Hiện giờ các ngư dân và tàu cá đang ‘trên đường trở về nhà’, một quan chức cho hay.
Các tàu cá này bị bắt giữ hôm 8/5 trên vùng biển Hoàng Hải nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Các ngư dân này hiện ‘đang trong tình trạng sức khỏe tốt với đầy đủ thực phẩm và chăm sóc y tế’, ông Giang Nha Tiên, một quan chức của Sứ quán Trung Quốc ở Bình Nhưỡng, nói với Tân Hoa Xã.
Trước đó truyền thông Trung Quốc cho hay những kẻ bắt giữ tàu cá đòi phải trả tiền chuộc mới trả người và tàu. Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa Xã không nhắc đến việc chính phủ Trung Quốc có trả tiền chuộc hay không.
Hiện vẫn chưa rõ ba tàu cá này bị bắt giữ bởi chính quyền Bắc Hàn hay ‘những kẻ bắt cóc’ đến từ nước này như một số bản tin đã đưa.
Các chủ tàu được dẫn lời cho biết các ngư dân này đang đánh bắt ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc khi sự việc xảy ra.
Một trong các chủ tàu có tên là Trương Đức Dương nói với báo Beijing News rằng phía Bắc Hàn lúc đầu đòi số tiền chuộc lên đến 1,2 triệu nhân dân tệ, tương đương với 190.000 đô la Mỹ, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 900.000 tệ.
Theo lời ông Trương thì trong số những người bắt giữ tàu cá có cả người Bắc Hàn và người Trung Quốc, tờ Hoàn cầu thời báo tường thuật hồi tuần trước.
“Họ có súng. Không ai kháng cự cả. Các ngư dân bị nhốt trong một căn phòng nhỏ mà không có thức ăn gì cả,” báo này dẫn lời ông Trương cho biết.
Theo Tân Hoa Xã, Đại sứ Trung Quốc ở Bình Nhưỡng Lưu Hồng Tài và các nhà ngoại giao khác đã làm việc với giới chức Bắc Hàn để họ thả các ngư dân bằng cách ‘đàm phán và tiếp xúc chặt chẽ’.
'Bắc Hàn vô ơn'
Vụ ba tàu cá Trung Quốc bị phía Bắc Hàn bắt giữ đã làm bùng phát sự giận dữ trong cộng đồng mạng của Trung Quốc.Trong những năm gần đây, các ngư dân Trung Quốc thường xuyên đụng độ với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Tuy nhiên, đối với các công dân mạng Trung Quốc thì vụ việc gần đây xảy ra với phía Bắc Hàn đặc biệt gây phẫn nộ bởi vì quốc gia này vốn dựa rất nhiều vào viện trợ và sự bảo vệ của Trung Quốc.
Chỉ riêng trên mạng xã hội Weibo, diễn đàn của các blogger Trung Quốc tương tự với Twitter, đã có hơn 1,3 triệu lời bình luận về vụ việc được đưa lên.
Phần lớn những bình luận này đã lên án Bắc Hàn về ‘sự vô ơn’ và cáo buộc chính quyền Trung Quốc là ‘nhu nhược’.
Nhiều người Trung Quốc đã nhắc đến sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên trong những năm 1951 – 1953 vốn giúp Kim Nhật Thành duy trì chế độ cộng sản của mình.
“Trung Quốc đã giúp đỡ Bắc Hàn kháng chiến chống lại quân Mỹ. Làm sao họ có thể vô ơn như thế?,” một blogger lên tiếng.
“Lẽ ra chúng ta nên giúp đỡ người Mỹ thì hơn,” một người khác nói.
'Trung Quốc nhu nhược'
Một số người đã đặt vấn đề về chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Hàn.“Trung Quốc phải bảo vệ một chính quyền bất hảo ở Bắc Hàn đến bao lâu nữa?” một lời bình luận khác viết.
Những giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cứng rắn vốn thường xuyên nhằm vào Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực giờ đây chuyển hướng sang Bình Nhưỡng.
“Đừng buộc Trung Quốc phải tấn công các người và xóa sổ các người vĩnh viễn khỏi bản đồ,” một công dân mạng giận dữ nói.
Một số người cũng quay sang chỉ trích Chính phủ Trung Quốc.
“Rõ ràng họ đang ức hiếp chúng ta chỉ vì chính phủ chúng ta bất lực,” trích một ý kiến.
Hôm thứ Năm ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết nước ông đang ‘liên hệ chặt chẽ với giới chức Bắc Hàn’ về vụ việc.
Tuy nhiên, đối với một số blogger Trung Quốc thì đây là bằng chứng về thái độ ‘nhu nhược’ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
“Chỉ liên lạc với chính quyền Bắc Hàn bất hảo thôi sao? Không thương lượng? Không gây sức ép? Thật khôi hài,” một blogger viết.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Bắc Hàn là ông Lưu Hồng Tài đã đến thăm một nông trại ở Bình Nhưỡng hôm 17/5 để giúp các nông dân ở đây trồng lúa để ‘thể hiện các tình cảm hữu nghị của nhân dân Trung Quốc’.
Cộng đồng mạng cũng bày tỏ sự tức giận đối với hành động trên của Đại sứ Lưu.
“Ngư dân Trung Quốc thì bị bắt cóc còn Đại sứ Lưu lại đi giúp những kẻ bắt cóc trồng lúa,” một người chỉ trích.
“Tôi chưa từng thấy một nhà ngoại giao nào rẻ tiền như thế,” một người khác viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét