Pages

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Gánh nặng ngân sách ở Việt Nam


Tiền tệ Việt Nam
Quỹ lương cho biên chế nhà nước và hưu trí đang gây áp lực lên ngân sách công
Ngân sách của Việt Nam chịu áp lực lớn khi tiếp tục phải chi lương bổng, phụ cấp cho cán bộ của nhiều cơ quan, tổ chức thuộc khu vực của Đảng đoàn, đoàn thể chính trị, xã hội của Đảng, theo nhà quan sát từ Việt Nam.

Hiện nay, lương, thưởng, chế độ của khu vực các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể như cơ quan Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân và nhiều hội, tổ chức khác vẫn được nhà nước Việt Nam chi trả từ ngân sách công và đối xử như các công chức trong biên chế.

Trao đổi với BBC tuần này từ Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách công thuộc Học viện Chính sách và Phát triển nói:
Theo nhà quan sát ở trong nước, nếu quỹ lương này càng lớn, thì việc chi trả lương bổng, chế độ sẽ chiếm tỷ lệ càng lớn và là một gánh nặng cho cân đối ngân sách.
"Cũng có nhiều ý kiến trái chiều thí dụ liệu có thể giảm được biên chế của các tổ chức chính trị - XH, hay các tổ chức XH - nghề nghiệp không, thì câu trả lời là chưa được"
PGS. TS Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách, Phát triển
"Ngoài bộ phận này ra, còn số một số bộ phận như nghiên cứu, thậm chí là đào tạo hay quản lý vẫn còn có bộ phận để hưởng ngân sách, người ta gọi là bộ phận sự nghiệp có thu và bộ phận sự nghiệp bán có thu, vẫn được hưởng theo ngân sách."
Theo chuyên gia điều này gây nên ra các khoản chi thường xuyên, trong đó có chi trả lương rất lớn.
Không chỉ hạn chế ở trả lương, giới quan sát cũng thấy ngân sách công của khu vực Nhà nước lâu này còn bị chia sẻ và dành một phần không nhỏ để chi cho các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị của Đảng được lồng ghép trong hệ thống hưởng ngân sách.

'Ăn theo ngân sách'

Trước câu hỏi, nếu hệ thống các tổ chức chính trị này không tự hạch toán và tự chi, mà dựa vào ngân sách, thì việc này có ảnh hưởng ra sao tới chi ngân sách công, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn Thủ tướng Chính phủ nói:
"Khoản chi ngân sách cho chi thường xuyên bao gồm toàn thể bộ máy hành chính của nhà nước,
"Và ở Việt Nam thì ngân sách còn bảo đảm cho chi ngân sách cho các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, như là Mặt trận Tổ quốc, như là Hội Phụ nữ, như các tổ chức khác."
Tiến sỹ Doanh cũng xác nhận đây là những khoản mà hiện nay ngân sách công của Việt Nam đang phải chịu chi trả; trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sự.
Theo các chuyên gia, việc giảm biên chế của các tổ chức 'ăn theo ngân sách' này trong nhiều năm qua vẫn luôn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Phó Giáo sư Thọ từ Học viện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: "Không phải đơn giản có thể giảm các bộ phận như đã nói,
"Nhiều năm nay người ta cũng có nhiều ý kiến trái chiều thí dụ như liệu có thể giảm được biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội, hay các tổ chức xã hội - nghề nghiệp không, thì câu trả lời là chưa được."
Chuyên gia về chính sách công cho rằng vẫn cần các tổ chức này để 'yên dân' và chưa thể thay đổi chính sách bao cấp, trả lương, chi ngân sách cho khối tổ chức này vì những lý do 'nhạy cảm'.

'Lương bổng tướng, tá'

Việt Nam đang trong thời bình, tuy nhiên gần như hàng năm, Nhà nước vẫn có các đợt phong, thăng quân hàm khá quy mô cho rất nhiều cán bộ trung cao cấp, từ cấp tá tới cấp tướng trong lực lượng vũ trang, thuộc cả biên chế công an hay quân đội.
Việc duy trì lương bổng, chế độ gắn với thu nhập thực tế cho khối sỹ quan cao cấp này, chưa kể tới hưu bổng, được cho là có ảnh hưởng mang tính áp lực tới chi ngân sách, như Phó Giáo sư Thọ nói:
"Nếu ba năm một lần tăng lương như vậy, thì lương sẽ rất lớn, và cứ đặc biệt tăng lương như thế.
"Đặc biệt trong trường hợp thăng quân hàm hiện nay cũng như thế, số sỹ quan cấp tá, cấp tướng rất nhiều, tất nhiên những ai được đảm nhiệm những chức vụ nhất định như cục trưởng, cục phó, hoặc lãnh đạo cao hơn, thứ trưởng hoặc các chức khác, thì người ta sẽ tiếp tục được duy trì."
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Thọ nói thêm: "Nếu cứ tăng đều đặn cả về quân hàm và lương bổng như vậy, mà quân hàm đi kèm theo chế độ lương bổng, sẽ gây một áp lực về lương rất lớn."
"Phần chi ngân sách và lãng phí ngân sách được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là nghiêm trọng rất nhiều."
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Được hỏi về đánh giá chung về tính hợp lý và hiệu quả trong cân đối chi với thu ngân sách nói chung ở Việt Nam, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Đây đúng là một vấn đề về mà Việt Nam hiện nay đang mất cân đối ngân sách nghiêm trọng, năm nay, nguồn thu ngân sách bị giảm sút, tuy vậy chi ngân sách vẫn rất cao."
Theo Tiến sỹ Doanh, trang trải các khoản chi thường xuyên này chiếm một tỷ trọng rất lớn trong chi ngân sách của Việt Nam, trong khi đó chi đầu tư từ ngân sách lại bị giảm sút nhiều.
Gần đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố một xếp hạng trong đó Việt Nam được thấy có sự thăng hạn trong năng lực cạnh tranh toàn cầu, từ xếp thứ 75 nâng lên xếp thứ 70.
Tuy vậy, về chỉ số về lãng phí trong chi ngân sách, Việt Nam lại xếp thứ 102.
"Tức là phần chi ngân sách và lãng phí ngân sách được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là nghiêm trọng rất nhiều so với vị thế cạnh tranh của Việt Nam," Tiến sỹ Doanh bình luận.

Không có nhận xét nào: