Báo Anh Financial Times hôm 31/8 có bài phân tích nhân tin đồn một số "đại gia" bị bắt giữ ở Việt Nam.
Bài báo, có tựa "Êm ả sau cơn bão?", của phóng viên Ben Bland và Nguyễn Phương Linh nhận định: "Trong dấu hiệu của không khí phát sốt và thiếu tin tưởng thông tin chính thức...một loạt doanh nhân hàng đầu cảm thấy phải xuất hiện trước công chúng để chứng tỏ chưa bị tống giam."Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải, hai nhân vật liên quan ngân hàng ACB, bị bắt, dư luận cùng các trang mạng tiếng Việt đầy rẫy tin đồn về một số người khác trong tầm ngắm của công an.
Trong số này có ông Nguyễn Đăng Quang, sáng lập viên kiêm Chủ tịch HĐQT tập đoàn Masan, và Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Theo Financial Times, sau những ngày thị trường chứng khoán tụt giá mạnh và không ít khách hàng rút tiền khỏi ACB, thì nay dường như không khí đã tương đối lắng lại.
Nhưng bài báo nói: "Nhiều người tin rằng còn có thể có các vụ bắt giữ doanh nhân khác trong khi đấu đá chính trị tiếp tục và các nhóm bên trong chính phủ và đảng tìm cách chứng tỏ quyết tâm giải quyết các vấn đề kinh tế sâu sắc của đất nước."
Một người quản lý quỹ ở TP. HCM cho biết: "Tôi sắp sửa hoàn tất một hợp đồng mới nhưng các vụ bắt bớ này khiến nhà đầu tư nước ngoài rất bồn chồn."
"Chúng tôi đang tìm một câu chuyện tốt lành để kể cho họ nghe, nhưng hiện tại chẳng có," người này nói.
Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín dụng cho hay họ có thể đánh tụt hạng ACB và các ngân hàng khác ở Việt Nam.
Fitch tuyên bố các sự kiện mới đây "có thể gây rủi ro cho ổn định tài chính, làm tăng khả năng xếp hạng tiêu cực cho các ngân hàng".
Moody’s lại lo ngại các vụ bắt giữ ở ACB "gây áp lực lên thanh khoản và có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn tới giá trị kinh doanh của ACB".
Tờ Financial Times còn dẫn lời một nhà quản lý của một công ty đa quốc gia tại Hà Nội rằng nhiều vấn đề đang làm nản lòng giới đầu tư.
"Một nền kinh tế bất ổn, tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, hệ thống ngân hàng thiếu lành mạnh và hình như nay còn có trận chiến chính trị," người này nói.
Một tổ chức xếp hạng khác, Standard & Poor’s, hôm 29/8 lên tiếng: "Những cải cách kịp thời đối với các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là điều cần thiết để có thể xây dựng niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu đang tăng cao."
Bài viết của Financial Times kết luận: "Dù chuyện gì xảy ra trong những tuần và tháng sắp tới, việc tái cấu trúc này có thể là quá trình kéo dài và đau đớn."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét