Hổm rày mở mấy trang báo ra, trên trang nào cũng đồng loạt đưa tin ông tướng Giáp qua đời. Rồi thiên hạ thi nhau lên đồng, khóc tập thể thấy mà phát ớn chè đậu cho dân mình quá trời! Nếu là người thân, họ hàng, cùng lắm là thêm những người -thời còn sinh tiền của ông Giáp- có liên hệ hoặc là bạn bè thân thích với ông khóc thì còn có thể xí xóa cho cái tật “thương vay, khóc mướn” của dân mình; đàng này có cả những người không dây mơ rễ má gì mà cũng khóc. Thế mới là lạ! Mới là có chuyện đáng để phải nói.
Có phải chăng báo đài của đảng trong suốt vài chục năm qua ca ngợi, tuyên truyền, thổi phồng, thần tượng ông Giáp như là một anh hùng, một vị tướng tài, để rồi từ đó người ta “theo voi hít bã mía”, được hưởng sái cái thành tích và tự hào, tự sướng cùng với ông: tuy là một dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đã từng đánh thắng hai cường quốc(!)
Đọc qua mấy cuốn sách, tham khảo những cuốn lịch sử cận đại, người ta có thể dễ dàng nhận ra rằng trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất từ năm 1945 tới 1954 có cả bàn tay của Trung Cộng đứng sau lưng đắc lực giúp Bắc Việt cả về người lẫn quân trang, quân dụng không phải là ít. Nhưng bị người ta ém đi một nửa để vừa hưởng được công trạng một mình, vừa để cho nó có vẻ là có chính nghĩa. Và cái thằng “xúi trẻ ăn cứt gà” đó không dại gì phải chường mặt ra.
Trong khi đó, sau thế chiến thứ hai, nước Pháp hầu như bị kiệt quệ hoàn toàn về kinh tế, cho nên phải cầu viện đến 80% ngân sách quốc phòng từ Mỹ. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, Pháp sa lầy, Mỹ muốn can thiệp trực tiếp vào Việt Nam nên từ chối viện trợ thêm. Thế là chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc.
Từ sau năm 1954 trở đi, có thể coi như là chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, nhiều nhân chứng hiện vẫn còn sống. Phải nhìn nhận rằng chưa bao giờ cộng sản Bắc Việt có những trận đánh nào gọi là thần thánh như báo đài cộng sản thường hay ca ngợi sau cuộc chiến năm bảy lăm.
Có ba trận đánh lớn đáng kể. Điển hình như trận tết Mậu Thân, thay vì theo thỏa thuận đình chiến trong ba ngày để người dân hưởng tết, Việt Cộng lại vi phạm, trở mặt tấn công bất ngờ. Thế mà quân lực VNCH huy động quân đội trở về đơn vị kịp thời chống trả làm cho 40 ngàn quân du kích miền Nam tan tác. Trong đợt đó, Việt Cộng tổn thất khá nặng nề. Rồi trận thứ hai là trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, quân Bắc Việt chủ động tấn công nhưng cũng hoàn toàn thất bại.
Phải thấy rằng người dân Mỹ không còn tha thiết với chiến tranh Việt Nam kể từ sau trận Mậu Thân, nhưng vì danh dự của một cường quốc nên buộc lòng họ phải tìm cách “Việt Nam hóa chiến tranh”, tìm lý do chánh đáng để rút quân về trong danh dự. Thế mà cuộc chiến cứ kéo dài! Rồi lại đàm phán, trao trả tù binh, rồi lại đánh gây áp lực để mà đàm suốt mấy năm liền.
Từ lâu, Bắc Việt thăm dò, thấy được cái thế của miền Nam Việt Nam là sẽ bị Mỹ bỏ rơi. Rồi thương lượng ngầm giữa Mỹ và Bắc Kinh; rồi nhiều áp lực phản chiến của những người dân từ thủ đô nước Mỹ đòi phải rút quân. Cuối cùng thì Nam Việt Nam bị cúp viện trợ. Rồi thì cuộc tổng tấn công năm 1975 -cũng là lần thứ ba- bắt đầu và kết thúc một cách “êm đẹp”. Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai khép lại.
Chúng ta thấy gì qua cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai? Ý tôi muốn nói rằng có ba trận đánh lớn, cộng quân thua hai; thắng một, cũng đủ để người Việt quốc gia mất miền Nam một cách dễ dàng.
Nói chung, trong cuộc chiến “sinh Bắc, tử Nam”, Bắc Việt chỉ toàn là nướng người và nướng người. Cộng sản “mua” miền Nam bằng cái “giá” của những mạng sống thanh niên miền Bắc. Cái tài của ông Giáp là vậy! Ông Giáp chỉ là một ông tướng của “thời thế” mà thôi.
Người ta khóc thì mặc kệ người ta, không mắc mớ gì đến mình. Nhưng mà khi nhìn vào chiều sâu hơn của hai cuộc chiến đó, rồi nghĩ đến cái thảm họa bị xâm lăng về mọi mặt như hiện nay của Bắc phương, dù muốn dù không thì cộng sản Việt Nam cũng đã trúng kế của anh bạn vàng phương Bắc: Mầy đánh nó đi, rảnh tay, đến khi một mình một chợ rồi thì tao sẽ “thịt” mầy.
Cái thảm họa do chủ nghĩa cộng sản “trồng người” đem lại kết quả trên đất nước như ngày hôm nay, tôi biết chắc rằng không ít người tiếc rẻ: Phải chi Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa còn, đừng bị áp lực từ mọi phía; ở lại giải phóng miền Bắc, giúp Việt Nam làm lá chắn án ngữ thì bọn bành trướng Bắc Kinh đâu có cơ hội lộng hành như chỗ không người trong khu vực; nhân quyền được tôn trọng, và một phần lãnh thổ, lãnh hải không bị mất. Thế thì ông tướng Giáp là một trong những người có công hay có tội nhuộm đỏ đất nước và dân tộc Việt Nam đây!?
Tôi liệu rằng ngay bây giờ thì nhiều người khóc cho ông Giáp; nhiều tập thể đứng xếp hàng chờ viếng ông đến nỗi có người phải ngất xỉu; nhưng sau này, khi trắng mắt ra thì cũng không ít người trơ trẽn, sẽ nguyền rủa về cái tội của ông. Chính sử rồi đây sẽ phán xét.
Nguyễn Dư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét