Pages

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Chuyện biển Đông vẫn còn “nhạy cảm”


Đoan Trang (Pháp Luật TP) - Trong vài năm qua, Trung Quốc có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Đông, Việt Nam chưa có. Chính phủ nên có những học bổng khuyến khích nghiên cứu sinh làm luận án về lĩnh vực này.
Khoảng 50 học giả, chuyên gia trong các lĩnh vực công pháp quốc tế, ngoại giao, lịch sử và quân sự đã gặp nhau tại hội thảo quốc gia lần thứ hai về biển Đông, do Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội ngày 26-4. Chủ đề của hội thảo lần này là Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế.
Kể từ hội thảo lần đầu tiên ngày 17-3-2009, hai năm qua, tình hình trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong suốt thời gian này, Trung Quốc cũng tiếp tục tăng cường sức mạnh hải quân, xây dựng căn cứ trên phần đảo họ chiếm hữu, ra lệnh cấm đánh bắt cá…
Khu vực hóa và quốc tế hóa
Theo ông Đặng Đình Quý, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu biển Đông của Học viện Ngoại giao, các nước có liên quan trực tiếp tới tranh chấp đều thực hiện một số biện pháp chung như củng cố hải quân, tăng cường sự hiện diện trên thực địa; củng cố cơ sở lịch sử, pháp lý; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Bản thân Việt Nam cũng đã nỗ lực quốc tế hóa vấn đề biển Đông thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của ASEAN, nộp báo cáo ranh giới thềm lục địa và tổ chức hai hội thảo quốc tế.
Ông Quý nhấn mạnh sự “khởi sắc” của hoạt động nghiên cứu, hội thảo trong hai năm qua, ở cả Việt Nam và trên diễn đàn quốc tế: “Số bài viết về biển Đông tăng gấp bội. Số người nói công khai về những vấn đề tại biển Đông cũng tăng lên gấp nhiều lần. Nếu như trước 2008, hằng năm ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Hội thảo kiểm soát xung đột ở Biển Đông ở Indonesia và một số ít hội thảo khác chỉ nói về hợp tác, thì trong năm 2009-2010, số hội thảo về biển Đông tăng nhanh. Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore… đều có tổ chức hội thảo quốc tế”. Tư liệu của một học giả khác cho hay cả Mỹ, Nhật cũng đã mở hội thảo quốc tế liên quan.
Vấn đề biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế khi nó được đem ra bàn thảo ở Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17). Ảnh: TTXVN
Nguyên Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Vũ Khoan đưa ra một số nhận xét có tính chất đánh giá khái quát tình hình biển Đông hai năm qua. Ông cho rằng có năm thay đổi chủ yếu, chẳng hạn, từ chỗ là tranh chấp chủ quyền giữa một số nước trong khu vực, vấn đề biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế, khi nó được đem ra bàn thảo ở Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17), với sự xuất hiện của nhân tố mới là Mỹ. Thái độ của ASEAN cũng thay đổi, có sự phân hóa rõ nét thành hai khối quốc gia – quan tâm và ít quan tâm tới biển Đông. Đặc biệt là sự thay đổi của Trung Quốc. “Có vẻ như họ hay thay đổi chứ không “nhất thành bất biến”. Chẳng hạn, gần đây, họ sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 nhiều hơn, trước kia thì tránh né” – ông Vũ Khoan nhận định.
Quan tâm đầu tư cho con người
Hai năm qua, ở Việt Nam, số người tham gia nghiên cứu, số chương trình nghiên cứu, số lượng bài viết về biển Đông tăng lên đáng kể so với trước. Mặc dù vậy, ý kiến lạc quan nhất tại hội thảo 26-4 cũng không thể khẳng định rằng Việt Nam đã “mạnh” trong lĩnh vực này. Lực lượng chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tới biển Đông (cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, công pháp quốc tế, địa chính trị…) vẫn “đếm được trên bàn tay”; các bài viết đa phần vẫn là “nói cho nhau nghe” vì không được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, có uy tín của nước ngoài. Đây là nhận định chung của nhiều học giả tham dự hội thảo lần này.
Tháng 3-2009, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từng đưa ra đề nghị: “Chính phủ nên thực hiện “bốn hóa” trong vấn đề biển Đông: xã hội hóa, công khai hóa, quốc tế hóa và phi nhạy cảm hóa”. Nhìn lại tình hình hai năm qua, ông Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ ngành Hán Nôm, cho rằng ta “mới quốc tế hóa được một nửa” – tức là đưa được vấn đề ra các diễn đàn, hội nghị quốc tế nhưng không có lượng bài viết dày đặc trên tạp chí quốc tế như học giới Trung Quốc. Còn các khía cạnh xã hội hóa, công khai hóa và phi nhạy cảm hóa thì chưa cải thiện. Gần 100% chuyên gia, học giả tham dự hội thảo đều yêu cầu được ẩn danh.
Hội thảo nhất trí với một số ý kiến đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, nhất là nghiên cứu cơ sở pháp lý làm luận cứ cho đàm phán về biển Đông; tích cực quốc tế hóa vấn đề; duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; đặc biệt là phải đầu tư cho con người. Một học giả nêu so sánh: Trong vài năm qua, Trung Quốc có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Đông, Việt Nam chưa có, nên chăng Chính phủ có những học bổng khuyến khích nghiên cứu sinh làm luận án về lĩnh vực này?
Ban tổ chức (Học viện Ngoại giao phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam) bày tỏ hy vọng sang năm, tới hội thảo lần thứ ba, số lượng công trình, bài viết nghiên cứu của học giới Việt Nam về biển Đông sẽ tăng thêm nhiều, với nhiều cái mới hơn.
Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp
Tháng 3-2009: Xảy ra vụ năm tàu của Trung Quốc khiêu khích tàu Impeccable của Mỹ.
Tháng 5-2009: Việt Nam, Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa; Trung Quốc phản đối, lần đầu tiên công khai yêu sách “đường lưỡi bò”.
Tháng 3-2010: Có tin Trung Quốc nâng vấn đề biển Đông thành “lợi ích cốt lõi”.
Tháng 7-2010: Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17), tại đó 14/27 quốc gia có phát biểu về biển Đông, trong đó có Mỹ.
Tháng 3-2011: Tàu Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Philippines ở bãi Cỏ Rong…
ĐOAN TRANG

Không có nhận xét nào: