Pages

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Nhà cầm quyền CSVN ‘nên xin lỗi dân’ vì lãng phí


Người Việt - HÀ NỘI (NV) – ‘Công qũy là tiền của dân. Cũng vì vậy, cả Quốc hội lẫn Chính phủ Việt Nam nên xin lỗi dân vì đã để công qũy thất thoát và chi tiêu lãng phí.’ Đó là khuyến cáo của bà Trần Thị Dung, đại diện cho dân Hà Giang ở Quốc hội CSVN.
Chẳng riêng bà Dung, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ rất bất bình khi nghe báo cáo về việc sử dụng nguồn vốn mà chính phủ Việt Nam kiếm được từ chuyện bán trái phiếu.
Trường Long Sơn ở huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi được “đầu tư” ba “nhà vệ sinh dát vàng” với chi phí hơn một tỷ đồng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2006-2012, chính phủ CSVN được phép phát hành trái phiếu để vay của dân chúng 410 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ đã bán ra lượng trái phiếu lên tới 685 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 67% so với dự kiến.
Tiền thu được từ việc bán trái phiếu là tiền mà chính phủ nợ dân và sẽ phải dùng ngân sách – cũng là tiền của dân – để trả lại. Song thực tế cho thấy, chính phủ đã dùng nguồn tiền khổng lồ này theo kiểu “vứt qua cửa sổ”.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, chất lượng của rất nhiều công trình thực hiện bằng tiền bán trái phiếu rất kém. Những công trình này dù ngốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng vừa làm xong đã hư, chẳng hạn: công trình xây dựng đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, công trình xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ (Ninh Bình), công trình mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc, công trình xây dựng quốc lộ 48-2 đoạn Yên Lý- Nghĩa Thuận.
Có thể vì xem tiền thu được nhờ bán trái phiếu là “tiền chùa” nên theo Kiểm toán Nhà nước, tại nhiều công trình đã xảy ra hiện tượng “dễ dãi” tới mức khó hiểu: Lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, điều chỉnh giá trên hợp đồng không đúng quy định, nhà thầu làm ít nhưng chủ đầu tư xác nhận nhiều.
Kiểm toán nhà nước cảnh báo, có nhiều công trình được điều chỉnh nhiều lần khiến chi phí đầu tư tăng vọt gấp vài lần so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu ra hàng loạt cảnh báo về các biểu hiện “bất bình thường” rồi thôi.
Tại diễn đàn Quốc hội, ông Lê Nam, một người đại diện cho dân Thanh Hóa, nêu thắc mắc: Nhiều năm qua, người ta nói nhiều lần về việc phải chi “hoa hồng” để “bôi trơn” đủ các cửa trong quá trình tranh thầu – thực hiện – nghiệm thu những công trình về hạ tầng. Có người bảo “hoa hồng” là 10%, có người khẳng định “hoa hồng” là 30%. Song chưa bao giờ thấy chính phủ xác định có tham nhũng trong việc thực hiện các công trình hạ tầng từ nguồn vốn kiếm được nhờ bán trái phiếu. Ông Nam khẳng định, ông không tin là “không có gì” và dân cũng không ai tin.
Cũng theo ông Nam, chuyện bán trái phiếu ồ ạt, sử dụng phí phạm là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát khiến dân chúng, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khốn đốn. Ông Nam bảo: Trong cuộc chơi này, dân luôn là phía thua thiệt.
Bà Trần Thị Dung, một đồng liêu của ông Nam chất vấn, tuy thất thoát, lãng phí lớn nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Sự lãng phí xuất hiện ngay từ khi xác đinh chủ trương, quy hoạch, kế hoạch. Nhiều chủ trương không khả thi vẫn được ban hành. Nhiệm vụ này chưa hoàn thành lại tiếp tục mở rộng sang mục tiêu đầu tư khác. Bà đại biểu Quốc hội này kêu gọi: Phải mổ xẻ, phân tích rõ ràng về trách nhiệm.
Đáng ngạc nhiên là những thắc mắc, chất vấn, những lời kêu gọi của một số đại biểu Quốc hội ở diễn đàn Quốc hội Việt Nam đã không được phía Chính phủ Việt Nam hồi đáp. Chúng giống như những tiếng kêu trong sa mạc.
Sau những thắc mắc, chất vấn và lời kêu gọi đó của một số đại biểu quốc hội, một vài tờ báo ở Việt Nam công bố một loạt phóng sự điều tra về chuyện xây “nhà vệ sinh” cho các trường học. Theo đó, có những nơi như tỉnh Quảng Nam, người ta đã dùng vốn vay để xây các nhà vệ sinh có giá trung bình là 510 triệu đồng/nhà vệ sinh, trong khi theo tính toán của các nhà thầu, chi phí tối đa cho những nhà vệ sinh có kích thước, trang bị như thế chỉ chừng… 40 triệu đồng.
Trong khi công chúng Việt Nam mỉa mai về những “nhà vệ sinh dát vàng” như vậy thì báo giới Việt Nam cung cấp thêm: Nguồn tiền để thực hiện những “nhà vệ sinh dát vàng” nằm trong cái gọi là “Chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2012 – 2015” mà tổng vốn đầu tư lên tới 27 ngàn tỷ đồng.
Lạ hơn nữa là trong khi hệ thống công quyền thản nhiên vứt ra nửa tỉ đồng cho mỗi nhà vệ sinh thì chính các trường học được “đầu tư” những “nhà vệ sinh dát vàng”, xin hoài không được vài chục triệu để sửa chữa các phòng học xiêu vẹo, thay thế bàn, ghế, bảng đen đã hư nát. (G.Đ)

Không có nhận xét nào: