Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Đi tù biệt tăm vì làm phim về trại lao cải Trung Quốc

Nhà báo Đỗ Bân, tác giả một bộ phim tài liệu về trại lao cải (RFI /Stéphane Lagarde)
Nhà báo Đỗ Bân, tác giả một bộ phim tài liệu về trại lao cải (RFI /Stéphane Lagarde)

Nhà báo tự do Trung Quốc Đỗ Bân, từng là cộng tác viên của tờ New York Times, tác giả của một bộ phim phóng sự về trại lao cải nổi tiếng Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh đã bị chính quyền bắt giam từ hôm 31/05/2013 vì tội « gây rối trật tự công cộng ».

Theo người thân của trong gia đình, ông bị đưa đi biệt tăm từ đó đến nay đã hai tuần không có tin tức gì.Thông tín viên RFI, Stéphane Lagarde, tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin :

"Về mặt chính thức, Đỗ Bân bị bắt vì tội « gây rối trật tự công cộng », nhưng thực ra điều mà công an Trung Quốc quan tâm chính những công việc gần đây của nhà báo này. Những người thân của ông khẳng định công an đã lấy đi tất cả sách vở, ghi chép của ông. Con dấu của trung tâm tạm giam trong thành phố Bắc Kinh đóng trên tờ lệnh bắt giam cũng không để lại dấu vết nào cho thấy hiện Đỗ Bân bị giam ở đâu.

Cần phải nói rằng, đã từ lâu nay, nhà báo Đỗ Bân nằm trong tầm ngắm của công an Bắc Kinh. Mới đây, ông đã thực hiện một phim tài liệu về trại lao cải Mã Tam Gia. Trong lần chúng tôi gặp ông hồi đầu tháng 5, nhiều nhân viên an ninh chìm đã theo dõi quay phim chụp ảnh. Bộ phim ghi lại những lời nhân chứng của trại lao cải dành cho phụ nữ Mã Tam Gia đã được đưa lên mạng hôm 01/05/2013 và được chiếu tại Hồng Kông nhưng tất nhiên là bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc lục địa.

Đỗ Bân cho RFI biết : « Ở Trung Quốc, có lẽ rất ít người coi được bộ phim này. Chúng tôi biết điều này khi làm loại phim như thế. Nhiều bạn bè hỏi tôi sao không chọn đề tài gì đó tích cực hơn. Tôi trả lời : Không ai có thể chấp nhận những gì diễn ra trong những trại cải tạo như vậy. Không ai có thể chấp nhận các cách đối xử với phụ nữ như thế, chính vì vậy tôi đã làm bộ phim này ».

Một tuần trước khi bị bắt đi mất tích, nhà báo Đỗ Bân còn công bố một tác phẩm khác về vụ đàn áp Thiên An Môn 04/06/1989. Đây là một cuốn sách chắc chắn không thể nào được phát hành tại Trung Quốc. Những chủ đề mà nhà báo tự do này đề cập đến có thể bị cơ quan an ninh Trung Quốc coi là nhạy cảm nhưng không thể dựa vào đó để quy cho Đỗ Bân là nhà ly khai chính trị. Kết cục của vụ bắt giữ này ra sao sẽ có giá trị như một trắc ghiệm đối với những hứa hẹn thay đổi của chính quyền mới trên vấn đề nhân quyền".

Anh Vũ (RFI)

Không có nhận xét nào: