Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Của Caesar hãy trả lại cho Caesar



Trần Việt Trình (Danlambao) - Mới đây, trên trang blog của Trương Duy Nhất ở trong nước có chạy bài viết của chính nhân vật chủ trưong trang blog với tiêu đề “Chợ Cồn & sự trả lại những giá trị, danh xưng cũ” đã làm xôn xao một số dư luận trong nước. Bài viết đăng mới chỉ vài ngày mà đã có hàng trăm ý kiến đóng góp. Phần lớn là ca ngợi và ủng hộ. 

Câu chuyện bắt đầu từ việc hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố (TP) Đà Nẵng (ĐN) vừa quyết định trả lại tên “Chợ Cồn” cho khu chợ đã gắn liền với dân ĐN từ hồi nào đến giờ, xoá bỏ cái tên “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng” đã được áp đặt gần 30 năm qua. 

Cũng nên nói sơ qua, chợ Cồn là khu chợ nằm ở trung tâm thành phố ĐN và là chợ lớn nhất thành phố. Cái tên chợ Cồn có từ thập niên 1940. Hồi đó chợ nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Thoạt đầu, chợ được xây dựng trên một cồn cát đầy lau sậy và lạch nước và các gian chợ là những nhà chòi tre đơn sơ. Theo thời gian, người kinh doanh tu bổ bằng những vật liệu kiên cố hơn.

  
Chợ Cồn ngày trước

Cho đến năm 1975, chợ Cồn được xem là đông đúc, sầm uất nhất ĐN và là chợ bán sỉ và lẻ lớn nhất miền Trung Việt Nam.

Tháng 12 năm 1984, chợ được xây dựng lại thành 3 tầng khang trang với diện tích 14 ngàn mét vuông và mang một cái tên mới là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Nhưng, người dân thành phố ĐN vẫn quen gọi là “Chợ Cồn” thay vì tên chính thức.

Chợ Cồn ngày nay

Như vậy là sau 27 năm, người dân ĐN vẫn không quen với tên gọi mới. Cái tên “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng” tưởng là sang trọng, tưởng là hợp thời, vẫn không thể thay thế được cái tên “Chợ Cồn” bình dị đã ăn sâu vào lòng người dân địa phương. Có nhiều cái, “chế độ” bình dân đến tội nghiệp. Có những cái “chế độ” đua đòi, ráng vẽ rồng vẽ rắn thì lại không hợp với lòng dân. Tiếc thay!

Như vậy là sau 27 năm, với những biến chuyển của thời cuộc, chợ Cồn lại được mang lại cái tên thân thương xưa cũ.

Việc trả lại tên cho chợ Cồn không chỉ đơn thuần là trả lại một cái tên, mà là trả lại một giá trị văn hóa đã trở thành cách gọi, thói quen, và nếp nghĩ, đã ăn sâu trong tiềm thức và tâm khảm của người dân ĐN.

Việc trả lại tên cho chợ Cồn không chỉ đơn giản là tên gọi một cái chợ mà là một thái độ dám đoạn tuyệt, vứt bỏ những điều không phù hợp, khó áp đặt cho cuộc sống của người dân. Kể từ đầu năm 2002, ban quản lý các chợ ĐN đã chính thức đệ đơn xin chính quyền thành phố trả lại tên gọi cũ. Sau hơn 10 năm tranh đấu kiên trì của người dân địa phương, sau hơn 10 năm bàn thảo, cuối cùng HĐND TP ĐN đã “dũng cảm” quyết định trả lại tên gọi cũ cho chợ Cồn. Để được lòng dân? Để vớt vát lại lòng dân đã mất?

Trên đây chỉ là chuyện tên gọi một cái chợ, nhưng không phải địa phương nào cũng dám làm và làm được như ĐN.

Chuyện không chỉ đơn giản là tên gọi một cái chợ, tên gọi một con đường, tên gọi một thành phố mà là những giá trị văn hóa, là cách nhìn và thái độ văn hóa mà nhà cầm quyền có dám đoạn tuyệt và vứt bỏ một khi thấy nó không phù hợp, không thể áp đặt được hay không?

Chuyện thay tên Sài Gòn bằng tên thành phố Hồ Chí Minh là một bằng chứng hùng hồn nhất.

Chúng ta hãy đi ngược lại thời điểm 37 năm về trước.

Kể từ năm 1975, khi CSBV xâm chiếm toàn Miền Nam, dùng chiêu bài thống nhất đất nước để đưa toàn cõi Việt Nam vào ách CS, thì chiến dịch đổi tên đường, đổi tên thành phố, đổi các sự kiện lịch sử đã được phát động một cách quy mô nhằm xoá bỏ tàn tích Mỹ Ngụy nhưng thực chất là để nhuộm đỏ lịch sử, nhuộm đỏ xã hội, và nhuộm đỏ văn hóa. 

Tên nước thì từ Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. 

Tên tỉnh lỵ cũng thay đổi: Phú Khánh thay cho liên tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, Nghệ Tĩnh thay cho Nghệ An và Hà Tĩnh, Hà Nam Ninh thay cho Hà Nam và Ninh Bình. 

Tên đường thì đổi hàng loạt, tiêu biểu nhất là đổi tên đường Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành Đồng Khởi để người dân Sài Gòn sớm nhận diện được rằng:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Đặc biệt nhất là đổi tên Sài Gòn bằng một cái tên mới làm cho người miền Nam kinh ngạc đến phẫn nộ: Thành Phố Hồ Chí Minh!

Sông có cội nước có nguồn. Dân tộc nào cũng có lịch sử riêng của mỗi dân tộc. Dân tộc VN chúng ta có một lịch sử hình thành và phát triển theo thời gian làm thành ba miền Bắc - Trung - Nam với 3 địa danh tiêu biểu là Hà Nội, Huế và Sài Gòn đã ghi vào tâm khảm của mỗi con người VN. Ba tên gọi thân yêu này đã gắn liền với lịch sử 3 miền và ghi sâu vào trong tim óc của mỗi người Việt, bất kể Bắc hay Nam. Riêng Sài Gòn, mặc dầu sinh sau đẻ muộn nhưng Sài Gòn là một thành phố đầy ắp giá trị lịch sử và văn hóa đã sống trong tâm tư, tình cảm và trên môi miệng của người dân miền Nam trong hơn 300 năm qua.

Chỉ 14 tháng sau ngày cướp được miền Nam, vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, trong khi người dân miền Nam chưa kịp hoàn hồn, nhà cầm quyền CS đã giáng thêm một đòn chí tử lên đầu họ bằng nghị quyết xóa bỏ tên Sài Gòn để đổi thành TP HCM. Đây là một đòn ác hiểm đâm thẳng vào tim óc của người miền Nam. Nghị quyết do Trường Chinh, chủ tịch quốc hội bù nhìn, ký là vết chém vào tim người dân miền Nam còn đang rỉ máu, là vết búa bổ vào đầu người dân miền Nam còn đang bấn loạn. Việc thay tên Sài Gòn bằng HCM rõ ràng là quá vội vã, quá đặt nặng mục tiêu chính trị.

Chỉ vì kính trọng Bác nên các đồng chí của Bác muốn lấy tên Bác đặt cho thành phố SG nhưng đâu phải cứ đem cái tên đặt cho thành phố mới biểu lộ được sự kính trọng. Không khéo, nhiều khi việc dùng tên như vậy lại “vô tình” trở thành “phản động”, phản tác dụng, châm biếm và phỉ báng lãnh tụ của mình. Chê SG ngày nay dơ dáy quá, SG hôi hám quá, SG ồn ào bụi bậm quá, SG ăn chơi đồi truỵ quá, SG là một ổ vi trùng bịnh hoạn thì không sao chứ nếu nói HCM dơ dáy quá, HCM hôi hám quá, HCM ồn ào bụi bậm quá, HCM ăn chơi đồi truỵ quá, HCM là một ổ vi trùng bịnh hoạn thì quá đau khổ cho các đồng chí của Bác!

Cái tên Sài Gòn là cách gọi, là Hòn Ngọc Viễn Đông, là danh xưng quen thuộc, đã như một giá trị văn hóa đầy tự hào, không chỉ với Việt Nam, mà còn với cả vùng Đông Nam Á và thế giới. Suốt 37 năm đã qua, cái tên Sài Gòn vẫn được dùng như một thói quen và không thể thay đổi được.

Thật vậy, không có gì đau đớn và tủi nhục đối với dân chúng miền Nam cho bằng việc kẻ thù xoá bỏ tên Sài Gòn thân yêu của họ để thay vào đó bằng tên HCM, một tội đồ của dân tộc. 

Trước uy lực của kẻ thù, người dân miền Nam phải cúi đầu chấp nhận sự áp đặt này trên giấy tờ, nhưng chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Sự uất hận của người miền Nam đã biểu lộ bằng thái độ phản kháng, âm thầm nhưng quyết liệt, từ đó đến nay.

Từ cổ chí kim, chính quyền chỉ là tạm thời, tổ quốc và nhân dân mới là trường tồn và vĩnh cữu. Cho nên, mục tiêu chính trị phải đứng sau văn hóa xã hội. Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại, không hợp lý thì sẽ bị đào thải. Cái tên TP HCM thực tế đang bị đào thải, chỉ xuất hiện trên văn bản giấy tờ hành chính và pháp lý. Trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, trên ngôn ngữ báo chí, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, ... tên Sài Gòn vẫn được sử dụng rộng rãi, một cách thân thương yêu mến.

Thời gian 37 năm qua đã đủ dài để đồng bào miền Nam nhận thấy rỏ dã tâm của “người anh em phương Bắc”. Lịch sử phải được phục hồi. Đúng như lời Chúa phán: “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar, cái gì của Chúa hãy trả lại cho Chúa”. Đúng vậy! Cái gì của HCM hãy trả lại cho HCM. Cái tên HCM phải được trả về địa ngục để cùng con người ấy cùng ngậm đắng nuốt cay với Mao, với Mác, với Lê. Đó là thiên đường CS. Đó là điểm đến của chủ nghĩa CS. Cái gì của đảng hãy trả cho đảng, cái gì của dân hãy trả cho dân. Hãy trả lại cho dân tự do dân chủ, trả những người yêu nước bị bắt oan về lại gia đình họ, trả lại đất cho giáo xứ Thái Hà. 

Mãi cho đến hôm nay, những người di tản những ngày đầu tiên cũng như những người bỏ nước ra đi sau đó chắc hẳn vẫn còn nhớ những câu thơ dân gian bộc phát và được lưu truyền tại miền Nam sau ngày Sài Gòn đổi chủ. Vâng, chúng ta đã nghe nhắc đến câu thơ ấy trong những năm tháng đầu xa quê hương. Nghe mà dạ bùi ngùi. Nghe mà lòng xót xa:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Đúng vậy. CÔNG LÝ đã chết tức tưởi và TỰ DO đã vội vã ra đi kể từ ngày ấy. Đến bây giờ đã 37 năm rồi mà CÔNG LÝ vẫn chưa lấy lại được cho Sài Gòn, TỰ DO vẫn chưa có lại được trên quê hương Việt Nam. 

Người Việt Nam sẽ đồng khởi vùng lên để lấy lại TỰ DO. Người Việt Nam sẽ Nam kỳ khởi nghĩa để lấy lại CÔNG LÝ. Ngày phán xét sẽ đến, ngày phán xét đang đến, cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar.

29 tháng 8 năm 2012
Trần Việt Trình

Không có nhận xét nào: