Pages

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Shangri-la và căng thẳng Biển Đông


Biển Đông
Biển Đông vẫn căng thẳng vào thời điểm họp Shangri-La 2013
Đối thoại Shangri-la, hội nghị hàng năm về an ninh châu Á, khai mạc vào ngày thứ Sáu tại Singapore.
Được đặt theo tên của khách sạn nơi tổ chức hội nghị, cuộc họp lần thứ 12 sẽ quy tụ 350 đại biểu đến từ 31 quốc gia và các tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel, và người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU bà Catherine Ashton.


Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trong vùng Biển Đông, với các chính phủ Philippines và Đài Loan bất hòa do một ngư phủ Đài Loan bị các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hạ sát, và trong lúc có bế tắc về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh một rặng san hô ở xa.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu như diễn giả chính trong buổi lễ khai mạc.

Căng thẳng Biển Đông

Ba tàu Trung Quốc đã được điều đến chỉ trong vòng 5 hải lý cách Bãi Ayungin (Bãi cỏ mây), nơi có khoảng một chục lính thủy quân lục chiến Philippines đang đóng quân trên một con tàu cũ mà Manila bị mắc cạn vào năm 1999.
Các quan chức Philippines cáo buộc Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các nguồn tiếp liệu và lương thảo cho những người lính, và đang yêu cầu Trung Quốc rút ra. Trung Quốc, về phần mình, khẳng định rằng Bãi Ayungin là một phần của quần đảo Trường Sa, trong đó Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi", và do đó các tàu Trung Quốc có quyền thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển này.
"Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điều này sẽ dẫn đến khả năng bất chắc và thiếu ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực."
Yang Fang
Điều này đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu từ năm 2009, theo quan sát của Yang Fang, nhà nghiên cứu có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Toàn cầu, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore:
"Những sự việc này xảy ra khá thường xuyên trong những năm gần đây, các nước liên quan cố gắng phát triển tài nguyên biển và đánh bắt cá, trong khi gửi tàu để bảo vệ các hoạt động như vậy, dẫn đến va chạm, chẳng hạn như một cuộc va chạm xung quanh bãi cạn Scarborough vào năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines. "
“Tất cả các bên phải thể hiện sự kiềm chế, bằng không xung đột nghiêm trọng có thể xảy ra như một hệ quả, trong đó sẽ có ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đường hàng hải cũng như hòa bình và ổn định của toàn khu vực,” Yang Fang nói với BBC.
Tác động tiêu cực tiềm tàng của các bế tắc hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines cũng được Christian Le Miere ghi nhận.
Ông là nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và An ninh Hàng hải, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chủ nhà của Đối thoại Shangri-La.
Viết trên blog của trang mạng Đối thoại Shangri-La, Le Miere cảnh báo rằng "giai đoạn này phản ánh thực tế rằng Biển Đông vẫn là một khu vực không ổn định với các phát triển nhanh chóng về cạnh tranh quân sự, nhưng nó cũng nhấn mạnh cách thức nào mà Biển Đông có thể được sử dụng như một lối thoát cho các tranh chấp quốc gia khác.”
Ngoại giao bằng tàu chiến, theo Le Miere, cũng dễ dàng đưa tới các biện pháp quân sự khi nó linh động, và diễn ra trong không gian quốc tế. Thực tế việc Biển Đông có thể được sử dụng theo cung cách như vậy sẽ chỉ làm tăng những lo ngại về cuộc xung đột.

Quan hệ Trung - Mỹ

Lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ
Tác giả cho rằng chuyến thăm Mỹ tuần tới của ông Tập Cận Bình sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bên cạnh Shangri-La
Mặc dù Hội nghị An ninh diễn ra ba ngày tại Singapore có thể không giải quyết trực tiếp các vấn đề hiện tại, thì có những phiên họp liên quan tới mối căng thẳng trong khu vực Biển Đông, chẳng hạn như phiên họp có chủ đề “Ngoại giao Quốc phòng và ngăn ngừa xung đột”.
Trung Quốc không cử đại biểu cấp cao đến Thượng đỉnh cho mãi đến năm 2007, và hồi năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đụng độ với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó, ông Robert Gates về vấn đề Biển Đông, dẫn đến việc Trung Quốc gửi một Đoàn đại biểu cấp rất thấp tham dự Diễn đàn vào năm sau.
Năm nay, Trung Quốc sẽ được đại diện bởi ông Thích Kiến Quốc, phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và ông Thích sẽ nói về xu hướng mới trong an ninh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel sẽ nói về phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ trong an ninh khu vực.
Yang Fang từ Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC rằng đây sẽ là một cơ hội tốt cho Hoa Kỳ để họ làm rõ ý đồ chiến lược của mình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, điều này sẽ dẫn đến khả năng bất chắc và thiếu ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực."
Xây dựng lòng tin sẽ càng trở nên quan trọng hơn, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ Obama vào tuần tới trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở California.

Không có nhận xét nào: