Lầu Năm Góc gần đây đã đặt Trung Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra các khuyến nghị về kế hoạch bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương. Bản báo cáo ngày 27/6 của CSIS đề nghị Lầu Năm Góc nên tái bố trí lực lượng ra khỏi Đông Bắc Á và hướng về khu vực biển Đông. Đặc biệt, CSIS yêu cầu Lầu Năm Góc tăng thêm các tàu ngầm tấn công đóng tại Guam, tăng cường sự hiện hiện của lực lượng Thủy quân lục chiến trong khu vực, và nghiên cứu khả năng bố trí một nhóm tàu sân bay tấn công ở phía Tây nước Úc.
Không nghi ngờ gì nữa, biển Đông đang nóng lên như một điểm ẩn chứa nguy cơ bùng nổ xung đột. Tranh chấp về lãnh thổ, quyền đánh bắt cá và đấu thầu dầu khí đã tăng nhanh trong năm nay. Một Hội nghị ASEAN gần đây tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, nhằm đạt được tiến bộ về việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, đã sụp đổ trong cay đắng, vì lần đầu tiên trong 45 năm, khối ASEAN không thống nhất được việc ra thông cáo chung. Việt Nam và Philippines rất bực tức trước việc các nước láng giềng Đông Nam Á không tạo được tiến triển nào để có lập trường thống nhất chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc trên biển.
Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực, được nêu lên trong bản báo cáo của CSIS và trong bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tháng 6 tại Singapore, được hoạch định theo đó một phần nhằm ngăn chặn sự xâm lược công khai, chẳng hạn sự tái kích hoạt bất ngờ cuộc chiến Triều Tiên, hay một cuộc tấn công ồ ạt chớp nhoáng của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan. Trong chừng mực nào đó, các kịch bản nói trên hiện được xem còn rất xa, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực vẫn đang thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng sẽ ra sao khi đối phương dùng sách lược “tích gió thành bão” (salami-slicing), tích lũy từ từ từng hành động nhỏ, không có gì mang tính gây chiến, nhưng qua thời gian, hiệu ứng của những hành động nhỏ sẽ cộng dồn lại, tạo thành một bước ngoặt chủ yếu mang tính chiến lược? Giới làm chính sách và hoạch định quân sự Mỹ nên xem xét khả năng Trung Quốc theo đuổi chiến lược “tích gió thành bão” ở biển Đông, điều có thể làm thất bại các kế hoạch quân sự của Washington.
Trong Phụ lục 4 của bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc năm nay, về phần sức mạnh quân sự của Trung Quốc, có đề cập đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, với cái gọi là “đường chín đoạn”, cùng với các tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn do các nước chung quanh biển Đông đưa ra. Một bài viết gần đây trên BBC nêu vấn đề yêu sách lãnh hải của Trung Quốc khi đối chiếu với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho phép đối với các nước tiếp giáp với vùng biển này. Mục tiêu của chiến thuật “tích gió thành bão” của Bắc Kinh là thông qua một loạt các hành động nhỏ nhưng bền bỉ, dần dần tích góp bằng chứng về sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc trên các vùng lãnh thổ, lãnh hải mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền, với mục đích làm phai mờ các đặc quyền kinh tế được UNCLOS quy định, thậm chí có thể làm lu mờ quyền qua lại của tàu thuyền và máy bay, vốn được xem là những khái niệm phổ biến toàn cầu hiện nay. Với mưu đồ tiến hành từng bước tích lũy nhằm “tạo sự đã rồi”, Trung Quốc hy vọng thiết lập sự chiếm hữu trên thực tế (de facto) và hợp pháp (de jure) đối với các yêu sách chủ quyền của họ.
Hồi tháng 4, một sự giằng co giữa tàu hải quân Philippines và Trung Quốc xảy ra khi các tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, gần bãi cạn Scarborough. Cuộc giằng co kết thúc sau vài tuần mà không có giải pháp nào cho những vấn đề pháp lý cơ bản. Song song đó, Philippines hiện có ý định khởi sự việc khai thác khí tự nhiên tại bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần đảo Palawan, một chương trình bị phía Trung Quốc phản đối. Gần đây, một khu trục hạm của hải quân Trung Quốc lảng vảng cách đảo Palawan chỉ có 90 hải lý. Năm ngoái, các tàu chiến Trung Quốc đã đe dọa đâm vào một tàu thăm dò của Philippines gần bãi Cỏ Rong.
Cũng trên biển Đông, trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Phnom Penh,Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một nhà khai thác dầu quốc doanh của Trung Quốc, đã đưa ra danh sách mời thầu các lô dầu khí trên biển cho các công ty khai thác dầu nước ngoài. Trong trường hợp này, các lô nói trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – thực tế, một phần trong số các lô dầu khí này đã được Việt Nam cho đấu thầu khai thác và phát triển. Hiếm nhà phân tích nào lại cho rằng tập đoàn khai thác dầu khí nước ngoài cỡ như Exxon Mobil lại đi hợp pháp hóa hành vi chiếm đoạt trắng trợn của Trung Quốc đối với đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng động thái mời thầu dầu khí của CNOOC là một bước đi nữa trong toan tính của Trung Quốc nhằm đòi hỏi chủ quyền biển Đông, đi ngược lại với những ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế do UNCLOS quy định, vốn được hầu hết các nhà quan sát cho rằng không thể thay đổi.
Sau cùng, vào tháng 6, chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, vốn bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ năm 1974. Tam Sa được cho là “trung tâm hành chính” đối với những vùng Trung Quốc có yêu sách chủ quyền trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa gần bãi Cỏ Rong, đảo Palawan và bãi cạn Scarborough. Trung Quốc cũng công bố kế hoạch đưa quân đội đến đồn trú trong khu vực này.
Các hành động của Trung Quốc trông giống như nỗ lực nhằm từng bước thiết lập có hệ thống tính hợp pháp đối với các yêu sách chủ quyền của họ trong khu vực. Trung Quốc dựng nên chính quyền dân sự địa phương [tại “thành phố Tam Sa”], điều này đòi hỏi phải có quân đội đồn trú thường trực. Trung Quốc cũng đang xác lập các yêu sách kinh tế thông qua việc mời thầu khai thác dầu khí và tiến hành đánh bắt cá tại các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc còn phái lực lượng hải quân đi cản trở các dự án khai thác dầu khí của những nước khác trong khu vực. Cuối con đường này hiện ra hai mục tiêu Trung Quốc đang nhắm tới: Tiềm năng dầu khí ở biển Đông đủ cung cấp cho Trung Quốc trong 60 năm, và khả năng trung lập hóa hệ thống liên minh quân sự của Mỹ trong vùng.
Sự thất bại của khối ASEAN khi nỗ lực thiết lập Bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên biển Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sách lược “tích gió thành bão” của Trung Quốc. Một Bộ quy tắc ứng xử đa phương trên biển Đông sẽ tạo ra khung pháp lý để giải quyết tranh chấp, đặt mọi nước có đòi hỏi chủ quyền trong quan hệ bình đẳng. Không có Bộ quy tắc ứng xử như vậy, nên hiện nay Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế sức mạnh nhằm chi phối các tranh chấp song phương với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, dùng sức mạnh mà không hề e ngại hậu quả chính trị từ việc hành động ngoài khuôn khổ luật lệ đã được các bên thống nhất.
Trong lúc ấy, Lầu Năm Góc dự định gửi lực lượng tăng cường đến khu vực và đang thiết lập các học thuyết chiến thuật mới nhằm triển khai lực lượng chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Nhưng giới làm chính sách ở Washington sẽ bị vướng vào rắc rối khi cố gắng áp dụng sức mạnh quân sự chống lại kẻ chuyên sử dụng kế sách “tích gió thành bão” thâm hiểm. Nếu sự việc xảy ra trong quy mô đủ nhỏ, sẽ không có hành động nào đủ kịch tính để biện minh cho việc khơi mào một cuộc chiến. Giới làm chính sách ở Washington sẽ lý giải thế nào trong việc vạch ra lằn ranh đỏ ngay trước dàn khoan dầu của CNOOC giả sử đang cắm sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay trường hợp tàu khu trục Trung Quốc rượt đuổi một tàu thăm dò của Philippines tại bãi Cỏ Rong, hay đối với tình huống một trung đội bộ binh Trung Quốc xuất hiện trên một bãi đá gần quần đảo Trường Sa? Khi cân nhắc một cuộc chiến cực kỳ tốn kém với một cường quốc chủ chốt, sẽ ngớ ngẩn nếu xem những sự kiện nhỏ như vậy là biến cố kích hoạt một cuộc chiến. Tuy nhiên, nếu những sự kiện nhỏ này dồn nén qua thời gian và không gian, chúng có thể tạo nên bước ngoặc cơ bản trong khu vực.
Mặc dù có vẻ chỉ là một đối thủ đến từ xa trong các biến cố trên biển Đông, lợi ích của Mỹ ở đây rất lớn. Cả nền kinh tế của Mỹ và thế giới đều phụ thuộc vào sự tự do đi lại trên vùng biển này; hàng hóa giao dịch trên toàn cầu lưu thông hàng năm qua biển Đông trị giá lên đến 5,3 nghìn tỷ USD, trong đó lượng hàng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD được vận chuyển đến các hải cảng Mỹ. Thứ hai, Mỹ hết sức quan tâm đến việc ngăn chặn bất kỳ thế lực nào đơn phương viết lại luật biển quốc tế theo ý mình, vốn đã tồn tại từ lâu. Sau cùng, sự tín nhiệm đối với hệ thống liên minh của Mỹ và độ tin cậy của hệ thống này như một đối tác an ninh sẽ tùy thuộc vào những điều nói trên.
Kẻ theo kế sách “tích gió thành bão” sẽ đặt gánh nặng căng thẳng lên vai đối phương, khiến đối phương phải hành động một cách rối loạn. Đối phương sẽ ở vào thế không mấy dễ chịu khi dường như phải vạch ra những lằn ranh đỏ không thể biện minh, và lâm vào hoàn cảnh bên bờ vực chiến tranh mà không thể lý giải. Về phía Trung Quốc, họ chỉ đơn giản phớt lờ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và tiếp tục thực hiện chuỗi các hành vi nhỏ, với giả định hợp lý rằng thật khó hình dung Mỹ lại có thể đe dọa tiến hành một cuộc chiến lớn giữa các cường quốc chỉ vì một sự cố không đáng kể trên vùng biển xa xôi.
Nhưng những gì có thể xem là không quan trọng theo cách nhìn của Mỹ, có thể mang tính sống còn đối với các đối thủ như Philippines và Việt Nam, những quốc gia đang nỗ lực bảo vệ lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của mình, chống lại sự chiếm đoạt công khai bằng vũ lực. Điều đó có thể tạo cho các nước này động lực lớn hơn, từ đó có thái độ cương quyết hơn Mỹ trong việc phòng thủ, chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Và nếu tiếng súng nổ ra giữa Trung Quốc với một trong các quốc gia nhỏ bé này, giới làm chính sách ở Bắc Kinh sẽ phải xem lại những hậu quả về uy tín và chính trị khi dùng vũ lực tấn công một nước láng giềng yếu hơn.
Cả Mỹ và các thành viên khối ASEAN rất muốn có Bộ Quy tắc Ứng xử được các bên thỏa thuận, nhất trí nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Nhưng nếu Trung Quốc lại chọn cách theo đuổi chiến lược “tích gió thành bão”, các nhà làm chính sách tại Washington có thể kết luận rằng, đối sách khả thi về mặt chính trị là khuyến khích các nước nhỏ bảo vệ các quyền của mình mạnh mẽ hơn, cho dù phải mạo hiểm với nguy cơ xung đột, với lời hứa hỗ trợ quân sự của Mỹ. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn chính sách hiện nay của Mỹ vốn tuyên bố trung lập đối với những tranh chấp biên giới trên biển.
Mỹ giữ thái độ trung lập vì họ không muốn tự mình cam kết trước về một loạt những sự kiện nào đó mà họ không kiểm soát được. Cách tiếp cận này có thể hiểu được nhưng sẽ gia tăng xung đột với những hứa hẹn an ninh mà Mỹ từng tuyên bố với các nước thân hữu trong khu vực, cũng như đối với mục tiêu giữ gìn những giá trị phổ quát trên toàn cầu. Các nhà chiến lược và hoạch định chính sách ở Washington sẽ phải cân nhắc về những gì, nếu có thể xảy ra, mà họ có thể đương đầu với một kẻ chuyên “tích gió thành bão” xảo quyệt như vậy.
Nguồn: Foreign Policy
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét