Pages

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Vinashin bị khai tử, chuyển thành SBIC

Logo của Vinashin
Vinashin từng đầu tư tràn lan vào thị trường tài chính và bất động sản
Vinashin, tức Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam vốn đang nợ đầm đìa, đã bị chính thức khai tử để chuyển sang mô hình hoạt động mới.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra hôm thứ Năm ngày 31/10, Bộ Giao thông-Vận tải thông báo thành lập Tổng công ty công nghiệp tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation, viết tắt là SBIC.


Như vậy với quyết định này, Vinashin, vốn là một trong những trụ cột của khu vực kinh tế nhà nước, sẽ bị hạ cấp từ tập đoàn xuống thành tổng công ty.
SBIC ra đời trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số công ty con của Vinashin, theo thông cáo.

Không còn Vinashin

Cũng theo thông cáo này thì Vinashin sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng không thấy nói rõ là SBIC đã hoàn tất thủ tục này hay chưa.

"Gốc của vấn đề không phải là mô hình hay tên gọi mà là chức năng, quyền hạn phải được minh định rất rõ ràng. Giao cho quá nhiều quyền thì chả có tên gọi tập đoàn hay tổng công ty nào xử lý được cả."
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải, đơn vị chủ quản của Vinashin, thì SBIC ‘kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp’ của Vinashin.
Tổng cộng có 234 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trước đây sẽ không nằm trong cơ cấu SBIC hiện nay. Trong số này, 69 doanh nghiệp được cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao hay sát nhập và165 doanh nghiệp còn lại sẽ được bán, giải thể hoặc phá sản.
Trách nhiệm của SBIC được quy định là ‘trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh’ và ‘đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết’ cũng như chịu trách nhiệm ‘bảo tồn vốn nhà nước’.
Theo quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải thì SBIC hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.
Trong đó, SBIC, công ty mẹ, là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước.
Tổng cộng có 8 công ty con bao gồm các công ty đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng, Hạ Long, Thịnh Long, Cam Ranh, Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm.

Chuyên vào ngành chính

Phạm Thanh Bình
Lãnh đạo Vinashin đã bị kết án tù
Bộ Giao thông-Vận tải cũng quy định các ngành nghề của SBIC: đóng, sửa chữa, thiết kế tàu và thiết bị nổi và tái chế, phá dỡ tàu cũ.
SBIC cũng có thể hoạt động một số ngành, nghề phụ nhưng đều phải xoay quanh ngành chính là đóng tàu, chẳng hạn như khai thác bến cảng, bến tàu, cầu tàu, lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, xây dựng nhà máy đóng tàu...
Tại thời điểm thành lập, SBIC có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, tương đương khoảng 452 triệu Mỹ kim.
Trong khi đó Vinashin đã chìm trong bài toán nợ khổng lồ lên đến 4 tỷ Mỹ kim và hoàn toàn mất khả năng chi trả. Do đó, tái cơ cấu tập đoàn này là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây.
Chính quyền Việt Nam cho biết nợ của tập đoàn này ‘đã được cơ cấu lại’ và chậm nhất đến cuối năm nay hoặc đầu quý 1 năm sau sẽ hoàn tất.

"Lâu nay cứ nghĩ là ông to, ông là chủ đạo thì việc gì ông cũng làm được."
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo đó, Vinashin đã đàm phán với một số chủ nợ và phát hành trái phiếu hoán chuyển nợ do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.
Như vậy với việc chuyển Vinashin từ tập đoàn trở thành tổng công ty, Việt Nam còn lại 11 tập đoàn hoạt động trong những khu vực kinh tế chủ chốt.
Đó là các tập đoàn: Bưu chính-Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Than-Khoáng sản, Dầu khí quốc gia, Dệt may, Điện lực, Bảo Việt (bảo hiểm), Viễn thông quân đội, Hóa chất, Phát triển nhà và đô thị và Công nghiệp Xây dựng.
Trong số này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được cho là đang vật lộn với số nợ khổng lồ.

Thử nghiệm đắt giá

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích rằng ‘mục tiêu thấy rõ nhất’ trong việc chuyển đổi mô hình của Vinashin là ‘khép lại thành những đầu tư rất rõ ràng chứ không để tràn lan như ngày xưa’ và ‘quy mô vừa phải, không ôm đồm như ngày xưa’.
Tàu Hoa Sen
Vinashin đã lỗ rất nhiều trong thương vụ mua tàu Hoa Sen
Do đó, theo ông Thiên, việc chuyển đổi này đã ‘xử lý được hai việc cơ bản’.
‘Hai việc cơ bản này’, ông giải thích, là ‘tập đoàn nhà nước chỉ có thể làm cái gì với nguồn lực quốc gia thì chỉ được phép làm cái đấy thôi’ và ‘quản trị doanh nghiệp’.
“Gốc của vấn đề không phải là mô hình hay tên gọi mà là chức năng, quyền hạn phải được minh định rất rõ ràng,” ông nói, “Giao cho quá nhiều quyền thì chả có tên gọi tập đoàn hay tổng công ty nào xử lý được cả.”
“Toàn bộ chương trình tái cơ cấu là làm công việc đấy. Cụ thể như thế nào các phương án thủ tướng đã duyệt rồi. Khi nào công bố như Vinashin thì mọi người sẽ thấy,” ông nói thêm.
Khi được hỏi tại sao lâu nay chính phủ Việt Nam không thấy vấn đề với các tập đoàn mà chỉ khi Vinashin vỡ lở thì mới vội vàng sửa chữa, ông Thiên cho rằng ‘lâu nay cứ nghĩ là ông to, ông là chủ đạo thì việc gì ông cũng làm được’.
“Xưa nay mới đánh giá vai trò quan trọng chứ chưa xét đến chức năng một cách cụ thể làm là làm cái gì,” ông giải thích.
Tiến sỹ Thiên nhìn nhận rằng mô hình tập đoàn nhà nước ‘không thành công như mong đợi’.
“Đáng lẽ thử nghiệm nên làm ít nhưng lại làm quá nhiều,” ông nói, “cho đến đẻ ra những hậu quả tương đối lớn.”

Không có nhận xét nào: