VIỆT NAM (NV).- Bộ Y Tế CSVN vừa công bố một phúc trình cho hay, chỉ trong chín tháng đầu năm 2013, có đến 157 phụ nữ bị thiệt mạng trong lúc lâm bồn vì nguyên nhân được gọi là "tai biến sản khoa."
Người nhà sản phụ Nguyễn Thị Xuân ở Thanh Hóa đưa quan tài nạn nhân đi "diễn hành" để đòi công bằng. (Hình: báo Lao Động)
|
Tính trung bình mỗi tháng, từ đầu năm 2013 đến nay, có gần 18 sản phụ chết trên giường bệnh. Trong khi đó, riêng trong năm 2012, số sản phụ tử vong trong lúc sinh con là 289 người, trung bình mỗi tháng 24 sản phụ qua đời vì "tai biến sản khoa."
Chi tiết nguyên nhân được gọi là "tai biến sản khoa" làm chết sản phụ, bao gồm nguyên nhân xuất huyết ồ ạt, "tắc mạch ối," sản giật, tiền sản giật, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn, rồi cuối cùng là các bệnh về tim mạch, phổi, gan… ở sản phụ. Số vụ làm chết sản phụ xảy ra đều ở các địa phương, từ đồng bằng sông Hồng đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền đông Nam phần…
Phúc trình trên được báo Tuổi Trẻ trích dẫn nói rằng, một trong những nguyên nhân chính làm kéo dài tình trạng đau lòng nói trên là vì bệnh viện… thiếu tiền. Tuy nhiên, dư luận không đồng ý với kết luận này của bản phúc trình. Bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho rằng thái độ và tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các y bác sĩ tại bệnh viện là nguyên nhân chính làm chết sản phụ. Có người còn gọi tên nguyên nhân làm chết hàng loạt sản phụ thời gian gần đây là "sự vô cảm" của các nhân viên ngành y, những người đang khoác lên mình chiếc áo "lương y như từ mẫu."
Hàng chục vụ "đưa quan tài sản phụ đi diễu phố," và hàng loạt vụ bao vây bệnh viện đòi "mạng đổi mạng" cho thấy, dư luận không còn tin mảy may nào vào giới y tế Cộng sản Việt Nam hiện nay. Vụ mới nhất xảy ra vào đêm 17 tháng 10, 2013 tại Bệnh viện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa làm chết sản phụ Nguyễn Thị Xuân 40 tuổi, cư dân huyện Thiệu Hóa. Hàng trăm người thân, hàng xóm, láng giềng bao vây bệnh viện, sau đó đưa quan tài của bà Xuân đến thẳng nhà riêng của ông Lê Văn Định, phó Giám đốc Bệnh viện Thiệu Hóa để "đòi công bằng."
Hàng trăm người bao vây, la ó, đập phá, đòi đưa quan tài của nạn nhân vào quàn tại nhà của ông Định. Thân nhân của người xấu số quả quyết rằng ông Định, người trực tiếp thực hiện ca mổ, đã không làm tròn trách nhiệm, gây ra cái chết oan uổng của mẹ con bà Nguyễn Thị Xuân.
Theo dư luận, rủi ro ngoài ý muốn làm chết người vẫn có thể xảy ra tại các bệnh viện. Tuy nhiên, số vụ sản phụ tử vong khi lâm bồn quá thường xuyên, liên tiếp, khiến người ta khó có thể tin rằng vấn đề bệnh lý, hoặc rủi ro là nguyên nhân chính. (PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét