Trụ sở tập đoàn Hoa Vi tại Thâm Khuyến, Quảng Đông - REUTERS /Tyrone Siu |
Lo ngại nguy cơ bị tấn công tin học, năm 2012 chính quyền đảng Lao động Úc đã không chấp nhận đề nghị của Hoa Vi về việc triển khai mạng lưới internet băng rộng (NBN) tại Úc.
Bộ trưởng Tư pháp George Brandis của chính phủ đảng bảo thủ mới nắm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng Chín hôm nay loan báo, Thủ tướng Tony Abbott không hề có ý định thay đổi chính sách.
Ông Brandis cho biết : « Quyết định của chính phủ không cho phép Hoa Vi tham gia NBN được dựa trên lời khuyên của các cơ quan an ninh quốc gia. Từ sau bầu cử, tân chính phủ đã tham gia nhiều cuộc họp với những cơ quan này (…) và không có ý định thay đổi quan điểm ».
Canberra không đưa ra lời bình nào về các thông tin do tình báo Úc cung cấp.
Theo tờ báo tài chính Australian Financial Review, từ năm 2012 Hoa Vi đã tiến hành một chiến dịch vận động hậu trường dồn dập ở Canberra, và ông George Brandis phải đối phó với sự can thiệp của một số đồng nghiệp trong chính phủ, đề nghị nên mềm mỏng hơn.
Tân chính phủ Úc loan báo một « bước ngoặt chiến lược » trong kế hoạch triển khai mạng lưới internet tốc độ cao nhằm giảm giá thành còn 29,5 tỉ đô la Úc (20 tỉ euro). Hoa Vi hy vọng nhân cơ hội này Canberra sẽ linh hoạt hơn vì cần tìm đối tác tài chính.
Được thành lập bởi một cựu kỹ sư của quân đội Trung Quốc, Hoa Vi trở thành trung tâm cuộc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington về an ninh tin học, vì nghi ngờ Hoa Vi có quan hệ mật thiết với Nhà nước Trung Quốc. Quốc hội Mỹ năm ngoái đã yêu cầu loại Hoa Vi ra khỏi các hợp đồng chính phủ, vì các thiết bị của tập đoàn này có thể được sử dụng cho việc nghe lén của Bắc Kinh. Hoa Vi khi tự biện hộ đã cho rằng nguyên nhân là chủ nghĩa bảo hộ.
Úc hiện lâm vào thế khó xử vì đang tìm cách tái thúc đẩy các thương lượng hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Thủ tướng Tony Abbott tuyên bố muốn hoàn tất việc thương thảo trong vòng một năm./Thụy My (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét