Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

"Ông Trần có thể xin đi du học"

Ông Robert Wang ở bệnh viện
Nhân viên ngoại giao Mỹ vừa đến
bệnh viên nơi ông Thành đang ở
Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến khiếm thị Trần Quang Thành có thể làm thủ tục xin du học nước ngoài, một động thái có thể là lối thoát cho khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước xung quanh vụ việc của ông Trần.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/5 cho biết ông Trần có thể "làm thủ tục thông qua các kênh thông thường theo quy định của pháp luật".

"Nếu ông muốn học tập ở nước ngoài, với tư cách là một công dân Trung Quốc, ông ấy có thể, cũng giống như bất kỳ công dân khác của Trung Quốc, quá trình xử lý thủ tục với các ban ngành có liên quan thông qua các kênh thông thường theo quy định của pháp luật", hãng Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, Lưu Vi Dân.
Người ta nhìn thấy phó đại sứ của Sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh đã mang quà tặng đến bệnh viện.
Nghị sĩ Mỹ và ông Bob Fu nói chuyện với ông Trần qua điện thoại
Nhà hoạt động nhân quyền Bob Fu phiên dịch buổi nói chuyện qua điện thoại giữa ông Trần và nghị sĩ Mỹ
Ông này đang cố gắng tiếp cận phòng của ông Trần trong bệnh viện.
Ông Trần Quang Thành đã điện thoại tới Quốc hội Hoa Kỳ trong phiên điều trần nhờ giúp đỡ trong nỗ lực muốn rời khỏi Trung Quốc cùng gia đình.
Ông cho biết ông lo ngại về sự an toàn của gia đình mình và bày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đang có chuyến thăm Bắc Kinh.
Trần Quang Thành vừa trải qua một tuần trong Sứ quán Mỹ, nhưng đã rời khỏi đây sau khi nhận được sự đảm bảo của nhà chức trách Trung Quốc là ông sẽ được an toàn.
Ông Trần nói rằng chỉ sau khi rời khỏi sứ quán thì ông mới nhận ra hết các mối đe dọa với thành viên gia đình ông.

“Ngày đen tối”

Trong cuộc điện thoại được phát trực tiếp tới phiên điều trần Quốc hội Mỹ, ông Trần nói: "Tôi muốn tới Mỹ nghỉ ngơi. Tôi đã không nghỉ ngơi 10 năm nay."
“Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là an toàn cho mẹ và anh em mình. Tôi thật sự muốn biết điều gì đã xảy ra với họ".
Ông cho biết những dân làng giúp đỡ ông đều “bị trừng phạt”.
Ông nói với nghị sĩ Chris Smith, người đang điều hành phiên họp qua điện thoại rằng: “Tôi muốn gặp bà Hillary Clinton. Tôi hy vọng sẽ nhận được bà giúp đỡ nhiều hơn.”
Ông Bob Fu, một nhà hoạt động nhân quyền ở Hoa Kỳ thân quen với ông Trần, đóng vai trò là người phiên dịch cho ông qua điện thoại tại phiên điều trần.
Nghị sĩ Chris Smith nói với ông Trần rằng những người bạn của ông ở Mỹ đang bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình của ông.
"Chúng tôi đều đang cầu nguyện cho ông và sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ,” ông Smith nói.
Ông Trần hiện đang ở tại bệnh viện cùng với vợ con nhưng toà nhà đã bị cảnh sát canh gác nghiêm ngặt.
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh, Damian Grammaticas, cho biết lính canh đã ngăn cản ông cũng như các luật sư và các nhân viên ngoại giao Mỹ tiếp cận ông Trần.
Trước đó, ông Trần Quang Thành cho hay vợ ông nói nhà của họ ở vùng quê Sơn Đông nay bị công an chiếm toàn bộ:
"Họ lắp bảy camera trong sân nhà và ngồi cả trên nóc nhà. Họ ăn ngay tại bàn trong nhà và chiếm dụng đồ dùng. Họ cũng định dựng hàng rào bằng dây điện quanh nhà."
"Tôi muốn tới Mỹ nghỉ ngơi. Tôi đã không nghỉ ngơi 10 năm nay."
Luật sư Trần Quang Thành
Ứng viên tổng thống thuộc phe Cộng hòa Mitt Romney cho rằng nếu thông tin các quan chức Mỹ đã thuyết phục ông Trần rời đại sứ quán là đúng thì "đó là ngày đen tối của tự do và là ngày xấu hổ cho chính quyền Obama".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Barack Obama "không quan ngại về khía cạnh chính trị trong vấn đề này".
“Ông ấy tập trung vào việc tăng cường lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc."
"Ông ấy đã và sẽ tiếp tục đặt ưu tiên trong mối quan hệ hoặc một phần mối quan hệ này là cuộc đối thoại thẳng thắn về vấn đề nhân quyền".
Quyết định của ông Trần đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung vào một thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama rất không muốn có bất cứ lời chỉ trích nào về cách ông xử lý vụ ông Trần trong quá trình vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 trong khi Trung Quốc đang cố gắng để quá trình chuyển giao lãnh đạo diễn ra suôn sẻ vào cuối năm.
Mặc dù ông Trần đổi ý về việc đi hay ở, hiện vẫn chưa rõ liệu ông có thể đến Hoa Kỳ được hay không.

Cơn bão ngoại giao

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bị đặt vào tâm cơn bão ngoại giao Mỹ-Trung khi bà xuất hiện ở Bắc Kinh để khai mạc phiên đối thoại chiến lược thường niên giữa hai nước.
Cuộc đối thoại này đã bị phủ bóng đen với những diễn biến dồn dập trong vụ ông Trần Quang Thành.
Bà Clinton đã nhân cơ hội này để kêu gọi Trung Quốc bảo vệ nhân quyền nhưng không đề cập cụ thể đến trường hợp ông Trần. Trước đó, Clinton cũng đã nói chuyện với ông này sau khi ông rời Sứ quán Mỹ.
“Hoa Kỳ tin rằng không quốc gia nào có thể chối bỏ một cách hợp pháp những quyền cơ bản mà bất cứ ai cũng có hoặc trừng phạt những người thể hiện những quyền đó,” bà phát biểu trong phiên khai mạc của cuộc Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ-Trung.
“Như Tổng thống Obama đã nói trong tuần này, một nước Trung Quốc biết bảo vệ quyền của mọi người dân sẽ là một đối tác hùng mạnh hơn và thịnh vượng hơn của Hoa Kỳ,” bà nói.
Trần Quang Thành là một luật sư tự học đấu tranh chống lại việc chính quyền cưỡng bức phá thai theo chính sách một con của Trung Quốc hôm 22/4.
Ông đã đào thoát sau 19 tháng bị quản chế tại gia. Trong suốt thời gian này, ông và gia đình đã bị đe dọa và đánh đập.
"Hoa Kỳ tin rằng không quốc gia nào có thể chối bỏ một cách hợp pháp những quyền cơ bản mà bất cứ ai cũng có hoặc trừng phạt những người thể hiện những quyền đó."
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Giới chức Mỹ cho biết ông Trần tự nguyện rời khỏi sứ quán của họ ở Bắc Kinh vì ông muốn đoàn tụ với vợ con. Họ cũng nói ông Trần có ý định ở lại Trung Quốc và chưa bao giờ đề nghị được tỵ nạn ở Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trần giờ đây thay đổi ý định không chỉ khiến tương lai của ông trở nên bất định mà còn đặt đấu hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Diễn biến này có thể là một cái giá chính trị khá đắt đối với Tổng thống Obama vốn đã bị ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney chỉ trích vì đã quá mềm dẻo với Trung Quốc.
Thỏa thuận mà lúc đầu được xem là thành công ngoại giao của chính quyền Obama giờ đây có thể nhanh chóng trở thành trách nhiệm.

Không có nhận xét nào: