Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Ý thức hệ chính trị nào cho Việt Nam?

Dương Hữu Canh (Hà Nội)

“Địa thế của Việt Nam nằm ngay điểm giao cắt của đông và tây cả về phương diện địa lý (vật thể) lẫn văn hóa (phi vật thể). Một điểm giao cắt như vậy nếu không trở thành nơi giao thoa văn hóa và kinh tế của toàn cầu thì sẽ bị biến thành một điểm nóng của xung đột chính trị và quân sự. “
Đã có nhiều tranh cãi gay gắt về đề tài Việt Nam cần chọn ý thức hệ chính trị nào để có thể phát triển. Những cuộc tranh luận này vẫn đang và sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ cho dù chính quyền hiện tại đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đất nước từ mấy chục năm nay.
Lịch sử của đất nước đến trước 1954 không ghi nhận một sự xung đột ý thức hệ chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào đáng kể. Đến sau hiệp định Geneve 1954, giành lại độc lập từ tay thực dân Pháp thì đất nước ta lần đầu tiên mới bước vào một cuộc xung đột ý thức hệ trầm trọng, dẫn đến cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm sau đó với chiến thắng quân sự thuộc về ý thức hệ cộng sản. Đây là cuộc chiến gây tổn thất nặng nề nhất cho dân tộc Việt Nam so với suốt chiều dài lịch sử.
Giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài cả trăm năm cũng gây nhiều tổn thất nhưng nó lại tạo ra được sự mở mang bờ cõi rộng lớn nhất mà hơn 600 năm thời phong kiến tự chủ trước đó không làm được. Có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng không ai có thể phản bác được rằng hai miền Nam – Bắc đã đứng về hai ý thức hệ chính trị xung đột quyết liệt trên toàn cầu lúc đó – tư bản và cộng sản. Kết cục của cuộc xung đột này ở Việt Nam đã không được quyết định bằng lá phiếu của đa số dân chúng mà bằng vũ lực. Cuộc chiến này đã được duy trì và kéo dài nhờ trợ lực của ngoại bang và chỉ chấm dứt khi một phe ngừng viện trợ. Nhưng hơn 10 năm sau đó người ta mới nhận ra rằng con đường chiến thắng đang dẫn đến bế tắc, nền kinh tế thị trường được chấp nhận vào lúc tổ quốc đã tụt hậu gần 50 năm so với các nước cùng hoàn cảnh.
Kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ, nó là một quy luật vận động khách quan của con người khi sống thành xã hội. Nó không phải do chủ nghĩa tư bản sáng tạo ra. Chủ nghĩa tư bản chỉ phát hiện ra và vận dụng nó một cách tôn trọng và sáng tạo theo từng giai đoạn phù hợp với trình độ phát triển của loài người. Kinh tế thị trường là một khoa học thực chứng, nó tồn tại mặc nhiên như quy luật vạn vật hấp dẫn hay bất kỳ quy luật nào khác của khoa học tự nhiên. Nhưng vì là khoa học xã hội liên quan đến sự vận động không ngừng của con người nên việc thực chứng đã phải mất rất nhiều thời gian để thực nghiệm và kiểm chứng trong thực tế. Không giống như các quy luật được phát hiện trong phòng thí nghiệm của các môn khoa học tự nhiên, loài người đã phải trải qua một thời gian dài và phải trả giá để hiểu sâu sắc kinh tế thị trường như ngày hôm nay.


Chấp nhận quy luật kinh tế thị trường nghĩa là phải công nhận quyền tư hữu và đảm bảo cho mọi cá nhân có thể mưu cầu lợi ích riêng của mình trong một không gian tự do cạnh tranh, để từ đó xã hội có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Trên phương diện khoa học, kinh tế thị trường là môn kinh tế học thực chứng nhằm nghiên cứu để hiểu rõ các quy luật vận hành kinh tế của con người. Nó cho biết những kết quả khách quan sẽ được tạo ra từ những yếu tố tác động chủ quan của con người trong các hoạt động kinh tế. Nhà nước cần hiểu rõ các quy luật ấy để tạo ra những luật lệ điều chỉnh hành vi chủ quan của con người nhằm hướng toàn xã hội đạt được những kết quả mong muốn một cách khách quan theo quy luật. Phần này chính là công việc của môn kinh tế học chuẩn tắc nhằm nghiên cứu để tạo ra các nguyên tắc chuẩn mực được luật hóa giúp định hướng các hành động của con người thông qua động lực của lợi ích chính đáng. Kinh tế chuẩn tắc không phải là quy luật mà là sự ứng dụng quy luật. Không phải là quy luật vì nó không bao giờ cho ra những kết quả luôn đúng hay luôn sai, có thể “đúng” cho một nhóm lợi ích này nhưng lại là “sai” đối với các nhóm khác.
Muốn một xã hội phát triển ổn định thì quyền lợi của đa số dân chúng phải được ưu tiên và đảm bảo.
Con người cũng đã thử nghiệm rất nhiều các mô hình nhà nước khác nhau để giải quyết vấn đề này. Cuối cùng thì người ta phải công nhận rằng cho dù đi theo hình thái nhà nước nào đều phải tôn trọng dân chủ vì chỉ có dân chủ mới tạo ra được một thiết chế chính trị đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân – nền tảng ổn định của xã hội. Ai muốn cầm quyền thì phải đề ra được những chính sách được nhiều người dân ủng hộ nhất, và dân chúng có thể dễ dàng hạ bệ chính quyền nào đi ngược lại quyền lợi của đa số hoặc không giữ đúng lời hứa trước khi lên nắm quyền. Đó chính là sự kết hợp tối ưu giữa vận dụng quy luật khách quan và tôn trọng quyền căn bản và thiêng liêng của con người để tạo ra một xã hội thịnh vượng bền vững. Đó cũng chính là quy luật phát triển tất yếu.
Trong một thiết chế chính trị độc đảng nhưng áp dụng kinh tế thị trường thì sự phát triển chỉ có được nhờ may mắn xuất hiện các lãnh đạo sáng suốt vì quyền lợi của đa số dân chúng, như trường hợp của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc*. Điều may mắn không phải lúc nào cũng đến nên một xã hội vận hành chỉ dựa vào sự may mắn thì chắn chắn sẽ bất ổn. Không ai có thể sáng suốt trong một thời gian dài, nhất là khi người ta cảm thấy mình luôn có công nhưng không có cái gương để soi rọi lại mình.
Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường nhưng gắn thêm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này dẫn đến việc cố gắng dùng lý thuyết của Marx để giải thích cho sự vận động của cái quy luật mà lúc sinh thời chính ông đã bác bỏ và phê phán. Marx là một thiên tài về phân tích hiện trạng và dự báo nhưng ông đã tỏ ra sai lầm nghiêm trọng trong việc đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề. Thực nghiệm đã cho thấy những lý thuyết kinh tế, xã hội và chính trị của Marx đề ra đã được kiểm chứng là không phù hợp và thất bại trong gần 150 năm thực chứng từ lúc ra đời. Sai lầm đó xuất phát từ chỗ ông đã áp đặt những ý muốn chủ quan và nôn nóng để thay thế quy luật khách quan tự nhiên. Do xuất phát từ ý nguyện tốt cộng với cách nhìn nhận vấn đề một cách cực đoan nên ông đã làm cho những người áp dụng học thuyết của mình tưởng rằng có thể sáng tạo, phát minh ra các quy luật chủ quan để thay thế tự nhiên và sự vận động khách quan của vũ trụ. Nhưng con người không thể là bồ tát hay thiên thần để đạt đến cõi niết bàn hay thiên đàng trên cuộc sống trần gian thực tại này
Việc gắn thêm định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường được giải thích bằng những ý niệm tốt đẹp trên lý thuyết với mong muốn sẽ tạo ra những chuẩn tắc vĩ mô công bằng hơn cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhưng trên thực tế định hướng này được thực hiện bằng việc xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh tạo nên bất công cho thành phần kinh tế tư nhân, không công nhận chính thức quyền tư hữu. Đó chính là sự áp dụng không đầy đủ những nguyên tắc căn bản của quy luật kinh tế thị trường. Sự phát triển méo mó dẫn đến sự bất ổn xã hội Việt Nam như hiện nay chính là kết quả của việc không tôn trọng quy luật khi áp dụng. Con người không thể sáng tạo ra quy luật, con người chỉ có thể phát hiện ra quy luật, tôn trọng và áp dụng các quy luật đó một cách sáng tạo để đạt được những thành tựu tốt đẹp phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của nhân loại. Đã là quy luật khách quan của tự nhiên thì nó luôn tồn tại bất chấp thời gian và không gian, nó vượt lên trên mọi sáng tạo của con người. Người ta không thể chế tạo ra một chiếc máy bay phản lực an toàn nếu không hiểu rõ và tôn trọng tuyệt đối những nguyên tắc căn bản của các định luật phản lực, khí động học, v.v… Năng lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người là rất lớn nhưng nó có giới hạn. Giới hạn đó chính là những quy luật vận động khách quan của vũ trụ, của trời đất.
Nói cách khác, ý thức hệ chỉ là nhân sinh quan, là sản phẩm trí tuệ của con người. Nó chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu được xây dựng trên sự hiểu biết những quy luật vận động khách quan của vạn vật, hay còn gọi là vũ trụ quan, là sản phẩm của tạo hóa. Người ta có thể sở hữu ý thức hệ hoặc các phát minh sáng chế nhưng không ai có quyền sở hữu những quy luật của trời đất do tạo hóa ban tặng.
Nhân loại thường phải trải nghiệm dài, thậm chí phải trả giá đắt để phát hiện ra và hiểu được những quy luật khách quan. Những quốc gia như Việt Nam không nên theo đuổi những gì chưa được thực chứng đầy đủ để đặt cả dân tộc vào một cuộc thử nghiệm mạo hiểm mà sự thất bại của nó có thể dẫn đến diệt vong. Đừng vội trả lời và lựa chọn ý thức hệ chính trị nào vì điều đó sẽ luôn dẫn đến những sai lầm duy ý chí do chủ quan của một thiểu số nhỏ. Dân tộc Việt Nam cần sáng suốt nhìn nhận và áp dụng những quy luật khách quan đã được thực chứng và hiểu biết thấu đáo; tôn trọng những quyền căn bản và thiêng liêng của con người trong việc tự do mưu cầu lợi ích tinh thần và vật chất chính đáng để tạo một không gian vận hành hợp quy luật phát triển cho toàn xã hội.
Ý thức hệ chính trị của dân tộc Lạc Hồng sẽ được hình thành và hoàn thiện qua từng năm tháng một cách tự nhiên dựa trên sự vận động khách quan theo quy luật. Không ai có thể mô tả và đủ tư cách để công bố “hình hài” của cái ý thức hệ đó sẽ như thế nào. Nó chỉ có thể được định hình bởi ý muốn của đa số dân chúng thông qua lá phiếu của mình lựa chọn những thành phần tinh hoa của dân tộc để dẫn đắt đất nước vận hành theo đúng quy luật. Đúng quy luật thì ắt sẽ phát triển và phát triển bền vững.
Khi một dân tộc đã chọn con đường phát triển theo quy luật của tạo hóa thì dân tộc đó sẽ tìm thấy thế mạnh và phát huy được tối đa sức mạnh đó dựa trên những đặc tính và lợi thế mà thiên nhiên – trời đất đã ban tặng cho họ. Một ý thức hệ được hình thành theo con đường như vậy chắc chắn sẽ mang đậm bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc tính dân tộc và gìn giữ được những gì thiên nhiên ban tặng cho dân tộc đó.
Địa thế của Việt Nam nằm ngay điểm giao cắt của đông và tây cả về phương diện địa lý (vật thể) lẫn văn hóa (phi vật thể). Một điểm giao cắt như vậy nếu không trở thành nơi giao thoa văn hóa và kinh tế của toàn cầu thì sẽ bị biến thành một điểm nóng của xung đột chính trị và quân sự. Bản tính trời cho dân tộc Việt Nam là ôn hòa và thân thiện, không thích suy tư tranh cãi về triết học hay các lý thuyết chính trị. Cả ngàn năm nay dân tộc ta không sáng tạo hay phát triển nên bất kỳ một trường phái triết học, chủ thuyết chính trị riêng nào cho dù chỉ số thông minh được đánh giá rất cao. Đó là một món quà quí giá mà tạo hóa ban tặng để dân tộc này có thể biến mình trở thành một nơi giao thoa văn hóa, kinh tế với bất kỳ nền văn minh nào trên thế giới mà không tạo ra những mâu thuẫn và xung đột về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Sự giao thoa ấy chắc chắn sẽ tạo nên những thành tựu kinh tế và văn hóa mới không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho cả thế giới.
Theo: TC Phía Trước số 12.

Không có nhận xét nào: