Bauxite Việt Nam trân trọng mọi ý kiến đa
chiều gửi đến trang mạng. Bài phản hồi dưới đây đề cập một số chi tiết trong bài
viết của TS Vũ Quang Việt và TS Nguyễn Sĩ Dũng mà sự đúng sai xin để bạn đọc tự
kết luận. Tuy nhiên, nói gì thì nói, có những sự thật rõ ràng không thể phủ nhận
liên quan đến câu cbuyện Văn Giang:
1/ Không thể nói người dân Văn Giang “tự nguyện” nhận tiền đền bù vì giá
đền bù hợp lý, đơn giản vì chưa bao giờ người dân được thực quyền quyết định
mình có chấp nhận cái giá đền bù mà chính quyền đưa ra hay không; điều này cũng
giống như không thể nói người dân “tự nguyện” bầu lên các vị đại biểu “cơ quan
dân cử” vì họ đâu có chọn lựa nào khác. Con số mà TS Vũ Quang Việt đưa ra có thể
còn phải bàn, nhưng kết quả phân bố lợi ích quá bất công giữa nhà đầu tư – quan
chức tham nhũng và người nông dân thì không có gì phải nghi ngờ.
2/ Một số từ ngữ trong bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng có thể cần trao đổi, nhưng tinh thần cốt lõi của bài viết rất đáng chia sẻ. Lâu nay khái niệm “nhà nước pháp quyền” nhiều lúc bị lập lờ đánh lẫn với “nhà nước pháp trị” (cai trị bằng cách sử dụng luật pháp). Vụ Văn Giang chính là điển hình của “pháp trị”: chính quyền tổ chức cưỡng chế dựa vào một số văn bản pháp luật có bản chất vi hiến không thể chấp nhận ở một nhà nước pháp quyền (một số yếu tố không thể thiếu của nhà nước pháp quyền: mọi văn bản pháp luật mâu thuẫn với hiến pháp đều không có giá trị, có cơ quan bảo hiến, nhà nước tam quyền phân lập…). Còn khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là thế nào thì xin… chịu, nó cũng đầy sang tạo như khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vậy!
Bauxite Việt Nam
2/ Một số từ ngữ trong bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng có thể cần trao đổi, nhưng tinh thần cốt lõi của bài viết rất đáng chia sẻ. Lâu nay khái niệm “nhà nước pháp quyền” nhiều lúc bị lập lờ đánh lẫn với “nhà nước pháp trị” (cai trị bằng cách sử dụng luật pháp). Vụ Văn Giang chính là điển hình của “pháp trị”: chính quyền tổ chức cưỡng chế dựa vào một số văn bản pháp luật có bản chất vi hiến không thể chấp nhận ở một nhà nước pháp quyền (một số yếu tố không thể thiếu của nhà nước pháp quyền: mọi văn bản pháp luật mâu thuẫn với hiến pháp đều không có giá trị, có cơ quan bảo hiến, nhà nước tam quyền phân lập…). Còn khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là thế nào thì xin… chịu, nó cũng đầy sang tạo như khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vậy!
Bauxite Việt Nam
1.
Ngoài
một số giả định đưa ra để tính toán chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về được nêu
trong Bảng 2 của bài viết mà tôi không muốn bình luận vì có thể đúng, có thể
sai, tôi thấy tác giả có một số thiếu sót/sai lầm trong bài toán
lợi nhuận của mình.
Thứ nhất, về giả thiết chỉ có ½ diện tích đất thu
hồi (tức 250ha trong tổng số 500ha) được xây dựng với giá 6 triệu VND/m2, tác
giả đã bỏ qua mấy thực tế như diện tích xây dựng có thể nhỏ hơn 250ha nhiều vì
có khả năng với những dự án loại này, diện tích xây dựng có thể chỉ là 1/3 hoặc
ít hơn.
Thứ hai, tác giả giả định giá bán là 20 triệu
VND/ha trong số 250ha này (giả thiết là diện tích xây dựng đúng như tác giả giả
định). Giá bán này có thể là bình thường, hợp lý vào thời điểm hiện tại, nhưng
có thể là quá cao khi mới quy hoạch dự án (vào năm 2003-04 gì đó), nên phải công
bằng hơn với chủ đầu tư rằng họ hoàn toàn có thể chỉ dự tính một con số lãi
khiêm tốn hơn nhiều con số mà tác giả đưa ra, nếu căn cứ vào giá cả đất đai tại
thời điểm cách đây gần chục năm. Bản thân tôi mua cái nhà vào giữa năm 2007 giá
tính ra chỉ có khoảng 35 triệu VND/m2 gì đó nhưng giá tại thời điểm năm ngoái có
thể gấp đến trên 5 lần, hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi! Vậy thì giá
đất Ecopark chắc cũng có thể tương tự theo xu hướng tăng giá như vậy lắm chứ?
Cũng cần nói thêm rằng đã có rất nhiều hộ nông dân trong khu vực Ecopark tự
nguyện đồng ý nhận đền bù trước đó, chứng tỏ rằng giá đền bù (kèm các quyền lợi
khác) thực sự không phải là phi lý quá mức vào thời điểm trước.
Thứ ba, tác giả cũng đã bỏ qua thực tế rằng không
phải 250ha còn lại thì chủ đầu tư chẳng phải tốn tiền. Nếu không tốn tiền thì
chả nhẽ để đó làm đất hoang à? (Mà thậm chí có là đất hoang thì vẫn tốn tiền
thuê người trông coi). Nói cách khác, dù với bất cứ mục đích làm gì với đất đó
(ví dụ làm công viên, bể bơi, hồ nước, v.v.) thì chủ đầu tư chắc chắn phải bỏ ra
một mớ tiền nữa, và chắc là cũng không phải nhỏ, nếu so với quy mô và tính chất
cao cấp của dự án tổng thể.
Thứ tư, tác giả còn bỏ qua rất nhiều loại chi phí
có tên và không tên khác liên quan đến dự án, ngoài cái 6 triệu VND/m2 xây dựng
nói trên và chi phí bỏ ra làm đường cao tốc. Một trong những chi phí này chắc
chắn là chi phí lobby, hối lộ, bôi trơn (vì thế dự án mới được cấp phép nhanh
như vậy). Mà chắc không cần phải nhắc lại rằng những loại chi phí này đôi khi
mới là chi phí đáng kể nhất ở Việt Nam.
Tóm lại, chỉ qua mấy cái thiếu sót quan trọng
kia, bài toán chi phí và lợi nhuận nói trên của TS Vũ Quang Việt hoàn toàn là
thiên lệch, phóng đại quá mức. Tác giả cần phải có một cái nhìn khách quan và có
cơ sở hơn trong chuyện này.
2.
Đọc
bài này, tôi thấy có mấy
điều cần chỉ ra ngay với tác giả như sau.
Thứ nhất, TS Nguyễn Sĩ Dũng viết “Lạm quyền
là con bệnh đặc trưng và phổ biến của quyền lực nhà nước”.
Hình như TS Dũng có nhầm lẫn trong cách sử dụng
các cụm từ “lạm quyền” với “quyền lực”. Lạm quyền là lạm dụng quyền lực. Không
thể nói nó (lạm quyền) là con bệnh đặc trưng và phổ biến của quyền lực nhà nước,
đơn giản vì quyền lực nhà nước không phải là chủ thể có thể sử dụng quyền lực
một cách sai trái (lạm quyền). Nếu TS Dũng nói nhà nước lạm (dụng) quyền (lực)
của mình thì nghe còn hợp lý.
Thứ hai, TS Dũng viết: “Vấn đề không phải là
chỉ ở ta quyền lực mới như vậy, mà là chỉ ở ta quyền lực mới chưa bị kiểm soát
đến như vậy.” Cái câu này thật khó hiểu. Nhưng tôi vẫn cố gắng diễn giải
một chút. Có vẻ như khi viết “Vấn đề không phải là chỉ ở ta quyền lực mới
như vậy”, TS Dũng muốn nói rằng “ở ta quyền lực mới lạm quyền”?
Nếu đúng vậy thì không còn gì để nói nữa!
Khi viết “Mà là chỉ ở ta quyền lực mới chưa
bị kiểm soát như vậy”, phải chăng TS Dũng có ý muốn nói rằng vì “quyền
lực chưa bị kiểm soát như vậy nên quyền lực mới sinh ra lạm quyền”? Nếu
đúng vậy thì cũng miễn bàn! Ngoài ra, lưu ý rằng quyền lực “chưa bị kiểm soát”
không luôn dẫn đến/liên quan gì đến cái chuyện “lạm quyền” ta đang nói ở đây cả.
Quyền lực tuyệt đối như vua chúa (bắt chết là phải chết) nhưng cũng sẽ không có
lạm quyền nếu sự bắt chết này là theo đúng luật (ví dụ các võ sĩ giác đấu theo
luật khi thua thì sẽ có thể bị giết, và nếu vua đồng ý cho giết thì sẽ bị giết;
mặc dù là vô lý và dã man trong con mắt chúng ta hiện nay, nhưng thời đó vua đâu
có gì là lạm quyền?)
TS Dũng viết: “Mà như vậy thì oan khuất, khổ
đau của người dân, bất công trong xã hội vẫn còn rất khó bị loại trừ. Các vụ
việc lạm quyền liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho chúng ta nhận thức
sâu sắc hơn bao giờ hết sự cần thiết phải xác lập cho bằng được nhà nước pháp
quyền trên đất nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có được một khái niệm về
nhà nước pháp quyền đúng đắn hơn so với khái niệm mà chúng ta đang có.
Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước
quản lý xã hội bằng pháp luật (muốn quản lý như thế nào thì cứ đặt ra pháp luật
như thế ấy). Một nhà nước như vậy sẽ gần với nhà nước chuyên quyền hơn là nhà
nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực nhà nước
đều bị pháp luật chế ước chặt chẽ, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và
quyền tư pháp. Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng
Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.”
Tôi chịu chẳng hiểu được tại sao TS Dũng nói rằng
Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Không
quản lý bằng pháp luật thì quản lý bằng gì? Bằng ý thích của những nhân viên
công lực ư?
Nhà nước cũng không thể đơn giản tự đặt ra pháp
luật, mà hình như phải dựa vào Hiến pháp, thông qua Quốc hội. Mà Hiến pháp và
Quốc hội là gì, do ai dựng nên, đặt ra (trên lý thuyết)? Một khi nhân dân (và
đại diện của dân) đã thông qua, đã phê chuẩn pháp luật rồi và nếu nhà nước thực
hiện chế tài theo đúng pháp luật rồi thì chuyện đặt ra pháp luật (như ý muốn của
dân, của đại diện nhân dân) và quản lý bằng pháp luật như thế (trên lý thuyết)
có gì là sai trái, đáng phê phán?
TS Dũng lý luận: “Người dân có thể làm bất cứ
điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp
luật cho phép.” Tôi thấy đây cũng chỉ là sự đánh tráo khái niệm. “Không
cấm” cũng có nghĩa là “cho phép” (ở thể chủ động; hoặc “được phép”, ở thể bị
động), và như vậy thì vẫn có thể nói “nhà nước có thể làm bất cứ điều gì
pháp luật không cấm”.
Cuối cùng, TS Dũng kết luận: “Pháp luật không
cho phép đập phá nhà của công dân. Pháp luật không cho phép đánh hội đồng các
nhà báo (và bất cứ công dân nào khác). Những hành vi lạm quyền nói trên là vi
phạm nghiêm trọng pháp quyền. Chúng phải bị loại trừ khỏi đời sống của chúng
ta.”
Nói luôn cho nhanh là những hành vi trên không
phải là lạm quyền mà là phạm pháp vì làm những việc mà pháp luật cấm. Và thay vì
nói là “vi phạm nghiêm trọng pháp quyền” thì tác giả cần nói là “vi phạm nghiêm
trọng pháp luật”.
Lạm dụng quyền lực dẫn đến vi phạm pháp luật do
chính mình – tức nhà nước – dựng nên thì cần nói đúng, nói đơn giản bản chất sự
việc là như thế! Nói như tác giả vừa chẳng phải là cách nói gần xa hợp lý, lại
sai về tu từ, ngữ nghĩa.
P. M. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét