho đăng bức họa này trên báo Diễn Đàn Giáo Dân, số 122.
Hiện nay, bức họa được treo trong nguyện đường Domus Australia của Giáo Hội Úc mới được khánh thành tại Rome tháng 10-2011.
Cảm nhận từ bức hình đó, tôi sẽ viết về ông trong tâm tình chia xẻ và cảm mến. Một người mà từ khi được tấn phong hồng y tại Vatican với chức danh là chủ tịch Hội đồng tòa Thánh “Công Lý và Hòa Bình” đã được tiên đoán là một trong 14 vị Hồng y có hy vọng thay thế giáo hoàng Jean-Paul II.(4)
Và khi ông qua đời ngày 16/09/2002 thì đúng năm năm sau, ngày 17/09/2007, giáo hội Thiên Chúa giáo Rôma bắt đầu làm những thủ tục phong chân phước cho ông.
Trong cả bốn cuốn sách của ông, tôi nhận ra một điều quan trọng sau đây: ông không hề có một lời oán hận đến những người đã đầy đọa ông. Ông đã hoán cải cả những người cộng sản vốn là cai tù của ông.
Tôi đánh giá rất cao về việc này. Vì thế xin ghi lại đây chứng từ của một người đáng lẽ phải được coi là kẻ thù của ông – người cộng sản – đã trở thành một người bạn.
Ông đã đảo lộn tất cả vị thế của hai người và sau 6 năm bị biệt giam, ông nhận được thư của người cai tù như sau:
“Anh Thuận thân mến,Tôi đã hứa với anh sẽ cầu nguyện Đức Mẹ La vang cho anh. Mỗi chủ nhật, nếu Trời không mưa lúc nghe chuông La vang, tôi lấy xe đạp vào trước đền thờ Đức Mẹ vì chiến tranh bom đạn đã đánh xập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện như thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa cầu nguyện cho anh Thuận nên tôi đến đây xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”(5).
Chẳng những thế, ông không có đến một chữ nói về những người đồng đạo của ông trong đó có giám mục, linh mục, trí thức đủ loại và cả các tu sĩ, ngay cả chủng sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhất quyết tẩy chay sự có mặt của ông trong vai trò Tổng Giám Mục phó Sài Gòn có quyền kế vị.Chỉ mãi đến sau này một trong những linh mục nằm trong danh sách những người xua đuổi ông ra khỏi thành phố Sài Gòn là linh mục Thanh Lãng – chủ tịch Văn Bút, giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn – trước khi chết đã để lại một tập Bút Ký 39 trang ghi lại đầy đủ sự việc đã xảy ra như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai, v.v.. và một chúc thư dài 13 trang mà nội dung nhằm xám hối và xin tha thứ.
Và phần quan trọng nhất của chúc thư này là Thanh Lãng cúi mình xám hối, nhận phần lỗi và trách nhiệm đồng thời xin Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận rộng lòng tha thứ.
Có thể một phần vì lá chúc thư này mà TGM Nguyễn Văn Thuận đã hoàn toàn giữ im lặng về việc trục xuất ông dẫn đến cảnh lưu đầy 13 năm – với 9 năm biệt giam – Im lặng trong chỗ riêng tư cũng như trong sách của mình.
Phải chăng sự giữ im lặng đó cũng làm nên cái cao cả của con người ông, của một tâm hồn cao thượng để đến lúc ông lìa khỏi cõi đời, Giám mục Giapaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội Đồng tòa thánh Công Lý và Hòa Bình đã tuyên bố với báo chí: Một vị thánh vừa mới ra đi. Chữ thánh tôi hiểu một nghĩa mang tính nhân bản mà không mặc tính siêu nhiên của đạo giáo.
TT. Nguyễn Văn Thiệu vận động với Vatican nhằm đề cử giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục Sài Gòn vào năm 1974
Một số linh mục, trí thức, tu sĩ đã chống đối việc bổ nhiệm TGM Nguyễn Văn Thuận về làm TGM phó với quyền kế vị sau 30/4/1975. Họ đã hiểu lầm việc bổ nhiệm này và nghĩ rằng đây là một “âm mưu chính trị” của khâm sứ hay của Vatican nhằm đưa một Tổng giám mục thuộc một gia đình vốn dĩ nổi tiếng chống cộng sản nhằm đương đầu với “chính quyền cách mạng”.
Nhưng sự thật họ đã để cái lòng nhiệt huyết ấy sai chỗ.
Bởi vì ngay từ năm 1974, TT. Nguyễn Văn Thiệu trong một tình thế hầu như tuyệt vọng về quân sự và chính trị đã có vận động Vatican để bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn trong những toan tính chính trị của ông.(6)
Vào lúc bấy giờ, cao trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh cho thấy tình thế nền đệ nhị cộng hòa đã nguy ngập. Và theo linh mục Thanh, chống tham nhũng là để trong sạch hóa guồng máy chính quyền cũng như nhằm thay thế TT. Nguyễn Văn Thiệu bằng một chính phủ mạnh để đương đầu với cộng sản.(7)
Tiếp theo ngay sau đó là Ngày Ký giả đi ăn mày vào ngày 10-10-1974. Và cuối cùng là Ngày báo chí và công lý thọ nạn, 31-10-1974, với tờ Sóng Thần của chủ bút Uyên Thao phải ra tòa.
Tất cả tình hình chính trị rối như canh hẹ cho thấy chỉ còn hơn nửa năm nữa, miền Nam sẽ rơi vào tay cộng sản.
Ông Thiệu coi như bị thất thế về thế đứng chính trị nên muốn tìm một sự ủng hộ nơi giới công giáo. Phần Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình vốn “xa lánh” dinh Độc Lập nên ông Thiệu mới có cuộc vận động đưa Giám Mục Nguyễn Văn Thuận về làm Tổng Giám Mục Sài Gòn.
Cũng theo Giám mục Phạm Ngọc Chi thì đã có dự định đưa Giám mục Nguyễn Văn Thuận về Sài Gòn ngay từ năm 1974. Nhận xét của Giám mục Chi được củng cố thêm vì sau 1975, người ta tìm thấy một tài liệu mang số NT 1/4-LM10/12 ở bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia với đề mục: Giám Mục Trần Thanh Khâm tiết lộ việc tòa thánh Vatican không chấp nhận cuộc vận động của TT. VNCH đề cử Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục Sài Gòn ngày 10-1-1974.(8)
Hồ sơ cũng cho biết thêm là ông Nguyễn Văn Hiếu, anh của TT Thiệu, đại sứ VNCH tại Ý đã không thành công trong cuộc vận động này vì bị Vatican từ chối.
Theo người viết bài này, có ba lý do cắt nghĩa tại sao Vatican từ chối không cứu xét lời đề cử kể trên.
- Thứ nhất Cuộc vận động đề cử mang tính chính trị đi ra ngoài khuôn khổ, thủ tục rất nghiêm nhặt trong việc tấn phong một giám mục mới của Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Việc đề cử và chọn lựa do một giám mục do chính thẩm quyền giáo hội như Khâm sứ hay Hội đồng giám mục đề cử và đệ trình lên Tòa Thánh với điều kiện tuyệt mật.
- Thứ hai là đường lối của Vatican thông qua Giáo Hoàng Phao lồ Đệ lục là kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, gián tiếp chống lại quan điểm của người Mỹ và chính quyền VNCH. Năm 1968, Giáo Hoàng Phao lồ Đệ lục đã lập ra ngày Quốc tế Hòa Bình. Ngài còn kêu gọi Hòa Bình bằng thương thuyết tại Việt Nam và trung Đông.
Cụ thể hơn, Ngay từ 2/5/1967 khi chiến tranh leo thang đến đỉnh điểm của nó, GH Phaolô VI đã đưa ra đề nghị và giải pháp: “Phải chấm dứt các cuộc oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt và đồng thời cũng phải chấm dứt những cuộc xâm nhập vũ khí và vật liệu chiến tranh vào miền Nam.”(9)
Trong Hội nghị thường niên của các giám mục Việt Nam, nhân dịp này, Giáo Hoàng Phao Lồ đệ lục đã gửi một tâm thư đề ngày 13-2-1965 mà Ngài bầy tỏ như sau đã được đăng trên tờ Xây Dựng: “Tuy xa cách ngàn dậm mà lòng vẫn gần gũi và theo sát những biến cố dồn dập ngày nay đang rung chuyển và gây nên cảnh thịt rơi máu đổ trên mảnh đất Việt Nam.”
Và Ngài hứa tìm cách đưa lại Hòa bình cho Việt Nam.
Ngài viết tiếp, “Ta đã cố gắng dùng đường lối kín đáo để tiếp xúc với nhiều nhân vật đại diện trong các chính phủ, mục đích là thành khẩn xin các vị đó tìm lấy một giải pháp danh dự, nhưng hòa bình cho các vấn đề khó khăn quốc tế đang làm ta lo nghĩ”.(10)
Tóm lại, lập trường của Vatican rất rõ ràng: Cổ võ Hòa bình, chấm dứt chiến tranh, quan hệ tốt với chính quyền miền Bắc và Chính phủ lâm thời miền Nam. Sau 30 tháng tư, yêu cầu các Giám Mục ở lại, hợp tác với chính quyền mới theo chính sách Hòa giải Dân tộc. Trong tinh thần đó, rất nhiều bài báo, truyện ngắn trong các tờ tập san Đất Nước, Hành Trình, Trình Bầy cổ võ cho Hòa Bình, chống chiến tranh và Hòa Hợp Hòa Giải. Lý Chánh Trung, một trong những thành phần trí thức cực đoan viết rằng: Tôi cổ võ cho Hòa Bình vì tôi là người Việt Nam và hơn thế nữa, tôi là một người công giáo.(11)
- Lý do thứ ba là sau khi Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27/2/1973, miền Bắc đã nghĩ ngay đến việc thiết lập một tòa đại sứ của họ tại Ý Đại Lợi tại số 156, đường Bravetta. Tòa đại sứ này chắc hẳn không nhằm lợi thế chính trị đem lại từ nước Ý cho bằng nhận được sự ủng hộ của Vatican.
Và trên thực tế, Giáo Hoàng Phao Lô Đệ lục đã tiếp kiến phái đoàn của MTGPMN Việt Nam.
Sự thất bại của đại sứ Nguyễn Văn Hiếu trong cuộc vận động này là điều không tránh khỏi. Theo linh mục Cao Văn Luận cho biết Hồng y Casaloli, phụ trách ngoại giao của Tòa thánh nhờ linh mục Luận về nước nhắn nhủ lại: yêu cầu các giám mục Việt Nam không di tản, chuẩn bị sống chung và tìm cách hợp tác với chính quyền mới một khi tình thế đã thay đổi.
Và việc bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận sau này thật ra nằm trong tinh thần sống chung và hợp tác với chính quyền mới. Bằng chứng là ở Nhatrang, Giám mục Thuận đã khôn ngoan giao hảo với chính quyền mới và đã được họ cho phép mở lại chủng viện để sinh hoạt bình thường.
Việc mất Phước Long, một lần nữa liên quan đến việc chọn Giám Mục Nguyễn Văn Thuận về làm phó TGM với quyền kế vị
Phước Long là một địa điểm chiến lược như cửa ngõ vào Sài Gòn. Cộng sản đã chiếm được Phước Long vào đầu tháng 1/1975. Việc mất Phước Long mở đường cho cộng sản xâm chiếm Sài Gòn.
Trước tình hình quân sự như vậy, vị khâm sứ tòa thánh đã trao đổi với TGM Nguyễn Văn Bình phải tìm một giám mục phụ tá với một vài tiêu chuẩn sau đây:
- Vị đó không quá già. 5 giám mục sau đây đều đã luống tuổi như các giám mục Ngữ, Quang, Chi, Thiện (Mỹ Tho) và Thiện (Phú Cường).
- Các vị khác còn lại thì quá trẻ.
- Chỉ còn lại giám mục Nguyễn Văn Thuận không già mà cũng không trẻ.
Theo linh mục thư ký tòa Khâm sứ, Lm Trần Ngọc Thụ cho biết rằng việc chọn lựa giám mục Thuận, khâm sứ chỉ bàn với Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và một vài vị khác và hoàn toàn được giữ kín như thông lệ. Ngay cả người được bổ nhiệm là giám mục Thuận cũng không được biết.
Khâm sứ cũng yêu cầu giám mục Huỳnh Văn Nghi, vì hoàn cảnh cấp bách ra nhận Phan Thiết. Điều này cũng làm Giám Mục Nghi buồn lòng vì coi như bị thất sủng. (Thật ra theo quy luật, một giám mục phụ tá không thể làm Phó Tổng Giám mục được). Mặc dầu vậy, Giám mục Nghi cũng đành lòng chấp thuận và đã tuyên thệ ngày 23-3 tại tòa khâm sứ.
Chỉ rất tiếc là thời gian đề cử Giám mục Nguyễn Văn Thuận và lúc được Vatican chấp thuận kéo dài đến 4 tháng. Giả như Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được về làm Tổng giám mục Sài Gòn trước ngày 30/4/1975 vài tháng thì câu chuyện bổ nhiệm trở thành bình thường và sẽ không thể có lý chính đáng gì để gây nên những chống đối như đã xảy ra.
Từ chuyện bổ nhiệm này đưa ra hai giả thuyết:
- Giả dụ Khâm sứ và TGM Nguyễn Văn Bình chọn được một người khác- không phải Giám Mục Thuận – thì có thể có sự chống đối không?
- Giả dụ TGM Thuận về được Sài Gòn trước 30/4 và dĩ nhiên sẽ đứng ký tên chung vào những Thư luân lưu của TGM Bình trong đó có nội dung kêu gọi giáo dân sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới thì có sự phản đối hay không? (Như Thông cáo của Tòa TGM ngày 08.04.1975 hay Tâm Thư của Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đề ngày 05.05.197).
Thời gian nhận được điện tín từ Rome liên quan đến việc bổ nhiệm
Từ lúc mất Phước Long (tháng 1-1975) đến lúc mất miền Nam, thời gian khoảng 4 tháng. Nhưng cho mãi đến ngày 25/4, điện tín từ Rome mới gửi đến Sài Gòn xác nhận việc bổ nhiệm này.
Những chi tiết về ngày tháng này rất quan trọng vì nó là cớ sự gây ra hiểu lầm và nghi kỵ sau này.
Lúc ấy Nha Trang đã rơi vào tay chính quyền cộng sản miền Bắc. Mọi liên lạc với Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đều bị cắt đứt.
Vì thế, mãi đến ngày 7 tháng 5, tòa Giám Mục Sài Gòn mới bắt được liên lạc với giám mục Nguyễn Văn Thuận và yêu cầu ông vào ngay Sài Gòn.
Vào được Sài Gòn, Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được hỏi ý kiến về việc bổ nhiệm này và nếu ưng thuận thì bàn giao chức vụ Giám Mục Nha Trang cho giám mục Nguyễn Văn Hòa.
Ngày 12 tháng 5, tòa TGM chính thức loan báo tin bổ nhiệm TGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM phó với quyền kế vị.
Việc bổ nhiệm này bị hiểu lầm là sau 30/4/1975 nên tạo ra hai dư luận khác nhau:
- Có những giám mục đồng ý với quyết định của Khâm sứ và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình như các giám mục Thiên, Hòa, v.v… Và đa số linh mục, tu sĩ giáo dân như chứng minh sau này. Có những người chống đối như Giám mục Sơn Lâm Đà Lạt và Nghi, Phan Thiết.
- Đặc biệt có nhóm trí thức công giáo được coi là cấp tiến bao gồm ngay cả Giám đốc đại chủng viện, Chưởng ấn tòa Tổng Giám mục và những người như Nguyễn Đình Đầu, Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, linh mục Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín, nhóm Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, v.v…(12)
Vai trò của nhóm cấp tiến
Họ thật sự không có bao nhiêu gồm trên dưới 20 người, không đại diện cho ai và cũng không trực tiếp cai quản các giáo xứ. Nhưng vì họ là thành phần trí thức liên lạc trực tiếp và ảnh hưởng tới những quyết định của Tổng Giám mục về cả hai phạm vi Đạo và Đời. Năm 1962, họ chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo đưa ra những cái nhìn mới về lối SỐNG ĐẠO. Tờ báo cũng gây được nhiều tiếng vang mặc dầu những quan điểm trình bày tỏ ra “cấp tiến” nên bị một số linh mục phản đối.
Sau 1975 thì tiếng nói của họ đâm ra có trọng lượng. Trước đây, họ nói tới “Đối Thoại”, “Thông cảm” và nay họ nói bằng ngôn ngữ tố cáo, dựa vào vị thế chính trị của kẻ chiến thắng. Tiếng nói của họ trở thành tiếng nói áp đảo, ngầm chứa đe dọa đối với những ai không theo họ. Những người không theo họ rơi vào cái thế của đa số thầm lặng như quy luật của các “trò chơi chính trị”.
Tiếng nói ấy qua Thanh Lãng cho rằng không thể chấp nhận TGM phó Nguyễn Văn Thuận đứng đầu giáo phận là vì ông là giám mục “nổi tiếng chống cộng”.
Đó là một sự phản đối hoàn toàn mang tính chính trị.
Thanh Lãng đã kể lại sự việc từ lúc bắt đầu như thế nào trong tài liệu đánh máy 39 trang, ông viết:
“Đã có một buổi họp tại Câu Lạc bộ Phục Hưng vào ngày 8-5-75 gồm chừng 20 linh mục và họ đã soạn thảo thư gửi Khâm sứ, Tổng giám mục Bình và Đức cha Thuận. Danh sách gồm những linh mục sau đây:Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trần Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Huỳnh Văn Huệ, Trần Xuân Lai, Nguyễn Quang Lãm, Đinh Bình Dinh, Trần Thái Hiệp, Nguyễn Thiện Toàn, Hoàng Kim, Nguyễn Văn Hòa, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Hoàng Văn Thiên, Thanh Lãng, Vương Đình Bích.
Ngày 12-5-75, lại có một buổi họp nữa và đã đề cử những người sau đây đi gặp TGM Bình và Giám mục Thuận gồm 8 người trong nhóm, trong đó có Thanh Lãng, Hoàng Kim, Vương Đình Bích, Phan KhắcTừ vv.”
Những thành phần trí thức được coi là hăng hái nhất trong đám này là Trương Bá Cần và Nguyễn Ngọc Lan. Họ đã biến một vấn đề thủ tục bổ nhiệm nội bộ thành một âm mưu chính trị rộng lớn lôi kéo cả giáo hội Thiên Chúa giáo Sài Gòn dính dáng vào – một thứ chính trị liên quan động chạm đến Đường lối chính sách của Đảng.Họ chủ động trong luận điểm tố cáo và kết tội Giám Mục Thuận mà lúc ấy chính quyền mới chưa rõ nội vụ.
Họ “bé xé ra to”, thổi bùng lên và đưa ra những bảng kết tội hoàn toàn không có căn bản pháp lý kéo theo một số người trí thức khác đi theo họ. Đó là những người như Thanh Lãng, Nguyễn Huy Lịch, Chân Tín.(13)
(Còn tiếp)
© DCVOnline

(1) Francis Xavier Nguyen Văn Thuan, Testimony of Hope, trang 79
(2) Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuân, Những chứng nhân hy vọng trong sạch, trang 61
(3) Cuốn five loaves and two fish viết về những gì đã xảy ra trong 13 năm nhà tù cộng sản với góc nhìn tôn giáo và cảm nghiệm siêu nhiên của ông căn cứ vào 5 chiếc bánh và hai con cá. Mỗi Một chiếc bánh và mỗi con cá là mỗi thông điệp của tác giả được gửi đi đến con người.
- Cuốn Prayers of Hope, ông viết từ những mảnh giấy vụn mà người cai tù cho. Ông viết mỗi ngày, từng đoạn riêng rẽ, không theo một thứ tự nào như một chứng từ của hy vọng và yêu thương bằng tiếng Ý để “khỏi quên chữ”. Tất cả cộng lại 90 suy niệm và những lời cầu nguyện của ông.
- Testimony of Hope được coi là một cuốn sách Best seller của ông. Cuốn sách tập trung những bài giảng của ông trong tuần tĩnh Tâm mùa chay cho Giáo Hoàng Jean-Paul II và Hội đồng tòa thánh Vatican nhân dịp năm thánh 2000- năm mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Trong cuốn sách, ông nhắc lại nhiều lần những năm tháng tù đầy của ông và minh chứng rằng trong những lúc đen tối nhất, gần như tuyệt vọng, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào Thiên Chúa – Người của Hy vọng.- The Road of Hope : Đây là cuốn sách viết sớm nhất của ông trong tù vào năm 1976. Cuốn sách như một di chúc tinh thần gửi cho người người công giáo VN. Ông viết từ những tấm giấy lịch và được một cậu thanh niên tên Quang mỗi ngày đến thăm Giám Mục mang về nhà giao cho các anh chị . Các anh chị em của cậu chép lại rồi phổ biến; The Road of Hope tập trung 1.001 những suy nghiệm của ông như một người cha gửi cho con cái mình nhằm củng cố niềm tin nơi những nguời đã mệt mỏi vì tắt nguồn hy vọng. Ông ngừng lại ở 1001 như câu chuyện nghìn lẻ một đêm.”
- The Road of Hope: Đây là cuốn sách viết sớm nhất của ông trong tù vào năm 1976. Cuốn sách như một di chúc tinh thần gửi cho người người công giáo VN. Ông viết từ những tấm giấy lịch và được một cậu thanh niên tên Quang mỗi ngày đến thăm Giám Mục mang về nhà giao cho các anh chị . Các anh chị em của cậu chép lại rồi phổ biến; The Road of Hope tập trung 1.001 những suy nghiệm của ông như một người cha gửi cho con cái mình nhằm củng cố niềm tin nơi những nguời đã mệt mỏi vì tắt nguồn hy vọng. Ông ngừng lại ở 1001 như câu chuyện nghìn lẻ một đêm.”
(4) The Los Angeles Times, “The men who would be Pope”.
Francois Xavier Nguyen Van Thuan, 73, president of the Pontifical Council for Justice and Peace. Arrested in his native Vietnam after the 1975 Communist takeover of the south, he spent 13 years in prison camps and later wrote spiritual books on his suffering. As pope, his message would be similar–the value of the gospel for a godless world.
(http://articles.latimes.com/2001/feb/21/news/mn-28257), 21/02/2001.
(5) Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc bánh và hai con cá, trang 43.
(6) Trong sách Tâm tư TT. Nguyễn Văn Thiệu, ông Nguyễn Tiến Hưng cũng đã viết: “Cho nên, sau cùng thì ông Thiệu cũng như nhiều người trong chúng ta: khi ở vào những tình huống éo le, tuyệt vọng thì chỉ còn cách là đến với Thiên Chúa, đến với Trời , Phật.” Đôi khi tôi có cảm tưởng như chẳng còn có thể làm gì hơn được nữa ngoài việc cầu xin Chúa,” Ông Thiệu tâm sự với nữ ký giả Oriana Fallaci. trang 521
(7) Phong trào Nhân dân chống tham nhũng khởi đầu bằng cuộc Họp báo ở Tân Sa Châu ngày 18-6-1974.
(8) Nguyễn văn Trung, Hồ sơ về Hội đồng Giám Mục Việt Nam, tài liệu photocopy, không phổ biến, trang 308.
(9) Trần Ngọc Báu, 30 mươi năm công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1975-2005, bài “Ba mươi năm sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, trang 49.
(10) Nguyễn Ngọc Lan, Những kẻ sợ Hòa Bình, Hành Trình số 5, tháng hai, 1965, trang 55-60.
(11) Lý Chánh Trung, Đối diện với chiến tranh, NXB Trẻ 2000.
(12) Sau 1975, trước tình hình mới, TGM Nguyễn Văn Bình thành lập một nhóm cố vấn bao gồm một số linh mục và giáo dân như: Nguyễn Đình Đầu, các linh Mục Huỳnh Công Minh và Phan Khắc Từ(nhóm báo Công giáo và dân tộc), linh mục Chân Tín và Nguyễn Huy Lịch (nhóm Canh Tân và Hoà Giải) và linh mục Mai Xuân Hậu. Nhóm này còn có tên nhóm là “Thứ hai” vì họ thường họp vào mỗi buổi sáng ngày thứ hai.
Phần TGM Nguyễn Văn Bình được coi là một người hiền lành, đạo đức, nhưng “ba phải”, dễ ngả nghiêng theo những thúc bách và “cố vấn” của đám người trên.
Trong đám ấy, bên cạnh Thanh Lãng tự xám hối trước khi chết. Còn có ông Nguyễn Văn Chín, đại diên Phong trào Công giáo – Dân Tộc cũng bày tỏ sự hối hận. Ngoài ra còn có sự thay đổi lập trường, trước theo bây giờ chống, là Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín.
Họ theo như thế nào thì nay chống như thế nấy.
Trong vụ Giám Mục Nguyễn Văn Thuận thì nay linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan họp tại dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn hồi tháng 8-1989-nghĩa là 14 năm sau- gửi hai thư- một cho TGM SàiGòn, một cho HĐGMVN yêu cầu can thiệp đưa Tổng Giám Mục phó Nguyễn Văn Thuận về Sài Gon và kết án sự có mặt của Huỳnh Công Minh ở Tổng giáo phận Sài Gòn.
(13) Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan có mối liên hệ cùng dòng tu, cùng chung làm báo Đối Diện rồi đổi ra Đứng Dậy, cùng lập trường chính trị- lúc theo MTGPMN thì cùng theo, lúc quay lại chống thì cùng chống, sống chết có nhau . Họ còn coi nhau như cha-con. Sau này viết thư cho con gái là Chi Lan, Nguyễn Ngọc Lan gọi Chân Tín là ông nội. Nhưng liện hệ dồng chí là quan trọng nhất. Vì cả hai trước 1975 cùng làm báo Đối Diện (Theo nghĩa tinh thần phản kháng đối với chính quyền VNCH), sau 30-4- 197, Đối Diện đổi ra là Đứng Dậy (tinh thần hợp tác với chính quyền mới).
Nhưng sau chuyến đi tham quan miền Bắc cùng với 25 nhân sĩ miền Nam, Nguyễn Ngọc Lan về viết bài nhan đề: Hà Nội tôi thế đấy. Nghĩa là vẫn nghèo nàn cũ kỹ, không thay đổi. Có kẻ xấu miệng dèm pha nói chỉ cần thêm một dấu huyền vào chữ Tôi, nó sẽ biến thành: Hà Nội tồi thế đấy!
Sau đó, Nguyễn Ngọc Lan bị thất sủng và một ngày đẹp trời Huỳnh Công Minh đến cho hay: Đứng Dậy đã làm xong nhiệm vụ và Đảng đề nghị Nguyễn Ngọc Lan làm chủ bút một tờ báo “bánh vẽ”- tờ Thần Học.
Vốn sòng phẳng và trung thực, Nguyễn Ngọc Lan không thích ăn bánh vẽ kiểu Chế Lan Viên. Báo Đứng Dậy nay trở thành tờ báo “Ngồi Xuống”. Nguyễn Ngọc Lan biến thành kẻ chống đối lại chính quyền mới cùng với Chân Tín.
Nguyễn Văn Lục
© DCVOnline

Không có nhận xét nào: