Pages

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Không nên thu hồi đất để làm dự án kinh tế

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được trình Quốc hội, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế vẫn được ghi nhận.



"Việc thu tóm đất để thực hiện dự án kinh tế phải được thực hiện bằng con đường dân sự, chứ không thể dựa vào công lực"
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trước đây, trong khuôn khổ góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên thừa nhận quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế. Lý do được đưa ra là quyền này dễ bị lạm dụng để phục vụ lợi ích nhóm, gây hệ lụy xã hội tiêu cực, nguy hiểm.

Rõ ràng một khi quyền sử dụng đất được thừa nhận là một tài sản của người dân, thì thu hồi đất được coi là việc chuyển nhượng tài sản không dựa vào sự tự nguyện. Trong một xã hội thượng tôn luật pháp, việc buộc một người chuyển giao một tài sản trái với ý muốn chỉ được chấp nhận trong trường hợp lợi ích mang lại phải lớn hơn nhiều so với lợi ích mất đi, và cả người bị mất tài sản cũng phải cùng được thụ hưởng lợi ích mới đó.

Lợi ích công cộng luôn được coi là lớn hơn, quan trọng hơn lợi ích riêng tư và dành cho tất cả mọi người. Bởi vậy, khi Nhà nước cần thu hồi đất để làm việc gì đó vì lợi ích công cộng như xây dựng sân bay, bến cảng, bảo tàng, bệnh viện công... thì người dân phải chấp nhận hi sinh, hợp tác.

Sự hợp tác cũng được đòi hỏi khi Nhà nước cần lấy ruộng đất của các điền chủ lớn để giao lại cho tiểu nông, tá điền trong khuôn khổ chính sách “người cày có ruộng”. Trong trường hợp này, người ta đứng trước sự xung đột giữa hai lợi ích tư đại diện bởi hai nhóm người. Nhưng người thụ hưởng chính sách, theo giả thiết, là người nghèo, yếu thế. Họ cần có sự trợ lực của Nhà nước để có thể gầy dựng cơ nghiệp; sự thành công của họ sẽ góp phần vào sự thịnh vượng chung của quốc gia, đặc biệt là giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo, tái lập công bằng xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế cũng nhằm phục vụ các mục tiêu chung là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nghĩa là cũng vì lợi ích công cộng. Đúng là với nhiều dự án kinh tế, các tòa nhà to, đẹp, khu biệt thự lộng lẫy, được trang bị đầy đủ tiện nghi cùng với những con đường rộng, khang trang thay thế những khu nhà ổ chuột nằm bên những ngõ ngách ngoằn ngoèo, tối tăm, bẩn thỉu. Có điều người ta thấy phần lớn những thứ mới mọc lên là tài sản riêng của những ông chủ, được khai thác để mang lại những khoản lợi nhuận “khủng” bỏ túi riêng. Về phần mình, rất nhiều người bị lấy đất được dúi vào tay một số tiền nhưng chẳng biết đi đâu, hoặc được đề nghị vào ở trong các căn hộ mới trong khu tái định cư nhưng chẳng biết làm gì để sống.

Ở các nước, không ai cấm nhà đầu tư đề xuất dự án xây dựng khu đô thị mới, hiện đại. Nhưng sau khi dự án được phê duyệt thì không có chuyện nhà nước cưỡng bách người dân chuyển nhượng tài sản rồi ra đi, để lại đất cho nhà đầu tư. Muốn thực hiện dự án, nhà đầu tư phải chọn một trong hai cách, hoặc cả hai.

Họ có thể kiên nhẫn chờ đợi người dân trong vùng bán tài sản thì đứng ra đề nghị mua. Thông thường để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, nhà nước lập ra một tổ chức và trao cho nó quyền ưu tiên mua. Mỗi khi người dân muốn bán đất thì tổ chức này đứng ra mua với giá thị trường, xong chuyển giao cho nhà đầu tư.

Họ cũng có thể chủ động mời người dân trong vùng quy hoạch tham gia dự án với tư cách người cùng góp vốn, cùng chia sẻ lợi nhuận thu được và cùng chịu rủi ro.

Nói khác đi, việc thu tóm đất để thực hiện dự án kinh tế phải được thực hiện bằng con đường dân sự, chứ không thể dựa vào công lực. Đơn giản, nguyên tắc tôn trọng quyền con người không cho phép nhà nước dùng sức mạnh của mình giúp một nhóm tư nhân này xua đuổi một nhóm tư nhân khác ra khỏi không gian sống.

TS Nguyễn Ngọc Điện

(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào: