Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Trung Quốc “còn khuya” mới trở thành một siêu cường

Chỉ trong 3 thập kỷ, Trung Quốc từ một nước nghèo nàn vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới và có khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trong khoảng 20 năm nữa. Thế nhưng Trung Quốc vẫn chưa có đủ các tố chất để được coi là một siêu cường ngang hàng với Mỹ.

Vào tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon đã tới Trung Quốc để khôi phục mối quan hệ Mỹ - Trung bị đổ vỡ trong 23 năm. Trong suốt chuyến đi đó, Tổng thống Nixon đã có một loạt các cuộc họp quan trọng với Thủ tướng Trung Quốc khi đó, Chu Ân Lai, thảo luận về khung hành động chiến lược cho mối quan hệ song phương. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này cũng có vai trò lịch sử tương đương nhưng không bất ngờ như cuộc gặp gỡ Nixon – Chu Ân Lai 41 năm trước.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh năm 1972.
Theo tác giả Fareed Zakaria trên tờ Bưu điện Washington, cho tới nay Trung Quốc vẫn luôn thể hiện một chính sách ngoại giao yếu kém. Khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai gặp gỡ Tổng thống Mỹ Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, Trung Quốc đang ở thời kì rối loạn về kinh tế, chính trị và văn hóa. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn của Uganda và Sierra Leone. Thế nhưng khi đó Bắc Kinh thương lượng với Mỹ như là ở “thế trên” vậy.

Ngày nay, mặc dù Trung Quốc có khối lượng tài sản khổng lồ nhưng nước này vẫn chưa trở thành siêu cường thứ hai (bên cạnh Mỹ).

Hoa Kỳ vẫn bị cho là có chính sách ngoại giao đầy mâu thuẫn và khó hiểu do mỗi chính quyền mới lên lại đi ngược lại chính sách của chính quyền cũ. Nhưng đó là sự hiểu nhầm, đặc biệt là chính sách của Mỹ về Trung Quốc. Kể từ khi Nixon và Kissinger bắt tay với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, chính sách của Mỹ về Trung Quốc nói chung không có gì thay đổi trong 41 năm và qua 8 đời tổng thống. Washington muốn Trung Quốc hội nhập với thế giới cả về mặt kinh tế và chính trị. Chính sách này tốt cho Mỹ, tốt cho cả thế giới và vô cùng tốt cho bản thân Trung Quốc.

Nhưng hiện nay những lực đẩy hai nước đến với nhau đang yếu đi. Trong 2 thập kỷ bắt đầu quan hệ trở lại, Washington cần phải liên kết với Bắc Kinh để tăng khả năng đối trọng với Liên Xô. Trong khi đó Trung Quốc bước vào những năm đầu phát triển nên rất cần tiếp cận vốn, công nghệ và sự hỗ trợ về chính trị của Mỹ để mở rộng nền kinh tế. Ngày nay, Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều và đang có những hành động – từ tấn công mạng cho tới các chính sách về châu Phi – chống lại những lợi ích và giá trị của Mỹ. Về phần mình, Washington phải ứng phó với thực tế diễn ra ở châu Á, nơi các đồng minh của Mỹ đang lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Đó là lí do tại sao cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng. Cả hai nước cần phải nhìn thẳng vào mối quan hệ song phương và tìm ra con đường mới hợp tác trong tương lai giống như cựu Tổng thống Mỹ Nixon và cựu Thủ tướng Chu Ân Lai đã làm năm 1972. Cả hai bên nên tìm cách tạo ra một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau chứ không chỉ hoàn thành các đầu việc theo một danh sách “những việc phải làm”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California, Mỹ hôm 8/6.

Một số người Mỹ muốn coi các cuộc gặp gỡ nói trên giống như kiểu liên minh “G-2” giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những điều đó sẽ không phục vụ các lợi ích của Mỹ hay giúp duy trì sự ổn định toàn cầu.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và với qui mô của mình, một ngày nào đó nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất. (Mặc dù về thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc chỉ là nước có thu nhập trung bình và có lẽ sẽ không bao giờ vượt được Mỹ ở mặt này). Tuy nhiên, quyền lực là khái niệm đa chiều, được thể hiện nhiều nhất thông qua các chính sách về chính trị, quân sự, chiến lược và văn hóa. Theo đó, Trung Quốc là một nước lớn nhưng chưa phải là cường quốc toàn cầu. Đến nay, nước này chưa đủ khả năng tạo ra nội dung hành động cấp độ toàn cầu.

Trong cuốn sách mới xuất bản, học giả David Shambaugh nhận xét rằng: “Về bản chất, Trung Quốc là một quốc gia có tầm nhìn hạn hẹp, tư lợi và thực dụng, chỉ tìm mọi cách tối đa hóa các lợi ích và quyền lực của bản thân mình. Nước này chẳng mấy quan tâm tới việc quản lý toàn cầu và củng cố những lối hành xử mang tính tiêu chuẩn ở cấp toàn cầu (trừ việc nước này luôn “ba hoa” về cái gọi là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước). Các chính sách kinh tế của nước này mang tính chất hám lợi và chính sách ngoại giao thì rất bị động. Trung Quốc là một cường quốc cô đơn, không có đồng minh và có mối quan hệ căng thẳng hoặc thiếu tin tưởng với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới”.  

Bắc Kinh muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ và có môi trường bên ngoài ổn định với một phần lí do là nước này đang đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn ở trong nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tiến hành cải cách nội bộ và đang cố gắng bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng cách khôi phục học thuyết Mao Trạch Đông và chủ nghĩa dân tộc. Bắc Kinh muốn lớn mạnh mà không phải đối đầu với đối thủ nào có tư tưởng chống Trung Quốc trong số các cường quốc châu Á khác.

Nếu Mỹ có mối quan hệ sâu rộng và tốt đẹp với Trung Quốc thì thế giới sẽ ổn định, thịnh vượng và hòa binh hơn. Nếu Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào hệ thống chính trị toàn cầu thì điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế thế giới. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu Trung Quốc thừa nhận và tôn trọng hệ thống đó đồng thời vận hành hệ thống này với tư cách là một cường quốc toàn cầu chứ không phải là một quốc gia có tư tưởng “hạn hẹp” chỉ “nhăm nhe” tối đa lợi ích của bản thân mình.

Nói tóm lại, thế giới chỉ có thể coi Trung Quốc là một siêu cường khi nào nước này hành xử như một siêu cường. 

Tùng Lâm

( Infonet )

Không có nhận xét nào: