Bảo Giang (Danlambao) - Từ ngày 30-4-1975 đến nay, mỗi khi nói đến từ Quốc Gia, cộng sản, người ta thường nghĩ ngay đến hai thế lực chính trị đối đầu nhau ở hai miền của đất nước. Nên khi nói đến chuyện hòa giải, người ta nghĩ ngay đến việc hòa giải giữa hai đối tác này. Điều này, không sai. Nhưng trên thực tế lại không đúng. Bởi lẽ, hai thực thể chính trị của hai miền này đối đầu nhau. Nhưng nó không có tính cách lâu dài, miên viễn, và dân chúng của mỗi phần của đất nước không thuộc hẳn về một phía nào. Trái lại, cuộc chia cắt chỉ mang tính thời gian. Nghĩa là, khi chấm dứt cuộc chiến. Hai thế lực chính trị này, có thể cùng tồn tại, hoặc một mất một còn. Nhưng cuộc hòa giải vẫn chưa hề có. Bởi lẽ, cuộc hòa giải đích thực không phải là cuộc hòa giải giữa hai tập thể chính trị đối đầu nhau. Nhưng là cuộc hòa giải giữa chính quyền với quốc dân đồng bào, không phần biệt người bên này hay bên kia, trong tinh thần nhân bản, tôn trọng lẫn nhau.
Từ sau 30-4-1975. Có thể nói, cuộc hòa đàm Balê là một bản vẽ trong cuộc hòa giải giữa hai thực thể chính trị tại Việt Nam để đưa đến chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên chiến tranh đã chấm dứt bằng cách, một bên phá bỏ những điều ước nghị hòa và chiếm lấy đối phương bằng bạo lực. Từ thời điểm này, thực thể chính trị phía Quốc Gia và lãnh thổ riêng biệt của họ coi như không còn. Những kẻ lũng đoạn thời cơ, từng rêu rao về hòa hợp hòa giải dân tộc ở miền nam trước kia, nay cũng không còn đất sống. Một là hoàn toàn quy thuận theo thế lực mới. Hai là, bỏ của chạy lấy người, ra hải ngoại. Ba là tự giữ miệng, chờ chết. Thành phần này vốn dĩ trước đây cũng không có chỗ đứng. Họ chỉ làm vì lợi ích cá nhân, phe nhóm như là cái thùng rỗng hay theo chỉ đạo của CS? Họ không có tư cách và chẳng là đại diện cho ai và cũng chẳng ai nghe họ. Nay thì hoàn toàn bị triệt tiêu. Theo đó, từ sau 30-4-1975, chỉ có hai đối tác trong cuộc là tập thể cộng sản và Quốc Dân Việt Nam mà thôi.
1. Tập thể cộng sản, bao gồm tổ chức đảng cộng sản cũng như những người thuộc về họ trong guồng máy công quyền, công tư sở ở trong nước hay ở hải ngoại.
2. Quốc dân Việt Nam bao gồm những người dân yêu nước không chấp nhận cộng sản đang phải sống dưới chế độ cộng sản và những người Việt Nam đã vì cộng sản mà phải bỏ nước ra đi.
Với những người ra đi, dù họ còn hay không còn mang quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn những liên hệ mang huyết thống và những sinh hoạt Việt Nam. Hiện nay họ không có lãnh thổ, không có đại diện chính thức như trong guồng máy hành chánh, chính quyền, ngoài những tổ chức cộng đồng người Việt Tự Do tại hải ngoại mà họ sinh hoạt với. Với những người còn ở trong nước, về tỷ lệ, họ chiếm tới 80 - 90% dân số, nhưng không có tiếng nói. Họ không có người đại diện chính thức. Tuy nhiên, luôn có những người không khuất phục bạo quyền, luôn nói lên nguyện vọng chính đáng của họ. Đòi buộc nhà cầm quyền phải thỏa mãn cho những quyền lợi của công dân về các diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo, cũng như phải bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ. Theo đó, dù chưa được bầu chọn, tiếng nói của họ họ vẫn khả dĩ là đại diện cho đối tác mang tên Quốc Dân Việt Nam vào lúc này. Ngoài ra, không ai là tiếng nói của họ. Người ở hải ngoại chỉ là phụ chương.
I. Ai hòa giải với ai?
Ai cũng biết. Hơn thế, tất cả những người cộng sản Việt Nam đều biết rất rõ ràng nguyên nhân đưa đến việc nền luân lý, đạo đức xã hội và văn hóa của Việt Nam bị băng hoại, nền kinh tế quốc dân bị tụt hậu, và đặc biệt, Việt Nam không có tương lai cho ngày mai không phải là do hậu quả của chiến tranh. Nhưng chính là sự hiện diện của cộng sản và việc họ dùng bạo lực để lũng đoạn công quyền từ 1954 đến nay. Việc khẳng định không phải vì chiến tranh là rõ ràng. Vì ngay trong thời chiến, miền nam vẫn có cấp độ tiến bộ cao, và nền văn hóa đạo đức của dân tộc được bảo toàn và phát triền vững chãi, để ở đó người dân được hưởng những quyền căn bản của con người. Không có ai phải lo lắng đến cái ăn cái mặc bao giờ. Không ai phải đem nỗi lo lắng, sợ hãi vào trong giấc ngủ. Và Sài Gòn, thủ đô của miền nam khi đó, được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông, mà các nước lân bang như Thái, Mã, Indo, hay Singapore đều ước mơ có được một Sài Gòn trong quê hương của họ.
Trong khi đó, toàn bộ người dân sống ở miền bắc thì lâm vào cảnh sống cơ cực với chế độ tem phiếu. Ăn chỉ cầu no. Vào giấc ngủ không bao giờ hết lo lắng, sợ hãi. Phần người công chức cấp cao cỡ như trưởng phóng, thậm chí hàng thứ trưởng, mỗi khi được đề cử đi công cán ở hải ngoại thì phải đến ban lễ tân ở các bộ để ký mượn lấy một bộ quần áo veste để mà mặc cho nó có vẻ với người ta. Khi trở về thì phải đem đến trả lại, và phải báo cáo những lý do nếu nó bị rách hoặc hư hại. Đây là chuyện có thật, không ai bịp bợm ai được nữa. Tuy thế, cảnh sống của người miền nam đã được CS san gần bằng với cuộc sóng đói khổ của miền bắc vào những năm 1976-79.
Nếu nói rằng, miền nam ngày xưa vì có viện trợ nhân đạo về kinh tế, văn hóa của tây phương mà được như thế. Thực tế không ai chối cãi về điều này. Nhưng cái phần viện trợ ấy, (đa phần là cho chiến tranh) nếu đem so sánh với sự viện trợ của người Việt từ hải ngoại ngày nay đổ vào Việt Nam thì thật không đáng là một câu chuyện nhỏ. Không đáng kể là một, vài bát nước đổ vào trong một cái thau lớn. Bởi vì từ trong chiến tranh, chưa bao giờ miền nam nhận được tổng hợp các số viện trợ lên đến một tỷ đô la cho một năm. Nay hàng năm, Việt Nam nhận được trên 10 tỷ dôla, mà cuộc sống của người dân lại vẫn trăm nghìn cay đắng là thê nào? Theo đó, sự khốn khổ của đất nước là do chính cộng sản tạo ra, không phải vì chiến tranh.
Như thế, nếu trong những thời gian qua, chuyện hòa giải chỉ là câu chuyện của miếng dẻ rách để người ta nói đến cho vui, cho qua ngày thì lúc này đây. Hơn ai hết, chính nhà cầm quyền cộng sản phải biết rằng. Thời gian của hòa giải không còn nhiều. Nghĩa là, phải làm ngay hoặc là sẽ không bao giờ còn cơ hội. Bởi vì, khi nguy cơ bị Trung cộng đô hộ càng lớn, sức ép buộc họ phải làm cuộc hòa giải nghiêm chỉnh với quốc dân để cứu nước càng cao. Khi hệ thống thông tin toàn cầu càng mở rộng, CS càng không còn khả năng che đậy và tuyên truyền theo ý muốn mình. Trái lại, tất cả những tham ô, dối trá, từ cá nhân đến tập thể cùng những tài liệu buôn dân bán nước của CS được đưa ra ánh sáng cũng là lúc cộng sản đang tự đào lỗ chôn minh. Khi sự sợ hãi không còn là con ngáo ộp để trấn áp người dân, sức mạnh bạo lực của cái mã tấu, cái liềm, đôi dép râu trở thành một trò hề vô nghĩa. Khi người dân cùng nắm tay nhau, cùng đứng dậy vì nền Độc Lập, Tự Do của đất nước, quê hương ấy sẽ không còn bóng dáng búa liềm. Như thế, cộng sản một là phải hòa giải với quốc dân để còn có cơ hội tồn sinh. Hai là chờ cơn thịnh nộ của quốc dân đổ xuống. Đứng trước cuộc sụp đổ toàn diện như thế, nhìều người thao thức vì sự ổn định đất nước đã đặt ra câu hỏi là: Liệu có thể có một cuộc hòa giải nghiêm chỉnh giữa Quốc Dân Việt Nam và cộng sản không? Nếu có, nó sẽ theo một tiến trình nào?
II. Tiến trình của hòa giải.
Điều lo lắng lớn nhất của đảng cộng sản tại Việt Nam trong giải pháp hỏa giải, hòa hợp với Quốc Dân Việt Nam là sợ mất quyền lãnh đạo, không còn chỗ đứng trong xã hội, hoặc lo bị trả thù cá nhân, nên họ rất sợ hãi việc hòa giải với quốc dân. Tuy nhiên, phần lớn trong số ấy lại cho rằng: Tất cả những lo lắng ấy cộng lại không thể so sánh với việc nếu họ không đơn phương làm cuộc hòa giải với dân tộc Việc Nam, họ cũng không thể giải trừ được cái lo lắng ấy. Tệ hơn thế, ngày tàn của CS sẽ đến và CS sẽ bị đào thải ra khỏi xã hội. Khi ấy, CS cũng không còn giữ được bất cứ một thứ gì. Theo đó, nếu họ biết làm một cuộc hòa giải nghiêm chỉnh và đơn phương với quốc dân Việt Nam thì vẫn tốt hơn. Khi đó, quyền lãnh đạo của họ cũng chưa chắc đã mất. Vị trí xã hội của họ chưa chắc đã bị đào thải. Đời sống an ninh của họ vẫn được luật pháp bảo vệ. Tuy thế, cuộc hòa giải ấy, tùy thuộc hoàn toàn vào phương cách mà cộng sản lựa chọn.
1. Theo lối mòn cũ.
Luận điệu của cs từ trước tới nay là gian dối chồng lên gian dối. Nó chỉ nhằm áp đặt lên trên người dân sự thống trị của cộng sản bằng bạo lực và bất lương, vô đạo. Nó tuyệt đối không thể là một tiền đề cho một cuộc hòa giải. Nó chắc chắn sẽ dẫn đến bạo động và triệt hạ, đào thải mọi sinh hoạt của cộng sản ra khỏi phần đất này. Thời gian, chắc chắn không thể nằm trong toan tính của cộng sản sẽ là 20, 50 hay 100 năm nữa. Nhưng nó là ý chỉ của toàn dân. Có thể xảy ra ngay trong ngày mai hay trong một tuần, một tháng tới. Nếu CS chọn phương cách này là họ đang đẩy dân tộc vào một cuộc chọn lựa sau cùng! Nó không có một lối thoát trong ôn hòa.
2. Theo yêu cầu đổi mới của quốc dân.
Dĩ nhiên, những đòi hỏi, những điều kiện này không phải là tiếng nói sáo rỗng của những kẻ thời cơ, chụp giựt. Nhưng là tiếng nói bằng máu, bằng mô hôi, bằng nước mắt và bằng lao nhọc, bằng tranh đấu kiên trì của người dân ở trong nước, mà một số các cá nhân, đoàn thể đã vượt qua cả song sắt nhà tù để làm nên, viết ra. Đó là những đòi hỏi chính đáng, không người nào có thể phản đối, chỉ trích. Hơn thế, còn là những điều khoản thích hợp. Hợp với dân, hợp với hoàn cảnh, mở đường cho đất nước hướng tời tương lai. Đây là khuôn mẫu không thể thiếu trong một cuộc hòa giải nếu có. Khuôn màu ấy là:
A. Bản đề nghị 5 diểm của các công dân tự do:
1. Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3. Chúng tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.(NDK)
5. Chúng tôi ủng hộ việc minh bạch công nhận, bảo vệ quyền sở hữu đất đai của công dân và của các tổ chức tư nhân có tư cách pháp nhân.(phần thêm)
B. Theo tinh thần trong văn thư của HDGMVN.
Ai cũng biết, lá Thư không mang một hình thức chủ nghĩa với những hàng chữ dài vô cảm mang nhãn hiệu “CHXHCNVN” đi kèm với khẩu hiệu rêu rao của nó. Nó không là hình thức Xin – Cho. Trái lại, lá thư ngắn gọn, trực diện. Viết những điều cần viết. Nói những diều cần nói. Tuy là ngắn, nhưng chứa đựng hầu như tất cả tâm nguyện, khát vọng, không phải chỉ của người viết, hay của hơn tám triệu thành viên trong tôn giáo mà họ là đại diện, nhưng có thể là của tất cả mọi người, không trừ ai. Người trong nước, kẻ hải ngoại, đều muốn nói lên một tiếng nói chung, quang minh chính trực như thế. Vì tất cả mọi người như là đã sẵn sàng xóa bỏ cái hàng chữ với bảng hiệu kia rồi. Lá Thư này giống như một Tuyên Ngôn Lịch Sử của thời đại. Lịch Sử là vì từ đây, nó đã chấm dứt một chặng đường dối trá và bất công. Rồi mở ra ra một hướng đi trong Sự Thật và Công Lý cho mọi người cùng nhắm tới. Đích của Lịch Sử này, sớm hay muộn cũng sẽ phải tới. Đến trong an bình, cởi mở, đồng thuận, hay tới trong máu và nước mắt thì bó buộc đích nhắm cũng phải đến. Trong thư gồm có những điểm chính yếu như:
1. Quyền con người:
Hiến pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng như quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo.
2. Quyền làm chủ của nhân dân.
Hiến pháp cần làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân... Xác định chủ thể quyền bính chính trị là chính nhân dân và từ nhân dân. Hiến pháp cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân. HP phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo.
3. Thi hành quyền bính chính trị:
Hiến pháp phải xác định, quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó không dành đặc quyền chính trị cho ga bất kỳ một đảng phái nào. Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp. Hành pháp và tư pháp. Cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền hạn này một cách độc lập và hiệu quả.”
C. Đề nghị của nhóm 71 người.
- Xác định quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, toàn dân phải phúc quyết hiến pháp.
- Xác quyết quyền của con người đã ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948). Trong đó nổi bật là quyền Tự Do sinh sống, cư trú. Tự Do Tôn Giáo. Tự Do Ngôn Luận… phải được hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ.
- Xác định và công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Quyền lập hội, lập nghiệp đoàn của người dân
- Xác định lập trường phi chính trị đối với các lực lượng vũ trang, quân đội, cảnh sát…
- Xác định quyền bình đẳng chính trị cho mọi người, mọi tổ chức được pháp luật bảo đảm và tôn trọng.
Nếu trước đây, nhà nước CS đã từng làm ra những cái bánh vẽ, dựng lên những chiêu bài để lợi dụng và lừa đảo lòng yêu nước của quốc dân Việt Nam trong cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” nhưng thực chất là để phục vụ cho chủ trương “ta đánh Mỹ chiếm miền Nam là đánh cho Trung cộng, Liên Sô” (Lê Duẩn) để dìm đất nước vào cơn khủng hoảng chính trị, khủng hoảng tội ác, khủng hoảng kinh tế, văn hóa và xã hội trong mấy chục năm qua là một sai lầm nghiêm trọng. Thì nay, việc họ dự tinh sửa đổi HP vào tháng 9-2013, phải được coi như là cơ hội cuối cùng để họ làm cuộc hòa giải nghiêm chỉnh với quốc dân Việt Nam để còn tồn tại. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên họ hỏi ý kiến người dân về HP. Hỏi và đã có những bản văn trả lời như là những điều kiện nghiêm chỉnh cần phải có.
Hơn thế, không phải một mà là ba. Ba bản văn góp ý từ ba tổ chức công dân riêng biệt. Có thể họ chưa một lần gặp gỡ nhau, nhưng cùng lúc đã nói lên được tất cả tâm nguyện của quốc dân vì tương lai của đất nước. Như thế, đây không phải là những chữ viết xuông, vô nghĩa. Trái lại, nó sẽ trở thành những Tuyên Ngôn Lịch Sử của đất nước. Lịch sử vì, thứ nhất, nó giúp cho chính cộng sản thoát khỏi việc bị đào thải ra khỏi mọi sinh hoạt của đất nước một cách vĩnh viễn. Nó giúp cho chính những người CS thoát ra khỏi mọi lo lắng về an ninh bản thân vì có luật pháp bảo vệ. Kế đến, nó giúp cho tất cả mọi tầng lớp của xã hội có cơ hội cùng góp tay vào việc xây dựng lại đất nước từ nghèo khó, tang thương, trong khủng hoảng niềm tin và đầy tội ác, để đưa đất nước vào một tiến trình hòa nhịp với những sinh hoạt của thế giới nhân bản, trong an bình, tự chủ. Ở đó, văn hóa nhân bản, đạo đức của xã hội, của tôn giáo, của dân tộc được bảo vệ và phát triển. Ở đó nền Độc Lập và Hòa Bình của Việt Nam không thể bị xâm phạm. Ở đó, một thể chế Tự Do, Dân Chủ được thiết lập và được luật pháp bảo vệ.
Trường hợp những bản văn này không được cộng sản tôn trọng, tuân thủ thì tự nó, cũng trở thành những chứng tích của Lịch Sử chứng minh về sự phi nhân của chủ nghĩa cộng sản. Từ đó, dù người dân sẽ phải đập đá, phá đường để khơi nguồn cho một cuộc vận động đổi mới, có thể trong máu và nước mắt, họ cũng vẫn đi. Bởi lẽ, những bản văn này cũng chính là Bản Tuyên Ngôn khởi đầu cho cuộc sống của dân tộc Việt Nam trong ngày mai.
19-6-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét