Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
Cuộc lấy phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo Việt Nam với kết quả công bố rộng rãi hôm nay là một dấu hiệu Quốc hội nước này có cơ hội dần trở thành một nghị trường đích thực hơn.
So với quá trình ‘phê và tự phê’ của Đảng kéo dài nhiều tháng không ngã ngũ, cuộc lấy phiếu ở Quốc hội trong một ngày đã nhận diện được các bộ yếu kém, các lãnh đạo bị tín nhiệm thấp, mà theo ngôn ngữ bình dân thì nhiều vị thực ra là bị bất tín nhiệm.
Có ít nhất bốn lý do khiến bàn thắng này là xác đáng.Nếu đây là trận đấu bóng giành lại lòng dân thì tỷ số trước mắt là Quốc hội ghi bàn thắng 1- 0 trước Đảng.
Đầu tiên là về sức hút với báo chí.
Đảng đã sa đà vào ngôn ngữ xa lạ với đại chúng và rối rắm trong cách 'tự chỉ trích' cổ xưa như thời Nguyễn Văn Cừ (1938-40) và hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào khi tổng kết một kỳ họp khiến có người không khỏi bùi ngùi vì lo cho Đảng.
Còn tại Quốc hội, trái lại, kết quả lấy phiếu rất rõ ràng qua các con số cụ thể, tính cả ra phần trăm hẳn hoi, báo chí dễ in ra, sắp xếp lại theo cách đánh giá riêng của họ, tạo một không khí sôi động hiếm có trên truyền thông.
Thứ nhì là tính công khai – một biểu hiện của dân chủ - hệt như trận bóng truyền trực tiếp, tên tuổi, chức danh của các lãnh đạo đưa ra lấy phiếu cũng rõ, dù còn có tranh cãi về con số 47, bỏ ra ngoài một số vị dư luận cũng muốn thấy ‘được/bị lấy phiếu’.
Điều này khác hẳn với thứ văn phong ám chỉ, cách dùng từ mờ ảo về ‘đồng chí’ này, ‘đồng chí’ kia sau các kỳ họp trung ương Đảng.
Lý do thứ ba là Quốc hội Việt Nam dù đa số đại biểu là đảng viên cộng sản nhưng khi ‘được làm’ thì đã làm được vai trò giám sát ban đầu của mình.
Điều này đem lại ít nhiều hy vọng để chính trường Việt Nam thoát khỏi cảnh như một nhà quan sát nước ngoài gọi là “chủ nghĩa tư bản vô độ vận hành dưới nút chai nén chặt kiểu cộng sản”.
Nhưng nói đến quan hệ Quốc hội – Đảng cũng không thể bỏ qua đối tượng chính của cuộc lấy phiếu là Chính phủ.
Theo một số đánh giá, các đại biểu đã tỏ ra thiên vị khi nặng tay bỏ nhiều phiếu ‘tín nhiệm thấp’ cho bên hành pháp, và có vẻ thoải mái hơn khi bỏ ‘tín nhiệm cao’ cho các chủ nhiệm ủy ban quốc hội, tức là ‘người nhà’.
Xét cho cùng, điều này cũng giống tại Anh, nơi dân biểu thuộc hàng ‘ghế sau’ (backbencher) không tham gia chính phủ luôn sẵn sàng phê phán người cùng đảng giữ chức trong nội các vì các bộ trưởng cũng là dân biểu (MP).
Vì thế, không nhất thiết là cùng một đảng mà người ta không thể nghiêm túc chất vấn nhau cho ra nhẽ, và cần thì bỏ phiếu bất tín nhiệm cho bộ trưởng ‘dọn về ghế sau’.
Khủng hoảng của đảng
Cuối cùng, có thể không hẳn là Quốc hội Việt Nam quá giỏi dù đạo diễn Nguyễn Sinh Hùng quả là đã thành công với phiên họp nghị trường này.
Sự thực là Việt Nam đang đi đúng trào lưu chung: khủng hoảng của mọi đảng phái chính trị trên thế giới, nhất là các đảng truyền thống.
Trong một Bấmbài viết trước tôi có kể rằng ở Anh đảng Lao động phải ra siêu thị kêu gọi dân ghi danh vào đảng.
Không chỉ ở các xứ khá ổn định như Anh mà tại các nơi có nhiều biến động, tin tức tuần này lại một lần nữa chứng minh rằng đảng chính trị nhiều khi không còn là cỗ xe để chuyển tải các nghị trình cải tổ.
Tin từ Dehli hôm 10/6 nói chính khách lão luyện Lal Krishna Advani, người được cho là cha đẻ của phong trào lập ra đảng dân tộc Ấn giáo BJP, vừa bỏ đảng này.
Ông Advani, cựu ứng viên cho chức thủ tướng hồi 2009, nay cho hay đã từ một thời gian rồi ông “không thể chấp nhận được đường hướng và cách vận hành của BJP”.
"Đạo diễn Nguyễn Sinh Hùng quả là đã thành công với phiên họp nghị trường này."
Còn tại Iran, cuộc tranh chấp nội bộ giữa các nhân vật cùng trong phe tạm gọi là ‘ủng hộ cải cách’ cũng khiến cho một nhân vật nổi trội, ông Mohammad Reza Aref rút khỏi cuộc đua vào chức tổng thống tuần này.
Sự kiện đặt ra câu hỏi liệu chính trị đảng phái ở Iran còn có vai trò gì không khi mà quyền lực thực tế nằm trong tay một hội đồng giáo sỹ Shia không do ai bầu, và chỉ nhận chỉ thị từ Thượng Đế.
Còn tại vùng Đông Nam Á, trước cuộc tranh cử tổng thống năm tới tại Indonesia, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về hệ thống đảng phái tại đây.
Sau thời kỳ Suharto, các phong trào dân sự và đảng phái nở rộ đã khiến Indonesia được coi là có hệ thống đảng phái vững mạnh hơn hẳn so với Thái Lan và Philippines nhưng về gần đây đã bị tham nhũng và bè phái làm suy yếu.
Đảng phái chính trị dù mang màu sắc dân chủ, cộng hòa, cộng sản hay Hồi giáo cũng không thoát khỏi quy luật chung là nếu không có một nghị trình rõ ràng để lãnh đạo đất nước thì mọi xung lực chỉ dồn vào đấu đá nội bộ.
Lộ trình cải cách cho quốc gia mà bị thu hẹp thành hành lang quyền lực để duy trì thỏa thuận giữa phe có tiền và phe có quyền thì khủng hoảng dễ xảy ra.
Xét về thể chế thì đảng phái tan hợp thế nào là tùy tình thế nhưng nước nào thì cũng cần có nghị viện để làm luật và giám sát chính phủ.
Vì thế, cũng cần chúc một tương lai lâu bền cho nền nghị viện Việt Nam vì Quốc hội khóa này đã bỏ được phiếu tín nhiệm cao cho chính mình ngày 11/6, ít ra là với một phần không nhỏ dư luận trong và ngoài nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét