Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Trung Quốc tráo người, Việt Nam có “biện pháp nghiệp vụ”



Cầu Nhật Tân - Vừa qua, Trung Quốc rộ tin vợ chồng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đạo diễn vụ tráo vợ Bạc Hy Lai để che giấu nhiều tình tiết khi ra tòa. Việt Nam cũng rộ tin nào là Soái này, Soái kia thuê người đóng thế v.v. Các tình tiết liên quan đến các Soái, các Bố, các Mẹ cứ mơ hồ lúc u lúc minh với nhiều đồn đoán xen lẫn sự thật. Các bàn tay vô hình thoải mái che khuất ánh sáng, thao túng mọi việc trong bóng đêm, thật giả, giả thật không biết đằng nào mà lần. Nhân đây, hãy xem “biện pháp nghiệp vụ” trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến một Thiếu tướng Công an cùng nhiều Soái với những tình tiết bị tráo lộn, ở đó, chỗ nào cũng có dấu vết của bàn tay vô hình thao túng. Câu chuyện khẳng định sự thật gần như chân lý ở xã hội Việt Nam “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”.

Đường dây buôn người ra nước ngoài kiêm rửa tiền

Từ lâu, cảnh sát Pháp, Anh đã thông báo cho Công an VN về đường dây chuyên buôn người đi Đông Âu rồi sang Pháp, Anh bằng visa giả. Từ Đông Âu, đường dây này đưa tiếp người sang Anh Quốc trồng ma túy đồng thời cơ sở tại Việt Nam làm đầu nậu rửa tiền trong nước. Giá trót lọt 20.000 – 30.000 USD/người. Đặc biệt, có nhiều thông tin cho thấy đường dây buôn người được tổ chức với sự bọc lót của Công an, Phòng Thương mại Công nghiệp VN. Đứng đầu đường dây là một nữ doanh nhân nổi tiếng Vũ Thị Tuyết Giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn NTT có trụ sở tại 11 phố Lý Thường Kiệt. Từ năm 1995 đến 2005, đường dây này đã đưa (thực ra là buôn) hàng nghìn người ra nước ngoài, kiếm vài chục triệu USD. Với sự giúp sức của một số ngân hàng ở Hà Nội và TPHCM, đường dây này đã rửa tiền trị giá vài trăm triệu - cả tỉ USD cho các Soái ở Nga, ở Anh. Con số rửa tiền chính xác thì không thể nắm được bởi các thế lực “bọc lót” quá lớn. Hiện, hồ sơ rửa tiền liên quan nhiều Soái vẫn đang nằm trong tay Công an Hà Nội. Báo chí vài năm trước đã khui ra các vụ rửa tiền nhưng ảnh hưởng của các Soái quá lớn nên Cơ quan Công an đành gác lại (chính 1 Thứ trưởng Bộ CA phụ trách An ninh lúc đó đã can thiệp). Ngoài ra, đường dây này cũng đã cung cấp hàng chục quyết định khởi tố bị can (quyết định có đóng dấu thật của cơ quan An ninh, nhưng không có vụ án nào hết) với các tội danh về an ninh, chính trị để giúp một số đối tượng trong đường dây ung dung xin tị nạn chính trị ở nước ngoài. Bấy lâu, người ta chỉ nghe nói đút lót, chạy chọt để không bị Công an khởi tố. Ngay giữa Hà Nội lại có chuyện ngược đời là người ta phải bỏ tiền (mà rất nhiều tiền) để chạy chọt cho mình “được” Công an khởi tố.

Phó Giám đốc Công an với mối quan hệ “đặc biệt”

Vũ Thị Tuyết, sinh năm 1959, thường trú tại phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), là Giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn NTT có trụ sở 11 phố Lý Thường Kiệt, là chỗ quan hệ tình cảm với Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, lúc đó là Đại tá Phó giám đốc Công an Hà Nội. Để che mắt và lấy pháp nhân thuận tiện cho hoạt động với hệ thống ngân hàng, Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam, Tuyết đăng ký ngành nghề kinh doanh từ buôn bán tư liệu sản xuất, kinh doanh nhà, đại lý bán vé máy bay, lữ hành nội địa và quốc tế, đến cả… dịch vụ xoa bóp. Tuy nhiên, ngạch chính là buôn người đi Anh, Pháp, Đông Âu. Phó tướng của Tuyết là Lê Kỳ Thanh (Giám đốc Cty TNHH sản xuất và XNK Châu Á). Các chân rết tỏa ra rất rộng từ Phòng TMCN VN đến Bộ GD-ĐT, các địa phương với sự giúp sức đắc lực của an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam. Trong các cú đưa người, luôn có dấu ấn của người đẹp Tuyết với Đại tá Nghi. Đại tá còn công khai sánh vai với người đẹp trong các cuộc du hý đó đây.

Bắt đầu từ nội bộ đánh nhau

Hệ thống vận hành thật trơn tru cho tới khi tướng Chuyên giám đốc công an Tp Hà Nội sắp nghỉ hưu. Một cuộc chiến tranh ghế quyết liệt diễn ra giữa ông Nhanh, ông Nghi bắt đầu trong đó một bên dùng Cảnh sát, một bên dùng An ninh với mọi biện pháp nghiệp vụ được tung ra nhằm làm mất khả năng “lên ghế” của đối phương.

Ngày 1/9/2005, Vũ Thị Tuyết đột ngột bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội bắt khẩn cấp tại nhà riêng ở phố Láng Hạ. Quá trình bắt giữ, ông Nghi sai trực tiếp con trai là Nguyễn Đức Thắng cùng một số sỹ quan an ninh điều tra PA24 (nay là PA92) đến cản lối nhưng đành chịu thúc thủ.

Biện pháp nghiệp vụ

Phái ông Nhanh đánh ông Nghi ở vụ thị Tuyết dùng visa giả để đưa người sang Cộng hòa Séc. Qua Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Công an Hà Nội được Sứ quán Séc cấp cho mẫu visa thật để giám định một vụ đưa người ra nước ngoài trái phép bị cảnh sát bắt ngay tại sân bay Nội Bài. Theo chức năng, vụ án được giao sang An ninh. Trong quá trình điều tra, thụ lý, “cấp trên” đã lệnh cho điều tra viên Trần Quang Tiến, Phòng An ninh điều tra – Công an Hà Nội (PA24) đánh tráo hồ sơ một cách ngoạn mục.

Khi có mẫu visa thật của đại sứ quán Séc và Cục Lãnh sự giao, điều tra viên Trần Quang Tiến sai Vũ Thị Tuyết lấy con dấu giả (đã đóng lên các quyển hộ chiếu đang bị giữ) đóng lên 3 tờ giấy khổ A4 và tráo mẫu dấu visa thật bằng mẫu dấu visa giả rồi đưa vào hồ sơ vụ án. Lúc này, mẫu thật thành giả và mẫu giả đã thành của thật.

Sau đó, mẫu giả mới được gửi lên Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an để “giám định” và “kết luận”. Kết quả, Bộ Công an kết luận: “các mẫu dấu gửi tới giám định là do cùng một con dấu đóng ra”. Căn cứ vào kết luận này, Cơ quan An ninh điều tra CA Hà Nội đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Vũ Thị Tuyết. Các Bố, các Mẹ thoát tội một cách ngoạn mục.

Sau khi thoát tội, Vũ Thị Tuyết, Lê Kỳ Thanh vẫn tiếp tục dùng võ như trên để thực hiện đưa hàng trăm người khác ra nước ngoài, kiếm nhiều tỉ đồng.

Phái ông Nhanh cũng chẳng vừa. Họ cài đặc tình vào đường dây, giả làm người đi “hợp tác lao động”. Đặc tình này theo đường dây sang tận Anh thì mới nắm được cách thức và thủ đoạn. Sau đó, đặc tình “dích” tin về cho ông Nhanh.

Công an Hà Nội lại phải muối mặt xin Cục Lãnh sự làm thủ tục “xin lại” mẫu visa thật từ đại sứ quán Séc để giám định.

Màn kết luôn tốt đẹp nhưng chu kỳ đánh đấm không có điểm dừng

Kết quả là ông Nghi bị hạ gục ngay ở phút bù giờ thứ nhất trong một trận đấu nghẹt thở bất phân thắng bại. Ông Nhanh đàng hoàng bước lên ghế Giám đốc Công an Hà Nội. Những việc sau đó, dù tày trời đến đâu cũng thuộc phạm vi “xử lý nội bộ”. Vụ án làm giả tài liệu, đưa người ra nước ngoài chỉ xử lý “khoanh vùng”. Đại tá Nghi dù thua nhưng được bù đắp không ít: được sang làm Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội (lên chức Giám đốc một sở ngang với ông Nhanh), rồi lại được đeo lon Thiếu tướng.

Mãn cuộc chiến, họ lại vẫn gọi nhau là đồng chí, vẫn bắt tay ôm hôn thắm thiết trong các cuộc giao ban, lễ lạt, vẫn cùng nhau hô hào học tập và làm theo đạo đức này kia, tung hô các giá trị rất hào nhoáng.

Thời điểm này, ông Nhanh sắp nghỉ hưu. Vòng mới của cuộc chiến ”lên ghế” tại 87 Trần Hưng Đạo đã bắt đầu và đang diễn ra âm thầm, khốc liệt như một chu kỳ của quy luật quái đản khép kín ”Quyền – Thủ đoạn – Tiền – Quyền”.

Đồng chí Nguyễn Đức Nghi:


Đồng chí Nguyễn Đức Nhanh:


Cầu Nhật Tân

Không có nhận xét nào: