Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Chính trị và lòng tin


Châu Đình An (Danlambao) – Mấy ngày vừa qua trong đầu tháng 6 – 2013, người ta thấy cụm từ “lòng tin chiến lược” được báo chí trong nước nhắc nhở nhiều nhất từ bài phát biểu của ông Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đọc tại hội nghị Shangri-la.
Trước hết, lòng tin là điều căn bản của các em học mẫu giáo khi bắt đầu cắp sách đến trường. Rồi đến câu “tiên học lễ hậu học văn” nói lên giá trị đạo đức văn hoá của chúng ta. Từ các trường lớp giáo dục do các tôn giáo chủ trương và thực hiện trong thời chính thể VNCH dạy dỗ con em chúng ta về niềm tin bác ái, từ bi của sự thiêng liêng. Niềm tin trước hết vào Thượng Đế, Đức Phật, Đấng Tối Cao, từ niềm tin tôn giáo đó sẽ ảnh hưởng vào đời sống xã hội, và đào tạo nên con người có “lòng tin” để sống yêu thương không thù oán.
Do vậy lòng tin là điều kiện đầu tiên của giáo dục cho con người. Thiếu lòng tin con người sẽ trở nên gian dối và dẫn đến bao bất công trong cuộc sống với nhau. Do vậy kể từ khi đất nước chúng ta, cuộc chiến bắt đầu chấm dứt năm 1975 và đất nước thống nhất trong hệ thống “xã hội chủ nghĩa”, chúng ta đã thấy một nền giáo dục bị phá đổ tan hoang và thâu tóm vào chính sách giáo dục của đảng cộng sản Việt Nam.
Các tôn giáo không còn được quyền mở tư thục trong ngành giáo dục để dạy dỗ con em bài học vỡ lòng “công dân giáo dục”, mà thay vào đó là sự tuyên truyền nhồi sọ việc “đánh Mỹ” và ca tụng sự tốt đẹp của chủ nghĩa Mác LêNin cho thế hệ trẻ từ năm 1975.
Thử xét lại thì chúng ta nhìn nhận một thực tế là, cả thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay thừa hưởng một nền giáo dục phi văn hoá cội nguồn, phi nhân tính, phi nhân bản như thế thì làm sao có thể có được một “lòng tin”.
Làm thế nào có được lòng tin, một khi các bất công từ đất đai do đảng cầm quyền có quyền hạn vô biên trên điều này, những chiếm đoạt, những cưỡng chế đất dẫn đến các cuộc biểu tình khiếu kiện và các vụ bắt bớ, giam cầm, tuyên án vẫn lần lượt xảy ra trong thời gian gần đây. Chúng ta thấy vụ Cồn Dầu, vụ Tiên Lãng, vụ Thái Hà và còn nhiều nơi khác trên quê hương nhỏ bé.
Làm sao có được lòng tin khi mà cả nước muốn thay đổi điều 4 hiến pháp là điều cho phép đảng CSVN lãnh đạo toàn bộ xã hội, một điều sai sót dẫn đến biết bao hậu quả đau khổ cho đất nước, nhưng qua những góp ý thay đổi đó, mà vẫn bị họ, nhà cầm quyền hiện nay bác bỏ một cách trịch thượng?
Làm sao có được lòng tin khi mà những cựu đảng viên, những phục viên, những cựu chiến binh từng đổ xương máu trong quá khứ và bây giờ muốn nhìn thấy đất nước không còn mang tên “xã hội chủ nghĩa”, mà vẫn bị đảng cầm quyền làm ngơ từ khước?
Làm sao có được lòng tin, khi mà tham nhũng hối mại quyền thế tràn lan như một đại dịch trên cả đất nước Việt Nam, đến nỗi đảng CSVN phải lập bao nhiêu ban ngành chống tham nhũng mà hiệu quả vẫn tham nhũng và mạnh mẽ hơn trước?
Làm sao có được lòng tin khi mà đảng cầm quyền lạnh lùng khước từ những yêu cầu chính đáng của người dân, kể cả lá thư của ông Đại Tướng “công thần khai quốc” Võ Nguyên Giáp viết gửi ông Nguyễn Tấn Dũng, nội dung thư góp ý là không nên để Trung Cộng vào khai thác Bô Xít, phá nát thiên nhiên rừng xanh xinh đẹp của miền Cao Nguyên đất nước?
Làm sao có được lòng tin khi mà một “chính quyền” không dám nêu đích danh kẻ xâm lược chiếm biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Trung Hoa, mà gọi là nước lạ, tàu lạ, kẻ lạ?
Làm sao có được lòng tin khi mà các cuộc biểu tình bày tỏ tình yêu nước chống Trung Hoa xâm chiếm vùng biển đảo của tổ quốc Việt Nam bị nhà cầm quyền đe nẹt, bắt bớ, gam cầm, kết án bỏ tù.
Ngay cả ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các “đồng chí” của họ cũng có nhiều biểu hiện không tin tưởng nhau, nghĩa là không có lòng tin lẫn nhau dẫn đến các cuộc đấu đá bè phái và nẩy sinh cái gọi là “các nhóm lợi ích” của nhau.
Một đảng cầm quyền lãnh đạo toàn bộ xã hội không có lòng tin lẫn nhau, thì làm sao có được lòng tin chính đáng đối với quốc dân.
Do vậy bước qua lãnh vực chính trị đối ngoại, nhà cầm quyền không có uy thế để kêu gọi “lòng tin chiến lược” với kẻ thù xâm lược luôn mang dã tâm thống trị. Hơn nữa, chính trị là thủ đoạn, là đoản kỳ, là trường kỳ. Chính trị luôn thay đổi để phù hợp với tình thế. Chính trị không thể mang lòng tin vào áp dụng theo cách suy diễn của tôn giáo, và nhất là trong tầm thước chiến lược.
Hội nghị Diên Hồng của cha ông chúng ta trong lịch sử gìn giữ bờ cõi, là bài học về “LÒNG TIN” lớn nhất mà hiện nay, những người cầm quyền nếu yêu nước thương dân, cần học hỏi để áp dụng.
Lòng tin phải đi từ căn bản. Đó là không thể có một đảng cầm quyền chi phối sinh hoạt chính trị, vì sự mâu thuẫn sẽ luôn bộc phát trong mọi giai đoạn và tạo nên các bất an xã hội.
Lòng tin phải đi từ căn bản. Đó là chấp nhận sự sinh hoạt chính trị đa nguyên, đa đảng của các tầng lớp xã hội Việt Nam.
Có như thế, mới có thể mang lại lòng tin trước hết, từ toàn bộ xã hội của người dân. Lúc ấy ta mới có đủ uy thế nói đến “lòng tin chiến lược” với mọi kẻ thù ngoại xâm.
Bạn không thể kêu gọi người khác tin tưởng mình, khi mà bạn chưa có lòng tin vào chính mình.

Không có nhận xét nào: