Pages

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Vì một nền dân chủ cà phê toàn cầu



Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Tác giả đọc tham luận ở Hội thảo thiết lập nghị sự quốc tế 1-3/11 tại Luzern, Thụy Sĩ.
Toàn thể xã hội loài người chúng ta được dẫn dắt bởi ba lực lượng chính đó là chính trị, kinh tế, và tôn giáo – văn hóa; tương ứng với 3 dạng thức quyền lực: quyền lực cứng, quyền lực kinh tế, và quyền lực mềm.
Diễn trình toàn cầu hóa cho đến hiện nay đã ghi nhận sự phát triển đến cực điểm của hai yếu tố kinh tế và chính trị, và nguyên nhân dẫn đến tính bất hiệu lực của các nỗ lực đối phó với các khủng hoảng toàn cầu cũng nằm ở chỗ giới tinh hoa hiện nay thực chất vẫn chỉ dùng nhãn quan chính trị và kinh tế, tức là sử dụng quyền lực cứng và quyền lực kinh tế để giải quyết vấn đề mà thiếu đi sự bổ sung, thậm chí còn phải là vai trò chủ đạo của nhãn quan tôn giáo và hiệu lực của các giải pháp quyền lực mềm, để trở thành một giải pháp chung có tính tổng hợp và hài hòa.


Diễn trình này cần được hài hòa hóa lại với nhau để có thể tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Nếu không, với diễn trình biến động ngày càng phức tạp của hàng loạt các khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, chắc chắn, toàn thể nhân loại sẽ sớm đi đến bền bờ diệt vong. Phát triển bền vững đã, đang và sẽ trở thành mục tiêu và niềm tin chung mang vai trò cứu cánh của toàn nhân loại.
Điều này phù hợp với thực tế khách quan về quy luật vận động chính yếu của thế giới toàn cầu hóa hiện nay, thế giới đang đi vào giai đoạn hài hòa hóa. Đây là giai đoạn mà sự phát triển đơn phương và đa phương của rất nhiều nguồn lực chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới đã tạo ra cho thế giới này quá nhiều xung đột và mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa con người với con người), tạo ra sức ép mạnh mẽ lên không gian sinh tồn chung của nhân loại (mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên).

Hệ giá trị mới

Tương ứng với niềm tin chung đó, chúng ta cần một hệ giá trị mới tương ứng, theo đó, giá trị cốt lõi trung tâm chính là tính hài hòa và tinh thần chủ đạo sẽ là sáng tạo có trách nhiệm. Xét cho cùng, lịch sử của nhân loại là lịch sử của sự sáng tạo. Nhưng nếu như trước đây và một thói quen không còn thích hợp cho hiện tại là sự sáng tạo của chúng ta là sáng tạo vì lòng tham, vì lợi ích mang tính cục bộ của cá nhân, nhóm, hay quốc gia; thì giờ đây, tương ứng với giai đoạn hài hòa hóa của tiến trình toàn cầu hóa, chúng ta cần dịch chuyển sang một tinh thần phát triển mới, tinh thần sáng tạo có trách nhiệm. Trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường phải được đặt trước và ưu tiên hơn các lợi ích cục bộ của nhóm, của quốc gia, của từng cá nhân.
Một trách nhiệm toàn diện tinh thần trách nhiệm ngày càng toàn diện, kết nối không chỉ chiều ngang của xã hội loài người mà còn cả chiều dọc, giữ còn người với đất trời, thiên nhiên, vũ trụ. Thực sự là, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mang tính chuyển đổi lịch sử của nhân loại.
Việt Nam cần một nền kinh tế đảm bảo sự phát triển mà không gây tổn hại đến môi trường sống
Để sự chuyển đổi có thể xảy ra, tôi cho rằng có ba tác nhân chính tương ứng với ba nhóm lực lượng nòng cốt. Tác nhân đầu tiên chính là sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang nhanh chóng hình thành các mạng lưới xã hội kết nối toàn cầu. Cần phải dựa trên nền tảng này để tạo ra một mạng xã hội tri thứ toàn cầu hướng đến hệ giá trị mới. Giới truyền thông hiện đại và tiến bộ có thể đóng vai trò tiên phong và trung tâm trong sự biến đổi này.
Tác nhân thứ hai chính là nguy cơ mang tính hủy diệt đối với nhân loại từ sự biến đổi khí hậu. Trước đây, các chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong diễn trình này, nhưng theo tôi, chính các nhà lãnh tụ tôn giáo và văn hóa mới có hiệu lực chính để thay đổi ý thức và hành xử của con người đối với thiên nhiên như một nền đạo đức chung, một hệ thống các tín điều mang tính chất tôn giáo và văn hóa.
Tác nhân thứ ba chính là diễn trình phát triển của nền kinh tế mới, kinh tế xanh và tri thức, một loại hình kinh tế đảm bảo sự phát triển mà không gây tổn hại đến môi trường sống, cho phép giảm thiểu tối đa các giao dịch bất công bằng có tính thắng thua.
"Thế giới đang cần một siêu “think tank” mới, một diễn đàn mới về truyền thông toàn cầu để hướng đến việc hình thành một mạng lưới xã hội tri thức toàn cầu cùng hướng đến giá trị sáng tạo có trách nhiệm."
Qúa trình chuyển đổi này cần được cụ thể hóa thành các định chế toàn cầu. Các thể chế này trước hết thường được bắt đầu từ các diễn đàn quốc tế để thống nhất nhận thức chung và đưa ra các sáng kiến, sau đó từng bước hình thành các thể chế chung cho các quốc gia thực hiện. Đây chính là diễn trình đi từ thiết kế lại đến vận hành lại thế giới.
Chúng ta có thể thấy, tương ứng với ba tác nhân vừa nêu ở trên, tác nhân kinh tế, đã có diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Davos vẫn là phát triển kinh tế nói chung, chưa tập trung toàn bộ và toàn diện vào mục tiêu duy nhất là dịch chuyển toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới hiện nay sang nền kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tri thức với phương thức sản xuất cộng tác đại chúng toàn cầu, biến nền kinh tế thế giới thành một hệ thống sinh thái kép kín và bền vững, phát triển một cách không loại trừ lợi ích. Chúng ta có các cuộc hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng như chúng tôi đã đề cập ở trên, cần có thêm hoặc tích hợp vào đó vai trò của các vị lãnh tụ tôn giáo, khoa học và văn hóa.
Diễn đàn truyền thông toàn cầu
Thế giới đang cần một siêu “think tank” mới, một diễn đàn mới về truyền thông toàn cầu để hướng đến việc hình thành một mạng lưới xã hội tri thức toàn cầu cùng hướng đến giá trị sáng tạo có trách nhiệm.
“Think tank” này sẽ tập hợp các bộ não hàng đầu thế giới, cùng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá mới dựa trên bối cảnh hài hòa hóa và giá trị trung tâm sáng tạo có trách nhiệm cho các nhóm quyền lực, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới; sử dụng hạ tầng và sự phát triển của mạng xã hội toàn cầu để kết nối và tạo ra sự giám sát xã hội đối với các tiêu chuẩn mới; đồng thời, đó cũng chính là cơ chế để tập hợp và huy động nguồn lực đại chúng nhằm hỗ trợ thực hiện các sáng kiến mới.
Với nguồn lực và tầm ảnh hưởng của các quý vị ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một “diễn đàn sáng tạo có trách nhiệm cho thế giới hài hòa và phát triển bền vững”.
Nếu thực hiện được điều đó, đây sẽ là sự nâng cấp ý nghĩa của cơ chế Hội nghị của chúng ta ở đây. Với sự có mặt hết sức đa dạng của các khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, ý thức hệ, trình độ phát triển,... nhưng lại đang là khu vực có tốc độ phát triển cao trên thế giới, cũng như có vị trí địa chính trị hết sức chiến lược trên thế giới hiện nay; Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ là địa bàn thích hợp nhất để tồ chức diễn đàn thường niên này, và đây cũng là địa bàn thích hợp nhất để thực thi các mô hình mẫu cho lý thuyết phát triển hài hòa và không xung đột nêu trên.
Biểu tượng cà phê
Cà phê chính là năng lượng cho sáng tạo của quá khứ và hiện tại?
Nếu như ASEAN trở thành địa bàn hình mẫu cho toàn cầu về phát triển bền vững xét theo khía cạnh địa chính trị thì ngành cà phê sẽ trở thành hình mẫu và biểu tượng cho các ngành, lĩnh vực hoạt động xuyên quốc gia. Có ba lý do khiến tôi đưa ra đề xuất này.
Một là, với thuộc tính tạo ra tỉnh thức, năng cao khả năng tập trung và kích thích sự sáng tạo của mình; cà phê đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong như một nguồn năng lượng chủ đạo cho hàng loạt các phát minh, sáng kiến, các cuộc cách mạng quan trọng của loài người trên mọi lĩnh vực của đời sống mà không một loại thực phẩm nào có thể sánh bằng.
Cà phê chính là năng lượng cho sáng tạo của quá khứ và hiện tại, trong tương lai năng lực sáng tạo này lại ngày càng trở nên cần thiết và sống còn. Hai là, ngày nay, cà phê ngày càng đóng vai trò quan trọng kết nối nhân loại, kết nối các quốc gia, các nền văn hóa và văn minh, kết nối các tổ chức xuyên quốc gia. Hiện tại trên thế giới đang có trên 2,5 tỷ người dùng cà phê không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, dân tộc, quốc gia, ý thức hệ chính trị,..
"Chúng ta có thể nhìn ra viễn cảnh về một cộng đồng cà phê toàn cầu, bao gồm những người sành cà phê, cùng sáng tạo có trách nhiệm, cùng thành công bền vững để cứu thế. "
Trong tập người đó đã quy tụ hầu hết đều thuộc giai tầng sáng tạo, tầng lớp có ảnh hưởng và giới tinh hoa của mọi quốc gia, dân tộc. Đây có thể coi là một lực lượng gần như sẵn có và có độ lớn cũng như tầm ảnh hưởng vượt qua bất cứ một cộng đồng nào hiệu có trên thế giới.
Ngành cà phê là một ngành có giá trị trao đổi hàng hóa cơ bản chỉ đứng thứ hai sau dầu lửa, có khả năng liên kết và kết nối các quốc gia với nhau, trở thành một hình mẫu liên kết toàn cầu theo mô hình kinh tế bền vững của một hệ sinh thái cân bằng. Do vậy, cà phê có điều kiện thuận lợi nhất để kết nối và phát triển nhân loại đến một thế giới mới phồn vinh, tiến bộ và hạnh phúc hơn.
Lý do cuối cùng, toàn bộ các sáng kiến chúng tôi nêu ra từ đây hoàn toàn xuất phát từ cà phê, và rõ ràng là cà phê sẽ là phương tiện truyền tải các giá trị sáng tạo có trách nhiệm đến cho từng cá nhân, từng đơn vị quốc gia, và từng tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn cầu.
Tới đây, chúng ta có thể nhìn ra viễn cảnh về một cộng đồng cà phê toàn cầu, bao gồm những người sành cà phê, cùng sáng tạo có trách nhiệm, cùng thành công bền vững để cứu thế. Đây rõ ràng là một cộng đồng hùng mạnh và tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại.
Chúng tôi gọi đây là tinh thần cà phê mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ và gặp gỡ nhau ở đó. Và tại sao khi đó chúng ta không kết nối hơn 2,5 tỷ công dân cà phê đó để hình thành một nền dân chủ cà phê toàn cầu? Khi đó, tôi tin rằng, toàn bộ các vấn đề rắc rối nhất của nhân loại hiện nay đều sẽ được giải quyết triệt để.
Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, Việt Nam. Đây là bản rút ngắn của tham luận được tác giả đọc tại Hội thảo Thiết lập nghị sự quốc tế lần thứ 13 diễn ra từ ngày 1-3/11/2012 tại Luzern, Thụy Sĩ.

Không có nhận xét nào: