Pages

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Của người dân hãy để dân chi lấy

 
 
Ông Nguyễn Sĩ Dũng
 
 
 
Hoàng Hạnh (thực hiện)
Theo tôi, nên giãn, giảm thuế đồng đều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy mới tránh được những rủi ro về mặt đạo đức… – TS Nguyễn Sĩ Dũng- Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội
Doanh nghiệp chết rồi có đáng cứu không?
PV: – Hiện đang có nhiều ý kiến phản biện gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng tiền giãn giảm thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Ý kiến của cá nhân ông thế nào?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Tôi thấy gói cứu trợ cần thiết. Để hỗ trợ doanh nghiệp, có thể sử dụng hai loại chính sách: chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ đang có những bước đi nhất định. Giãn giảm thuế là chính sách tài khóa.

Các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính, nếu phải đóng thuế nữa thì họ lấy tiền ở đâu ra? Biện pháp này nhằm “khoan sức dân”, doanh nghiệp có thể tính ngay số tiền chưa phải nộp về ngân sách, để xử lý những khó khăn đang gặp phải.
Nhờ đó, các doanh nghiệp lớn nhỏ, tùy vào trạng thái mà có động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tất nhiên, nếu nói hiệu quả tới đâu thì bây giờ chưa thể nói ngay được. Không thể đòi hỏi một gói hỗ trợ giải quyết được tất cả các vấn đề, vì thế, theo tôi, đây là một bước đi tích cực cần được ghi nhận.
Chính sách tài khóa kiểu này còn tốt ở một góc cạnh khác: nó không bị những méo mó về đạo đức tác động. Khi cắt giảm, giãn thuế, doanh nghiệp sẽ trực tiếp nhận được kết quả ngay, không phải chứng minh hay xin xỏ gì. (Tất nhiên, nếu chúng ta lại đặt ra quá nhiều điều kiện để được giãn giảm thuế, thì tiêu cực lại vẫn có thể nảy sinh).
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được bộ máy có nguy cơ nhũng nhiễu cao. Những chính sách khác, ví dụ như, hỗ trợ lãi suất, do trong hệ thống của chúng ta liêm chính và đạo đức công vụ đang có vấn đề, thành thử những nơi đáng được vay có thể không vay được, những nơi không đáng được hỗ trợ, người ta “chạy” thì lại được.
Hoặc doanh nghiệp được vay, phải chạy thủ tục, chạy chính thức, phi chính thức, thủ tục trên mặt bàn, thủ tục dưới gầm bàn làm giá vốn tăng lên khủng khiếp.
Đã có ý kiến cho rằng, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp không còn khả năng kinh doanh, không có doanh thu thì không có nghĩa. Điều đó đúng, nhưng cũng cần đặt ra vấn đề rằng, những doanh nghiệp chết rồi có đáng cứu không.
Nếu những doanh nghiệp chết do chọn lọc tự nhiên, không đủ sức tồn tại trên thị trường thì chính sách nào cũng vô nghĩa. Chỉ có chính sách là chôn thế nào cho khỏi gây ô nhiễm thôi.
Đáng băn khoăn là những doanh nghiệp phải chịu cái chết oan khiên vì sai lầm của chính sách công hoặc do rủi ro của thị trường thế giới….
Đối với những doanh nghiệp này, phải nghĩ tới chính sách tiền tệ nữa, chứ không chỉ dùng chính sách tài khóa không mà được.
PV:- Tổng số tiền của gói hỗ trợ này khá lớn nhưng thực chất chỉ là nhà nước chưa thu tiền về ngân sách. Sang năm, doanh nghiệp sẽ phải nộp dồn cho cả hai năm. Vậy ý nghĩa hỗ trợ của nó ở mức độ nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Như tôi đã nói, đây là biện pháp nhằm “khoan sức dân”. Giãn thuế giúp doanh nghiệp có nguồn tiền để kinh doanh, trả lương, thực hiện những đề án khả thi…
Nếu doanh nghiệp nào khá lên, hoặc cầm cự được, đến năm sau có khả năng phục hồi nghĩa là họ được hưởng lợi từ chính sách này.
Còn chúng ta phải chấp nhận những doanh nghiệp nào kém, chết theo chọn lọc tự nhiên.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, chúng ta đang phải thực hiện mục tiêu kép ở đây. Làm gì cũng không được quên rằng chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát.
PV:- Nói về gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ có nhấn mạnh, phải đúng chỗ. Theo ông, như thế nào mới đúng chỗ?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Theo tôi, nên giãn, giảm thuế đồng đều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy mới tránh được những rủi ro về mặt đạo đức, đạt được ưu điểm như tôi vừa phân tích ở trên.
Hoàn thuế chỉ khả thi nếu Nhà nước… có tiền
PV:- Một số ý kiến cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp cần hoàn thuế hơn miễn giảm thuế để đảm bảo dòng tài chính cho họ hoạt động. Ông nhận xét thế nào về điểm này?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Cắt giảm thuế đơn giản là không thu nữa, chưa thu vội, còn hoàn thuế thì phải có tiền. Hoàn thuế là giải pháp khả thi nếu nhà nước có tiền. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ không phải như vậy. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, nếu hoàn thuế, rủi ro của những méo mó về đạo đức là rất lớn. Với hệ thống mà liêm chính và đạo đức công vụ có vấn đề như của chúng ta hiện nay, người ta sẽ chạy để được nằm trong số doanh nghiệp được hoàn thuế, chạy để được hoàn thuế trước.
Kết quả là, số tiền thực sự tới với doanh nghiệp sẽ thất thoát ra bên ngoài, có khi hoàn 10 triệu đồng, doanh nghiệp thực nhận chỉ được có 5 triệu đồng.
PV:- Giả sử lấy một hình ảnh thường thấy để liên hệ cho dễ hiểu: có một con đò chở người qua sông, không may con đò bị nạn, cần phải cứu người khẩn cấp, theo ông, người ta sẽ cứu như thế nào?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Đó là những bài toán đơn giản. Thứ nhất, doanh nghiệp khó khăn thì phải cứu doanh nghiệp. Thứ hai, tổng cầu xuống phải có cách gì đó để kích cầu. Hai mục tiêu này bị rằng buộc, thậm chí xung đột với mục tiêu chống lạm phát.
Chúng ta đang phải đối mặt với một bài toán rất khó, không thể chỉ đi theo một chính sách nào cả. Bởi lẽ, muốn giảm lạm phát phải thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công.
Nhưng nếu như vậy, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, công ăn việc làm sẽ bị cắt giảm, người dân khó khăn sẽ cắt giảm tiêu dùng, cầu trên thị trường sẽ giảm.
Có nghĩa là vẫn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tuy nhiên, mức độ bao nhiêu là vừa để vừa đạt mục tiêu chống lạm phát, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng.
Có lẽ, đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không thể nói giải pháp này đúng hơn giải pháp kia. Quan trọng là sử dụng mỗi giải pháp với dung lượng bao nhiêu, tại thời điểm nào. Không thể có một chính sách toàn năng được.
PV:- Có nghĩa là, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng là giải pháp khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại, thưa ông?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: – Nó bổ sung thêm, cùng với chính sách tiền tệ. Hiện chính sách tiền tệ cũng đã bắt đầu mở với việc cho vay bất động sản một cách hạn chế.
Gói 29.000 tỷ đồng là một bước trong những chính sách tài khóa mà chúng ta đang thúc đẩy. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng ít có nước nào trên thế giới lại huy động vào ngân sách cao như nước mình.
Thông thường, nhà nước chỉ nên huy động vào ngân sách khoảng 23 -24 % GDP, chứ không phải là trên đến trên 30% như ở Việt Nam hiện nay.
Giảm mức huy động là điều cần phải làm và cần làm ngay vì không thể nào một nền kinh tế lành mạnh được nếu như nhà nước chi quá nhiều.
Tại sao lại đẩy nền kinh tế vào tình thế đó, trong lúc, lẽ ra, của người dân hãy để người dân chi lấy?
Theo đó, lĩnh vực nào người dân chi tiền nhiều thì sẽ phát triển, nhờ đó, nền kinh tế sẽ tránh được chủ quan, phát triển theo nhu cầu thật của xã hội.
Về dài hạn, chúng ta nên tiếp tục giảm thuế. Gói 29.000 tỷ đồng là một bước đi trong quá trình đó.

Không có nhận xét nào: