Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Sóng Biển Đông chao đảo quan hệ Trung-Mỹ



Trung, Mỹ khởi động cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ 4
(VnMedia) - Lãnh đạo hai siêu cường thế giới Trung-Mỹ hôm nay (3/5) đã chính thức khởi động cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (SED) lần thứ 4 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là cuộc đối thoại nhằm thể hiện những dấu hiệu tiến triển trong quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, một loạt những cuộc đối đầu gay gắt giữa hai nước trong thời gian qua đang phủ một bóng đen lớn lên cuộc họp này.
Sóng gió Biển Đông làm chao đảo quan hệ Trung-Mỹ
Những ngày qua, người dân thế giới chứng kiến quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới chao đảo vì cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippine.


Sóng gió Biển Đông bắt đầu nổi lên hôm 8/4 sau sự kiện hai tàu hải giám Trung Quốc ngăn không cho tàu chiến Philippine bắt giữ các ngư dân của họ ở bãi cạn Scarborough – một khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Căng thẳng sau vụ va chạm này đã bước sang tuần thứ 4 mà chưa có dấu hiệu dịu đi.
Điều đáng nói là Mỹ đã góp một vai trò nhất định khiến cho sóng gió Biển Đông thêm mạnh trong cuộc đối đầu mới nhất, kéo dài nhất và cũng được cho là căng thẳng nhất trong vài năm trở lại đây giữa Manila và Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh hải.
Với tư cách là một đồng minh, một đối tác thân thiết và quan trọng của Philippine, Mỹ đã có nhiều động thái khiến Trung Quốc thực sự cảm thấy khó chịu và bất an. Lầu đầu tiên, người ta thấy một vị tướng của Mỹ công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine trong tranh chấp Biển Đông. Cùng với đó, Mỹ và Philippine đã “chọn” đúng thời điểm căng thẳng leo thang để tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung rầm rộ, quy mô với nhiều bài diễn tập khiến Bắc Kinh “giật mình” như diễn tập tái chiếm lại đảo, tái chiếm lại dàn khoan.
Trung Quốc không thể không tức giận trước những diễn biến trên. Nước này đã nhiều lần cảnh báo và ngầm ý đe doạ Washington không nên can thiệp vào cuộc tranh chấp của họ với Manila.
Ngay trước thềm cuộc đối thoại Mỹ-Trung, Washington đã tìm cách làm dịu tình hình bằng tuyên bố sẽ không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông mà chỉ giúp đồng minh Philippine củng cố sức mạnh Lực lượng Hải quân. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không bao giờ tin vào tuyên bố này. Hơn nữa, với việc Washington và Manila có ràng buộc với nhau bằng một hiệp ước phòng thủ chung, liệu rằng tuyên bố của Mỹ có được đảm bảo. Như vậy, dù Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc đối thoại SED nhưng vấn đề này chắc chắn sẽ là nguyên nhân lớn tạo ra không khí ngột ngạt trong cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung.
Mỹ-Trung căng thẳng vì một luật sư mù
Ngoài vấn đề Biển Đông, một sự kiện khác thu hút sự chú ý lớn của dư luận và có nguy cơ đe doạ nghiêm trọng quan hệ Trung-Mỹ là vụ luật sư mù của Trung Quốc trốn vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và được các quan chức Mỹ che chở.
Vụ việc liên quan đến một cá nhân người Trung Quốc này tưởng đơn giản nhưng sự thực lại rất phức tạp và có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ vốn đang đầy sóng gió giữa cường quốc số 1 và số 2 thế giới.
Hôm 22/4, luật sư mù Trần Quang Thành đang bị quản thúc tại gia ở Sơn Đông, Trung Quốc, đã làm cách nào đó bỏ trốn được ra ngoài và vào trú tại Đại sứ quán Mỹ. Đối với Washington, luật sư này là một nhà hoạt động nhưng đối với Bắc Kinh, ông ta lại là một phần tử chống đối chính quyền. Vì thế, đây là một vụ việc nhạy cảm trong quan hệ hai nước.
Mọi việc tưởng đã được giải quyết khi Mỹ đạt được một thoả thuận với chính quyền Trung Quốc về việc cung cấp nơi ở an toàn cho luật sư mù Trần Quang Thành và gia đình ông này. Tuy nhiên, khi ông Trần Quang Thành rời khỏi Đại sứ quán Mỹ sau một tuần trốn ở đây thì sóng gió lại nổi lên.
Chính phủ Trung Quốc hôm qua (2/5) đã có phản ứng mạnh mẽ với Mỹ về vụ luật sư Trần Quang Thành. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng về cách thức xử lý vụ việc của phía Mỹ, gọi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Bắc Kinh yêu cầu giới chức lãnh đạo ở Washington phải tiến hành điều tra và bắt những người vi phạm nghi thức quốc tế phải chịu trách nhiệm về sự việc và cam kết không được tái diễn hành động đó. Ngoài ra, Trung Quốc còn đòi Mỹ phải có lời xin lỗi.
Trong khi đó, luật sư Trần Quang Thành bày tỏ sự lo ngại cho tính mạng và an toàn của gia đình ông và khẩn thiết cầu cứu Mỹ đưa cả gia đình ông này sang sống lưu vong ở Mỹ.
Washington đang bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vụ ông Trần Quang Thành. Nếu không đáp ứng lời cầu cứu của vị luật sư mù này, Mỹ sẽ bị cáo buộc là “phản bội” lại cam kết bảo vệ nhân quyền trong khi Tổng thống Mỹ sẽ phải chịu thêm sự công kích về việc quá “mềm mỏng” với Bắc Kinh. Ngược lại, nếu Mỹ đồng ý với đề nghị của luật sư Trần Quang Thành thì mối quan hệ của nước này với Trung Quốc sẽ rơi vào căng thẳng nghiêm trọng.
Ngoài hai vấn đề lớn về Biển Đông và vụ luật sư Trần Quang Thành, quan hệ Mỹ-Trung còn gặp rắc rối vì vấn đề Đài Loan, tranh chấp kinh tế, kế hoạch quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ...


Kiệt Linh

Không có nhận xét nào: