Pages

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Phong trào ly khai có dính líu đến tổ chức NGO?



Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) lên tiếng vụ tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh cáo buộc một nhà vận động cho nhân quyền thuộc Hiệp hội nhân quyền ADHOC có dính líu đến phong trào đòi ly khai tại tỉnh Kratie.
Source Blog khmerization
Ông Chan Saveth, Trưởng nhóm điều tra vấn đề nhân quyền của Hiệp hội ADHOC.
Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch bày tỏ quan ngại về việc Phnom Penh tố cáo một nhà hoạt động nhân quyền của Hiệp hội ADHOC có liên quan đến vụ tranh chấp đất đai xảy ra tại tỉnh Kratie hồi tháng 5/2012.

Những cáo buộc thiếu minh bạch
Ông Phil Robertson, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc HRW phát biểu với RFA Việt ngữ việc tòa án Phnom Penh cáo buộc ông Chan Saveth, Trưởng nhóm điều tra vấn đề nhân quyền là điều thiếu cơ sở và không có bằng chứng. Đó là điều rất ngạc nhiên khi chính phủ cáo buộc dân thường về phong trào ly khai và càng khó tin hơn khi chính phủ xứ này ép tội hình sự cho một nhà bảo vệ nhân quyền địa phương hỗ trợ dân.
Ông Robertson cho rằng hành động này rất xấu hổ. Đó là hành động bịt miệng các nhà bảo vệ nhân quyền và các Hiệp hội đang làm việc tại Campuchia. Ông Phil Robertson phát biểu:
“Người làm việc rất thân thiện với Hiệp hội bảo vệ nhân quyền đã bị tòa án triệu tập. Đây rõ ràng là một hành động bịt miệng vì vụ án này chưa được thẩm vấn và điều tra. Chính phủ cũng không có bằng chứng đầy đủ để cáo buộc nhà hoạt động nhân quyền trên. Tôi nghĩ rằng tòa án Phnom Penh thiếu minh bạch và đang làm việc chống lại những người làm ảnh hưởng đến chính phủ.”
Chính phủ cũng không có bằng chứng đầy đủ để cáo buộc nhà hoạt động nhân quyền trên. Tôi nghĩ rằng tòa án Phnom Penh thiếu minh bạch và đang làm việc chống lại những người làm ảnh hưởng đến chính phủ.
Ông Phil Robertson
Ngày 14/8, Thẩm phán của tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh công bố giấy triệu tập Trưởng nhóm điều tra vấn đề nhân quyền thuộc Hiệp hội Nhân quyền ADHOC, một Hiệp hội nổi tiếng tại xứ chùa Tháp phải có mặt tại tòa án vào lúc 8:30, ngày 24/8. Thẩm phám điều tra Chhe Virak cáo buộc nhà hoạt động nhân quyền Chan Saveth về tội danh hỗ trợ cho thủ phạm trong phong trào ly khai vừa qua.
Thẩm phán Chhe Virak công bố rằng trong trường hợp ông Chan Saveth không xuất hiện tại phiên tòa sắp tới, tòa án sẽ truy nã.
Ông Chan Saveth, 44 tuổi, Trưởng nhóm điều tra vấn đề nhân quyền của Hiệp hội ADHOC. Ông là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng tại xứ chùa Tháp. Cho đến lúc này ông vẫn chưa nhận được giấy triệu tập vì ông đang công tác ở tỉnh.
Khoảng 300 người dân bị cưỡng chế và mất nhà cửa đã kéo nhau đến tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh, hồi tháng 11, 2011
Hàng trăm người dân bị cưỡng chế và mất nhà cửa đã kéo nhau đến tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh, hồi tháng 11, 2011. RFA
Theo ông tất cả hoạt động của tổ chức nhân quyền đều nhằm giúp đỡ, bảo vệ các nạn nhân đang cần sự giúp đỡ cũng như đang bị lạm quyền, tước đoạt đất đai hoặc gặp sự bất công trước pháp luật. Ông cho biết ông không được hỗ trợ cho bất cứ cá nhân nào trong vấn đề tranh chấp đất đai vừa qua.
Trưởng nhóm điều tra của ADHOC bày tỏ sự thất vọng vì tòa án sơ thẩm thủ đô Phnom Penh không được mời ông đến thẩm vấn hoặc tiến hành điều tra làm rõ sự việc trước khi quyết định cáo buộc ông. Ông mong muốn thẩm phán tiến hành điều tra và cung cấp bằng chứng cụ thể.
Ông Chan Saveth cho biết thêm: “Với tư cách là tổ chức nhân quyền, chúng tôi chỉ làm những gì mà chính phủ công nhận và cho phép. Trong đó cũng căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật quốc tế. Tôi nghĩ rằng chính phủ quá quan tâm đến vấn đề này đến nổi dám đàn áp, hăm dọa các tổ chức dân sự. Nếu công tác vận động nhân quyền của tôi làm ảnh hưởng đến công việc của chính phủ, ảnh hưởng xấu đến pháp luật thì tôi nhận tội. Nhưng bên cạnh đó, tòa án cũng phải đưa ra công lý và cách thi hành pháp luật nhằm nâng cao danh dự quốc gia cũng như các tổ chức dân sự.”
Sử dụng toà án đe doạ các nhà dân chủ?
Hiệp hội ADHOC và các tổ chức nhân quyền trong nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc cáo buộc ông Chan Saveth có liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai ở huyện Chhlôn, tỉnh Kratie. Các tổ chức nhân quyền ra thông cáo báo chí cho biết việc cáo buộc hỗ trợ cho thủ phạm nói trên sẽ phải đối mặt với án phạt theo điều 544 của Bộ luật hình sự, tuy nhiên cho đến giờ này chính phủ vẫn chưa có thể đưa ra bằng chứng người dân đòi ly khai.
ADHOC cho biết trong khoảng hơn 20 năm qua, các hoạt động của tổ chức này đều tuân thủ theo pháp luật. ADHOC thường xuyên tố cáo các hoạt động làm trái pháp luật, thảo luận với chính quyền trong lúc hỗ trợ và giúp đỡ những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền.
Ông Om Samart, Trưởng nhóm điều tra của Tổ chức nhân quyền LICADO cho rằng cáo buộc trên là một hành động hăm dọa đến hoạt động của các tổ chức nhân quyền địa phương. Các tổ chức ngoài chính phủ có trách nhiệm thúc giục chính phủ thi hành công việc đúng theo pháp luật, tư vấn luật và giúp đỡ những nạn nhân bị lạm quyền sỡ hữu đất đai, nhân quyền, đặc biệt là công tác nhân đạo giúp đỡ các nạn nhân và người nghèo đến xin can thiệp.
việc chính phủ sử dụng tòa án đàn áp, đe dọa các nhà hoạt động của tổ chức nhân quyền là một chiến lược mới để ngăn chặn công việc giúp đỡ, bảo vệ nhân quyền cũng như tranh chấp đất đai đang nóng bỏng tại xứ này
Vẫn theo ông, việc chính phủ sử dụng tòa án đàn áp, đe dọa các nhà hoạt động của tổ chức nhân quyền là một chiến lược mới để ngăn chặn công việc giúp đỡ, bảo vệ nhân quyền cũng như tranh chấp đất đai đang nóng bỏng tại xứ này. Ông Om Samart:
“Các tổ chức dân sự thúc giục tòa án nắm giữ phẩm chất đạo đức của hệ thống tư pháp, xử lý công lý, minh bạch và đưa ra phán quyết một cách độc lập. Tránh bị phê phán hoặc truy tố nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền…”
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia là ông Khiev Sopheak bác bỏ việc triệu tập ông Chan Saveth sẽ ảnh hưởng đến công việc bảo vệ nhân quyền của các tổ chức nhân quyền tại xứ này. Ông Khiev Sopheak nói các tổ chức nhân quyền không nên lo ngại vì tòa án chỉ triệu tập cá nhân ông Chan Saveth. Do đó, nếu ông này là người trong sạch thì tòa án sẽ trả tự do vì Campuchia có luật, còn hệ thống tư pháp làm việc độc lập, khách quan.
Ông Khiev Sopheak phát biểu: “Không có gì đáng ngạc nhiên vì các tổ chức dân sự chỉ trích tòa án làm việc thiếu độc lập gần 30 năm nay. Mọi công dân phải tôn trọng pháp luật. Tòa án sẽ trả công bằng cho ông ấy nếu là người trong sạch.”
Trước đó, đã có khoảng 1.000 gia đình người dân ở tỉnh Kratie tập trung khiếu nại đòi chính quyền giải quyết vụ tranh chấp đất đai với một công ty tư nhân của Nga nhưng bị chính phủ cáo buộc đòi ly khai. Trong khi đó, ông Chan Saveth cùng lãnh đạo các tổ chức nhân quyền địa phương và quốc tế đều có mặt để tư vấn pháp luật và giúp đỡ những người xin được can thiệp.
Sau đó vài tuần, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo cho cảnh sát bắt giữ ông Mam Sonando, Giám đốc Đài phát thanh Ổ Ong, kiêm chủ tịch Hiệp hội Dân chủ. Ông này bị tòa án cáo buộc đứng đầu và chuẩn bị phong trào chống đối chính quyền, cuộc bãi công, can thiệp bất hợp pháp vào công việc của chính quyền và kích động dân cầm vũ khí đứng lên chống đối nhà nước.
Ông Hun Sen còn cảnh cáo bắt thêm những nhà bảo vệ nhân quyền cung cấp lương thực, tiền bạc và đưa người dân lánh nạn sang Thái Lan.
Thẩm phán tòa sơ thẩm thủ đô Phnom Penh không nêu rõ ông Chan Saveth hỗ trợ gì cho thủ phạm nào nhưng nếu tòa án tìm thấy tội thì trưởng nhóm điều tra vấn đề nhân quyền này sẽ bị phạt tù từ một đến ba năm.
Quốc Việt tường trình từ Campuchia

Không có nhận xét nào: