Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Khiêu khích kiểu Trung Quốc

Lê Mai
Khiêu khích là một thủ đoạn khá quen thuộc mà kẻ mạnh thường hay sử dụng đối với kẻ yếu. Khiêu khích là chủ động tạo ra một cái cớ cần thiết. Dựa vào cái cớ đó, kẻ mạnh phát động cuộc tấn công mà không sợ thế giới lên án. Dĩ nhiên, để thực hiện điều đó, kẻ mạnh luôn tính toán trước và tự cho rằng mình có sức mạnh đè bẹp kẻ yếu. Do đó, bất cứ quốc gia nào khi xử lý các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế cũng đều phải thận trọng, tránh rơi vào âm mưu khiêu khích của đối phương. Song, đó chỉ là một mặt của vấn đề.

Vấn đề thứ hai là phải cảnh giác cao độ và luôn sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu sâu xa của đối phương. Chừng nào nhận rõ được âm mưu của đối phương, không tự ru ngủ mình, chừng đó mới có thể đối phó có kết quả.

Chỉ vì quá lo ngại những hành động bố trí quân sự của mình tại biên giới sẽ rơi vào âm mưu khiêu khích của Đức mà Liên Xô hoàn toàn bị bất ngờ khi cuộc tấn công xẩy ra. Vào những giờ phút đầu tiên của chiến tranh, các nhà lãnh đạo Liên Xô – nhất là Xtalin tỏ ra hết sức bàng hoàng. Mọi tính toán của ông ta đều sụp đổ trong chớp mắt, cho dù cái Hiệp ước không tấn công lẫn nhau mà Liên Xô ký với Đức còn chưa ráo mực. Người ta dường như đã quên bài học Ba Lan vừa diễn ra.

Một nhóm trinh sát Đức giả mặc quân phục Ba Lan vờ tấn công vào một trạm radio phát sóng của Đức tại thành phố Kravixe. Tại hiện trường giả vương vãi các tài liệu của Ba Lan và các xác chết mang quân phục Ba Lan bỏ lại. Bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã lập tức loan tin về “vụ khiêu khích” của Ba Lan và vào hồi 4h45 phút sáng ngày 1.9.1939, các sư đoàn Đức đã tràn qua biên giới Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trước đó, Hitler nói với giáo sỹ Burchkhardt – một tín đồ của Đế chế thứ ba và là một nhà sử học:

- Ba Lan trực tiếp uy hiếp đến thành phố Danzig. Báo chí Ba Lan tuyên bố cùng một giọng. Nếu xẩy ra bất kỳ một sự khiêu khích nào, tôi sẽ không cần cảnh cáo mà ra lệnh tiêu diệt người Ba Lan ngay!

Y tiết lộ ý định của mình: Về bản chất, Đức rất cần ngũ cốc và đồ gỗ, nước Đức phải có thuộc địa, phải chiếm được phía Đông. Tôi cần rảnh tay để chiếm phía Đông.

Đó là phía Đông của Hitler. Còn “phía Đông” của TQ chính là Biển Đông của VN. TQ cần lối thoát ra Biển Đông – cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của họ. Mọi suy nghĩ và tính toán của họ đều hướng ra Biển Đông. Khiêu khích của TQ trên Biển Đông càng ngày càng làm VN và thế giới thất vọng và đầy lo lắng.

Dường như khiêu khích của TQ chủ yếu là nhằm vào VN, một đối tác chiến lược. Điều này tỏ ra vừa khó hiểu vừa dễ hiểu. Dường như TQ đang chơi trò hai mặt. Điều đáng ngạc nhiên, có hiện tượng là trong khi cấp dưới liên tục bày ra các vụ khiêu khích thì lãnh đạo cao cấp – kể cả cao cấp nhất của TQ chưa bao giờ tuyên bố không thân thiện với VN, mà ngược lại, nói rất nhiều lời hoa mỹ ca ngợi tình hữu nghị. Họ đang bị động trong chiến lược độc chiếm Biển Đông? Dĩ nhiên là không. Trái lại, họ rất chủ động và phải chăng khiêu khích kiểu TQ chính là một phần của chiến lược ấy.

Nói rằng khiêu khích kiểu TQ chỉ là những hành động tự tiện, không kiểm soát được của cấp dưới, liệu có tin được không? Rằng không ít các tờ báo và học giả “diều hâu” TQ kích động xung đột trên Biển Đông, đòi thu hồi quần đảo “Nam Sa” (tức Trường Sa của VN) là quyền tự do ngôn luận, liệu có tin được không? Và mỗi vụ khiêu khích của TQ bị VN và thế giới lên án thì người phát ngôn TQ lại ngang ngược đổi trắng thay đen, đổ lỗi cho VN, liệu có tin được chỉ là do cấp dưới thực hiện?

Chúng ta lưu ý, TQ – một đất nước trên 1,3 tỷ dân, có phương thức lãnh đạo hết sức chặt chẽ. Trên nói gì, dưới làm nấy là đặc điểm lớn của TQ. “Cải cách, mở cửa” của TQ xuất phát từ trên xuống là vì thế, nó khác “Đổi mới” của VN bắt đầu từ dưới lên. Nhớ lại thời “anh em” ngày nào, mỗi khi các nhà lãnh đạo VN sang thì Mao cho cấp dưới làm việc trước, còn Mao tiếp sau cùng. Mao phán xong, ghi chép lại, coi như kết luận, sau đó gửi đi các nơi thực hiện. Cho nên, các vị lãnh đạo VN khi gặp các lãnh đạo địa phương, thấy họ nói y hệt như Mao phán, tỷ như bây giờ “trò đánh giỏi hơn thầy” – chính là nhắc lại lời Mao khen VN. Ngay cả Lâm Bưu muốn gặp hai vị khách đặc biệt của VN là Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đang ở Bắc Kinh để nêu ý kiến của ông ta về “đánh Mỹ”, cũng phải được Mao phê chuẩn.

Thế thì, một nước như TQ, với phương thức “cai trị” chặt chẽ đó, làm gì có chuyện cấp dưới dám tự tiện hành động mà cấp trên không biết, không chỉ đạo? Và như vậy, người ta có quyền nghi ngờ, khiêu khích kiểu TQ là sự khiêu khích được tính toán, được trù tính, được chuẩn bị rất kỹ, không phải từ cấp dưới, mà là từ cấp…cao “ngất ngưởng” kia?

Đến đây, thiết tưởng cần nhắc lại câu hỏi khiêu khích của bà Thiếu tướng Diêu Vân Trúc (Yao Yun Zhu), Học viện kỹ thuật Quân sự TQ về bài phát biểu của Thủ tướng VN tại Đối thoại Shangri-La vừa mới diễn ra. Nghe nói bà Diêu là người được Bộ Tổng tham mưu TQ lựa chọn để lãnh đạo một nhóm sỹ quan phụ trách việc so gươm với các diễn giả khác trong Đối thoại Shangri-La. Câu hỏi khiêu khích của bà ta thật sắc sảo – vẫn là một sự khiêu khích kiểu TQ:

“Ngài Thủ tướng đã đề cập đến các thách thức an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có thách thức có thể làm gián đoạn tự do hàng hải, hoạt động thương mại quốc tế. Ngài Thủ tướng cũng đề cập một vài cường quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xin ngài đưa ra các ví dụ về cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào, qua đó làm gián đoạn tự do hàng hải”?

Ý định (khiêu khích) của bà ta rất rõ ràng: dù chúng tôi vi phạm luật pháp quốc tế đấy, làm gián đoạn tự do hàng hải đấy, nhưng liệu ngài có (dám) trả lời thẳng đó chính là TQ hay không?

Có ý kiến cho rằng, nếu Thủ tướng VN trả lời trực tiếp câu hỏi của bà ta là rơi vào cái bẫy khiêu khích của TQ, vậy thì trả lời gián tiếp vẫn là cách hay hơn cả.

Kế thừa truyền thống đấu tranh trong lịch sử dân tộc, chiến lược Biển Đông của VN là chiến lược hòa bình, tất nhiên phải là hòa bình trong độc lập, tự do! Đó cũng chính là thứ hòa bình không chấp nhận “những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Còn chiến lược của TQ là gì? Hiển nhiên, đó là chiến lược khiêu khích. Và chiến lược khiêu khích ấy liệu sẽ dẫn đến một cái (kết cục) gì trong tương lai?

Nhưng trong lịch sử, chiến lược khiêu khích kiểu TQ trên biển đều dẫn tới xung đột quân sự. Chúng ta chưa quên, vì muốn mặc cả với Hoa Kỳ mà TQ luôn luôn khiêu khích Đài Loan. Từ tháng 9 đến tháng 11.1954, TQ đã pháo kích 47 lần vào các đảo Kim Môn lớn, Kim Môn nhỏ và Đại Trần của Đài Loan. Thay vì đối thoại, họ lại ưa dùng tiếng nói của bom đạn để dọa nạt. Năm 1958, TQ lại pháo kích quy mô lớn vào đảo Kim Môn “để đập tan sự khiêu khích của nhà đương cục Đài Loan, đánh mạnh vào uy thế của bọn xâm lược Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Trung Đông”. Năm 1974, hành động khiêu khích có tính toán của TQ với hải quân VNCH tại quần đảo Hoàng Sa đã dẫn đến xung đột mà kết cục là TQ đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Mười bốn năm sau, lại một sự khiêu khích khác kiểu TQ để rồi họ chiếm luôn đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của VN.

Một câu hỏi rất lớn đặt ra, có hay không và nếu có thì lúc nào một vụ khiêu khích kiểu Hitler của TQ sẽ xẩy ra trên Biển Đông? TQ đang tìm cơ hội và sẽ rất nguy hiểm nếu họ chủ động tạo ra cơ hội. Song, liệu TQ có sẵn sàng lặp lại những sai lầm của lịch sử?

Lê Mai

(Blog Lê Mai)

Không có nhận xét nào: