Pages

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lần theo kế hoạch lâu dài của Trung Quốc

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Jacqueline Newmyer Deal
National Interest, tháng 9-10 năm 2013

Giới thiệu tác phẩm Của cải và sức mạnh: Cuộc trường chinh của Trung Quốc vào thế kỉ XXI (Wealth and Power: China’s Long March to the Twenty-First Century), (New York: Random House, 2013), 496 tr., của Orville Schell và John Delury. 
Từ những năm 1990 chính sách của Mĩ đối với Trung Quốc được hình thành trên giả định rằng Trung Quốc càng giàu có và địa vị quốc tế của nước này càng gia tăng thì sẽ dẫn tới quá trình tự do hóa ở trong nước. Đầu thập kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Bush cũng đã từng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế. Trong những năm qua, sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Các nhà lãnh đạo của nước này tự gọi là “cường quốc”, bên cạnh Hoa Kỳ. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn giữ độc quyền về chính trị, và kể từ thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nhà nước đảng trị này đã tăng cường đàn áp những nhà hoạt động nhân quyền, các luật sư và người ủng hộ cải cách tự do ở trong nước. Còn ở nước ngoài, Trung Quốc gia tăng các nỗ lực quân sự nhằm khẳng định chủ quyền trên những vùng lãnh thổ đang tranh chấp, và còn sử dụng những công cụ kinh tế, trong đó có đe dọa ngưng hoặc ngăn chặn việc buôn bán một số loại hàng hóa nhất định. Nếu trước đây, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc còn nói tới những giá trị của chế độ dân chủ và các chuẩn mực quốc tế thì bây giờ họ chủ động chào bán mô hình của họ, như là món hàng thay thế cho cái gọi là hệ thống của phương Tây. Làm sao mà nhiều thế hệ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lại hiểu làm Trung Quốc đến như thế?
Thứ nhất, họ bỏ qua những tín hiệu từ lịch sử Trung Quốc hiện đại và hồ sơ của ĐCSTQ, tức là những thứ có thể tạo ra nghi ngờ về khái niệm tự do hóa không thể tránh khỏi của Trung Quốc và tiếp thu các thiết chế quốc tế của nước này. Nhưng muộn còn hơn không, Orville Schell và John Delury đã tiến hành thăm dò những tín hiệu đó trong cuốn sách tuyệt vời và rất uyên thâm, với nhan đề: Wealth and Power: China’s Long March to the Twenty-First Century (Của cải và sức mạnh: Cuộc trường chinh của Trung Quốc vào thế kỷ XXI). Ông Schell, vốn là Trưởng khoa Báo chí của trường Đại học California ở Berkeley (University of California, Berkeley’s Graduate School of Journalism) và hiện là Giám đốc Trung tâm Hiệp hội châu Á về quan hệ Trung – Mỹ (Asia Society’s Center on U.S.-China Relations), còn Delury là một nhà sử học tốt nghiệp đại học Yale, hiện giảng dạy tại trường đại học Yonsei ở Seoul. Trong tác phẩm này họ kết hợp tính hàn lâm với văn phong báo chí đầy màu sắc và chi tiết đáng được đánh giá cao. Họ thổi đời sống vào câu chuyện của mình bằng những bản phác thảo tiểu sử những cây đa cây đề của nền học thuật và chính trị Trung Quốc từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, và khẳng định rằng việc hồi sinh của quốc gia được xác định bằng thuật ngữ “phú cường” (sự giàu có và sức mạnh) – đã là mục tiêu ngay từ đầu của những người này. Suốt hơn hai thế kỷ qua, giới tinh hoa Trung Quốc đã tìm cách biến sự xấu hổ và nhục nhã hồi thế kỷ XIX – khi các cường quốc bên ngoài liên tục khai thác sự kém cỏi về quân sự của Trung Quốc – thành năng lượng để giúp Trung Quốc đi lên và thanh toán cái quá khứ đau khổ của nó. Nếu một số người trong giới tinh hoa đôi khi cổ động cho các giá trị chính trị của phương Tây, thì đấy cũng chỉ là những câu chuyện đầu môi chót lưỡi và vào những lúc khi mà họ tin rằng chế độ dân chủ tự do có thể làm cho đất nước này giàu mạnh mà thôi. Lời giới thiệu của Schell và Delury xác định chủ đề chung sau đây:
Khác với những cuộc cải cách chính trị dân chủ ở phương Tây, tức là những cuộc cải cách xuất phát từ niềm tin vào một số giá trị phổ quát và quyền con người, bắt nguồn từ “tự nhiên”, hay được tạo hóa ban cho và do đó, đã được mọi người tán thành bất kể hiệu quả của chúng, truyền thống của những cuộc cải cách giữ thế thượng phong ở Trung Quốc lại xuất phát từ quan điểm lợi ích. Mục tiêu của cải cách là đem về cho Trung Quốc sức mạnh, vì vậy mà mọi phương tiện, miễn là đạt được mục tiêu này, đều cần phải xem xét… Trong những giai đoạn khác nhau trên con đường quanh co của Trung Quốc, các nhà cải cách từng quan tâm tới nền quản trị dân chủ, không phải là vì nó hàm chứa những quyền tự do chính trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm mà bởi vì nó có thể làm cho đất nước của họ năng động hơn và do đó, trở thành mạnh mẽ hơn.
Trong giới tinh hoa Trung Quốc, mối bận tâm về quyền lực, được hiểu như là một chức năng của sức mạnh kinh tế và quân sự, cao hơn hẳn so với những quan tâm về nhân quyền hoặc chế độ pháp quyền, ở trong nước hay nước ngoài thì cũng thế. Họ nhìn thế giới qua lăng kính thèm khát quyền lực. Đây là cuộc cạnh tranh một mất một còn, và các đơn vị tính toán là nhà nước chứ không phải là cá nhân con người hay người công dân. Mặc dù quan điểm này hoàn toàn trái ngược với các chuẩn mực phương Tây hiện đại, nhưng lại là quan điểm gần gũi của các chính khách thế kỷ XIX ở châu Âu, thí dụ như Otto von Bismarck. Quan điểm đó cản trở những nỗ lực nhằm tự do hóa chính trị thực sự, mà kết quả sẽ là quyền lực của quần chúng nhân dân. Không những thế, các nhà tư tưởng hàng đầu và các chính khách của Trung Quốc có xu hướng tự coi mình là thành tố thiết yếu trong những nỗ lực của quốc gia nhằm vượt lên hàng đầu của cuộc ganh đua giữa các nước – và, vì vậy mà có quyền tích lũy của cải và quyền lực cá nhân.
Đấy là cách Schell và Delury lí giải vì sao Trung Quốc không tiến hành dân chủ hóa, và đây là thành quả đáng kể của công trình nghiên cứu của họ. Nhưng họ cũng cho thấy nguồn gốc nội tại của chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc. Trong khi các tác giả tập trung chủ yếu vào sự phát triển ở trong nước Trung Quốc thì việc phân tích của họ cung cấp bối cảnh tối quan trọng cho việc tìm hiểu chiến lược của nước Trung Hoa hiện đại và nguồn gốc của nó trong việc làm và suy nghĩ của các nhân vật chủ chốt của Trung Quốc trong một thế kỷ rưỡi, từ sau Chiến tranh Nha phiến. Ví dụ, các tác giả mô tả một nhà cải cách thế kỷ XIX, người đã đưa kế hoạch chi tiết cho việc hiện đại hóa hải quân và một “cuộc tấn công nhằm thu phục nhân tâm” khu vực Đông Nam Á và nước Nga mà dường như vẫn là kim chi nam cho chính sách của Bắc Kinh cho đến tận hôm nay. Và từ cách miêu tả ông Chu Dung Cơ – đạo sư kinh tế của Đặng Tiểu Bình – người đọc có thể phát hiện tại sao và bằng cách nào mà Chu [Dung Cơ] có thể làm cho những người đồng cấp phương Tây bị lừa khi cho rằng ông ta là một người ủng hộ thị trường tự do thực sự, trong khi trên thực tế, ông ta không có ý định từ bỏ chủ nghĩa tư bản do nhà nước tài trợ. Kể từ khi xuất hiện của nhà nước hiện đại vào giai đoạn cáo chung của triều đại cuối cùng, các nhà tư tưởng hàng đầu và các chính khách của Trung Quốc đã có ý định tái lập lại Trung Nguyên, làm cho nước này trở thành sức mạnh vượt trội. Họ cho rằng mục tiêu này có thể biện hộ cho mọi phương tiện, vì vậy mà họ phải ăn cắp, lừa dối và sử dụng vũ lực nhằm chống lại các đối thủ, cả các đối thủ thực sự lẫn đối thủ tiềm tàng, cũng như các đồng minh của họ nữa.
Cuốn sách liệt kê một loạt những người đi đầu trong sự phục hồi của Trung Quốc giai đoạn cuối nhà Thanh, khi các nước phương Tây và Nhật Bản nhiều lần gây chiến với triều đại đã mất hết tinh thần và đang tan rã này. Như được phản ánh trong chương trình giảng dạy lịch sử bắt buộc cho tất cả học sinh Trung Quốc hiện nay, những nỗi kinh hoàng mà nước này đã trải qua gồm có các cuộc chiến tranh nha phiến giai đoạn 1839-1842 và giai đoạn 1856-1860, Chiến tranh Trung- Nhật lần thứ nhất 1894-1895, Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900 và Hội nghị hòa bình Paris sau Thế chiến I năm 1919, tức là hội nghị đã chuyển những cơ sở của Đức trên hai bán đảo Liêu Đông và Sơn Đông cho Nhật Bản thuê. (Chương trình giảng dạy của Trung Quốc bỏ qua vụ nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc, tức là cuộc nội chiến tàn phá đất nước suốt từ năm 1850 đến năm 1864, vốn là một đòn choáng váng đối với nhà Thanh.) Trong số những nhân vật được mô tả trong thời kỳ này là các nhà trí thức có tinh thần cải cách cuối thế kỷ XIX như Wei Yuan (Ngụy Nguyên, 1794-1857) và Feng Guifen (Phùng Quế Phân, 1809-1874); Từ Hi Thái hậu (1835-1908), nhà cầm quyền hiệu quả cuối cùng của vương triều này; Lương Khải Siêu (1873-1929), một nhà tư tưởng trong lúc giao thời giữa hai thế kỉ, người gọi đất nước mình là “con bệnh của Châu Á”; Tôn Trung Sơn (1866-1925), người sáng lập Quốc Dân Đảng; Trần Độc Tú (1879-1942), cha đẻ của phong trào Ngũ Tứ năm 1919; và Tưởng Giới Thạch (1887-1975), lãnh đạo Quốc Dân Đảng sau khi Tôn Trung Sơn chết, rồi thua cuộc nội chiến và phải bỏ chạy ra Đài Loan. Khi vua nhàThanh cuối cùng thoái vị vào năm 1911, Trung Quốc vẫn còn bị chia cắt và rất yếu trong suốt giai đoạn xâm lược của Nhật Bản và cuộc nội chiến ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.
Sau đó là những ông trùm của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông (1893-1976) và Đặng Tiểu Bình (1904-1997), cũng như Chu Dung Cơ, người được cho là đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990. Cuối cùng là ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel hòa bình năm 2010 nhưng đã bị bỏ tù từ năm 2008. Lưu [Hiểu Ba] khác với những nhân vật trước đó ở chỗ ông là một nhà dân chủ chân chính. “Mặc dù những người bất đồng chính kiến ​​theo đường lối tự do thông minh và dũng cảm thỉnh thoảng lại xuất hiện nhưng lời kêu gọi của họ về một nền dân chủđã không trở thành động lực chính của lịch sử Trung Quốc đương đại, ít nhất là cho đến nay,” Schell và Delury viết như thế. Hai tác giả này còn nói thêm rằng lời kêu gọi khôi phục của cải và sức mạnh của Trung Quốc trong quá khứ dường như lại là động lực mạnh hơn. Nhưng họ kết thúc cuốn sách với nhận xét lạc quan, đặc trưng cho phương Tây:
Nhưng khi những mục tiêu này đang trở thành hiện thực, không phải là ngày càng có nhiều người Trung Quốc đòi hưởng sự giàu có vừa tìm được trong một xã hội cởi mở hơn và tuân thủ pháp luật hơn, nơi họ sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quyết định ai sẽ cai trị họ và cai trị như thế nào ư? Có xảy ra khả năng là lòng khát khao được quốc tế tôn trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ trở thành một thỏi nam châm mạnh mẽ lôi kéo họ đến với hình thức cai trị mang tính thỏa hiệp, thậm chí là dân chủ hơn hay sao?
Mặc dù có những câu hỏi như thế, nhưng Schell và Delury sẽ làm độc giả thận trọng phải cảnh giác. Phần trình bày của họ về sự phát triển nội tại của Trung Quốc giải thích vì sao chủ nghĩa độc đoán dai dẳng của nước này không phải là một sự ngẫu nhiên mà nó phản ánh niềm tin sâu sắc của những người thuộc tầng lớp tinh hoa trong suốt một thế kỷ rưỡi vừa qua. Tác phẩm còn cho thấy những niềm tin như thế có khả năng ngăn chặn, không cho Trung Quốc trở thành cái mà người phương Tây gọi là một tay chơi có trách nhiệm. Chỉ có một ngoại lệ là ông Lưu Hiểu Ba, các nhân vật trung tâm còn lại của tác phẩm đều có xu hướng xem của cải và sức mạnh là những thứ gắn bó chặt chẽ với nhau và là kim chỉ nam trong các mối quan hệ quốc tế. Trong tâm trí của họ, thành công trong thương mại quốc tế nhất định sẽ tạo ra sự thống trị trong lĩnh vực địa chính trị, sẽ tạo ra những nguồn lực cho sức mạnh quân sự và tạo điều kiện gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Hơn nữa, họ đã tin rằng để tái khẳng định địa vị hàng đầu của Trung Quốc trong cái thế giới bị chi phối bởi của cải và sức mạnh thì Trung Quốc phải tự cường bằng tất cả những biện pháp có thể và thi hành chính sách thực dụng, có nghĩa là, phải học hỏi cả kẻ thù và áp dụng những biện pháp đã mang tới chiến thắng của họ. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng trong nhiều thập kỷ tới, tức là trong thời kỳ học hỏi và xây dựng lực lượng, Trung Quốc phải tôn trọng những nước mạnh hơn. Nhưng, theo logic của chính sách thực dụng, Bắc Kinh cũng sẽ cố gắng chia rẽ các liên minh thù địch và bóc lột những nước yếu hơn. Cuối cùng, các nhà cải cách Trung Quốc hồi cuối thế kỷ XIX đã làm sống lại hai nguyên tắc của Khổng giáo cổ điển, tức là những nguyên tắc liên quan đến sự hài hòa và liêm sỉ vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay, coi đó như một lời nhắc nhở về tính chất phi tự do và phản dân chủ của nền chính trị Trung Quốc. Như vậy là, Schell và Delury đã chỉ rõ rằng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lèo lái đất nước theo con đường đã được vạch ra cách đây hơn một trăm năm mươi năm, khi Trung Quốc vẫn còn là một đế chế và quan hệ quốc tế trên thực tế có thể được mô tả như là vụ đụng độ của những kẻ chiếm đoạt thuộc địa khổng lồ. Trung Quốc hình thành cách tiếp cận hiện nay với nền chính trị trong nước cũng như quan hệ đối ngoại trong bối cảnh của thế kỷ XIX.
Giữa thế kỉ XIX chính Ngụy Nguyên là người đã định hình nhiều đề tài nhằm xác định công việc của những nhà cải cách trong thế kỷ XX của Trung Quốc. Khi chiến tranh nha phiến đầu tiên nổ ra, Ngụy [Nguyên] đang ở vị trí rất thuận lợi cho việc quan sát những sự kiện đang diễn ra. Sau nhiều lần thất bại ở các cuộc thi đình, mặc dù có sự nghiệp học tập ban đầu đầy hứa hẹn, ông làm tư vấn cho quan chức ở tỉnh và tích lũy một gia tài nho nhỏ trong việc buôn bán muối ở thành phố Dương Châu trên bờ sông Dương Tử. Năm 1842, ông đã thấy ​​tàu chiến Anh chạy bằng hơi nước, sau khi tấn công Thượng Hải đi qua đây. Ngụy [Nguyên] đưa ra những luận điểm kết hợp được triết học Trung Quốc cổđại với những kiến thức từ quan sát của chính ông về quản lí nhà nước hiện đại và chiến tranh, đấy là phản ứng của ông trước thất bại của Trung Quốc khi đối mặt với lực lượng của Anh chỉ có một vài ngàn người. Ngụy [Nguyên] không sử dụng Khổng giáo, tức là tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, mà áp dụng trường phái cạnh tranh với nó, gọi là “Pháp gia.” Trong khi Nho giáo coi “nhân, lễ và hài hòa xã hội” là “cơ sở hợp pháp duy nhất và hiệu quả cho việc quản lí xã hội,” thì Pháp gia lại nhấn mạnh nhu cầu “quốc phú, binh cường” và từ đó mà có từ “phú cường”. Trong khi các nho sĩ cai trị bằng đức hạnh thì Pháp gia khẳng định phải cai trị bằng luật pháp, mà pháp luật lại được định nghĩa là một hệ thống những biện pháp khuyến khích do nhà cầm quyền đưa ra nhằm đảm bảo sự trung thành của các thần dân. Schell và Delury viết: “Những người ủng hộ đường lối chính trị thực tiễn ở nước Trung Quốc cổ đại không có thái độ kiên nhẫn trước những thứ mà họ coi là ba láp về mặt đạo đức của Nho gia. Vì họ chẳng mấy tin tưởng vào những ý định tốt của con người, cho nên họ coi của cải và sức mạnh là thước đo cao nhất của thành công hay thất bại của đường lối chính trị.”
Trong bối cảnh đó, đường lối chính trị thực tiễn là cách tiếp cận hoàn toàn thực dụng, nhắm vào kết quả không chỉ đối với việc cai trị ở trong nước mà còn nhắm đến quan hệ đối ngoại nữa. Như Schell và Delury nhận xét, Ngụy [Nguyên] tin rằng các nước phương Tây, thí dụ như nước Anh, “thúc đẩy thương mại bằng cách đưa quân ra nước ngoài,” cho nên “binh lính và thương mại phụ thuộc vào nhau.” Ý tưởng này đã ăn sâu vào tâm trí của giới tinh hoa Trung Quốc, trong đó có cả Tôn Trung Sơn. Ông này đã viết vào năm 1894 như sau:
Ở phương Tây, quyền lợi của nhà nước và quyền lợi của thương mại cùng thăng tiến với nhau… Không có tiền thì quốc phòng không thể hoạt động được, không có thương mại thì cũng không tích lũy được tiền cho quân đội. Đấy là lý do vì sao người phương Tây sẵn sàng lao vào phần còn lại của thế giới chẳng khác gì hổ báo và họ bắt nạt Trung Quốc cũng là vì thương mại mà ra.
Việc Ngụy [Nguyên] nhấn mạnh của cải và sức mạnh và việc ông quan tâm tới phái Pháp gia hay chí ít là thái độ hoài nghi của mình với đòi hỏi của Nho gia về sự độc quyền trong việc nắm giữ những phương pháp cai trị tiên tiến – có thể đã giúp ông chống lại những xung lực truyền thống của Trung Quốc, tức là những xung lực muốn chối bỏ tất cả những gì ngoại lai, coi đấy là thấp kém hơn so với Trung Hoa. Trong một chuyên luận viết về cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, Ngụy [Nguyên] khẳng định rằng Trung Quốc cần phải tích lũy của cải và sức mạnh nhằm phục hồi sự vĩ đại của đế quốc. Nói cách khác, nước này cần phải “tự lực tự cường” (Zixiu Ziqiang), mà chỉ có thể làm được bằng cách “vay”, nghĩa là, mua lại và sao chép công nghệ của nước ngoài và thực hiện các cuộc cải cách chính phủ ở trong nước. Ước muốn chiếm đoạt một số phương tiện của phương Tây rồi sử dụng chúng cho mục tiêu tăng cường sức mạnh của Trung Quốc nhằm chống lại phương Tây cùng với tinh thần thực dụng của phái Pháp gia sẽ trở thành đề tài quan trọng của những nhà cải cách ở Trung Quốc. Cho rằng số phận của các quốc gia yếu ớt là trở thành con mồi cho các nước mạnh hơn, Trung Quốc phải làm việc để có nhiều của cải và sức mạnh; trong khi cần tôn trọng các nước mạnh hơn, lại phải cố gắng học hỏi họ và làm cho họ suy yếu đi. Schell và Delury chỉ ra rằng Ngụy [Nguyên] tán thành ý tưởng làm suy yếu các đối thủ phương Tây bằng cách làm cho họ mâu thuẫn với nhau, “yiyi zhiyi” (dĩ di trị di – lấy man di trị man di) vốn là mưu kế cổ xưa của Trung Quốc. Cuối cùng, tự cường đòi hỏi thông tin tình báo về các quốc gia khác để xác định những vị trí dễ bị tổn thương của họ, và có những biện pháp ngoại giao khéo léo nhằm phân hóa hàng ngũ của kẻ thù. Schell và Delury nói rằng Ngụy [Nguyên] lấy làm tiếc là sau cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất nhà Thanh biết quá ít về quan hệ đối ngoại trên thế giới để có thể khai thác những mối căng thẳng giữa một bên là Anh và bên kia Pháp và Mỹ – mặc dù trên thực tế cả Pháp lẫn Mỹ đều đã nhiều lần đề nghị trợ giúp vương triều.
Feng Guifen (Phùng Quế Phân), người kế tục di sản tinh thần của Ngụy [Nguyên], dựa vào ý tưởng của Ngụy [Nguyên] về tự cường và sao chép “các kỹ thuật và phương pháp” của các cường quốc bên ngoài. Tương tự như Ngụy [Nguyên], Phùng [Quế Phân] đã đi hết con đường nhắm đến kì thi để được bổ nhiệm làm quan văn, nhưng đã bị trượt. Ông sống vào thời điểm có những biến động lớn, đấy là cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai và khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Schell và Delury chỉ rõ câu hỏi mà Phùng [Quế Phân] đặt ra sau khi Trung Quốc thua liên quân Pháp-Anh và cuộc nội chiến làm chết hai mươi triệu người và đấy cũng là hồi chuông báo tử cho triều đại nhà Thanh: “Chúng ta có lãnh thổ gấp tám lần nước Nga, gấp mười lần nước Mỹ, gấp một trăm lần nước Pháp, và hai trăm lần nước Anh. Tại sao nước họ nhỏ mà lại mạnh, trong khi chúng ta lớn mà lại yếu?” Phùng [Quế Phân] trả lời trong một bản tuyên ngôn năm 1860 có tên là “Bất đồng chính kiến ​​nhìn từ một túp lều ở gần khu Bin”, làm người ta nhớ tới Ngụy [Nguyên]: “Nếu chúng ta lấy đạo đức và học thuyết của Trung Quốc làm nền tảng, nhưng bổ sung thêm những kỹ thuật của nước ngoài để có của cải và sức mạnh, thì không phải là lý tưởng hay sao?” Đối với những người vẫn còn hoài nghi, Phùng [Quế Phân] lập luận: “Nếu một hệ thống không tốt, thì dù có là từ thời cổ đại, chúng ta cũng nên từ bỏ nó; nếu hệ thống tốt thì chúng ta nên theo, ngay cả khi nó có xuất xứ từ những dân tộc kém văn minh.”
Nhất quán với những khuyến nghị của Ngụy [Nguyên], cho rằng Trung Quốc phải cải thiện hiểu biết của mình về các cường quốc bên ngoài (ví dụ, làm cho họ mâu thuẫn với nhau), Phùng [Quế Phân] đề nghị nhà vua tài trợ cho người Trung Quốc đi du học. Schell và Delury nhận xét rằng yêu cầu của ông được ủng hộ bất chấp sự phản đối của những nhà Nho, tức là những người muốn bảo vệ nền học vấn truyền thống của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc là nước có nhiều du học sinh hơn bất kỳ nước nào khác, và Trung Quốc cũng là nước không nói tiếng Anh có nhiều người học tiếng Anh nhất thế giới. Trong khi một số trong những nỗ lực này là để phục vụ cho lĩnh vực ngoại giao và thương mại, thì phần nhiều là để tự cường – nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Báo cáo mới đây của một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Project 2049 Institute cho biết rằng đơn vị quân đội Trung Quốc, nơi quản lí các nhóm điều khiển học, là nơi thu hút nhiều nhất các nhà ngôn ngữ học được đào tạo kĩ lưỡng.
Thông điệp về tự cường của Phùng [Quế Phân] đã dẫn đến một phong trào cải cách cùng tên ở Bắc Kinh, và năm 1896 một quan chức cấp tỉnh Zhang Zhidong (Trương Chi Động) đã kiến nghị và được Từ Hi Thái Hậu cho phép thành lập “đội quân đội tự cường.” Trong khi đó, việc Phùng [Quế Phân] ủng hộ tư tưởng của Ngụy [Nguyên] về bắt chước phương Tây đã giúp đưa khái niệm này vào thực tiễn. Như Schell và Delury nhận xét, Trương [Chi Động] đã tạo ra phương châm nổi tiếng cho các nhà cải cách: “Lấy cái học của Trung Quốc làm cơ sở, lấy tri thức phương Tây áp dụng vào thực tiễn.” Đầu thế kỷ XX, Tôn Trung Sơn đã sử dụng ngôn ngữ tự cường để biện hộ cho việc áp dụng không chỉ kĩ nghệ phương Tây mà còn áp dụng cả hình thức chính phủ mới nhất tức là chế độ cộng hoà và kêu gọi lật đổ nhà Thanh: “Tương lai của Trung Quốc cũng giống như xây dựng một con đường sắt. Vì vậy, nếu bây giờ chúng ta xây dựng một con đường sắt chúng ta sẽ sử dụng đầu máy hơi nước được phát minh ngay từ ngày đầu tiên [tức là, luật lệ phong kiến] hay sử dụng mô hình đã được cải tiến và hiệu quả nhất của ngày hôm nay?” Nhưng, Tôn [Trung Sơn] cũng chỉ quan tâm tới chế độ cộng hoà về mặt thực dụng mà thôi. Trong tuyên bố nổi tiếng năm 1924 về “Chủ nghĩa tam dân” của mình, bên cạnh việc ủng hộ các quyền và quyền tự do, ông còn quan tâm tới sự thống nhất và tinh thần tập thể nữa: “Các cá nhân không nên có quá nhiều tự do, nhưng quốc gia phải được hoàn toàn tự do. Chỉ khi các quốc gia có thể hành động một cách tự do thì Trung Quốc mới có thể được gọi là mạnh mẽ.” Sau này, Tôn [Trung Sơn] đã ngưỡng mộ mô hình chính trị nước ngoài khác, đấy là chủ nghĩa Lenin, vì nó thể tạo được kỷ luật trong đảng. Điều đó chứng tỏ rằng ông chỉ coi chế độ cộng hòa là một công cụ, là biện pháp chính trị mới, nhiều hứa hẹn nhất, có thể áp dụng nhằm phục vụ cho bản chất của Trung Quốc.
Tư tưởng cuối thời nhà Thanh và thời kỳ Cộng hòa có ảnh hưởng đối với các chính trị gia của Trung Quốc, kể từ Mao [Trạch Đông] và người kế tục sự nghiệp của ông ta là Đặng Tiểu Bình và các thế hệ quan chức hiện nay của ĐCSTQ. Tất cả những người đó đều đã nói đến khai thác xiyong (chức năng phương Tây) trong khi vẫn giữ zhongti (bản chất Trung Quốc). Mao [Trạch Đông] thường nói về áp dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình chủ trương nhập khẩu bí quyết kinh tế thị trường của phương Tây để xây dựng chủ nghĩa xã hội “mang màu sắc Trung Quốc”, còn thế hệ những người ủng hộ cách tiếp cận này hiện nay lại nhấn mạnh việc “vay mượn” công nghệ và kĩ thuật quân sự của phương Tây. Bằng chứng là những nỗ lực to lớn của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của Mỹ bằng gián điệp mạng và những hình thức do thám truyền thống khác. Người ta nói rằng bắt chước là cách nịnh hót chân thành nhất; nhưng trong trường hợp này, bắt chước phải được coi là bằng chứng của một tham vọng nhất quán và lâu dài của nhiều người trong giới tinh hoa của Trung Quốc. Một lần nữa, mục tiêu không phải là trở thành như Hoa Kỳ, tức là chế độ dân chủ và là người ủng hộ hệ thống quốc tế thời hậu chiến (Chiến tranh Thế giới II). Mà là bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ và làm cho Trung Quốc trở thành mạnh mẽ để Bắc Kinh có thể thiết lập trật tự toàn cầu mới theo cách của họ.
Trật tự thế giới do Trung Quốc áp đặt sẽ như thế nào? Chi tiết còn khá mù mờ, nhưng vẫn có thể xác định được những khác biệt với trật tự hiện hành. Không những không bắt đầu bằng nhân phẩm của cá nhân và bảo đảm cho tất cả mọi người một số quyền cơ bản, được pháp luật bảo vệ, trật tự do Trung Quốc áp đặt sẽ dựa trên tiền đề là sự tồn tại của tập thể và ưu tiên cho sự ổn định của nó. Nếu Washington thúc đẩy tự do thì Bắc Kinh sẽ thay thế bằng mục tiêu Đại Đồng (Đại Hài hòa hoặc Đại Đoàn kết). Tính chất phi chính thống của cách tiếp cận của Ngụy Nguyên đối với Khổng giáo một phần là do ông tin rằng lịch sử không diễn biến theo chu kỳ, với những thăng trầm của các triều đại, mà lịch sử đi theo đường thằng, hướng tới một kỷ nguyên không tưởng “Đại Hài hòa.” Schell và Delury giải thích rằng Ngụy [Nguyên] thuộc về trường phái các nhà tư tưởng cho rằng thậm chí chính Khổng Tử cũng hiểu lịch sử như thế và đã bí mật cho phép sử dụng phương pháp chính trị thực dụng nhằm “giữ cho thế giới có trật tự” cho đến khi có được Đại Đồng. Cùng với quan niệm về tự cường và những đòi hỏi của nó, quan điểm của Ngụy [Nguyên] về chính sách thực dụng như là phương tiện và Đại Đồng là mục tiêu tiếp tục tồn tại sau khi Ngụy [Nguyên] qua đời.
Vào cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc gặp thất bại nặng nề nhất từ trước tới lúc đó, họ đã thua Nhật Bản trong Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất. Tại đỉnh điểm của vụ chấn thương này, một học giả và cũng là nhà cải cách, ông Lương Khải Siêu, người kế tục Ngụy Nguyên và Phùng Quế Phân, đã chấp bút lời nói đầu cho lần xuất bản mới tác phẩm về phái Pháp gia và nghệ thuật trị nước của Ngụy [Nguyên]. Ông viết: “Những người tiếp thu cái mới sẽ thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ. Còn những người đóng khung trong cái cũ sẽ suy giảm và yếu đi.” Thầy của Lương Khải Siêu, ông Khang Hữu Vi, cố vấn cho cháu trai của Từ Hi Thái Hậu khi bà từ bỏ ngai vàng trong 102 ngày trong năm 1898, xuất bản trong cùng năm đó tác phẩm lấy tên là Đại Đồng Thư. Ngay cả Khang [Hữu Vi] người đã từng tư vấn cho vị hoàng đế nhà Thanh yếu đuối về những biện pháp cải cách và củng cố chế độ, cũng vẫn phù phép ra một tác phẩm về sự hài hòa không tưởng. Khang [Hữu Vi] cùng trong trường phái học thuật tương tự như Ngụy Nguyên và chấp nhận tính chất tuyến tính của lịch sử, cũng như mục tiêu cuối cùng của Đại Đồng và lợi ích của chính sách thực tiễn trong giai đoạn quá độ. Mao [Trạch Đông] sau đó nói với Edgar Snow, một nhà báo phương Tây có cảm tình với ông, rằng ông rất mê Lương [Khải Siêu] và Khang [Hữu Vi] và hồi thanh niên đã “đọc đi đọc lại những cuốn sách đó cho đến khi thuộc lòng mới thôi.” Một nhà chính trị học được đào tạo ở Trung Quốc, nhưng sống ở Kentucky, là ông Shiping Hua, nhận xét rằng các nhà lãnh đạo sau này của ĐCSTQ vẫn kiên trì coi Đại Đồng là lí tưởng, nhưng lại theo đuổi những mục tiêu khác vì đấy là những mục tiêu dễ thực hiện hơn trong giai đoạn hiện nay. Ông khẳng định: “Việc người ta vẫn coi Đại Đồng là lí tưởng cho thấy rằng sự tiến hóa của Trung Quốc theo mô hình chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do phương Tây là khó có thể xảy ra.” Việc các thế hệ kế tiếp nhau trong giới tinh hoa của ĐCSTQ, trong đó có cả những người phản đối tư tưởng Khổng giáo của Mao [Trạch Đông], thỉnh thoảng lại nhắc tới tư tưởng Đại Đồng cho thấy truyền thống cố hữu của Trung Quốc, tức là truyền thống đặt tập thể lên trên cá nhân và ủng hộ chính sách thực tiễn cả trong lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại – trong khi chờ đợi ngày Đại Đồng chưa ai biết bao giờ sẽ tới.
Mặc dù trọng tâm của các nhà cải cách cuối thế kỷ XIX của Trung Quốc là hiện đại hoá và lập trường chung của họ là bài Nho giáo, Đại Đồng không phải là nguyên tắc Nho giáo cổ điển duy nhất được họ phục hồi. Các học giả và các nhà hoạt động như, Ngụy [Nguyên] và Phùng [Quế Phân] cũng nhấn mạnh giá trị đạo đức truyền thống của Nho giáo về sự sỉ nhục và coi đó là sức mạnh hiện đại hoá. Ngụy [Nguyên] thường nhắc câu cách ngôn của Khổng giáo: “Nhục làm người ta phải cố gắng, khi đất nước đang bị sỉ nhục, tinh thần của nó sẽ thăng hoa”. Còn Phùng [Quế Phân] thì viết: “Khi người ta cảm thấy xấu hổ, không có gì là tốt hơn là tự cường.” Tương tự như Đại Đồng, ở Trung Quốc hiện nay đề tài sỉ (xấu hổ hay sỉ nhục) vẫn thường xuyên được nói tới. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch – kế nhiệm Tôn Trung Sơn, lãnh đạo Quốc Dân Đảng – lập ra ngày Quốc nhục, hiện nay ngày lễ đó vẫn được kỉ niệm. Như Schell và Delury đã chỉ ra, nhiều điểm du lịch được du khách nội địa Trung Quốc đến nhất là những nơi tưởng niệm những giai đoạn thất bại và tàn phá Trung Quốc bởi bàn tay của các lực lượng phương Tây và Nhật Bản. Ở những địa điểm này người ta giải thích lịch sử một cách rất tùy tiện. Bảo tàng Chiến tranh Nha phiến do nhà nhà nước quản lí là một ví dụ, ở đây, do sai lầm mà người ta đưa cả Hoa Kỳ vào hàng ngũ đối thủ của Trung Quốc. Chế độ thường xuyên nhắc tới nỗi nhục quốc thể và viết lại lịch sử để kích động người dân cho cuộc đấu tranh không phải là chế độ sẵn sàng công nhận các quyền công dân hay tôn trọng trật tự quốc tế hiện hành.
Mặc dù nhiều người trong số những nhân vật được Schell và Delury nhắc đến đã coi dân chủ là nguồn sức mạnh của phương Tây và do đó cũng coi nó là một phương tiện, nhưng không có ai trở thành nhà dân chủ hết, trừ ông Lưu Hiểu Ba, hiện đang bị tù và dường như không có nhiều thính giả ở Trung Quốc lắng nghe ông. Mặc dù Phùng Quế Phân ngưỡng mộ cuộc bầu cử năm 1860 của Abraham Lincoln, nhưng ông ta, theo lời của Schell và Delury, là “nhà độc tài chấp nhận sự tham gia của dân chúng” chứ không phải một người dân chủ. Ban đầu Lương Khải Siêu ủng hộ dân chủ, nhưng sau đó lại quyết định rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng. Như đã nói, mặc dù Tôn Trung Sơn ủng hộ tư tưởng cộng hòa, nhưng ông chưa bao giờ chấp nhận hoàn toàn khế ước của xã hội tự do và cuối cùng đã ngưỡng mộ tổ chức đảng Lênin. Tưởng Giới Thạch cũng được đúc từ cái khuôn đó: “Trong những bài nói và bài viết của mình, Tưởng [Giới Thạch] thường xuyên nhắc tới ‘dân chủ lập hiến’, và ‘tự do’,” Schell và Delury viết, “nhưng ông ta làm thế cũng giống như Tôn [Trung Sơn]… Đối với ông ta, đây là những khát vọng mơ hồ và xa vời, không quan trọng bằng cuộc đấu tranh trước mắt của Trung Quốc để sống còn và đổi mới quốc gia.” Chỉ là ve vãn chứ không bao giờ thực sự chuyển sang những nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà câu hỏi về của cải và sức mạnh đặt ra là liệu ước muốn tìm kiếm uy tín quốc tế của các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có dẫn họ đến quá trình dân chủ hóa hay không dường như là biểu hiện của tinh thần lạc quan chứ không phải là một dự báo mang tính thực tế đối với tương lai của Trung Quốc.
Một tầm nhìn khác về tương lai của Trung Quốc có xuất xứ từ một nguồn ít người biết, được Schell và Delury nhắc tới, nhưng hai ông này đã không nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Đấy là bài viết Bàn về các cường quốc trên biển của Ngụy Nguyên, xuất bản vào năm 1843, bốn tháng sau Hòa ước Nam Kinh, trong đó có điều khoản các tàu chiến của Anh rút khỏi sông Dương Tử. Trong tiểu luận này, Ngụy [Nguyên] trình bày về sự tương thuộc giữa sức mạnh quân sự và thương mại của nước Anh. Nhưng, như học giả Jane Kate Leonard nhận xét, Ngụy [Nguyên] đã làm được nhiều hơn là dự báo những thành tựu của nước Anh. Ông đã đưa ra cả một chương trình cụ thể nhằm hiện đại hóa hải quân và chiến lược địa chính trị của Trung Quốc. Có thể thấy những thành tố của chương trình này trong bản kế hoạch của chính phủ ban hành năm 1980, cho nên trong mấy thập niên vừa qua người Trung Quốc đã theo sát những khuyến nghị Ngụy [Nguyên].
Ngụy [Nguyên] bắt đầu từ ý tưởng cho rằng các quốc gia phương Tây có sức mạnh là vì họ có một mạng lưới các căn cứ, tạo điều kiện cho họ khống chế giao thông và thương mại trên biển. Ông nói tới không chỉ những hải cảng của Anh ở châu Phi, Ấn Độ, ở Tích Lan và Singapore, có thể khống chế eo biển Malacca, mà còn đề cập tới những căn cứ của Hà Lan ở Batavia, có đủ khả năng tiếp cận eo biển Sunda nằm giữa đảo Java và đảo Sumatra. Ông kết luận rằng Trung Quốc không bị đe dọa xâm lược ngay lập tức, nếu các cường quốc phương Tây chưa thâm nhập vào lục địa Đông Nam Á, Nepal hay Nhật Bản. (Nếu sống đủ lâu, Ngụy [Nguyên] có thể đã được chứng kiến cuộc tấn công của Nhật Bản vào Đông Nam Á ngay từ đầu Thế chiến II, như khúc dạo đầu của cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc và do đó khẳng định đánh giá của ông là chính xác.) Nghĩa là, Ngụy [Nguyên] tin rằng mạng lưới các căn cứ của phương Tây trong khu vực rõ ràng đang làm mất ổn định của trật tự – làm thiệt hại cho Trung Quốc – và đặt phương Tây vào vị trí có thể đe dọa được bờ biển của Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích như thế, tiểu luận của Ngụy [Nguyên] trình bày rõ đường lối hành động cả về quân sự lẫn ngoại giao nhằm tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.
Tiểu luận này khuyến cáo rằng Trung Quốc phải tập trung nỗ lực ngoại giao vào khu vực Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, cũng như Nhật Bản, nước mà sau này đã chứng tỏ khả năng đẩy lui được phương Tây trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, và Nepal. Theo logic dĩ di trị di, Ngụy [Nguyên] cho rằng Bắc Kinh nên xúi giục các nước bên ngoài đối đầu với nhau và dùng ngoại giao để làm suy yếu các nước chư hầu. Ví dụ, ông đề nghị tìm cách cân bằng sự hiện diện của Anh tại Hồng Kông bằng cách cho Pháp và Mỹ tiếp cận tới Quảng Châu (lúc đó gọi là Canton). Ông cũng đề nghị t́m kiếm sự ủng hộ của Nga nhằm đối chọi với các nước phương Tây khác – đến mức có thể khuyến khích Nga hành động chống lại Anh ở Afghanistan và tây bắc Ấn Độ, tức là những hành động có thể tạo điều kiện cho người Nepal tiêu diệt người Anh ở Bengal. Một chuỗi các sự kiện như vậy sẽ làm cho vị trí của Anh ở Singapore yếu đến mức Thái Lan cùng với Việt Nam có thể tấn công.
Đã 170 năm kể từ khi Ngụy [Nguyên] chấp bút bản kế hoạch này, thế giới và bản đồ thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Nhật Bản đã nằm trong liên minh với Hoa Kỳ từ năm 1945, người Anh không còn cai trị Hồng Kông và Ấn Độ nữa. Anh cũng không còn ở Afghanistan và không phải là quốc gia phương Tây mà Trung Quốc phải lo ngại nhất nữa. Nhưng những kiến nghị của Ngụy [Nguyên] thì vẫn được một số người ủng hộ và dường như đấy chính là lời giải thích cho những quyết định ngoại giao gần đây của Trung Quốc. Chỉ cần xem xét cuộc tấn công nhằm thu phục nhân tâm của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á trong mấy thập niên qua và sự xâm nhập vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, trong đó có Nepal thì sẽ rõ. Cũng chớ bỏ qua quan hệ dường như thắt chặt của Bắc Kinh với Moscow, tức là mối quan hệ nhằm ngăn chặn các đối thủ tiềm năng khác cơ hội thiết lập với Nga liên minh chống Trung Quốc. Cuối cùng, dường như có sụ tương đồng với luận cứ của Ngụy [Nguyên] về áp lực lên những căn cứ của Anh ở những khu vực khác của châu Á sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc tại các lân bang của họ. Trong khuôn khổ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra một loạt các đối tác ở Trung Đông và Afghanistan, trong đó có những nước thù địch với Mỹ, dường như có thể dùng Mỹ thay thế cho Anh và Trung Đông thay thế cho Ấn Độ và chúng ta sẽ được một logic gián tiếp giống hệt nhau – cần phải chuyển hướng và làm suy yếu cường quốc mạnh nhất, đe dọa nhiều nhất những tham vọng ở Đông Á của Trung Quốc.
Bên cạnh chiến lược ngoại giao, Ngụy [Nguyên] còn đưa ra một số khuyến nghị về hiện đại hóa hải quân, còn gần gũi hơn nữa với quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trong mấy thập kỷ vừa qua. Kế hoạch chi tiết bắt đầu bằng những biện pháp củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Sau đó là khả năng phòng thủ lâu dài, cùng với việc cải tổ quân đội và thúc đẩy sự đổi mới từ bên trong. Cuối cùng, đất nước sẽ sẵn sàng xuất hiện như một cường quốc hải quân nghiêm túc – đủ sức bảo vệ các hải cảng chính, có một mạng lưới các căn cứ được tăng cường, mua và phát triển công nghệ quân sự tiên tiến, triển khai một lực lượng hải quân nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt hơn so với trước đây. Kể từ đầu những năm 1980, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã theo đuổi chiến lược đúng như quan niệm của Ngụy [Nguyên]. Những thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của PLAN đã liên tục tăng cường từ việc bảo vệ các hải cảng của Trung Quốc đến gia tăng tầm hoạt động (tính từ bờ biển) và khả năng ngăn chặn của Trung Quốc. Thuật ngữ dành cho cho nỗ lực này là “chuỗi đảo”, chuỗi đảo “thứ nhất” tiếp giáp với Okinawa, Đài Loan và Philippines, “chuỗi đảo thứ hai” tiếp giáp với Ogasawara, Guam và Indonesia. Theo quan điểm này, mục tiêu cuối cùng của PLAN sẽ là biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nằm dưới sự bảo vệ của các tàu sân bay mới của nước này.
Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa với độ chính xác có thể nhắm tới những mục tiêu trên đảo Guam, và những đánh giá mới nhất từ những nguồn công khai cho thấy rằng nước này chuẩn bị bắn được những mục tiêu di động cách bờ đến ba ngàn cây số, tức là nằm trên chuỗi đảo thứ hai. Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hoàn thành thử nghiệm bay, mấy chiếc tàu sân bay mới cũng đang được xây dựng. Cuối cùng, toàn bộ quân đội Trung Quốc đang giảm biên, đấy là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường chất lượng thông qua việc mua các công nghệ mới, cùng với việc cải tiến công tác đào tạo và chính sách cán bộ.
Chắc chắn là hiện đại hóa quân đội không phải là công việc duy nhất đáng quan tâm của Trung Quốc hiện nay, nhưng dự đoán tương lai của Trung Quốc mà bỏ qua nó thì sẽ là việc làm hấp tấp. Schell và Delury làm được một công việc tuyệt vời trong quá trình khám phá những tư tưởng và sự nghiệp của các nhà cải cách chủ chốt và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc trong thế kỷ XIX và XX, và bao gồm thời kỳ cuối triều đại Mãn Thanh, trong đó có bàn về Lý Hồng Chương và Tăng Quốc Phiên, người chỉ huy lực lượng tự cường được Từ Hi Thái hậu sủng ái. Nếu nỗ lực tự cường trong thế kỷ XXI của Trung Quốc tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch, tức là tập trung vào cả sức mạnh kinh tế và quân sự, thì lần xuất bản tiếp theo của tác phẩm này phải có thêm những học giả trong lĩnh vực quân sự, thí dụ như Phó Đô đốc Lưu Hoa Thanh (ông này được người ta coi là Alfred Thayer Mahan của Trung Quốc, năm 1982 chính ông là người đưa ra chiến lược chuỗi đảo). Trong khi đó – theo logic của Schell và Delury – chúng ta có thể nói dứt khoát rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại của nó trong quá trình phát triển kinh tế và quân sự thì nước này sẽ trở thành một diễn viên táo bạo hơn trên trường quốc tế chứ không phải là một nước dân chủ hơn hay có trách nhiệm hơn.
Jacqueline Newmyer Deal là chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty tư vấn quốc phòng có tên là Long Term Strategy Group trụ sở ở Washington và là cộng tác viên cao cấp Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Foreign Policy Research Institute).
Đã đăng trên bauxitevn.net

Không có nhận xét nào: