Nguyễn Văn Tuấn
Dân Luận: Các cụ ngày xưa nói “ăn cây nào, rào cây ấy”. Các ông chính trị gia Việt Nam có phải do dân bầu lên đâu mà các ông ấy phải rào đón dân? Rào đón ô dù, cấp trên là đủ rồi!
Dân biểu Philippines ngồi ở một quán ăn bình dân ở địa bàn vào thứ Tư hàng tuần để bất kỳ người dân nào có nguyện vọng cũng có thể vào gặp và nói chuyện. Ngoài ra các kênh liên lạc của ông đều mở và công khai với dân: Điện thoại, email, Facebook, YouTube… Ảnh minh họa của Dân Luận.Hồi sáng nay, tôi đi ra ga xe điện đi làm và chứng kiến một cảnh làm tôi suy nghĩ đến cách hành xử của chính khách Úc và Việt Nam. Anh chàng dân biểu (vùng tôi), chắc độ 45 tuổi, đang phát tờ rơi cho người dân sắp lên xe điện, với mục đích … xin phiếu. Tờ rơi mô tả những việc làm và thành tích của anh ta trong thời gian làm đại biểu Quốc hội. Một bà xồn xồn, tay vừa nhận tờ rơi, miệng mắng vào tay dân biểu như tát nước. Mày nhìn vào cái xe điện dưới kia kìa, thấy gì không, chật chội, chen chúc nhau như thế, mày có xấu hổ không? Bao nhiêu năm mày ngồi trong Quốc hội, mày làm được gì cho người dân ở đây? Tao không bầu cho mày nữa đâu. Anh chàng dân biểu bình tĩnh, chờ cho bà nói xong, bèn nói: để tao giải thích, blah blah blah. Bà kia nói thêm: “thôi, tao phải đi làm đây, mày hãy giải thích với bạn bè của mày đi”. Thật là vui! Tay dân biểu cũng chẳng phiền hà gì. Người dân đi qua cũng chẳng có phản ứng gì, xem như anh ấy đang mua phiếu thôi.
Nhìn cảnh đó làm tôi suy nghĩ rằng làm nghề chính trị ở VN rất nhàn hạ. Ít ra là nhàn hơn các nước phương Tây hay các nước có nên dân chủ vững vàng (Việt Nam cũng là nước dân chủ?). Tôi thấy chính trị gia VN phần lớn thích ra chỉ thị, chứ chẳng làm gì mang tính thực chất. Phóng viên hỏi đến ông bà nào về bất cứ vấn đề gì, thì họ sẽ nói “tôi đã ra chỉ thị”, hay “Bộ tôi đã soạn luật”. Tại sao không giải quyết vấn đề hố tử thần? Tôi đã chỉ đạo cho huyện rồi. Hỏi huyện, huyện nói tôi đã chỉ đạo cho xã rồi. Hỏi xã, xã nói tôi đã chỉ thị cho ấp. Họ rất thích ra chỉ thị. Đến khi họ ra tay làm thì dân lãnh đủ, có khi chết. Tình trạng này cũng giống như bệnh nhân đang nằm cấp cứu mà bác sĩ thì phải xin phép cấp trên, và hệ quả là bệnh nhân về bên kia thế giới.
Chính khách VN rất ít khi tiếp dân, hay có tiếp dân thì cũng chỉ là một nhóm được rà soát và chọn lọc theo tiêu chuẩn của họ. Họ cũng chẳng thèm trả lời ai. Bao nhiêu “dân oan” khiếu kiện mà có ai trả lời đâu. Mỗi ngày họ đi xe ngang những đoàn người khiếu kiện nằm la liệt trên đường phố Hà Nội, trong đầu họ nghĩ gì? Thật không hiểu nổi.
Còn bên mấy nước dân chủ (hay có chút dân chủ khá hơn VN ta) thì rất khác. Chính khách phải tiếp dân và phải nói chuyện với dân (như anh chàng dân biểu tôi vừa đề cập). Ngay cả Thái Lan, cũng chẳng dân chủ gì, nhưng hơn VN một bậc về dân chủ. Hôm nọ tôi thấy cảnh nông dân trồng đu đủ biểu tình trước nhà bà thủ tướng Thái Lan. Hình như giá đu đủ bị giảm hay gì đó, và thế là nông dân nổi quạu kéo đến nhà bà ấy để biểu tình. Bà ấy về tới nhà, ra xe, và đứng trước đám đông biểu tình giải thích (qua lời dịch): đây là nhà tao, tao cần sự riêng tư, chúng bay muốn nói chuyện với tao thì ngày mai đến văn phòng tao nhé. Ấy thế mà đám đông giải tán và ngày mai kéo đến văn phòng chính phủ đem theo yêu sách. Hôm nọ, một tay họa sĩ nổi nóng với bà thủ tướng, nên nói lời xúc phạm rằng “bà là con điếm”. Bà thủ tướng cũng bình tĩnh coi như “ne pas”, nhưng luật sư của bà thì hẹn tay họa sĩ ở tòa án! Đi trên xa lộ thỉnh thoảng tôi thấy có cái pano thật lớn với hình của ông bà mặc áo trịnh trọng và một ông có dáng dấp cảnh sát, tôi hỏi anh bạn họ là ai, và sao có hình ở đây, thì biết là họ là quan chức địa phương và cảnh sát trưởng. Tấm pano nói nếu dân chúng có vấn đề gì thì liên lạc với họ để giải quyết. Tôi nhủ thầm, ước gì VN mình cũng có những tấm pano như thế này. Nói chung, cách hành xử của họ rất khác với chính khách VN ta. Chính khách Thái Lan gần dân hơn và văn minh hơn.
Nói chung, chính khách VN cũng có cuộc sống sướng lắm. Có thể kể qua vài đặc quyền đặc lợi:
• Làm gì sai cũng chẳng ai dám cách chức. Lí do là đương sự có thể là do đảng (ban bí thư) quản lí. Đến thủ tướng mà còn không cách chức được thứ trưởng. Còn cấp thấp hơn thì còn phải hỏi ý kiến của chi bộ.
• Chẳng có chịu trách nhiệm với dân gì cả; họ chỉ chịu trách nhiệm với đảng thôi.
• Ăn uống thì an toàn. Cấp cao thì có ruộng lúa riêng, có vườn rau quả riêng (organic đàng hoàng nhé), rượu bia toàn loại hảo hạng. Mà ăn uống bậy bạ và chẳng may mắc bệnh thì có máy bay chở lên các bệnh viện tuyến trên.
• Xây nhà thì có các đại gia xếp hàng cung cấp vật liệu. Nhà ở đường không tiện thì có Sở giao thông mở đường. Không có hối lộ gì ở đây, tất cả đều tự nguyện và … tự giác. “Giác” ở đây là “giác ngộ”.
• Đi đường phạm luật thì chỉ cần rút cái thẻ đảng ra là được cảnh sát thông cảm ngay. Cái này thì tôi từng chứng kiến anh bạn tôi, khi lái xe vi phạm gì đó, bị cảnh sát thổi còi, anh ta xuống xe và chỉ rút cái thẻ đảng ra là cảnh sát “thông cảm”. Hay thiệt!
Nói cho ngay, không phải chính khách nào cũng sướng như thế. Cũng có những người đau đáu với vận nước, gần dân, và chạy sốt gió. Những người như thế thường có học và có lòng. Bọn có học thì lúc nào cũng đau đáu, cũng đau khổ, khổ cái nỗi khổ của người khác. Mà, những chính khách này thì càng ngày càng là rare species. Hôm nọ, khi còn ở Sài Gòn, tôi đi nhậu trong một quán bình dân, và vô tình gặp một bác từng là hiệu trưởng đại học kinh tế ở Sài Gòn. Bác ấy cũng cao tuổi rồi, đang bị Parkinson’s. Bác nhận ra tôi và thao thao và lớn tiếng phàn nàn về vụ bauxite và đọc nhưng con số vanh vách cho thấy dự án này đang bị lỗ. Bác cũng từng kí tên phản đối dự án bauxite. Tôi thì không muốn nói chuyện này ở quán nhậu, nên cứ phải gật đầu ủng hộ bác ấy. Đi cùng với tôi có anh nguyên là người của P25 của Thành phố, anh ấy cũng “chịu trận” như tôi trước những lời ta thán của bậc tiền bối. Nhưng tôi kính trọng bác ấy.
Tôi nghiệm ra một điều là nền kinh tế VN khá lên đâu phải do mấy chính khách tài ba gì, mà do người dân xoay xở là chủ yếu. Mà cũng chỉ xoay xở trong cái vòng được cho phép thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét