Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Cạnh tranh giữa Bắc Kinh - Washington


BienDong.Net: Do thái độ “thận trọng” của Bắc Kinh nên cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc tại thành phố Tô Châu, miền Đông Trung Quốc đã không tạo được bước tiến quan trọng nào.
Bởi tuy Trung Quốc không phản đối việc tham vấn, thương đàm và ký COC, nhưng Bắc Kinh chỉ tiến hành khi “điều kiện chín muồi”, do đó ASEAN cho rằng, quốc gia đông dân nhất thế giới đang kéo dài thời gian, trì hoãn vấn đề này.
Được biết, kết quả của cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/9 sẽ được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc được tổ chức tại Brunei vào tháng tới.

COC vẫn giậm chân tại chỗ
Cuộc tham vấn về COC kết thúc hôm 15/9 và giới chuyên môn luôn nghi ngờ về câu chữ trong thông báo về cuộc họp này. Tại sao không là “đàm phán” mà là “tham vấn” và phải đến khi nào thì việc đàm phán để đi đến một bộ quy tắc có giá trị ràng buộc pháp lý mới thực sự bắt đầu. Giới phân tích cho rằng, bên cạnh “chiến lược lấy lòng” các nước ASEAN bằng “sức mạnh mềm” như ưu đãi thương mại, hỗ trợ tài chính, trao đổi văn hóa trên tinh thần “bổ trợ cho nhau” và “đôi bên cùng thắng”, Bắc Kinh cũng muốn đưa quan hệ song phương “sang một giai đoạn mới”. Giới truyền thông Trung Quốc đề cập rất ít tới COC, trong khi tờ Nhân Dân nhật báo số ra ngày 16/9 lại đăng bài xã luận của chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Vương Vũ cho rằng: “Đừng mơ mượn COC để trói chân Trung Quốc”. Thậm chí tác giả còn chỉ đích danh Philippines là “quốc gia cá biệt điển hình” muốn mượn COC để hạn chế Trung Quốc sử dụng cái gọi là “lực lượng chấp pháp” và sức mạnh quân sự bành trướng trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Obama (phải) - Tổng thống Philippines Aquino
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố: Trung Quốc không thấy có gì phải vội để đi đến COC. Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Clad cũng cho rằng, đàm phán ASEAN - Trung Quốc khó có khả năng đạt được đột phá. Hai năm trước (2011), cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Wisner từng cảnh báo, việc thiếu một bộ quy tắc ứng xử có thể dẫn đến căng thẳng leo thang trong khu vực. Theo đó, một bộ quy tắc như vậy phải thống nhất với các nguyên tắc tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các khác biệt và tránh dùng vũ lực. Nhà nghiên cứu Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore cũng ủng hộ quan điểm này: Trung Quốc không muốn có sự đột phá nào trong cuộc họp kể trên. Còn theo nhà phân tích Lao Monghay, chiến lược của Bắc Kinh là chia rẽ ASEAN.
Theo Phó trợ lý thường trực Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel, vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EAS sắp tới, nhưng Mỹ tiếp tục kiên định ủng hộ việc đàm phán COC nhằm thiết lập các quy tắc về ứng xử cho tất cả các bên có liên quan. Ngày 14/9, Đài Phượng Hoàng (Hongkong) dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, tranh chấp Biển Đông sẽ trở thành nội dung trọng điểm đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Brunei trong tháng 10 tới. Diễn biến này cho thấy, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang ngày càng rõ rệt.
Được biết, từ 6 đến 12/10, Tổng thống Barack Obama sẽ tới 4 nước Đông Nam Á (Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines) và đây là chuyến công du nhằm tăng cường sự can dự về chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda, Tổng thống Barack Obama sẽ gặp Tổng thống Aquino để thảo luận về cách thức củng cố thêm mối quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ, trong đó có mở rộng an ninh, kinh tế và mối quan hệ giữa người dân hai nước. Trong bài viết trên trang mạng của Tổ chức nghiên cứu Heritage ở Washington, ông Walter Lohman, Trưởng ban Châu Á của tổ chức này gợi ý, Chính phủ Mỹ nên yêu cầu các nước ASEAN có lập trường vững vàng, kiên trì trước hành động phiêu lưu hàng hải và đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông; đồng thời ủng hộ lập trường của Philippines đưa Trung Quốc ra trước Ủy ban Trọng tài quốc tế.
Ngày 12/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, các hội thảo quốc tế về Biển Đông không chỉ tạo ra môi trường giao lưu giữa học giả các nước, mà còn trở thành nơi tranh giành quyền phát ngôn của các bên tranh chấp. Nhưng nhiều học giả nước ngoài khi phát biểu đều muốn chỉ trích, phê phán Trung Quốc, rất ít học giả nước ngoài nói đỡ cho Bắc Kinh. Trước đó (từ 9 đến 11/9), vấn đề tranh chấp Biển Đông đã trở thành chủ đề chính trong Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 7 diễn ra ở Makati. Các cuộc thảo luận cho thấy sự lạc quan và ủng hộ cho những nỗ lực hiện nay của ASEAN nhằm xây dựng và thông qua COC.
Động thái mới của Trung Quốc
Ngày 12/9, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận đề xuất của Bắc Kinh về việc xây dựng một trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Trung tâm dự báo môi trường biển quốc gia Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm xây dựng trung tâm này. Tân Hoa xã dẫn thông báo của SOA cho biết, trung tâm sẽ theo dõi khu vực tiếp giáp với 9 quốc gia, bao gồm Biển Đông, biển Sulu và biển Celebes. Giới chuyên môn coi việc xây dựng này là cơ hội để Trung Quốc thực hiện độc chiếm Biển Đông. Trong khi đó, giới quân sự cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc khiến các bên hữu quan không khỏi quan ngại về khả năng xung đột, căng thẳng leo thang dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát một khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng sức mạnh quân sự trên biển, khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông thông qua tăng cường sức mạnh và hoạt động hải quân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Cũng trong ngày 12/9, Tân Hoa xã đưa tin, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương vừa có cuộc nghiên cứu tại các đơn vị hải quân chủ lực Trung Quốc. Ông Phạm Trường Long nhấn mạnh, Hải quân Trung Quốc phải nhận thức rõ cục diện khó khăn phức tạp, nắm chắc các vấn đề nổi cộm, các điểm yếu, đồng thời tăng cường chuẩn bị sẵn sàng cho đấu tranh quân sự (chiến tranh) trên biển. Nhắc lại lời Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình, ông Phạm Trường Long chỉ thị các đơn vị Hải quân Trung Quốc phải nâng cao năng lực thực chiến cũng như khả năng uy hiếp trên biển trong điều kiện tác chiến điện tử, đảm bảo “đã lệnh là đến, đã đến là đánh, đã đánh phải thắng”.
Nhân chuyến thăm Mỹ, ngày 12/9, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi cho biết, Hải quân Trung Quốc chỉ sử dụng tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh cho việc huấn luyện, thử nghiệm và sẽ quyết định về tương lai của con tàu sau vài năm đánh giá. Ông Ngô Thắng Lợi cho hay, thủy thủ Trung Quốc sẽ tích cực huấn luyện trong 2 - 3 năm tới nhằm đánh giá tàu sân bay Liêu Ninh. Việc đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh được xem là một biểu tượng cho ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn của Bắc Kinh và cũng là một dấu hiệu cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc.
Mỹ ủng hộ Nhật trong tranh chấp biển đảo
Ngày 14/9, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, Washington hy vọng cam kết ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh tranh chấp quần đảo tại biển Hoa Đông sẽ mang lại kết quả vì cả hai bên đều không muốn tình hình leo thang. Ông Daniel Russel nhấn mạnh, thế giới không muốn nhìn thấy tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi hội đàm với Chủ tịch đảng New Komeito Natsuo Yamaguchi, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Burns tuyên bố “cơ bản ủng hộ lập trường của Nhật Bản” trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (10/9), ông Natsuo Yamaguchi đã hội đàm với nghị sĩ Kardin thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ và được biết, Washington nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng Mỹ luôn nhấn mạnh: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thích hợp với phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, theo đó thừa nhận khu vực này thuộc sự “kiểm soát thực tế, có hiệu quả” của Nhật Bản.
Ngày 13/9, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phát biểu trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller rằng, Washington nên duy trì lập trường và chính sách nhất quán, không gửi tín hiệu sai cũng như không hỗ trợ, thông đồng với các nước có liên quan trong tranh chấp biển đảo. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay, quân đội nước này đã yêu cầu Mỹ không ủng hộ hay để Nhật Bản “muốn làm gì thì làm” với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho rằng, không nên để vấn đề này cản trở quan hệ Mỹ - Trung và Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ không là bên thứ ba trong cuộc tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Được biết, hiện có khoảng 35.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Nhật Bản với 75% quân đóng tại đảo Okinawa, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tokyo muốn tìm vị thế mới trong khu vực
Ngày 12/9, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thị sát Bộ Quốc phòng Nhật Bản với tuyên bố: sẽ tích cực thảo luận vấn đề cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể và tiếp tục tìm kiếm vị thế quốc gia phù hợp với tình hình quốc tế trong thế kỷ XXI. Ông Shinzo Abe cũng khẳng định, sẽ tăng cường năng lực phòng vệ để bảo vệ biển đảo và Tokyo “sẽ xử lý mạnh tay với bất kỳ hành vi khiêu khích nào”. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, sẽ tổ chức Hội nghị Ủy ban tham vấn an ninh (2+2) trong thời gian tới, với thành phần gồm quan chức cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật - Mỹ. Cũng trong ngày 12/9, tờ Sankei Shimbun đưa ra kịch bản về cuộc chiến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh, đồng thời xây dựng kế hoạch tác chiến hoàn chỉnh cho lực lượng tự vệ Nhật Bản.
Ngày 14/9, bốn tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (12/9), tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, ngày 11/9, tàu Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục triển khai đối đầu ở vùng biển lân cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera yêu cầu Lực lượng Phòng vệ tăng cường cảnh giới, thiết thực ứng phó với các hành động trên biển - trên không nhằm vào Nhật Bản của Trung Quốc bởi theo ông “Trung Quốc muốn tạo ấn tượng có tồn tại tranh chấp vấn đề lãnh thổ, nhưng khu vực này không tồn tại bất cứ vấn đề lãnh thổ nào”. Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) cho rằng, những hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng hung hăng và Bắc Kinh không có dấu hiệu dừng lại, do đó Tokyo cần làm tốt công tác chuẩn bị.
Cũng trong ngày 14/9, Đài Phượng Hoàng (Phonenix) ở Hongkong đã truyền hình trực tiếp chương trình tranh luận 100 phút giữa chuyên gia, học giả của 2 nước Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (12/9), tờ Nhân Dân nhật báo cho rằng, các nhân vật “cánh hữu” Nhật Bản từng nhiều lần tuyên bố, Tokyo có năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân trong 3 tháng bởi nước này có dự trữ nguyên liệu hạt nhân với số lượng tương đối. Theo Hãng Kyodo, ngày 11/9, Tokyo thừa nhận đang sở hữu tổng cộng 29,5 tấn plutonium phân rã (phân hạch) hạt nhân, trong đó để ở trong nước 6,3 tấn, còn 23,2 tấn gửi ở Anh và Pháp. Ngày 11/9, Hãng Kyodo cho biết, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã công bố tình hình bay huấn luyện của máy bay săn ngầm P - 3C tại vùng trời khu vực lân cận đảo Okinawa. Máy bay P - 3C phụ trách theo dõi “tàu chiến và tàu ngầm nước ngoài” ở biển Hoa Đông. Cũng trong ngày 11/9, tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) cho rằng, 1 năm qua, tàu Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 63 ngày với 216 lượt tàu; xâm nhập vùng tiếp giáp khu vực này 259 ngày với 1.051 lượt tàu.
Ngày 13/9, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Manila đang nghiên cứu các phương án về những gì cần phải làm đối với 75 khối bê tông mà Trung Quốc thả xuống bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đại sứ Philippines Jose Cuisia Jr. tại Mỹ vừa kêu gọi đại sứ các nước bạn tại Washington ủng hộ giải pháp trọng tài của Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông bởi theo ông sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc thượng tôn pháp luật sẽ đóng góp đáng kể vào việc định hình cho một nền hòa bình lâu dài tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó (12/9), tại Hội thảo “Cấu trúc khu vực Châu Á” tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ đã tái khẳng định cam kết đối với chính sách tái cân bằng hướng tới Châu Á và tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực đang định hình để góp phần giải quyết các thách thức đặt ra.
BDN (Theo PetroTimes)

Không có nhận xét nào: