Hôm Chủ nhật ngày 6/5, các cử tri Pháp đã chọn lựa ứng viên của Đảng Xã hội Francois Hollande, người chống lại kế hạch cắt giảm chi tiêu công của tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, làm lãnh đạo mới của họ.
Hollande đã từng phát biểu rằng ông muốn các nền kinh tế châu Âu cắt giảm nợ công bằng cách tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng thay vì thắt lưng buộc bụng.
Nỗi lo sợ hiện giờ là hiệp ước gắn kết tài chính mà châu Âu phải khó khăn lắm mới đạt được nhằm cắt giảm nợ công có khả năng sụp đổ.
“Các nhà đầu tư quan ngại rằng liệu hiệp ước tài chính của khu vực đồng euro có trụ vững được hay không,” chuyên gia Arjuna Mahanedran của Ngân hàng HSBC nói với BBC, “Đây là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ”.
Pháp, Đức sẽ bất đồng?
Pháp và Đức là hai quốc gia đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro.Người tiền nhiệm của Hollande là Tổng thống Sarkozy đã làm việc rất chặt chẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel về các kế hoạch cứu trợ và các biện pháp thắt lưng buộc bụng dành cho các nước châu Âu gặp khủng hoảng.
Hai nước này là động lực thúc đẩy việc ra đời của một hiệp ước thắt chặt kỷ luật tài chính của khu vực.
Tuy nhiên, giờ đây với sự đắc cử của Hollande thì liên minh Pháp – Đức đang bị thách thức, các nhà phân tích nhận định.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Hollande đã nói ông sẽ tái đàm phán lại hiệp ước này. Trước đó ông cũng lên tiếng rằng ‘không chỉ mình Đức có thể quyết định tương lai của châu Âu’.
Các nhà phân tích cho rằng với cách nhìn hoàn toàn khác biệt như thế thì việc các thành viên khu vực đồng euro đạt được đồng thuận về các biện pháp bổ sung để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ là rất khó khăn.
“Ý tưởng Merkel-Hollande sẽ không bao giờ thành hiện thực bởi vì cả hai thuộc về hai thái cực đối lập vốn không có khả năng đồng thuận trên bất cứ vấn đề gì,” Jeff Sica, chủ tịch công ty quản lý quỹ đầu tư SICA cho biết.
Sự sụt giảm trên các thị trường châu Á không chỉ giới hạn ở chứng khoán.
Đồng euro xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 1,2955 đô la Mỹ.
Giá dầu thô cũng giảm. Dầu Brent mất giá 1% còn 111,95 đô la một thùng trong khi dầu thô ngọt nhẹ giảm 1,7% còn 96,80 đô la một thùng.
Các nhà phân tích cũng cho rằng tâm lý của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi số liệu việc làm yếu hơn mong đợi từ Mỹ được công bố hôm thứ Sáu ngày 4/5. Theo đó thì tăng trưởng việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại trong suốt tháng Tư vừa qua.
“Khi chúng ta nhìn vào ẩn số những gì đang diễn ra ở châu Âu và kết hợp nó với sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm của Mỹ thì điều này sẽ đẩy các nhà đầu tư khỏi các danh mục đầu tư nhiều rủi ro,” chuyên gia David Lennox của Fat Prophets, một công ty nghiên cứu chứng khoán quốc tế có trụ sở ở Anh, nhận định.
“Vào lúc này, với những bất ổn chính trị ở châu Âu, chúng ta buộc phải xem đồng euro như một tài sản đầu tư rủi ro,” ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét