Pages

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Dân tộc thắng chủ nghĩa

Ngô Nhân Dụng

Sử gia Benedict Anderson mở đầu cuốn sách bàn về các “phong trào dân tộc,” xuất bản năm 1983, ông nhắc ngay đến các cuộc chiến tranh ở bán đảo Ðông Dương, giữa Việt Nam với Campuchia từ cuối năm 1978, và Trung Quốc với Việt Nam đầu 1979.
Anderson thấy một hiện tượng đáng chú ý: Các chính quyền cộng sản nào phát động các cuộc chiến này không ai nhắc nhở gì đến “Chủ nghĩa Mác” để biện minh cho những cái chết của bao nhiêu người dân và binh sĩ mà họ gây ra. Nó khác hẳn “mô típ” quen thuộc của các chính quyền cộng sản trước đó.
Anderson nhắc lại các vụ quân Nga can thiệp vào nước Ðức (1953), Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968), Afghanistan (1980) và các cuộc đụng độ biên giới giữa Nga Xô và Trung Cộng năm 1969. Trong các cuộc dụng binh đó họ vẫn còn nêu lên các khẩu hiệu “bảo vệ chủ nghĩa xã hội” hoặc “chống đế quốc xã hội chủ nghĩa.” Những chữ “xã hội chủ nghĩa” hồi đó còn linh thiêng lắm. Các cuộc chiến ở Ðông Dương năm 1978, 1979 là chiến tranh giữa các chế độ cùng theo “chủ nghĩa xã hội” như nhau! Cái khác nhau là dân tộc, họ xúi người Việt, người Campuchia, người Trung Quốc đánh giết nhau. Dân tộc là một động lực thúc đẩy lịch sử, mà trong hàng thế kỷ trước đó, các người quá tin vào chủ thuyết của Karl Marx đã tự bịt mắt họ nên không chịu nhìn thấy. Rõ ràng, dân tộc là một hiện tượng xã hội rất cần nghiên cứu, đáng được phân tích kỹ lưỡng.

Benedict Anderson đã nhìn ra việc lợi dụng tinh thần dân tộc, tự ái dân tộc ngay trong quá trình phát triển phong trào cộng sản quốc tế. Ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, các đảng cộng sản chiếm được chính quyền không phải vì họ lôi cuốn được người dân tin vào chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa đó quá xa vời. Trong thực tế, các đảng cộng sản đã dựa vào làn sóng giải phóng dân tộc để kêu gọi người ta hy sinh. Ý thức dân tộc là một động cơ vừa mạnh vừa có nguồn gốc sâu xa hơn mọi thứ chủ nghĩa. Không cần đợi tới năm 1989, khi các chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt như những quân bài domino người ta mới thấy như vậy. Sau năm đó thì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã “hết thiêng” rồi, ngay các đảng viên cộng sản cũng mất hết niềm tin. Các đảng cộng sản còn sống sót cũng cố ý lờ đi không nói đến chủ nghĩa nữa.
Tại nước ta ngay bây giờ, chính quyền cộng sản đang nhân danh cái gì khi họ đàn áp những người đòi dân chủ tự do, khi họ bỏ tù những Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ? Tội danh họ thường gán cho các nhà tranh đấu dân chủ là tội “chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ nhà nước;” trong hình luật. Ðảng Cộng sản không hề nói đến chủ nghĩa xã hội, là thứ mà họ vẫn nhân danh để biện minh cho việc chiếm độc quyền cai trị 90 triệu người dân Việt. Trong khi đó thì những người Việt Nam yêu nước đang vận động khắp nơi trên thế giới để bảo vệ mạng sống và con đường tranh đấu của Ðiếu Cày, nhân danh quyền sống của dân tộc Việt Nam. Các nhà trí thức, các bloggers trong nước, các đoàn thể ở hải ngoại khi lên tiếng yêu cầu cả thế giới can thiệp bảo vệ Ðiếu Cày đều nhân danh dân tộc, nhân danh quyền bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước các âm mưu bành trướng của Cộng sản Trung Hoa. Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Ðỗ Thị Minh Hạnh, vân vân, được đồng bào yêu mến vì lòng yêu nước của họ chứ không phải vì một chủ nghĩa trừu tượng nào cả. Nói như Benedict Anderson, chúng ta đang sống trong một “Cộng đồng Tưởng tượng,” là dân tộc Việt Nam, cho nên cùng nhau tranh đấu.
Cuốn sách của Benedict Anderson đặt tựa đề là “Những Cộng đồng Tưởng tượng: Suy nghĩ về nguồn gốc và sự bành trướng của phong trào dân tộc” (Imagined communities: reflections on the origin and spread of nationalism, in lần đầu năm 1983).
Anderson mô tả một dân tộc (nation) là một “Cộng đồng Tưởng tượng,” vì người ta không cần phải gặp nhau, không cần nhìn thấy nhau, nhưng trong đầu vẫn nghĩ tất cả mọi người cùng thuộc vào một “cộng đồng” có thật. Một đặc tính của cộng đồng này là nó có giới hạn, dù biên giới của nó khá co giãn (elastic). Người Pakistan tự nhận họ thuộc một dân tộc dù họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người Bangladesh thấy họ là một dân tộc, cần tách ra khỏi nước Pakistan. Ðó là những “Cộng đồng Tưởng tượng,” chỉ vì người ta muốn như thế. Người ta biết họ thuộc vào một dân tộc, và mặc nhiên coi những người khác cũng nghĩ như mình; bên ngoài biên giới đó là “người khác, dân khác.” Ðặc tính thứ hai mà Anderson nhấn mạnh là chủ quyền. Khi thấy mình là một dân tộc thì người ta cũng nghĩ họ có quyền quyết định trên cuộc sống chung của họ với nhau. Quyền này vượt trên các chế độ chính trị, các vương quốc hay đế quốc đang cai trị họ. Ở Châu Âu vào thế kỷ 19, nhiều nhóm dân sống rải rác trong các đế quốc hay vương quốc nhưng cùng chung một ngôn ngữ, chia sẻ những tập tục văn hóa với nhau. Ðến lúc họ ý thức được mối liên hệ này một cách nồng nhiệt, và bày tỏ ý nguyện được xác định ý thức dân tộc và đòi quyền sống như những dân tộc, phong trào này tiếp tục thay đổi bản đồ châu Âu trong hai thế kỷ.
Các đảng Cộng sản thành công ở nhiều nước nhờ đã đội lốt phong trào dân tộc trong các cuộc cách mạng gọi là giải phóng. Người dân Việt (hay dân Trung Hoa, dân Campuchia) nghe nói “giải phóng” thì nghĩ đến việc thoát khỏi vòng đô hộ và chính sách bóc lột của các đế quốc thực dân. Còn theo đúng chủ nghĩa cộng sản thì nói “giải phóng” có nghĩa là giai cấp công nhân vùng lên lật đổ giai cấp “tư bản bóc lột.” Nhưng ngay từ đầu, các đảng cộng sản cũng mạo danh cả chủ nghĩa Mác để lòe bịp người lao động. Vì nếu đúng theo chủ nghĩa của Karl Marx, thì không thể nào có cách mạng vô sản ở các nước như Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia. Marx xác định rằng cách mạng vô sản chỉ bắt đầu ở các xã hội với một nền kinh tế tư bản đã phát triển hết tiềm năng của nó, chính nó tạo ra giai cấp vô sản sống cực khổ trong các thành thị, những người lao động sẽ “đóng vai trò lịch sử” thay đổi trật tự, giúp cả xã hội cùng tiến lên. Bây giờ thì ai cũng biết các lời tiên đoán của ông Karl Marx sai hết. Lịch sử nhân loại đã quẹo qua một ngả rẽ khác hẳn. Nhưng vào những năm 1930 nếu người ta tin vào kịch bản do ông Marx vẽ ra thì những nước Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia cũng chưa hội đủ các điều kiện để có “cách mạng vô sản” như ông ta tiên đoán.
Một cuộc kiểm tra dân số ở Việt Nam năm 1937 cho thấy rõ điều này. Nước ta chưa thật sự công nghiệp hóa, 95% dân chúng sống ở nông thôn. Những người cộng sản lúc đó tuyên truyền là có một giai cấp tư bản bóc lột lao động ở nước ta. Nhưng trong thực tế cái gọi là giai cấp tư bản nội địa đó chỉ có khoảng 10,500 gia đình, gồm những địa chủ không tự mình làm ruộng mà chỉ thuê người khác làm, một số nhỏ các nhà kinh doanh, và các công chức làm cho chính quyền thuộc địa. Con số đó chỉ chiếm nửa phần trăm (0.5%) dân số cả nước. Có thể nói, nước ta chưa có một giai cấp tư sản.
Năm 1940 Phan Bội Châu đã cực lực bác bỏ dự định làm “cách mạng vô sản” ở nước ta, mặc dù trước đó cụ vốn có cảm tình với Liên Bang Xô Viết. Vì cụ cũng vạch ra rằng ở nước ta chưa có giai cấp tư bản, cũng chưa có giai cấp vô sản! Tại Campuchia cũng vậy.
Một cuộc điều tra dân số năm 1962 cho thấy cả nước có dưới 1,300 người thuộc “giai cấp tư sản” gồm những người tiểu tư sản và các công chức cao cấp, họ chiếm nửa phần trăm dân số. Còn nông dân chiếm hơn 78%, trong đó chỉ có dưới 2% là bần cố nông. Trong dân số hai triệu rưỡi người Campuchia chỉ có 2.5% có thể gọi là công nhân vô sản!
Các phong trào cộng sản đã mạo danh dân tộc, chỉ cốt để cướp lấy chính quyền. Sau khi lừa bịp được mọi người và nắm quyền bính rồi, họ mới lộ rõ bộ mặt thật, là đang theo đuổi giấc mộng xây dựng thiên đường vô sản, theo đường lối Stalin.
Bây giờ, không còn ai bị lừa gạt nữa. Cho nên bọn cộng sản cầm quyền cũng không còn dám nhắc đến chủ nghĩa Mác Lê.
Riêng tại nước ta, đến lượt chính các lãnh tụ cộng sản phải đối đầu với tinh thần dân tộc của dân Việt. Anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, chỉ phạm có một tội là yêu nước Việt Nam. Vì thế, anh đã đòi Trung Cộng phải trả lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo họ chiếm ở Trường Sa. Bỏ tù Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên tức là muốn bỏ tù luôn cả tinh thần dân tộc của dân Việt Nam! Dân tộc Việt Nam sẽ không tha thứ cho hành động gian ác nối giáo cho giặc đó.
Trong cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm chúng tôi muốn chứng tỏ một điều: Người Việt Nam đã xây dựng ý thức dân tộc trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, nếu không phải đã sẵn có từ trước. Nếu vào thời đại Hùng Vương và văn minh Ðông Sơn dân Việt chưa thấy nhu cầu xác định “dân tộc tính” của mình, thì cuộc đụng chạm với các quan lại nhà Hán và văn minh Hán tộc cũng tự nhiên thúc đẩy dân mình ý thức một cách mạnh mẽ hơn về một “cộng đồng tưởng tượng” nối chặt họ với nhau. Nhờ ý thức dân tộc và ý chí tự chủ được rèn luyện trong ngàn năm Bắc thuộc, sau này dân Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần quật cường, bất khuất, trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ thứ 10. Cho nên Vương Thông, viên chỉ huy quân Minh xâm chiếm nước ta vào thế kỷ 15 đã từng viết mật báo về triều đình, nói thật ra rằng cái nước Ðại Việt này, “Có chiếm được cũng không giữ nổi” (Túng đắc chi, bất khả thủ chi - Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lê). Những nhà Hán, nhà Ðường, nhà Minh đến Việt Nam và đã thất bại. Các vua quan mới ở Bắc Kinh cũng sẽ thất bại.

Không có nhận xét nào: