Pages

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Vụ Văn Giang: Có sự móc nối của thế lực phản động?


Citizen photo
Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội
 được huy động đến xã Xuân Quan, huyện
 Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012
để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu
đô thị Ecopark.
RFA

Vụ việc cưỡng chế đất của 166 hộ dân tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tiếp tục gây xôn xao dư luận.
 
Móc nối, ngụy tạo
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo do chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì kết nối với 63 tỉnh, thành trên cả nước hôm ngày 2 tháng 5, phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào, lên tiếng cho rằng vụ cưỡng chế diễn ra hôm ngày 24 tháng 4 vừa qua có sự móc nối của các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Ông này còn cho rằng những video clip quay vụ cưỡng chế và được đưa lên các trang mạng là ngụy tạo, xuyên tạc.



nguyen-khac-hao-180.jpg
Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào. Photo courtesy of blog Nguyễn Xuân Diện.
Ngay sau khi có phát biểu của ông phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên như thế, người dân đã phản ứng. Một người dân huyện Văn Giang vào ngày 3 tháng 5 cho phóng viên Việt Hà của Đài chúng tôi biết ý kiến về phát biểu của ông phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào như sau:

“Thực sự ra có thế nào thì nói thế thôi chứ còn người ta bảo thế nào là quyền của người ta. Thực tế người ta đi cưỡng chế thế nào thì thế giới đều biết hết cả. Người ta bên chính quyền người ta muốn nói thế nào thì nói chứ còn dân chúng tôi bây giờ quá hoang mang tại vì chính quyền nói thế nào thì nên như thế chứ còn thực sự thế nào thì nói thế chứ còn mà nói sai thì người ta đã bắt đi rồi.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tại Sài Gòn, người quan tâm và theo dõi vụ việc cưỡng chế tại Văn Giang hồi ngày 24 tháng 4, đưa ra nhận xét về những video clip mà ông xem được trên các trang mạng xã hội:
Anh dám làm dám chịu, anh dám đàn áp dân anh phải gánh hậu quả, chứ không thể đổ thừa cho kẻ xấu và bọn phản động.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
“Tôi thấy video clip quá thật đi chứ, rồi qua các trang mạng, rồi báo chí công khai cũng nói là đã huy động cả ngàn công an kể cả công an của bộ để trấn áp quần chúng để giao đất cho chủ đầu tư. Thế thì làm sao mà chối cãi được. Nói như vậy là vô liêm sỉ. Chẳng thà mình thừa nhận đi, còn nói vậy là hết sức hèn nhát và vô liêm sỉ. Anh dám làm dám chịu, anh dám đàn áp dân anh phải gánh hậu quả, chứ không thể đổ thừa cho kẻ xấu và bọn phản động.”
Đây không phải là lần đầu tiên một vị lãnh đạo cấp tỉnh cho rằng phản kháng của người dân trước biện pháp cưỡng chế thu hồi đất là do ‘thế lực xấu xúi giục’. Trong vụ Tiên Lãng hồi tháng giêng, ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, trong phát biểu với các vị đảng viên cách mạng lão thành tại Câu lạc bộ Hưu Trí ở đó cũng cho rằng có âm mưu nào đó đứng sau vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn phải nổ súng hoa cải và bình ga để ngăn chận đoàn cưỡng chế.


Khóa điện thoại


le-hien-duc-vietbao-250.jpg
Bà Lê Hiền Đức giúp đỡ người dân khiếu kiện qua điện thoại. (Ảnh minh họa). Photo courtesy of vietbao.
Trong khi ông phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào, tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo và có phát biểu gây bức xúc trong dư luận như vừa nêu, thì điện thoại liên lạc qua mạng quân đội Viettel của một số người dân tại huyện Văn Giang, và cả của một người từng tham gia chống tham nhũng nổi tiếng tại Việt Nam là cụ bà Lê Hiền Đức trong ngày 2 tháng 5 đã bị cắt.

Một người dân Văn Giang cho biết về điều này:
“Bây giờ là tổng đài khóa hết máy rồi, máy tôi hôm qua con tôi phản đối kịch liệt lên tổng đài thì mới được nhưng bây giờ muốn liên lạc thì chưa vội vì nó đang theo dõi.”
Bác nghi vì vụ Văn Giang mà nó khóa bác. Chính vì bác liên lạc với những người dân Văn Giang cũng bằng số sim của Viettel thì đều không liên lạc được.
Cụ bà Lê Hiền Đức
Cụ bà Lê Hiền Đức cũng đánh giá về việc điện thoại bị cắt một cách đột ngột:
“Bác nghi đây là một hành động đen tối bởi vì lý do gì mà khóa thì phải thông báo với tôi bằng văn bản, bằng điện thoại hoặc đến gặp trực tiếp mà cả 3 cách đều không thực hiện. Tôi nghi như thế bởi trước đây máy đó không bao giờ có trục trặc. Bác nghi vì vụ Văn Giang mà nó khóa bác. Chính vì bác liên lạc với những người dân Văn Giang cũng bằng số sim của Viettel thì đều không liên lạc được.”
Trong khi người dân gặp khó khăn trong liên lạc qua điện thoại sau khi xảy ra vụ cưỡng chế bằng bạo lực vừa nêu, thì truyền thông Nhà Nước lần này cũng không đưa mấy tin tức gì về vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm ngày 24 tháng 4. Trái với vụ việc cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hồi ngày 5 tháng 1, báo chí trong nước dường như được thoải mái thông tin ngay tại hiện trường.

VN không có tự do báo chí


david-kramer-250.jpg
Ông David Kramer, giám đốc Freedom House đang thuyết trình tại Newseum. RFA photo.
Về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, hôm ngày 1 tháng 5 vừa rồi, tổ chức độc lập có tên Freedom House, trụ sở tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ họp báo công bố phúc trình thường niên năm 2012 về tình hình tự do báo chí toàn cầu, và đánh giá báo chí Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm không có tự do.

Phát biểu với phóng viên Thanh Trúc của Đài Á Châu Tự Do tại cuộc họp báo, ông David Kramer, giám đốc Freedom House, cho biết cơ sở để đánh giá báo chí tại Việt Nam chưa được tự do:
Ở Việt Nam người làm báo bị rất nhiều áp lực, đã có những ký giả những phóng viên bị bắt giữ vì dám nói thẳng nói thực.
Ô. David Kramer
“Căn cứ trên những dữ kiện thu thập được, chúng tôi nhận thấy Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước không có một nền báo chí thông thoáng và tự do tính đến lúc này. Ở Việt Nam người làm báo bị rất nhiều áp lực, đã có những ký giả những phóng viên bị bắt giữ vì dám nói thẳng nói thực.”
Thống kê cho thấy ở Việt Nam có đến chừng 700 tờ báo giấy và mạng cũng như các cơ quan truyền thông như truyền thanh, truyền hình... Tuy nhiên, tất cả thuộc Bộ Thông Tin - Truyền Thông và được chỉ đạo bởi Ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không chỉ báo chí và các cơ quan truyền thông phải chịu sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản trong đưa tin, mà người dân cũng không thể công khai bày tỏ chính kiến của họ. Sự bất tuân phải chịu trừng phạt.

Bà Bùi Thị Minh Hằng được trả tự do


bui-hang-250.jpg
Sau 6 tháng trong lao tù, chị Hằng trông ốm yếu, tiều tụy đi rất nhiều. Người mặc áo hồng là một nữ An ninh Hà Nội tên Minh, chuyên theo dõi chị Hằng. Photo courtesy of blog Nguyễn Xuân Diện.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, do công khai tích cực tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái tại Hà Nội, cũng như lên tiếng tại Sài Gòn, nên đã bị bắt đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà. Sau gần nửa năm bị giam giữ ở đó, bà Bùi Thị Minh Hằng được cơ quan công an áp tải đưa về nơi đăng ký hộ khẩu là phường 4, thành phố Vũng Tàu vào chiều ngày 29 tháng tư vừa qua.

Sau khi về đến nhà, bà Bùi Thị Minh Hằng, lên tiếng với Đài Á Châu Tự do như sau:
“Rất vui mừng vì được thấy tình cảm của nhiều người gửi gắm vào mình. Bản thân chị thấy không có gì, vì bản thân vất vả thì không có gì nhưng chị cảm thấy lo lắng hơn trước hành xử của chính quyền, vì họ không muốn thay đổi theo pháp luật.”
Bản thân chị thấy không có gì, vì bản thân vất vả thì không có gì nhưng chị cảm thấy lo lắng hơn trước hành xử của chính quyền, vì họkhông muốn thay đổi theo pháp luật.
Chị Bùi Thị Minh Hằng
Trong thời gian ở tại Trại Giáo dục Thanh Hà, bà Bùi Thị Minh Hằng đã ủy quyền cho luật sư Hà Huy Sơn làm đại diện pháp lý để khởi kiện quyết định 5225 mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ký đưa bà vào trại giáo dục cải tạo. Bà đã gặp nhiều cản trở trong việc khởi kiện đó suốt thời gian nửa năm ở trong trại. Nay khi ra khỏi trại, bà cho biết tiếp tục cương quyết kiện quyết định mà bà cho là trái pháp luật đó.
Sau thời gian nửa năm trong Trại giáo dục Thanh Hà, bà Bùi Thị Minh Hằng sút đi 15 kilogram. Bà cho biết từng dùng dao lam rạch tay để tự vẫn nhằm phản đối hành xử mà bà cho là bất nhẫn, vô tâm của cán bộ trại giam đối với bà.
Tình hình thời sự suốt tuần ‘nóng’ với một số vấn đề như vừa nêu; trong khi đó thời tiết ở khu vực phía Bắc và bắc Trung bộ vào ngày đầu tháng 5 nóng trên 40 độ C. Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng năm ở khu vực này có nơi lên đến 42 độ C.

Không có nhận xét nào: