Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc

(DR)
Thanh Hà - RFI - điểm báo
« The China Choice : Why America Should Share Power- Lựa chọn Trung Quốc : Tại sao Mỹ phải chia sẻ quyền lực » là tác phẩm mới của chuyên gia Úc, Hugh White. Theo đó, để duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ nhường lại cho Bắc Kinh phần thuộc Đông Dương cũ. Quan điểm này đã khiến nhiều nước trong vùng đau đầu, nhất là Việt Nam khi nhìn lại quá khứ lịch sử.
Các tờ báo lớn của Paris tập trung nói về những chủ đề thiết thân với đời sống của người dân Pháp như là lo âu thất nghiệp tràn làn, sức mua của người dân sa sút do giá dầu hỏa và lương thực có khuynh hướng tăng thêm. Ở phần trang quốc tế, các tờ báo Pháp chú ý nhiều đến thời sự Trung Quốc. Nhưng trước tiên, xin điểm qua một bài nhận định trên tờ Straits Times của Singapore liên quan đến Việt Nam. Bài viết mang tựa đề « Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc .



Chiến lược kép của Việt Nam

Nhà báo William Choong nhắc đến cuốn sách vừa được ra mắt công chúng của một học giả ngưới Úc, giáo sư về chiến lược và quốc phòng, Hugh White. Ông giảng dạy tại Đại học Quốc gia Úc. Cuốn sách mang tựa đề « The China Choice : Why America Should Share Power- Lựa chọn Trung Quốc : Tại sao Mỹ phải chia sẻ quyền lực ». Theo quan điểm của giáo sư White, để duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc cần chia sẻ quyền lực với nhau. Cụ thể là Washington nên nhường lại cho Bắc Kinh phần thuộc Đông Dương cũ. Quan điểm này đã khiến nhiều nước trong vùng đau đầu, đặc biệt là Việt Nam khi nhìn lại quá khứ lịch sử và quan hệ với Trung Quốc.

Tác giả người Úc nhắc lại, Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc đô hộ. Nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ vào thập niên 60, thì Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về quân sự lẫn kinh tế. Hà Nội và Bắc Kinh luôn ví quan hệ mật thiết giữa hai nước như « môi với răng ».

Dù có gắn bó như « môi với răng », nhưng điều đó đã không cấm cản Việt Nam và Trung Quốc gây hấn với nhau ở biên giới vào năm 1979, sau khi Bắc Kinh đã xích lại gần Washington. Đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại xảy ra thêm một lần nữa vào năm 1988 trên quần đảo Trường Sa.

Tương tự như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam không muốn phải chọn lựa giữa hai nước lớn là Mỹ hay Trung Quốc và cố giữ một sự cân bằng trong quan hệ với đôi bên, cho dù chính sách ngoại giao của Hà Nội cho thấy, Việt Nam luôn « tỏ ra đoàn kết với Bắc Kinh ». Mặt khác, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ - kể cả trong lĩnh vực quân sự và chiến lược- với Hoa Kỳ để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thế nhưng, chiến lược của Việt Nam giữa hai ông khổng lồ là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có những giới hạn của nó. Tính toán đó chỉ có lợi cho Hà Nội, nếu như Việt Nam thực sự không phải chọn một trong hai cường quốc này. Hiềm nỗi, căng thẳng đang dấy lên trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể bắt buộc Việt Nam phải xét lại tính toán về chiến lược nói trên.

Quan điểm của Philippines đã quá rõ ràng : Manila đã nhấn mạnh đến liên minh quân sự từ lâu đời với Washington. Còn đối với Việt Nam, hợp tác quân sự ngày càng lớn với Hoa Kỳ có thể cho phép Hà Nội cầu viện Washington trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Vẫn theo chuyên gia chiến lược và quốc phòng người Úc, giáo sư Hugh White, trong trường hợp đó, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ bị tổn hại, căng thẳng tại Biển Đông nhanh chóng gia tăng cường độ và có khả năng là Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đọ sức với nhau kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Chính vì thế mà tác giả cuốn « The China Choice : Why America Should Share Power » kết luận rằng, Việt Nam đang trong tình thế khó xử nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông. Vì cầu cứu Mỹ chỉ càng làm chiến sự gia tăng, còn chịu thu mình dưới trướng Trung Quốc thì Việt Nam có nguy cơ thêm một lần nữa lại rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: