Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Giảm thuế cứu DN: Làm luôn và làm ngay

(VEF.VN) - Hàng loạt giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do Bộ Tài chính đề xuất với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng được doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đánh giá là kịp thời. Vấn đề cốt yếu là cơ chế thực hiện phải cụ thể, luôn và ngay.
Càng sớm càng tốt

Thông tin về gói cứu trợ doanh nghiệp lên tới 25.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính đề xuất hôm 3/5 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp cảm thấy thở phào nhẹ nhõm.
Theo đó, Bộ này đề nghị 5 hình thức bao gồm: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động các ngành nông lâm thủy sản, dệt may, da giày...; gia hạn 2 tháng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khó khăn về tài chính; gia hạn 6 tháng đối với thuế VAT phải tháng 4,5,6/2012; miễn thuế VAT cho các hộ kinh doanh nhà trọ tại khu công nghiệp; giảm 50% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp dịch vụ, thương mai, du lịch.

Sau 2 cú liên tiếp hạ lãi suất từ 14% chỉ còn 12%/năm, đúng như cam kết của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch "tổng động viên" bằng giảm thuế, miễn thuế, gia hạn nộp thuế như trên là tín hiệu tốt lành nhất cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này có thể bù đắp lại cho nỗi lo phải tăng lương cho người lao động từ 1/5 hay tăng chi phí nhiên liệu xăng dầu sau 2 cú tăng giá gây sốc vừa qua.

Cứu DN cần làm càng sớm càng tốt. (Ảnh: P.H)
Tuy nhiên, tỏ ra khá bình thản với gói cứu trợ trên, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc công ty TNHH Mỹ Hảo đánh giá, các giải pháp hỗ trợ trên là tiếp sức cho những doanh nghiệp còn tiềm năng sống sót. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thuế VAT sẽ có tác dụng tích cực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn để duy trì sản xuất và hồi phục kinh doanh.
Tuy nhiên, trong các nhóm giải pháp trên, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải đưa ra Quốc hội bàn bạc thông qua. Ông Vinh cho rằng, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa vấn đề này, giải quyết sớm cho doanh nghiệp chừng nào hay chừng ấy. "Khó khăn, đình trệ là tình huống gay cấn trước mắt rồi. Nếu chờ tới tận kỳ họp tháng 10 mới bắt đầu xem xét thì e là quá muộn", ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, vị Tổng Giám đốc này cho rằng, gói giải pháp vẫn còn điểm chưa hợp lý. "Bộ Tài chính dự kiến giảm 50% tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ, thương mại, du lịch nhưng đúng ra, cần giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sản xuất chứ? Lĩnh vực sản xuất còn tạo nhiều việc làm cho người lao động, cần được hỗ trợ khi lượng hàng tồn kho ngày càng lớn", ông Lương Vạn Vinh bày tỏ.
Cũng vì lý do thị trường đi xuống, sức mua kém đi nên gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, theo ông Lương Vạn Vinh, Bộ Tài chính cần nghiên cứu giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân. Đây là biện pháp hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng. Tắc đầu ra cũng là một nguyên nhân lớn cho các doanh nghiệp sản xuất bị đình đốn hiện nay.
Trước thông tin này, TS Vũ Đình Ánh đánh giá: Động thái này của bộ Tài chính là rất tích cực. Tiêu thụ giảm hiện này một phần do giá bán cao. Trong bối cảnh hiện nay, giảm gánh nặng về thuế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khắc phục được đình đốn sản xuất.
"Rất mừng là, lần này, Bộ Tài chính đưa ra gói này trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra vào ngày 21/5 tới. Trong các đề xuất của Bộ, giải pháp nào cần tới thẩm quyền của Quốc hội thì chúng ta có thể hi vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ doanh nghiệp ngay tại kỳ họp này.
Năm 2009, gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp lại được đề xuất sau khi Quốc hội vừa họp xong nên việc thực hiện có phần bị tréo nghoe", TS Ánh nói.
Tường minh cơ chế thực hiện
Điều băn khoăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế là cơ chế thực hiện cụ thể. Theo đại diện của Vụ Chính sách thuế, gói hỗ trợ về thuế này do Viện Chiến lược và chính sách tài chính chủ trì, Vụ chính sách thuế chỉ tham gia ý kiến. Căn cứ vào báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ quyết định sử dụng giải pháp nào, đến đâu.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, việc nghiên cứu, tính toán các giải pháp về thuế như vậy là cần thiết, chia sẻ kịp thời với khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông bày tỏ "khá ngỡ ngàng về con số 25.000 tỷ đồng và không rõ, bên Viện tính như thế nào?"
Theo ông cho biết, trên thực tế, có thể ước tính lượng hóa được việc miễn, giảm thuế. 25.000 tỷ đồng có thể hiểu nôm na là tổng quy mô số tiền miễn, giảm, gia hạn nộp thuế.... Như vậy, gói cứu trợ này khác biệt lớn so với gói kích cầu 17.000 tỷ đồng năm 2009. Khi đó, Chính phủ phải bỏ tiền ra hỗ trợ bù lãi suất cho doanh nghiệp. Với các giải pháp giãn, gia hạn thuế như trên, sẽ không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch nguồn thu cho ngân sách trừ khi, giải pháp gia hạn nôp thuế vượt qua năm tài khóa sau.
Ông đánh giá, doanh nghiệp muốn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì đương nhiên, phải có thu nhập, tức có lợi nhuận. Giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ phát huy tác dụng với những doanh nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động. Với các doanh nghiệp đang thua lỗ, đình trệ thực sự thì cũng đã được hỗ trợ bằng việc miễn, gia hạn nộp thuế VAT.
Về cơ chế thực hiện, ông Lương Vạn Vinh cũng bày tỏ, với tư cách là doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp đã sắp sửa phá sản, tình trạng tài chính đã quá xấu rồi thì dù Nhà nước có giảm tới 100% thuế thu nhập, có tiếp sức thì cũng không thể vực họ đứng dậy được nữa. Theo ông, gói cứu trợ nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp có khả năng hồi phục sẽ đạt hiệu quả tập trung tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu triển khai gói này, Chính phủ cần rút kinh nghiệm gói hỗ trợ kích cầu đầu tư tiêu dùng năm 2009, hiệu quả không tương xứng với số tiền đã bỏ ra. Dù ngân sách không phải bỏ tiền ra bù nhưng Vẫn có thể hiểu đây là một dạng kích cầu cho nền kinh tế. Đây chính là việc nới lỏng chính sách tài khóa thông qua hình thức giảm thu ngân sách. Nhờ đó, ông cho rằng không quá lo ngại về nguy cơ tái lạm phát cao như hậu gói kích cầu năm 2009.
"Nới lỏng tài khóa bằng việc tăng chi, lại không giám sát, thực hiện hiệu quả nên lạm phát mới xảy ra. Lạm phát năm 2011 có một phần nguyên nhân chính ở gói kích cầu năm 2009 không được kiểm soát chặt chẽ hiệu quả. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Tài chính, bản chất là giảm thu ngân sách, lại đi đôi với giảm chi thường xuyên nên đồng thời, tránh được cả thâm hụt ngân sách.
TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ kích cầu tiêu dùng, nhưng ở Việt Nam, thu nhập của người dân không được kiểm soát đầy đủ, toàn diện, sát sao nên nguồn thu này có hạn chế. Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân thì hiệu ứng hỗ trợ theo đó cũng không cao. Vấn đề hiện nay là cần sớm bàn cơ chế thực hiện để kịp thời 'cứu" doanh nghiệp.
--------------------------
Viettin: Làm sao có thể cứu được doanh nghiệp khi chính cái "Cơ Chế Xã Hội Chủ Nghĩa" là khắc tinh của sự phát triển kinh tế vẫn ngự trị trên đất nước VN ? Nhìn Cuba, Bắc Hàn sẽ có câu trả lời !

Không có nhận xét nào: