L.V. chuyển ngữ, trích từ Dân LuậnRoger Mitton, theo Phnompenh Post
Tuần trước giới truyền thông ngập tràn những câu chuyện về tình hình kinh tế u ám của Việt Nam, như báo Wall Street Journal viết, “đi từ xấu đến tồi tệ”.
Hôm thứ Ba, tờ báo Tuổi Trẻ trong nước cho biết ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên đã bị bắt giữ vi những vi phạm về tài chính.
Kiên là một trong 20 doanh nhân giàu có và quan hệ rộng nhất Việt Nam – ông có liên hệ gần gũi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là người đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Á châu, một trong những nhà băng lớn nhất nước.
Tin tức về việc ông bị bắt giữ khiến thị trường chứng khoán của Việt Nam vốn đang hấp hối lại phải chịu đựng một cú tuột dốc mạnh nhất trong bốn năm qua và khiến cho những người ký gửi chen vào các chi nhánh của ACB để rút tiền tiết kiệm của mình.
Gần 400 triệu Mỹ kim đã được rút trong vòng hai ngày và ngân hàng trung ương đã phải điều động hàng đống tiền để ngăn chặn việc các ngân hàng thương mại bị thiếu hụt vốn.
Một khoảng thời gian ngắn ngủi có vẻ yên ổn lại bị phá vỡ hôm thứ Năm khi những hãng tin như Agence France Presse chạy tít: “Ông trùm thứ hai bị bắt giữ khi ngành ngân hàng bị nạn rút tiền hàng loạt.”
Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, đã hội ngộ trong tù với Kiên vì bị nghi ngờ đã vi phạm nguyên tác tài chính và điều này làm trầm trọng thêm nạn rút tiền và cú tuột dốc 4 tỉ Mỹ kim đầy thảm hoạ trong thị trường chứng khoán.
Bức tranh lại càng u tối một cách thảm hại hơn mà bằng chứng là một bài viết trên trang nhất của tờ New York Times với tựa đề: “Lo ngại về một khủng hoảng kinh tế dâng cao ở Việt Nam.”
Những nỗi lo này được củng cố khi cơ quan Thông tấn xã Việt Nam của chính phủ cho biết vào giữa tuần là giá cả đang lại bắt đầu leo thang.
Trước đây không lâu, để ngăn chặn nạn lạm phát đang hoàng hoành đến mức 30%, chính quyền đã mạnh tay cắt giảm tín dụng và giới hạn tăng trưởng.
Việc này đã có hiệu quả và tỉ lệ lạm phát giảm xuống hàng đơn vị trong năm qua, nhưng cái giá phải trả lại quá đắt.
Tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng vụt, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ, tiếp theo là nạn thiếu điện trầm trọng, những vụ đình công bất hợp pháp lan tràn và thị trường nhà đất trượt dài vào tình trạng hôn mê hiện tại.
Như bài báo trên tờ New York Times cho biết: “Những thành phố lớn ở việt Nam giờ đây lổn ngổn hàng trăm công trường xây dựng bị bỏ hoang.”
Cùng lúc, sau khi những vụ giảm giá tiền và giá chi tiêu tăng, người dân đã cắt giảm việc tiêu xài; ví dụ sản lượng bán ra và hàng hoá tiêu dùng tại những cửa hàng vừa qua đã giảm từ 20 đến 30%.
Càng làm cho tình hình thêm tồi tệ, lượng đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay chỉ chiếm một phần tư so với cùng kỳ ba năm trước.
Hệ quả là, với mức tăng trưởng GDP giờ đây bị giảm sút đến gần 4% và còn tiếp tục đi xuống, Việt Nam đang có một nền kinh tế với hiệu quả tồi tệ nhất trong khu vực và đang đối diện với viễn cảnh đầy đau đớn của một tình trạng khủng hoảng lạm phát.
Như hãng tin Associated Press tường thuật, hiện tại đang có “mối nghi ngờ về tính ổn định tài chính của đất nước vốn từng được xem là một con hổ kinh tế đang lên của châu Á.”
Việc bắt giữ tuần trước diễn ra sau việc kết án Phạm Thanh Bình, cựu tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu nhà nước Vinashin, những vi phạm tài chính của ông đã khiến cho công ty này đang phải gánh món nợ 4.5 tỉ Mỹ kim.
Trong cùng lúc ấy, Dương Chí Dũng, cựu giám đốc của tập đoàn hàng hải nhà nước Vinalines, vừa qua đã bỏ trốn sau khi gây nợ 2 tỉ Mỹ kim.
Cả Bình và Dũng đều là những cận thần chính trị của những người đứng đầu đảng, đương nhiên, chẳng ai trong họ bị trừng phạt, cũng như chưa ai trong những người đỡ đầu Kiên hoặc Hải bị chú ý đến.
Nhưng những đám mây của cơn bão chính trị đang dồn đến, và sự bất mãn đối với việc điều hành kinh tế sai trái cũng đang tăng cao, thậm chí trong nội bộ Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam.
Thủ tướng Dũng, người có con gái là Nguyễn Thanh Phượng từng hợp tác với Kiên trong những thương vụ ngân hàng, hiện đang bị công khai thách thức bởi đối thủ lâu dài, Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Sang được tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hậu thuẫn, điều này có nghĩa là ngày tàn của vị thủ tướng đang gần kề.
Trong một bài báo chí tử vào tuần trước, Sang đã tấn công cả những doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả cũng như nạn tham nhũng, sự thiếu trách nhiệm và sự suy giảm đạo đức trong chính quyền của Dũng. Có thể ông cũng đã nhắm những chỉ trích của mình vào đảng.
Xin nhại lời của Winston Churchill [*], cơn khủng hoảng kinh tế này có thể không phải là dấu hiệu về sự chấm dứt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nó có thể là thời điểm cuối của buổi đầu suy vong của đảng.
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét