Sau khi tìm mọi cách thoát khỏi nhà tù lớn của CSVN và đến được bến bờ tự do, Người Việt hải ngoại chống cộng rất mạnh mẽ. Rất nhiều tổ chức chống cộng được thành lập, nhiều người đã từng về lại Việt Nam để đấu tranh hoặc lập lực lượng đấu tranh ngay trong nước.
Khí thế đấu tranh của Người Việt hải ngoại ban đầu rất mạnh, nhưng khí thế ấy càng ngày càng yếu đi. Điều này ngược lại với tình hình đấu tranh trong nước: ban đầu yếu nhưng về sau càng ngày càng mạnh.
Có nhiều nguyên nhân khiến cuộc đấu tranh chống cộng tại hải ngoại không còn khí thế như ban đầu. Có những nguyên nhân nội tại xuất phát từ bản chất của một số người Việt hải ngoại, và có những nguyên nhân ngoại tại như có sự phá hoại từ phía CSVN.
Trong những cuộc vượt biên bán chính thức và trong những đợt Hoa Kỳ đón nhận người Việt tị nạn qua diện ODP, HO, chắc chắn CSVN đã cài được người của chúng vào các cộng đồng Người Việt tị nạn tại hải ngoại. Đương nhiên người của chúng sẽ trà trộn trong hàng ngũ Người Việt tị nạn và hoạt động theo chỉ thị của cộng sản. Chúng có thể hưởng lương của CSVN hoặc được CSVN tạo những điều kiện thuận lợi để làm ăn tại hải ngoại…
Chúng ta khó mà nhận ra chúng, vì để hoạt động dễ dàng trong môi trường chống cộng, chúng được CSVN cho phép đóng kịch: cũng tỏ ra chống cộng tích cực, cũng tố cáo tội ác cộng sản, cũng chửi Hồ Chí Minh để được những người chống cộng tin tưởng. Chúng cũng được huấn luyện để có thể thực hiện những nhiệm vụ được giao phó cách chuyên nghiệp.
Nhiệm vụ trước hết của chúng là thông tin. Chúng phải báo cáo cho cục tình báo hay các tòa đại sứ, các tòa lãnh sự của CSVN tại hải ngoại biết tình hình đấu tranh của người Việt hải ngoại: có những tổ chức nào, hoạt động ra sao, ai điều hành; trong cộng đồng, ai là người chống cộng tích cực và hữu hiệu, ai là người có thể bị mua chuộc, ai là người có thể bị lèo lái để chống cộng theo cách có lợi cho chúng… Nhờ đó, cục tình báo cũng như các tổ phụ trách người Việt hải ngoại trong bộ ngoại giao CSVN sẽ điều nghiên những phương cách nào hữu hiệu để làm suy yếu các cộng đồng người Việt và giảm tiềm năng chống cộng của các cộng đồng…
Để làm điều đó, qua những tên nằm vùng, cộng sản tìm cách gây chia rẽ cộng đồng người Việt, làm cộng đồng nghi kỵ lẫn nhau, làm giảm uy tín những người đấu tranh chống cộng hữu hiệu, mua chuộc những người có thể mua chuộc được để hoạt động cho chúng, tìm cách thỏa mãn những ai ham danh, ham lợi, ham sắc, ham quyền để họ hành động theo hướng có lợi nhất cho chúng mà họ vẫn cứ tưởng mình yêu nước.
Công việc của bọn nằm vùng là tung những tin thất thiệt, vu khống, chụp mũ, bé xé ra to, to thu cho nhỏ, những người đấu tranh thật thì phao tin là cuội, những người đấu tranh theo cách có lợi cho chúng thì tôn vinh là anh hùng chống cộng. Vì thế quần chúng hoang mang, không còn biết ai là người đấu tranh thật ai là giả, rồi sinh nghi kỵ nhau, đánh phá nhau, không còn ai tin ai, khiến nhiều người đấu tranh chán nản bỏ cuộc. Cách thức của chúng là sử dụng chuyện nghiệp nghệ thuật “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, “đòn xóc hai đầu”.
Thử xét một trường hợp điển hình để thấy được bàn tay hết sức kín đáo của bọn nằm vùng thi hành nghị quyết 36. Chẳng hạn trường hợp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một người từng bị tù cộng sản 27 năm, nhờ quốc tế can thiệp mà được tị nạn tại hải ngoại. Ra hải ngoại, ông được nhiều cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới mời đến thuyết trình. Với tài ăn nói lưu loát, gãy gọn, những bài thuyết trình của ông rất có giá trị, rất hấp dẫn, nên thường được rất đông người tham dự. Ông tố cáo tội ác của CSVN với tư cách nhân chứng, đánh thẳng vào những tử huyệt của cộng sản. Phải nói rằng không mấy ai trình bày sự tàn ác và gian trá của CSVN cách thuyết phục và hấp dẫn như ông.
Thế nhưng ông bị bao nhiêu người chụp mũ là cộng sản, phao vu rằng ông được cộng sản sai phái ra ngoài này để lũng đoạn các cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhưng chẳng ai nêu được một bằng chứng nào có giá trị chứng tỏ ông đã làm một điều gì có lợi cho cộng sản hay bất lợi cho cuộc đấu tranh chống cộng. Một số khác tìm cách hạ uy tín hay tư cách ông bằng cách nói ông ăn cắp thơ, ông bịp chuyện ném tập thơ vào tòa Đại sứ Anh, v.v…
Nhưng nhìn vào đời sống của ông, người ta thấy ông là một người có tư cách, sống rất thanh bạch. Nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: Giả như ông hoạt động cho cộng sản, thì ông nhận được từ cộng sản những gì? lẽ nào ông lại phải sống đơn sơ thanh bạch hàng chục năm như vậy cho đến chết? Nếu ông hoạt động cho cộng sản, sao không thấy ông làm một điều gì có lợi cho chúng cả? chỉ thấy ông mở miệng ra là tố cáo tội ác của chúng một cách hùng hồn và hấp dẫn?
Vậy thì những người chụp mũ cộng sản cho ông là ai? Việc chụp mũ ấy có lợi cho ai?
Chắc chắn không phải ai chụp mũ cộng sản cho những người đấu tranh đích thực cũng đều là cộng sản. Có thể chính những người cộng sản không ra mặt mà khéo léo xui giục những người khác làm điều ấy. Chẳng hạn chỉ cần những lời nói khích hay nịnh nọt là có thể xui giục được những người coi việc đánh phá những người nổi tiếng như một thú tiêu khiển. Hoặc những người muốn trở thành nổi tiếng bằng cách đánh phá những người đang nổi tiếng. Hoặc những người có tính ganh tị, đố kỵ, không chấp nhận cho ai nổi bật hơn mình, v.v…
Kế ly gián của cộng sản rất thâm độc, vì thế chúng ta cần phải cảnh tỉnh tối đa. Nếu chúng ta chấp nhận mọi thông tin không cần suy xét thì rất dễ mắc kế ly gián của chúng. Nhất là nếu chúng ta tiếp tục phổ biến qua mail những tin tức bất lợi cho cuộc đấu tranh hay cho các cá nhân đấu tranh, thì chúng ta đã vô tình tiếp tay cho nghị quyết 36 của chúng.
Hiện nay, trên các diễn đàn Internet, có rất nhiều nick của cộng sản. Ngành công an CSVN có cả một bộ phận khá lớn là công an mạng. Ngoài việc tìm kiếm hầu bắt bớ, xách nhiễu những người trong nước sử dụng internet để đấu tranh, để đọc hay phát tán tin tức, bài viết trên các trang web dân chủ, chúng còn tìm cách đánh sập những trang web này, nhất là chúng có nhiệm vụ sáng kiến ra những cách gây chia rẽ các lực lượng đấu tranh dân chủ trong nước cũng như hải ngoại.
Chẳng hạn khi có hai nhóm chống cộng A và B không hài lòng nhau do bất đồng quan điểm, thì chúng có nhiệm vụ phải làm sao để hai nhóm đó chống nhau, và hơn nữa, coi nhau như kẻ thù để không bao giờ có thể hợp tác với nhau. Sau đây là một cách điển hình mà chúng đã từng làm để thực hiện việc đó.
Một tên X nào đó trong bọn chúng giả danh X1, X2, X3 là người của nhóm A lên tiếng tố cáo nhóm B về một số sai trái (trong đó có phần thực và có phần vu khống). Rồi một tên Y nào khác của bọn chúng giả danh Y1, Y2, Y3 là người của nhóm B tố cáo nhóm A một số tội danh (có thực hoặc vu khống). Có khi X và Y chỉ là một người duy nhất, lúc giả danh người nhóm này, khi giả danh người nhóm kia. Thật sự thì ban đầu chẳng có ai trong hai nhóm đả kích nhóm đối đối lập cả, nhưng do tác động của hai tên X và Y mà những người nhóm này cứ tưởng người của nhóm kia đả kích mình. Từ đó người của hai nhóm mới bắt đầu đánh phá nhau thật, và hố chia rẽ hay sự hận thù giữa hai nhóm ngày càng gia tăng. Thế là hai nhóm mắc bẫy ly gián của chúng.
Trong cuộc đấu tranh với người cộng sản (một loại người rất nham hiểm, gian trá, rất giỏi về tuyên truyền láo khoét và rất chuyên nghiệp về ly gián, lại được cài và trà trộn trong chính lực lượng đấu tranh của chúng ta), chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước những thông tin nhận được từ Internet. Vì hiện nay, bọn cộng sản nằm vùng tại hải ngoại đang tận dụng lợi thế của Internet để lũng đoạn cộng đồng người Việt tị nạn. Chỉ một bọn người rất nhỏ nhưng ngày nào tung những tin thất thiệt vào các diễn đàn Internet, qua email, là đủ để tạo nên những luồng dư luận bất lợi cho cộng đồng. Nhiều người chống cộng thiếu ý thức lại tiếp tay phổ biến, khiến cộng đồng bị hoang mang, để rồi nhiều người bị dẫn đi theo hướng mà chúng muốn. Chúng triệt để áp dụng câu nói của Goebbels, Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền của Đức Quốc Xã: Một sự việc dù không đúng sự thật, nhưng nếu cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thì dân chúng lúc đầu không tin, nhưng sau trở nên bán tín bán nghi, để rồi cuối cùng tin đó là sự thật (*).
Vì thế, đối với những thông tin trên Internet không rõ nguồn gốc, chúng ta cần có đầu óc phê bình, phân tích để suy xét, nhận định và phán đoán tính xác thực của những thông tin ấy.
Khi nhận được những tin tức nói bất lợi cho một người đấu tranh chống cộng, nhất là những người đã từng có thành tích trong đấu tranh, chúng ta đừng vội tin ngay. Một người từng có thành tích đấu tranh trong quá khứ không dễ gì thay đổi lập trường đấu tranh quá nhanh chóng. Hãy tự hỏi: Thông tin này có cơ sở hay bằng chứng không? Bằng chứng ấy có giá trị không? Xác thực được bao nhiêu phần trăm? Người phao tin này là ai? thuộc hạng người nào? có đáng tin không? Phao tin này thì có lợi cho ai? v.v…
Khi tin những điều được phổ biến trong quần chúng hoặc trên mạng Internet một cách dễ dàng không cần suy xét, là chúng ta vô tình tiếp tay giúp nghị quyết 36 của CSVN gây chia rẽ và làm suy yếu cộng đồng của chúng ta. Nếu ai cũng cố gắng bình tĩnh nhận định sáng suốt những thông tin ấy thì nghị quyết 36 của cộng sản sẽ thất bại.
Lòng yêu nước và thiện chí của chúng ta nếu cứ bị những thông tin sai lạc này hướng dẫn, chúng ta dễ trở thành những kẻ tiếp tay cho kẻ thù để làm hại chính nghĩa đấu tranh của chúng ta.
Trong trường hợp này, đừng để cho câu nói nổi tiếng của Lênin trở nên đúng về phía chúng ta: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ trở thành phá hoại”.
Người Việt Thầm Lặng
___________________
(*) Ý tưởng này được gán cho Joseph Goebbels và được diễn tả nhiều cách khác nhau: “If you repeat a lie often enough, it becomes the truth. // If you tell a lie big enough and keep repeating it, people will eventually come to believe it. // If you repeat a lie often enough, people will believe it. // If you repeat a lie long enough, it becomes truth. // If you repeat a lie many times, people are bound to start believing it.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét