Tam Thái (Trái hay phải/PhuNuToday) – Trong khi các thượng đế mừng đến rơi nước mắt vì quyết định cho tăng giá xăng hết sức kịp thời của Bộ Tài chính, thì ngành xăng dầu lại cho thấy ảnh hưởng lớn lao của họ, kể cả dưới âm phủ cũng phải kinh hãi.
Một tin vui trong tháng cô hồn được báo Tuổi Trẻ đăng tải mấy kì liền trong những ngày qua, ấy là chuyện đám người tay không một mảnh bằng tại TP Hồ Chí Minh đã biến nước lã và tạp chất thành xăng dầu, nấu lốp xe thành dầu đỏ.
Thôi thì bao nhiêu mỹ từ đẹp đẽ nhất, như từ không thành có, tay không bắt giặc, rồi chân dép lốp mà bay vào vũ trụ, ngay lập tức được cộng đồng mạng ưu ái dành cho cái bãi xăng dầu mang tên Trâu Điên này.
Chẳng biết có ai nổi điên không, nhưng ta vẫn có thể tự hào mà rằng đây quả thật là một thành tựu khoa học công nghệ lớn lao, thậm chí còn mang tầm cỡ quốc tế.
Còn phải nói, thế giới đang điên loạn hết cả vì các nguồn năng lượng, công nghệ biến nước lã thành xăng này rất có thể là chìa khóa hóa giải nguy cơ khủng hoảng nhiên liệu trên quả đất.
Cộng đồng mạng sung sướng phát điên vì mất xe máy!
Chính vì vậy, nếu Bộ Công Thương có thể hơi khó ăn khó nói một tẹo vì nỗi việc sản xuất xăng dầu này là hoàn toàn không được phép, thì ngành khoa học và công nghệ có thể lấy làm tự hào thầm kín, đồng thời đập tan nỗi tự ti bấy lâu nay về một quốc gia có số giáo sư, tiến sỹ đông đảo không kém nước nào, mà lại không có lấy một nửa cái bằng sáng chế.
Chưa hết, rất có thể giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đang hết sức nóng lòng chờ ngày tìm được đồng nghiệp cùng đẳng cấp, khi công trình nghiên cứu biến xăng thành nước lã này giật giải Nobel Hóa học. Và thế là, con trâu từng cười hềnh hệch đến gãy cả hàm dưới lại tiếp tục đồng hành cùng đỉnh cao vinh quang của nền khoa học Việt Nam.
Riêng từ góc nhìn của ngành xăng dầu, ít nhất, công nghệ khó tin này có thể giúp họ giải quyết được ít nhất 2 vấn đề tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt.
Thứ nhất, công nghệ này chứng tỏ rằng xăng dầu dỏm nhất định không phải là nguyên nhân gây cháy xe. Quý vị thử tư duy một chút mà xem, xăng làm từ nước lã nhất định sẽ phát huy tác dụng mỗi khi xe bị đốt, vì xe cháy làm sao nổi?]
Xe cháy được lại chứng tỏ rằng xăng không dỏm, xăng mà dỏm thì sao lại thiêu rụi được cả cái xe trong nháy mắt thế chứ? Thật là loạn cào cào, có ai giải thích được nói cho bà con nghe với.
Thứ hai, công nghệ này còn khả dĩ giải thích được một phần vì sao các đại lý xăng dầu dù hết sức tội nghiệp, bán hàng cho 1.000 khách mới đủ tiền mua hai bát phở sáng, lại vẫn yêu nghề làm vậy.
Nghe đâu, nhớt thải chỉ có giá 4.000 đồng, nhưng nấu ra dầu tái lại được bán với giá 18.400 đồng (ở thời điểm xăng dầu chưa tăng giá).
Ấy là chưa kể, ảo thuật gia người Mỹ David Copperfield đang vò đầu bứt tóc và hết sức đau khổ vì nguy cơ bị người Việt Nam đuổi kịp về khả năng tàng hình. Lý do là theo Tuổi Trẻ, bãi xăng dầu Trâu Điên này rộng tới hàng chục ngàn mét vuông giữa nội thành TP Hồ Chí Minh, nhưng không có ai nhìn thấy nó hết.
Thành ra, chiến công làm biến mất tượng nữ thần tự do trong mấy phút của anh chàng David này kể vẫn quá xoàng.
Hiếu tử thời nay phải biết mua cây xăng hóa cho các cụ.
Cũng trong một ngày nóng bỏng tay những tin tức về xăng dầu, ngành này còn muốn khẳng định một chân lý có từ lâu nhưng người ta cơ hồ đã quên đi mất. Ấy là, không phải cứ có tiền thì mua tiên cũng được.
Mỗi tờ giật tít một kiểu về hiện tượng mà ta đang nói đến, nhưng hẳn cái tít ấn tượng nhất thuộc về Lao Động: Mua xăng không dễ.
Cái nhân văn của hành động găm hàng không bán này không chỉ nằm ở thái độ thờ ơ với đồng tiền, mà còn khiến nhiều cụ già từng sống qua thời bao cấp phải bật khóc nức nở, vì thấy rằng cái thời tuổi trẻ của họ hóa ra còn tươi đẹp chán.
Ừ thì cũng phải mua theo hạn ngạch đấy (nói chữ là có quota), ừ thì cũng phải xếp hàng đấy, tức là chẳng có một tí ti cơ chế thị trường nào, nhưng thời bao cấp, giá cả cũng hết sức phi thị trường, tức là dù sao cũng được cái rẻ.
Còn ngày nay, dù cơ quan quản lý luôn mồm khẳng định điều hành theo thị trường, nhưng chất lượng xăng dầu thì… như trên đã nói, phong cách phục vụ thì như 30 năm trước, chỉ có giá cả là không bao giờ chịu nhường giá thế giới đến một ngày.
Thành ra, các đại lý xăng dầu bỗng dưng oai như cóc cộ và đủ tư cách để ca vang bài tiền không phải là tất cả. Như lời ông chủ một cây xăng được Dân Trí trích lời: “Xăng của tôi, tôi bán làm sao kệ tôi chớ!”
Thành ra, tới khi Bộ Tài chính chính thức cho phép tăng giá xăng dầu, rất nhiều thượng đế đã mừng ra mặt, nhất là những người trót để xe hết xăng từ trước khi có tin đồn tăng giá và đã dắt bộ khắp nơi mà không sao tìm được chỗ mua xăng.
Theo những thượng đế này, rất cám ơn Bộ Tài chính đã cho phép tăng giá xăng kịp thời, vì để chậm ngày nào là các thượng đế phải chạy đôn chạy đáo vất vả khổ sở ngày ấy. Quý vị thử nghĩ mà xem, nếu Bộ không cho tăng giá, thì cái cảnh hết hàng, mất điện còn kéo dài đến bao giờ, khốn nạn thân tôi!
Mà nào chỉ riêng có đám người trần mắt thịt hiền lành này sợ một vế các bác xăng dầu, nghe nói cả dưới âm phủ cũng đang xôn xao nhốn nháo. Bằng chứng về tình hình hỗn loạn dưới âm phủ khi cây xăng găm hàng có thể tìm thấy trên tờ VnExpress, tại phóng sự ảnh về thị trường vàng mã phục vụ ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân.
Loạt ảnh cho biết, tại Hàng Mã, Hà Nội năm nay, một mặt hàng mới tinh xuất hiện là trạm xăng giấy để đốt cho người cõi âm và nghe đâu đang bán rất chạy. Nhiều bậc hiếu tử đã kháo nhau rằng, bây giờ, nhà lầu xe hơi ai phôn ai pét hay chân dài hầu hạ phục dịch giờ không là gì, vì các cụ không thiếu, chỉ rạc cẳng đẩy xe hơi đi tìm chỗ đổ xăng thôi. Nên, gửi cho các cụ cây xăng là có hiếu nhất!
Cũng theo loạt ảnh, hàng cọc, hàng cọc tiền âm phủ vẫn được ngang nhiên bày bán, cho dù đã bị nghiêm cấm. Kể ra cũng đáng trách, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng nên thông cảm phần nào cho đám con cháu trên dương gian bụi bặm.
Khổ, chắc dưới ấy, kinh tế cũng đang khốn khó, đang lạm phát ghê lắm đây. Và chẳng biết, những kẻ điêu ngoa láo khoét trên trần khi xuống dưới âm ty có bị móc mắt cắt tai xẻo thịt hay không, hay cứ có ba trăm lạng thì việc gì cũng xong nhỉ? Trần sao âm vậy mà, phải không các cụ?
Tam Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét