Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ về phản ứng ở Biển Đông



Matthew Pennington, Associated Press
Đặng Khương CTV Phía Trước chuyển ngữ
WASHINGTON – Thời gian gần đây, Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng Biển Đông bằng cách thành lập thành phố mới tại một hòn đảo xa xôi và dự tính sẽ đưa các đơn vị quân sự ra đồn trú tại đây. Việc này được xem như một điểm nóng tiềm tàng cho cuộc xung đột ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ có thể đáp ứng lại các sự kiện trên như thế nào?
Nếu chỉ trích Bắc Kinh quá mạnh mẽ thì chính quyền Obama sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với nước siêu cường đang nổi. Nhưng nếu để việc này trôi qua như không có gì thì nó làm suy yếu các nổ lực ngoại giao của Hoa Kỳ trong vòng hai năm qua nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của Trung Quốc.

Cựu sĩ quan cảnh sát Abner Afuang đốt lá cờ Trung Quốc ở phía trước Bộ Ngoại giao để phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trên lãnh hải tranh chấp tại Biển Đông ngày 27 tháng Bảy năm 2012, ở ngoại ô thành phố Pasay, phía nam Manila, Philippines. Afuang kêu gọi chính phủ Philippines tiếp tục giữ lập trường tranh chấp tại Scarborough Shoal vì đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. (AP Photo/Photo/Pat Roque)
Điều quan trọng về sự tham gia của chính quyền [Obama] ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương từ năm 2010 đến nay là lời tuyên bố lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và năm nước láng giềng khác – đáng chú ý nhất là Philippines và Việt Nam – đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang. Trung Quốc đã giương cao lá cờ của họ trong tuần vừa qua ở thành phố Tam Sa tại một đảo nhỏ Phú Lâm (Yongxing Island theo Trung Quốc), cách đảo Hải Nam khoảng 220 km về phía nam. Trung Quốc thực hiện hành động này nhằm tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo có lượng tài nguyên phong phú trong khu vực.
Trung Quốc sẽ không thể có các dự án sức mạnh quân sự từ tiền đồn nhỏ này, với dân số chỉ khoảng 1,000 người và dường như diện tích quá nhỏ cho các đường băng, nhưng đây là biểu tượng mang tầm quan trọng lớn. Bắc Kinh cho biết thành phố này sẽ quản lý hàng trăm ngàn cây số vuông diện tích biển, nơi có khả năng chứa đựng lượng lớn dầu mỏ mà họ đang muốn tăng cường kiểm soát.
Tại Washington, các nhà lập pháp quan tâm đến chính sách ở châu Á đã nhanh chóng đáp ứng lại.
Thượng nghị sĩ John McCain, thuộc Đảng Cộng hoà của bang Arizona, gọi đây là động thái khiêu khích và nói Trung Quốc chỉ củng cố thêm những lo ngại rằng nước này đang cố gắng áp đặt các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình thông qua đe dọa và ép buộc. Thượng nghị sĩ Jim Webb, thuộc Đảng Dân chủ của bang Virginia, nói rằng việc Trung Quốc nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát tại vùng lãnh hải đang tranh chấp có thể là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó thì phía Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] đã thận trọng chỉ trích Trung Quốc “hành động đơn phương”.
“Tôi nghĩ rằng có một mối quan ngại ở đây, rằng họ [Trung Quốc] đang bắt đầu có những hành động trong khi chúng tôi muốn thấy tất cả các vấn đề này cần giải quyết tại bàn họp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Victoria Nuland cho biết hôm thứ Năm vừa qua.
Tổng thống Barack Obama sẽ không muốn tỏ ra quá mềm mỏng đối với vấn đề Trung Quốc khi ông đang ra tái tranh cử trong cuộc đua tới đây chống lại ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Ông Romney đã cáo buộc người đương nhiệm là quá yếu kém trong vấn đề giao tiếp với Bắc Kinh và ông cam kết sẽ đối mặt với Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Ngoại giao Hoa Kỳ đang đi trên con đường rất mong manh trong vấn đề Biển Đông, luôn luôn nhấn mạnh rằng họ không đứng về bất cứ một nước nào trong tranh chấp chủ quyền.
Năm 2010, Hoa Kỳ đã xác định lại Biển Đông là lợi ích quốc gia của họ. Việc này đã giúp khích động lại vị thế của Washington trong khu vực và làm sống lại hiệp ước đồng minh với Philippines cũng như xây dựng mối quan hệ với nước cựu thù Việt Nam.
Là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn, hay được biết đến với tên gọi “trục châu Á”, Hoa Kỳ đã gia tăng thêm những cam kết của họ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, chính quyền Obama còn mạnh mẽ ủng hộ những nỗ lực đàm phán đa phương với Trung Quốc của khối 10 quốc gia này về vấn đề tranh chấp và dự thảo bộ luật ứng xử chung nhằm giúp quản lý các tranh chấp tại Biển Đông.
Điều này đã làm cho Trung Quốc khó chịu, nước đã đưa ra đường “lưỡi bò” tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông và muốn đàm phán song phương với các bên có tranh chấp. Bắc Kinh cũng xem sự can thiệp của Hoa Kỳ đã khuyến khích các nước như Việt Nam và Philippines tiếp tục đối đầu mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.
Khi các tàu đánh cá của Trung Quốc bị các tàu Philippines chặn lại tại khu vực tranh chấp Scarborough Shoal vào tháng Tư vừa qua, nơi mà Manila gọi là vùng đặc quyền kinh tế, và nước này đã triển khai tàu hải quân do Mỹ cung cấp trước đó một năm đến để xem xét vấn đề. Việc đó đã khiến Trung Quốc gửi thêm các tàu đến đây, gây ra nhiều bế tắc và làm căng thẳng leo thang.
Việc thành lập thành phố Tam Sa tại một phần khác trong vùng Biển Đông chỉ diễn ra một tháng sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển Đông hồi tháng Sáu, nêu rõ thẩm quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa–Trường Sa và tuyên bố rằng tất cả các tàu hải quân nước ngoài ra vào các khu vực này đều phải thông báo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Cơ hội tranh chấp từ hình thức xoắn ốc đến một cuộc xung đột lớn vẫn còn rất mỏng manh, nhưng có thể sẽ gia tăng lên trong những năm tới đây khi các nước bắt đầu tăng cường cạnh tranh để dành nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.
Chiến lược của Hoa Kỳ để quản lý và cuối cùng giải quyết những tranh chấp này phần lớn được dựa trên những nỗ lực của ASEAN. Tổ chức này đã thực hiện được một số tiến bộ trong việc soạn thảo một quy tắc ứng xử chung, nhưng không có dấu hiệu sẽ đưa ra một cách giải quyết cụ thể nào, và vấn đề Biển Đông tiếp tục nổi lên như một đề tài chia rẽ trong nhóm chủ trương tinh thần đoàn kết này.
Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của hiệp hội, ASEAN đã thất bại để đưa ra một tuyên bố chung tại cuộc họp gồm 10 bộ trưởng diễn ra hàng năm trong tháng này. Nước chủ nhà Campuchia được xem như đã ủng hộ Bắc Kinh, và bác bỏ đề xuất của Philippines và Việt Nam yêu cầu bản tuyên bố đề cập riêng biệt vấn đề tranh chấp lãnh hải của hai nước này với phía Trung Quốc.
Trong các động thái nhằm hạn chế những thiệt hại, Indonesia đã đứng ra làm nước trung gian để thỏa hiệp trong cuối tuần vừa qua. Nhưng việc này sẽ không giúp làm dịu bớt mối quan ngại rạn nứt trong nhóm ASEAN và bài tường thuật mà chính quyền Obama lo lắng tránh né – rằng cuộc đấu tranh tại khu vực Biển Đông đang làm lỗ hỏng lợi ích chiến lược của Mỹ lớn hơn chống lại Trung Quốc.
Matthew Pennington chuyên về các vấn đề liên quan đến quan hệ Hoa Kỳ – châu Á cho Associated Press tại Washington.

Không có nhận xét nào: