Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chuyện Trần Quang Thành: Sai lầm từ phía Mỹ?





Nguyễn Văn Khanh - “Rõ là phía Hoa Kỳ ngây thơ,” một cựu viên chức cao cấp của chính phủ George W. Bush vừa lắc đầu vừa nói. “Bất kể cuộc đàm phán được thực hiện ở cấp nào, những người đó đã mắc bẫy Trung Quốc khi tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ đúng lời cam kết để yên cho một nhà tranh đấu từng bị ngồi tù.”

Chỉ trích quá nặng đó được đưa ra liên quan đến câu chuyện của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành, nhân vật đang liên tục xuất hiện ngay trên trang nhất của báo chí thế giới. Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này là người kêu gọi dân chúng Hoa Lục cùng ông nộp đơn kiện chính phủ về tội bắt buộc phụ nữ phải phá thai hay giải phẫu tuyệt đường sinh sản chỉ vì họ đã có một con và theo quy định của nhà nước Bắc Kinh “mỗi gia đình chỉ được quyền có một đứa con”.



Nhà tranh đấu Trần Quang Thành (ngồi xe lăn) được Ðại Sứ Mỹ Gary Locke (phải) nắm tay đưa vào bệnh viện. (Hình: AP Photo/US Embassy Beijing Press Office, HO)

Việc làm hoàn toàn đúng về mặt nhân đạo này dẫn đến kết quả ông bị chính quyền bắt giam, phải ngồi tù 4 năm về tội “gây rối loạn giao thông” và sau khi mãn hạn tù còn bị quản chế. Mãi đến cuối tuần rồi, qua sự giúp đỡ của nhiều người, ông mới trốn thoát khỏi nhà ở Sơn Ðông để vượt chặng đường gần 700 cây số lên Bắc Kinh xin tá túc ở Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Sáu ngày sau đó, ông rời khỏi tòa đại sứ Mỹ sau khi Bắc Kinh hứa rất nhiều điều: Không hành hạ cá nhân ông cũng như những người thân của ông, lại còn cam kết sẽ giúp ông ghi danh vào một trường đại học để đi học tiếp, vợ con ông được đưa lên Bắc Kinh đoàn tụ gia đình, và việc đầu tiên là phải đưa ông vào bệnh viện chữa trị vì trên đường chạy trốn ông bị thương ở chân.

Những lời hứa của “bà tiên dịu hiền” khiến ông an tâm, và các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhõm khi giải quyết xong một chuyện gai góc, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tin tức từ Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết trên chuyến xe chở ông Trần từ tòa đại sứ đến nhà thương có cả đại sứ Mỹ, ông Gary Locke, ngồi ngay bên cạnh và tấm ảnh được phổ biến trên mặt báo cho thấy hai nhân viên nhà nước ăn mặc rất lịch sự, niềm nở vỗ tay chào mừng ông ở phòng tiếp tân. Trong tấm hình đó, người Mỹ đứng đằng sau là phụ tá ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell, nhân vật mới vài ngày trước đó được Tòa Bạch Ốc chỉ thị phải cấp tốc bay sang Bắc Kinh để dàn xếp vấn đề đầy tế nhị về mặt ngoại giao trước khi cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế hàng năm giữa hai quốc gia bắt đầu.

Ðiều không chỉ cá nhân ông Trần Quang Thành mà ngay chính các viên chức ngoại giao Mỹ cũng chẳng ngờ là chuyện không giản dị như thế. Ngay sau khi các viên chức Mỹ rời khỏi nhà thương, ông Trần bắt đầu thấy không khí trở nên nặng nề, tới độ ông phải than với đài truyền hình số 4 của Anh rằng: “Tôi không hiểu tại sao các nhân viên sứ quán Mỹ đi đâu cả rồi. Họ hứa ở đây với tôi mà.” Sợ hãi này tăng lên sau khi ông nghe bà vợ kể lại những chuyện hãi hùng xảy ra sau ngày ông trốn ra khỏi nhà: Tất cả những ai giúp ông bỏ trốn đều bị bắt, vợ ông bị công an trói chặt vào ghế 2 ngày trời, liên tục bị dọa “tụi tao sẽ dùng dùi cui đánh cho mày chết”.

Những điều sự thật đầy phũ phàng đó khiến ông Trần Quang Thành biết chỉ còn con đường duy nhất: “Muốn sống thì phải rời khỏi Trung Quốc và đi càng sớm càng tốt,” kể cả yêu cầu “được đi chung chuyến bay với Ngoại Trưởng Hillary Clinton ra khỏi Bắc Kinh” như ông Trần nói với người bạn thân là ông Bob Fu và được ông này kể lại với các ký giả có mặt trong cuộc họp báo tổ chức trưa hôm Thứ Năm tại Herritage Foundation ở Washington, D.C. Ông Bob Fu hiện đang là chủ tịch Tổ Chức Hỗ Trợ Nhân Quyền Trung Quốc (ChinaAid) trụ sở đặt tại Texas.

“Họ đã sai khi tin tưởng vào một lời hứa không có thẩm quyền,” nhà nghiên cứu chuyên về Á Châu Nicholas Bequelin của Human Rights Watch nói. Ông là người đầu tiên lên tiếng giải thích nhưng điểm sai lầm của phía Hoa Kỳ trong cuộc điều đình với Trung Quốc về “vấn đề Trần Quang Thành”. Ông Bequelin nói tiếp: “Phía Washington cứ nghĩ đây là chuyện giữa hai chính phủ, quên hẳn vai trò của đảng Cộng Sản ở Hoa Lục. Ở một nước chủ trương và có hẳn một hệ thống chuyên đàn áp những người bất đồng chính kiến thì chỉ có các nhà lãnh đạo đảng mới có quyền hứa không hành hạ người dân, không viên chức chính phủ nào được quyền hứa điều đó.”

Ðiều ông Nicholas Bequelin đưa ra buộc mọi người phải nhìn lại những gì đã xảy ra trong thời gian 6 ngày ông Trần Quang Thanh chạy vào tá túc trong Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tin từ Washington, D.C., cho hay phía Mỹ làm đúng quy định khi thông báo ngay tin này cho Trung Quốc biết, và hai bên đồng ý “giải quyết vấn đề theo đường lối ngoại giao,” kể cả “không nói gì với báo chí cho đến khi chuyện được giải quyết xong”.

Thỏa thuận được đặt ra và thực hiện nghiêm túc cho đến giới truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin ông Trần Quang Thành đã trốn được vào Tòa Ðại Sứ Mỹ, sau đó lại cho phổ biến trên Youtube cuốn video yêu cầu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo chỉ thị cho công an ngưng ngay các hành động trấn áp, đánh đập gia đình ông, cho ông sống yên ổn để tiếp tục tranh đấu cho công bằng xã hội. Lo sợ chuyện bùng nổ lớn hơn trong lúc cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế rất quan trọng lại quá gần kề, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc quyết định đưa ông Kurt Campbell sang Bắc Kinh, hy vọng mối quan hệ sẵn có giữa ông này với ông thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải sẽ giúp đôi bên dễ dàng làm việc hơn.

Quan hệ có sẵn giúp làm việc dễ dàng hơn thì đúng, bằng chứng là hai bên đã đi đến thỏa thuận, nhưng phía Hoa Kỳ quên “Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là một trong những bộ yếu nhất của chính phủ,” ông Bequelin nói tiếp. Dẫn chứng được ông đưa ra: Ngay cả Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì của Hoa Lục tưởng là oai nhưng sự thật không đúng như thế. “Ông ta không nằm trong chính trị bộ, cũng không phải là một trong chín người đứng trong ban thường vụ.” Chính vì thế, “coi trọng những lời hứa của Bắc Kinh trong vụ ông Trần Quang Thành là điều hoàn toàn sai” vì đó “chỉ là lời hứa giữa các viên chức chính phủ với nhau, bên Mỹ thì quan chức chính phủ có quyền, bên Trung Quốc mọi quyết định đều nằm trong tay đảng, không ai quyền hành bằng đảng.”

Nhận xét cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ bị lừa có thể bị trách cứ là “nặng,” nhưng dường như không sai.

Không ít những viên chức Hoa Kỳ từng nắm giữ những vai trò quan trọng trong chính quyền Mỹ nói rằng họ “rất nản” khi làm việc với Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vì “những viên chức của bộ này không thật sự có quyền quyết định điều gì cả, phần lớn những gì họ hứa chỉ là lời hứa suông mang tính ngoại giao chứ không phải là điều họ sẽ làm, nhất là trong lãnh vực liên quan đến mọi góc cạnh của vấn đề nhân quyền.”

“Chán nản” này được thể hiện bằng nhiều dẫn chứng khác nhau, trong đó bao gồm cả chồng tài liệu bị WikiLeak công bố cách đây hơn một năm. Trong số những công điện ngoại giao bị tiết lộ, có một số công điện liên quan đến chuyện ông Trần Quang Thành mà Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh gửi về báo cáo với Washington, D.C.

Một trong những công điện này được gửi hồi Tháng Tư, 2006, cho thấy đích thân Phó Ðại Sứ Mỹ David Sedney nêu trường hợp “nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành đang bị quản thúc” và vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “bãi đảm không hề có chuyện đó” (lúc đó ông Trần đã bị quản thúc và 2 tháng sau ông chính thức bị truy tố). Công điện còn viết rằng khi chuyện ông Trần bị quản thúc được Hoa Kỳ nhắc lại với một thứ trưởng ngoại giao, chính viên chức Trung Quốc này “còn tỏ vẻ ngạc nhiên,” bảo rằng ông “tưởng là ông Trần đã được trả tự do rồi cơ mà,” đồng thời còn hứa “sẽ tìm hiểu xem sao”.

Nhưng cũng có người lên tiếng bênh vực cho các nhà ngoại giao Mỹ trong chuyện này. Ông Jeffrey Bader, cựu giám đốc Văn Phòng Ðông Á của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói rằng Washington “không còn cách nào hơn là phải làm việc qua Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh” về vấn đề nhân quyền và những chuyện liên quan đến các nhà bất đồng ý kiến.

Theo giải thích của ông Bader, “đường dây ngoại giao này được thành lập để hai bên giải quyết chuyện nhân quyền,” đã được sử dụng từ ngày hai quốc gia đồng ý trao đổi quan hệ, “cũng chính là đường dây giải quyết trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Phương Lệ Chi hồi năm 1979 và nhiều trường hợp khác nữa. Họ không được toàn quyền quyết định, nhưng họ sẽ bàn thảo, xin ý kiến của những người ở cấp cao hơn.”

“Bàn thảo, xin ý kiến của cấp cao hơn” là điều đang được nói đến ở Washington, D.C. Ngay sau khi bà phát ngôn viên Victoria Nuland của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận tin “cả hai vợ chồng ông Trần Quang Thành đều xác nhận muốn ra nước ngoài sinh sống,” các nhà quan sát tin rằng chuyện cho gia đình nhà tranh đấu này rời khỏi Trung Quốc không thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại Giao mà là của Bộ Chính Trị. Như ông Bader giải thích, thủ tục sẽ như sau: Các viên chức Hoa Kỳ vẫn phải làm việc qua Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, các viên chức của Trung Quốc sẽ xin ý kiến của cấp cao hơn rồi mới trả lời cho Washington biết.

Trong thời gian chờ đợi quyết định của lãnh đạo đảng, có người nêu thắc mắc ngoài Bộ Ngoại Giao, không biết Hoa Kỳ có còn “đường dây” nào khác nữa không? Liệu Tổng Thống Barack Obama có trực tiếp can thiệp để gia đình ông Trần Quang Thành sớm lên máy bay rời khỏi Bắc Kinh không?

Bên cạnh những câu hỏi đó là một câu hỏi cũng quan trọng không kém vừa được chuyên gia Nick Zahn của Heritage Foundation đặt ra: Thế còn số phận của những người bị bắt vì đã giúp ông Trần trốn được vào Tòa Ðại Sứ Mỹ thì sao? Liệu chính phủ Hoa Kỳ có can thiệp cho những người này sớm được tự do không?

Nguyễn Văn Khanh

Không có nhận xét nào: