Pages

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Chuyện đội sổ tín nhiệm của Thống đốc Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị đội sổ tín nhiệm với 209 phiếu tín nhiệm thấp của Quốc hội, kết quả được công bố ngày 11/6.

Trước mũi dùi công luận

Ông Thống đốc trẻ tuổi Nguyễn Văn Bình có vẻ là đối tượng hứng chịu sự phê phán nặng nhất của các đại biểu Quốc hội. Ông là  thành viên cao cấp Chính phủ bị đội sổ đánh giá tín nhiệm, nếu căn cứ vào số phiếu tín nhiệm thấp xếp thứ nhất là 209 phiếu trong tổng số 492 đại biểu Quốc hội tham dự cuộc bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện đánh giá mức độ tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt, những người do Quốc hội bầu và phê duyệt.

Trong một thời gian dài Thống đốc Nguyễn Văn Bình đứng trước mũi dùi công luận, nhiều ý kiến trên báo chí lề dân lẫn lề đảng cách gọi trào phúng, đã nói đến nhu cầu cấp thiết phải thay thế vị trí người lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, hiện sống và làm việc ở TP.HCM nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Vấn đề đòi hỏi phải ra đi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, theo tôi thì có quá nhiều chuyện vô cảm và chuyện vô trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Nhà nước và các cá nhân điều hành nó. Trong thời gian ít nhất hai năm vừa rồi từ khi thành lập chính phủ mới cho tới nay là những chuyện vô cảm và vô trách nhiệm đó đã vừa trực tiếp vừa gián tiếp đẩy rất nhiều doanh nghiệp sản xuất vào thế vô vọng và đồng thời làm kiệt quệ luôn sức hồi sinh còn lại của nền kinh tế.”

Mặc dù thủ tục đánh giá tín nhiệm không nhằm để bất tín nhiệm một chức danh chủ chốt nào, nhưng mức độ tín nhiệm thấp được cho là cách thể hiện sự bất tín nhiệm của đại biểu, do thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được chia ra ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Sự kiện Thống đốc Nguyễn Văn Bình chịu sự phê phán gay gắt của công luận bắt nguồn từ một danh sách dài, liên quan tới vấn đề nợ xấu ngân hàng, trong đó có cả nợ xấu Tập đoàn, Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu bất động sản và chuyện 200.000 doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác khát vốn không được giải quyết.

thanhnien.com-305.jpg
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình thêm với ĐBQH về nợ xấu và thanh tra ngân hàng chiều 30/10/2012
Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6 vừa qua, nhiều ý kiến cho là tình trạng nền kinh tế bế tắc hiện nay là do hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ và sự trì chậm trong tái cơ cấu. Theo TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các biện pháp ngắn hạn đã được thực hiện một cách quá mức, cho nên dẫn đến tín dụng bị tắc nghẽn. Ông nói:

"Các biện pháp ngắn hạn như vậy đều giúp chính phủ kềm chế lạm phát, nhưng lại làm cho các doanh nghiệp phải trả giá và rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản đóng cửa và đặc biệt là tổng mức đầu tư xã hội cũng đã giảm từ mức 47% năm 2008 giảm xuống cho đến bây giờ còn độ 29%. Như vậy nó đã giảm 17%-18% GDP, tức là giảm một nửa so với 2007-2008 và làm mức cầu của toàn xã hội đã bị giảm sút rất nhiều.”

Vấn đề độc quyền kinh doanh quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước là giọt nước cuối cùng góp phần vào việc phê phán nặng nề khả năng của ông Nguyễn Văn Bình trong tư cách Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 11/6 Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà Thống đốc Bình bị đội sổ, trong buổi sáng này giá vàng ở Việt Nam cao hơn giá thế giới qui đổi gần 6 triệu đồng một lượng. Việc chênh lệch giá tồn tại dù rằng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 28 tấn vàng trong vòng hơn 2 tháng sau khi cơ quan này thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Tình trạng giá vàng không liên thông với thế giới đã kéo dài, mặc dù trước đây ông Nguyễn Văn Bình khi còn là Phó thống đốc từng viết trên Tạp chí Cộng sản là chỉ cần giá vàng cao hơn thế giới 400.000đ một lượng thì đã là động cơ cho nạn buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.

Qua thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước bị phê phán nặng nề về điều gọi là độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng, ấn định giá, kinh doanh và phân phối. Phó Giáo sư TS Ngô Trí Long một chuyên gia thị trường nhận định:

"Chính sách theo Nghị định 24 bất cập ở đối với Nhà nước, bất cập với doanh nghiệp và bất cập đối với người tiêu dùng. Cho nên quan điểm của tôi là phải thay đổi sửa đổi lại ngay Nghị định 24 và có những điều bổ sung. Còn cái kiểu họ một mình một chợ và với cách làm thủng đâu vá đấy thì sẽ hoàn toàn gây bất lợi và chắc chắn ảnh hưởng tới sự hoạt động của nền kinh tế.”

Phản ánh điều gì

Tiếp sau Thống đốc Nguyễn Văn Bình về mức độ tín nhiệm thấp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 160 phiếu tín nhiệm thấp, sau đó là các ghế nóng khác như Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng…Hoàn tất việc lấy phiếu tín nhiệm, ngày 11/6 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh được tình hình đất nước.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ Hà Nội nhận định:

"Kết quả như vậy cũng thể hiện các đại biểu Quốc hội có phần nào mạnh dạn trong việc đưa ra ý kiến của mình. Nó cũng phản ánh một thực tế là trong mấy năm gần đây nền kinh tế Việt Nam cũng như các vấn đề về xã hội, giáo dục… thì có rất nhiều điều mà người dân bức xúc. Quốc hội cũng như người dân có thể cảm nhận thấy là trách nhiệm trước nhất thuộc về chính phủ và người đứng đầu chính phủ. Cho nên cách biểu quyết như vậy cũng một phần nào đó thể hiện sự nhìn nhận của Quốc hội và của người dân đối với những việc chính phủ và đặc biệt Thủ tướng đã làm được cũng như chưa làm được.”

Câu chuyện đội sổ tín nhiệm của ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ là sự phê phán nước đổ đầu vịt. Chuyện ông hay nhiều thành viên chính phủ mất uy tín sẽ ra đi sớm hay không là điều khó đoán. Bởi vì ngay như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về điều hành kinh tế kém, điển hình là sự sụp đổ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin thất thoát 84.000 tỷ đồng mà vẫn không bị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật.

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: