Pages

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Giáo chọc thủng đùi, loa chọc thủng tai


Nước Việt triều đại nhà Trần, ngoại bang phương bắc lâm le lấn chiếm bờ cõi, thế giặc rất mạnh nhưng lòng dân nước Việt một lòng quyết tâm đánh giặc giữ nước. Một hôm quan nhà Trần đưa quân luyện tập đánh giặc đi ngang qua làng. Bao nhiêu người sợ quân quan né tránh nhưng có một người ngồi đan sọt bên đường không nghe thấy hiệu lệnh quân nhà Trần.
Quân nhà Trần đến bên đâm giáo vào đùi chảy máu mà người đó vẫn không hề hay biết. Quan nhà Trần lấy làm lạ xuống kiệu hỏi thì mới biết người đó đang nghĩ kế đánh giặc phương bắc. Quan nhà Trần cho rằng người này có tâm đánh giặc nên truyền lệnh đưa người đang sọt lên kiệu về phủ, rồi trọng dụng người đó cho làm tướng cầm quân ra trận. Nhờ đó mà nhà Trần ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm bảo vệ được bờ cõi non sông.

Người ngồi đang sọt đó sau này được sử sách nước Việt ghi, người đó tên là Phạm Ngũ Lão.
Mấy thế kỷ sau, nước Việt triều đại nhà Sản, ngoại bang phương bắc cũng lâm le lấn chiếm biển đảo quê hương. Thế giặc cũng rất mạnh và lòng dân nước Việt cũng một lòng quyết tâm đánh giặc. Một sáng chủ nhật quan nhà Sản đưa quân đi luyện tập chống tụ tập đông người. Đoàn quân đi ngang qua bờ Hồ, bao nhiêu người sợ quân nhà Sản né tránh. Có một người đeo kính đen mặc áo no U đứng bên đường không nghe thấy hiệu lệnh quân nhà Sản nên không né tránh.
Quân nhà Sản đến bên người đó chĩa loa vào tai phát ra tiếng oa oa, người mặc áo no U đó bị thủng tai nhưng cũng không hay biết gì. Quan nhà Sản thấy lạ định đến hỏi nhưng rồi thấy chiếc áo no U người đó đang mặc nên biết người đó đang nghĩ kế cắt đường lưỡi bò. Quan nhà Sản cho rằng người này quyết chí chống giặc phương bắc nên cho quân lính bắt lên xe buýt rồi chở đi nhốt. Nước Việt từ đó mà trở nên nguy cấp trước nạn ngoại xâm.
Người mặc áo no U bị loa chọc thủng tai đó chưa ai biết tên gì, chỉ thấy blog Cây tre Việt Nam đăng lên rồi blog Anh Ba Sàm đăng lại sáng nay. Sau này blog Anh Ba Sàm có ghi chép người đó vào Việt Sử Ký hay không thì vẫn còn chưa biết.

Không có nhận xét nào: