Pages

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Chống toàn trị như thế nào?


Trong bài “Chống toàn trị là chống cái gì?”, tôi đưa ra một luận điểm chính: Chống toàn trị không phải là chống con người mà chủ yếu là chống lại những cơ chế và những chính sách tước đoạt tự do, dân chủ và quyền làm người của công dân. Dĩ nhiên, cơ chế và chính sách chỉ có thể tồn tại và thể hiện qua những con người cụ thể. Chống toàn trị, như vậy, là chống lại những kẻ vận hành cơ chế cũng như ban bố và thực thi chính sách trong chừng mực họ ĐANG vận hành, ĐANG ban bố và ĐANG thực thi chính sách. Đến lúc họ không còn ở trong những vị thế ấy nữa, họ thuộc về lịch sử. Thuộc về lịch sử, họ có thể bị phê phán, lên án và, thậm chí, buộc tội trước tòa án, nhưng không phải là đối tượng chống đối.

Trong bài này, tôi xin tập trung vào một khía cạnh khác: Làm thế nào để chống lại toàn trị?
Câu trả lời đơn giản có thể sẽ hiện ngay trong đầu của một số người: Nếu toàn trị được thể hiện qua cơ chế và chính sách thì cách chống toàn trị tốt nhất là đạp đổ các cơ chế cũng như vô hiệu hóa các chính sách phản dân chủ và phản nhân quyền ấy. Tuy nhiên, nói thế là chưa nói được gì cả. Người ta chỉ có thể đạp đổ cơ chế và vô hiệu quả chính sách khi người ta đã thắng cuộc. Còn đang ở trong tư thế chiến đấu, tức là đang ở ngoài, thậm chí, đang ở thế yếu, thì những chuyện đạp đổ hay vô hiệu quá ấy chỉ là một ước mơ, có khi, một ước mơ xa lắc.
Một cách chống khác: Nhắm vào con người, đặc biệt những kẻ đang vận hành cơ chế cũng như những kẻ đang ban bố hoặc thực thi chính sách. Nhưng ở đây lại có hai điều khó. Một, người ta không thể tiếp cận những kẻ ấy khi chưa đạp đổ được cái cơ chế, và đằng sau nó, cả một bộ máy quyền lực khổng lồ, mà họ là đại diện, và đồng thời, được bảo vệ nghiêm mật. Hai, bất kể những lời nói hung hăng của một số kẻ vĩ cuồng, việc chống lại những kẻ đang nắm giữ quyền lực trong tay bao giờ cũng là một công việc đầy khó khăn và rất cần thời gian. Thời gian ấy là bao lâu? Với Cộng sản ở Nga, mất đến trên 70 năm; với Cộng sản Đông Âu, mất một nửa thế kỷ; với các nhà độc tài phong kiến, mất cả một, hai ngàn năm.
Chỉ có một con đường dễ và nhanh nhất: Tập trung vào cái khía cạnh đằng sau cơ chế, chính sách và con người toàn trị. Đó chính là văn hóa toàn trị.
Cuộc đấu tranh chống toàn trị là một cuộc đấu tranh khá toàn diện, có khi bằng quân sự, nhưng nhiều hơn, bằng chính trị, kinh tế, xã hội, và nhất là, bằng văn hóa. Từ góc độ văn hóa, cuộc chiến chống toàn trị trở thành cuộc chiến của các ý tưởng và của các giá trị. Chủ nghĩa Cộng sản sở dĩ biến thành một chủ nghĩa toàn trị và tồn tại trong một thời gian khá dài với tư cách một chủ nghĩa toàn trị là nhờ vào hai biện pháp: Một, nó xây dựng được một hệ thống ý tưởng và giá trị có khả năng lôi cuốn được sự tin tưởng hay sùng bái của rất nhiều người; và hai, nó thành lập được một bộ máy công an hùng hậu có đủ khả năng trấn áp mọi sức phản kháng hay, thậm chí, đề kháng của dân chúng. Bộ máy công an đồ sộ ấy được nuôi dưỡng bằng hai yếu tố chính: tiền bạc và niềm tin. Đánh vỡ các niềm tin vào hệ thống ý tưởng và giá trị là đánh sập một trong hai nền tảng của chế độ toàn trị. Nền tảng còn lại, công an, cũng mất đi một nửa sức mạnh, nguồn sức mạnh tinh thần. Nó chỉ còn phần sức mạnh vật chất đến từ quyền lợi. Nhưng con người không chỉ sống với quyền lợi. Có rất nhiều người vừa cần quyền lợi vừa cần niềm tin; và cũng không hiếm người sẵn sàng hy sinh quyền lợi cho một niềm tin nào đó.
Tôi đọc được, ở đâu đó, đã khá lâu (rất tiếc, hiện giờ chưa tìm lại được), một tài liệu cho biết, thời Đông Đức còn chìm đắm trong chế độ toàn trị Cộng sản, có hai thành phần “giác ngộ” sớm nhất: giới ngoại giao và giới mật vụ. Giác ngộ ở đây hiểu theo nghĩa là họ thấy rõ, rất rõ, được những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản và những mặt tích cực của thế giới tự do ở Tây phương. Giác ngộ như vậy cũng có nghĩa là nhận ra tính chất không tưởng của chủ nghĩa Cộng sản và tính chất dối trả của bộ máy tuyên truyền Cộng sản. Chính vì sự giác ngộ ấy, người ta đã quyết tâm thay đổi. Sự thay đổi ấy, ở những kẻ có quyền lực, là quyết định từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản; ở những kẻ thừa hành, là không chống lại thế giới tự do cũng như những người tranh đấu cho tự do. Với sự thay đổi ở cả hai thành phần ấy, người ta khoanh tay thản nhiên ngồi nhìn Bức tường Berlin bị phá đổ.
Nhưng tại sao các nhà ngoại giao và mật vụ lại giác ngộ sớm hơn những thành phần khác trong xã hội? Lý do chính: Đó là hai thành phần có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài, đặc biệt các nước Tây phương, nhiều nhất. Ra ngoài, họ nhìn thấy sự thật trong xã hội Tây phương, cảm nhận được giá trị của tự do và dân chủ cũng như nhân quyền ở Tây phương, từ đó, có thể so sánh hai chế độ với hai bảng giá trị khác nhau. Sự lựa chọn của những người này không phải là sự lựa chọn về quyền lợi mà chủ yếu là sự lựa chọn giữa hai hệ thống ý tưởng và giá trị khác nhau.
Trước khi bức tường Berlin sụp đổ, thật ra, các nhà chiến lược ở Tây phương cũng đã nhận ra điều ấy khi cho cuộc chiến giữa Cộng sản và tư bản chủ yếu là cuộc chiến giữa toàn trị và tự do, ở đó, cuộc chạy đua vũ trang và phát triển kinh tế tuy là hai lãnh vực quan trọng nhưng không phải là thiết yếu. Thiết yếu là nằm ở giá trị. Giá trị thực sự lại không nằm trong lời nói. Tuyên truyền chỉ có ý nghĩa ngắn hạn. Thuyết phục nhất, đối với các giá trị, là hiện thực hóa các giá trị ấy trong đời sống hằng ngày để mọi người đều có thể sống với chúng, hưởng thụ chúng và cảm nhận được chúng. Chính nhận thức ấy dẫn đến một biện pháp căn bản: Cách tốt nhất để chống lại toàn trị là tự dân chủ hóa và hoàn thiện quá trình dân chủ hóa của chính mình. Mình càng dân chủ bao nhiêu, mình lại càng có sức mạnh và có khả năng chiến thắng toàn trị bấy nhiêu.
Đó là lý do giải thích tại sao, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, khi xung đột giữa Cộng sản và tư bản, giữa toàn trị và tự do rất gay gắt, lúc nào cũng có nguy cơ bùng nổ thành xung đột vũ trang, thậm chí, xung đột hạt nhân ở tầm vóc thế giới, ở các nước Tây phương, người ta vẫn thấy sách của Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, hay tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được dịch, xuất bản, và bày bán công khai trong các tiệm sách cũng như sắp đầy trong các thư viện. Ở rất nhiều nơi, đảng Cộng sản được tự do hoạt động và tự do tuyên truyền. Có lúc chính quyền muốn cấm nhưng tòa án tối cao bác bỏ; chính quyền đành chịu thua. Trước những sự kiện ấy, không ít người cảm thấy lo lắng: Họ có cảm giác họ bị Cộng sản đánh bại ngay trong sân nhà. Tuy nhiên, các nhà chiến lược và giới trí thức nói chung vẫn kiên trì theo đuổi các nguyên tắc dân chủ. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của dân chủ là chấp nhận sự tồn tại của cái khác (otherness), là tôn trọng quyền tự do lựa chọn của người khác. Bằng cách đó, người ta đã chống lại toàn trị bằng chính thái độ tôn trọng dân chủ của mình. Có lẽ đây là dấu chỉ nổi bật nhất để phân biệt dân chủ thực sự và dân chủ giả vờ. Trong dân chủ giả vờ, người ta nhân danh dân chủ, nói những lời lẽ to tát về dân chủ nhưng lại là hành xử như những tên độc tài. Trong một nền dân chủ thực sự, lúc nào người ta cũng hành xử một cách dân chủ ngay cả khi đang chống lại độc tài. Chống một cách quyết liệt.
Chính việc thực hiện các nguyên tắc dân chủ ấy đã tạo nên sức mạnh cho các quốc gia dân chủ ở Tây phương. Không phải chỉ là sức mạnh trong kinh tế, xã hội hay chính trị mà còn cả sức mạnh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa toàn trị.
Tôi cho đó là một bài học lớn nhất trong công cuộc chống lại chủ nghĩa toàn trị hiện nay: Nhân danh dân chủ và hành xử như những người thực sự biết tôn trọng dân chủ. Không ai có thể chống lại toàn trị bằng cách vay mượn các biện pháp phản dân chủ của toàn trị. Nếu toàn trị được nảy sinh và được nuôi dưỡng bằng cách bóp nghẹt tự do của người khác và chà đạp lên dân chủ, tất cả những kẻ sử dụng biện pháp tương tự, dù ẩn nấp dưới bất cứ danh nghĩa nào, với bất cứ lý do gì, cũng đều là đồng minh của toàn trị.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: