Pages

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

An ninh Trung Quốc bẽ mặt vì vụ nổ ở Thiên An Môn

Cuối cùng thì Trung Quốc cũng thừa nhận vụ “xe điên” lao vào đám đông rồi phát nổ ở Thiên An Môn là “tấn công khủng bố”. Các nhà phân tích cho rằng chuyện xảy ra ngay tại khu vực biểu tượng, giữa lòng thủ đô Bắc Kinh, là thất bại xấu hổ của lực lượng an ninh và tình báo nước này.
An ninh không hiệu quả

Theo AFP, Trung Quốc đã thông báo phân bổ ngân sách cho an ninh nội địa ở tất cả các cấp chính quyền tổng cộng 769 tỉ Nhân dân tệ (126 tỉ USD) trong năm 2013, tăng hơn 200 tỉ Nhân dân tệ kể từ năm 2010 và cao hơn cả ngân sách dự chi cho quân đội.

Ông Willy Lam (Đại học Hong Kong) cho rằng vụ nổ ở Thiên An Môn chứng tỏ các biện pháp an ninh mà đại lục đang áp dụng không hiệu quả, hơn nữa việc có một du khách nước ngoài thiệt mạng trong vụ tấn công càng khiến sự việc thêm phức tạp. “Sự việc phơi bày những giới hạn trong khả năng của lực lượng cảnh sát”.
“Chính quyền bị mất thể diện vô cùng” – ông Lam nói, đồng thời lưu ý rằng vụ nổ xảy ra chỉ vài ngày trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức một cuộc họp quan trọng vào tháng tới ở Bắc Kinh.
Hiện trường vụ nổ nhanh chóng được phong tỏa - Ảnh: SCMP
Hiện trường vụ nổ nhanh chóng được phong tỏa – Ảnh: SCMP

Ông David Tobin, chuyên gia về chính trị Trung Quốc (Đại học Glasgow, Scotland) nhận định: “Chắc chắn ban lãnh đạo nước này rất kinh ngạc. Đây vốn là khu vực dày đặc cảnh sát. Chẳng ai nghĩ chuyện như vậy sẽ xảy ra ở đây. Điều này khiến các quan chức vô cùng lo âu”.

“Nếu Bộ Công an không thể bảo đảm được an ninh tại Thiên An Môn thì qua đó cho thấy cả một Trung Quốc đang trong tình trạng bất ổn, từ đó sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn” – ông Kam C.Wong, cựu quan chức cảnh sát Hong Kong và là chuyên gia tư pháp hình sự kết luận.

Nguyên nhân chính xác của vụ tấn công vẫn còn chưa được sáng tỏ. Các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng về việc đưa ra kết luận, một phần do việc kiểm soát những thông tin được phát ra ngoài của chính quyền Trung Quốc.

Cảnh sát Bắc Kinh trấn an người dân rằng: “Khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại và bọn chúng sẽ không có tương lai phát triển. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng Đảng và chính phủ có đủ sức mạnh và năng lực để chống trả quyết liệt và đánh bại mọi hành động khủng bố”.

Xã hội bất an

Quảng trường Thiên An Môn luôn được bảo vệ dày đặc từ nhiều lớp cảnh sát và an ninh mặc thường phục. Sau khi xảy ra vụ nổ, khu vực này ngay lập tức được đặt dưới sự phong tỏa và canh gác nghiêm ngặt. Dẫu vậy, nỗi ám ảnh về một cuộc tấn công khủng bố ngay giữa lòng thủ đô vô cùng sâu sắc.

Một người dân viết trên Twitter rằng: “Tôi làm việc tại Bắc Kinh, tôi chẳng thể tưởng tượng nổi là một vụ tấn công khủng bố lại xảy ra rất gần với chúng ta như thế này”. Một người khác thì viết: “Bỗng nhiên tôi cảm thấy cuộc sống sẽ khó khăn hơn”. Bài ý kiến bình luận mạnh mẽ hơn: “Chúng ta phải tiêu diệt tận gốc rễ khủng bố để tránh chuyện tương tự xảy ra”.

Cột khói từ hiện trường vụ nổ ở Thiên An Môn có thể quan sát từ xa - Ảnh: Reuters
Cột khói từ hiện trường vụ nổ ở Thiên An Môn có thể quan sát từ xa – Ảnh: Reuters

Theo AP, chuyên gia về tội phạm khủng bố Lâm Chấn Lâm (Đại học Nhân dân, Bắc Kinh) nhận định việc lựa chọn địa điểm tấn công là Thiên An Môn cho thấy những kẻ chủ mưu muốn hướng về mục đích chính trị hơn là gây ra một vụ bạo lực.

“Mục tiêu của bọn chúng là tạo nên hoảng loạn trong xã hội, để gây sức ép cho chính phủ phải ban hành những chính sách thuận lợi hơn cho một nhóm dân tộc hay vì các mục đích li khai”.

Cảnh sát Trung Quốc ngày 30.10 thông báo kết quả điều tra cho thấy vụ tấn công khủng bố ở Thiên An Môn “được lên kế hoạch chu đáo, có tổ chức và tính toán trước”. Tên Usmen Hasan cùng mẹ là bà Kuwanhan Reyim và người vợ Gulkiz Gini đã lái chiếc xe jeep mang biển số đăng ký ở Tân Cương lao vào dòng người ở quảng trường Thiên An Môn, sau đó thực hiện hành vi tự thiêu.

Tân Hoa Xã cho biết với sự hợp tác của cảnh sát Bắc Kinh và cảnh sát khu tự trị Tân Cương đã bắt giữ 5 nghi phạm. Dựa trên cái tên của các nghi phạm do cảnh sát công bố cho thấy nhóm này nhiều khả năng là người Duy Ngô Nhĩ.

Theo người phát ngôn Bộ Công an, các nghi phạm đã khai nhận có quen biết Usmen Hasan vừa đồng lõa lên kế hoạch thực hiện nổ vụ xe điên. Chúng nói hoàn toàn không thể ngờ bị cảnh sát lại bắt nhanh như vậy.

Ông Philip Potter (Đại học Michigan, Mỹ) nhận định vụ tấn công tại một trung tâm đông dân “là điều mà chính quyền Trung Quốc từ lâu đã lo ngại. Một khi ngưỡng này bị xâm phạm thì rất khó để khống chế”. Ông Potter cũng dự đoán tình hình an ninh và giám sát người Duy Ngô Nhĩ tại các thành phố phía đông sẽ siết chặt hơn.

Trường Giang
 
(Một thế giới)

Không có nhận xét nào: