Henry David Thoreau, Online-Literature
Phạm Nguyên Trường dịch
“Civil Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mĩ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối Chiến tranh Mexico và nạn nô lệ đang phát triển tại Mĩ. 160 năm sau – nhất là sau những gì vừa diễn ra ở Tunisia và Ai Cập – càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, không chỉ cho nước Mĩ.
***
Bìa sách
Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất”, và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống và càng nhanh càng tốt. Khi phương châm ấy được đưa vào thực tế thì nhất định cuối cùng nó sẽ đưa đến (tôi tin như thế): “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả” và khi mà mọi người đã sẵn sàng chấp nhận chuyện đó thì họ sẽ có một chính phủ như thế. Chính phủ, trong trường hợp tốt nhất, chỉ là một phương tiện; nhưng thường thì đa số các chính phủ, và đôi khi tất cả các chính phủ, đều là những phương tiện tồi. Những lí luận phong phú, vững chắc và có sức thuyết phục dùng để phản đối việc duy trì một đội quân thường trực; cuối cùng có thể cũng được áp dụng để chống lại một chính phủ thường trực. Quân đội thường trực chỉ là cánh tay của chính phủ thường trực. Chính phủ, tự nó chỉ là một hình thức để nhân dân thực hiện ý chí của mình, có thể bị lạm dụng và biến chất trước khi nhân dân kịp dùng nó để thực hiện những điều họ muốn.
Nếu nói một cách cụ thể và như một công dân, chứ không phải như những người phủ nhận mọi chính phủ, tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ ngay lập tức mà đòi hỏi một chính phủ được cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho từng người nói rõ anh ta sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào và đấy sẽ là bước đầu tiên tiến đến một chính phủ như thế.
Khi nhân dân nắm được chính quyền thì họ chuyển giao cho đa số (chính quyền của đa số – ND) và để cho nó tiếp tục cai trị một thời gian dài; đấy không phải là do nó cai trị một cách công bằng, cũng không phải là nó có vẻ công chính nhất đối với thiểu số mà đơn giản là bởi vì nó mạnh nhất. Nhưng chính phủ của đa số, trong mọi trường hợp, không thể dựa vào sự công bằng, dù là thứ công bằng trong giới hạn hiểu biết thông thường. Chả lẽ không thể có một chính phủ, trong đó lương tâm chứ không phải là đa số được quyền quyết định đúng sai? Trong đó đa số chỉ quyết định những vấn đề vụ lợi ư? Chả lẽ công dân lại phải giao lương tâm của mình, dù trong phút chốc hay chỉ một phần nhỏ lương tâm, cho các nhà lập pháp ư? Thế thì mỗi người còn cần lương tâm để làm gì? Tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một công dân. Nên giáo dục tinh thần tôn trọng lẽ phải hơn là giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật. Bổn phận duy nhất tôi có quyền thừa nhận là luôn luôn làm những việc mà tôi cho là đúng. Người ta nói đúng rằng đoàn thể không có lương tâm; nhưng đoàn thể của những người có lương tâm thì có lương tâm. Luật lệ không bao giờ làm cho người ta trở thành công chính hơn, chính vì tôn trọng pháp luật mà ngay cả những người đứng đắn cũng thường xuyên, liên tục trở thành tác nhân của sự bất công…
Quần chúng phục vụ quốc gia không phải như những con người thực sự, mà bằng sức lực của mình, như những cỗ máy. Họ là quân đội thường trực, là cảnh sát, là cai tù, v.v. Trong đa số trường hợp họ không cần đến lương tri hay ý thức đạo đức; họ tự hạ mình ngang bằng với cỏ cây, đất đá; một lúc nào đó có thể chế được những người gỗ làm những nhiệm vụ y như thế. Những người đó không đáng tôn trọng hơn một con bù nhìn rơm hay một đống đất. Giá trị của họ cũng chỉ ngang với chó, ngựa mà thôi. Nhưng chính những người đó lại thường được coi là các công dân tốt. Những người khác, thí dụ đa số các nhà làm luật, các chính trị gia, các luật sư, tăng lữ, nhân viên văn phòng, phục vụ quốc gia chủ yếu bằng trí tuệ của họ, và vì thường không có khả năng phân biệt về mặt đạo đức mà vô tình họ có thể phục vụ cả quỉ sứ cũng như Chúa Trời. Chỉ rất ít người, đấy là các anh hùng, những người yêu nước, những thánh tử đạo, những nhà cải cách theo nghĩa cao quí và những người chân chính là phục vụ quốc gia với cả lương tâm của mình vì vậy mà thường phản đối chính phủ và bị chính phủ coi là kẻ thù…
Mọi cuộc bầu cử đều là trò chơi, giống như chơi cờ hay chơi xúc xắc vậy, có pha chút màu đạo đức, một trò chơi với đúng và sai, có những vấn đề đạo lí và có tiền cược. Tính cách của cử tri không có nghĩa lí gì. Tôi bầu theo cái cách mà tôi cho là đúng, có thể như thế, nhưng tôi không toàn tâm toàn ý lo lắng cho cái đúng ấy giành phần thắng. Tôi muốn giao nó cho đa số. Bổn phận đó như vậy là không bao giờ vượt quá quan điểm vụ lợi. Bầu cho cái đúng cũng có nghĩa là chưa làm gì cả. Đấy chỉ là thể hiện một cách mù mờ cho mọi người thấy ước muốn của bạn rằng cái thiện phải thắng mà thôi. Một người thông thái không bao giờ lại để mặc cho công lí phụ thuộc vào may rủi, cũng như không muốn nó chiến thắng nhờ vào sức mạnh của đa số. Hành động của đám đông thường chứa rất ít giá trị đạo đức. Cuối cùng nếu đa số ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ thì hoặc là họ không quan tâm đến nó hoặc là chẳng còn mấy nô lệ nữa để mà huỷ bỏ. Lúc đó họ chính là những kẻ nô lệ. Chỉ có người khẳng định sự tự do cá nhân của mình bằng việc bỏ phiếu đó mới thúc đẩy được việc bãi bỏ chế độ nô lệ.
Tất nhiên là người ta không có trách nhiệm cống hiến cuộc đời mình cho việc loại trừ cái ác, dù đấy có là cái ác lớn nhất, người đó có quyền có những mối quan tâm khác; nhưng ít nhất anh ta cũng phải có trách nhiệm tránh xa điều ác và dù không nghĩ đến nó, anh ta cũng không được ủng hộ nó. Nếu tôi theo đuổi những mục đích và suy tưởng khác thì trước hết tôi phải nhìn xem liệu tôi có ngồi trên đầu trên cổ người khác khi theo đuổi những suy tưởng ấy không đã chứ. Tôi phải tụt xuống để người đó cũng có thể theo đuổi suy tưởng của anh ta chứ. Xin hãy xem những sự bất nhất. Tôi nghe thấy một số đồng bào tuyên bố: “Cứ để cho họ ra lệnh cho tôi đi đàn áp những cuộc bạo loạn của nô lệ hay đi Mexico xem, đừng hòng nhé!”; nhưng chính những người đó, bằng lòng trung thành của mình đã trực tiếp, hoặc ít nhất là gián tiếp, bằng tiền của mình, trang bị cho những người thay thế mình. Chính những người hoan hô người lính không chịu tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa lại vẫn ủng hộ cái chính phủ bất công đang tiến hành cuộc chiến tranh ấy… Thế là nhân danh Trật Tự và Phục Tùng dân sự tất cả chúng ta đã bị buộc phải kính trọng và khuyến khích sự hèn hạ của chính mình. Lần đầu phạm tội người ta cảm thấy đỏ mặt, nhưng lần sau người ta sẽ bàng quan; sự vô luân, như vẫn thường thế, trở thành trung tính về đạo đức và không hoàn toàn vô ích trong cuộc sống mà chúng ta đã tạo dựng lên…
Làm sao người ta có thể hài lòng và yên trí khi có một quan điểm nào đó? Người ta có thể yên trí được không nếu cho rằng mình đã bị xúc phạm? Nếu bạn bị người hàng xóm lừa một dollar thì bạn sẽ không cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình đã bị lừa, hoặc nói rằng mình đã bị lừa hoặc ngay cả kiến nghị anh ta phải trả mà bạn sẽ thực hiện ngay lập tức các biện pháp buộc anh ta phải trả toàn bộ số tiền và lần sau không bị lừa nữa. Hành động xuất phát từ nguyên tắc – nhận thức và thực thi công lí – sẽ làm thay đổi các sự vật và các quan hệ, thực chất là một hành động cách mạng, hoàn toàn khác biệt với những hành động trước đó. Nó không chỉ phân chia nhà nước và nhà thờ, nó phân chia gia đình, hơn thế nữa, nó chia rẽ ngay từng cá nhân, tách phần quỉ ra khỏi phần Người của anh ta.
Vẫn còn những đạo luật bất công, liệu chúng ta có tuân thủ chúng hay chúng ta phải vừa nỗ lực sửa đổi chúng vừa tiếp tục tuân thủ hoặc bất tuân ngay lập tức? Nói chung người ta, dưới cái chính phủ như chính phủ hiện nay, nghĩ rằng phải chờ đợi cho đến khi thuyết phục được đa số thay đổi luật lệ. Họ cho rằng nếu họ chống lại thì kết quả càng tệ hại hơn. Nhưng nếu kết quả còn tệ hại hơn thì đấy là lỗi của chính phủ. Chính phủ làm cho nó thành tồi tệ như thế. Tại sao chính phủ không có khả năng dự đoán và chuẩn bị cho cải cách? Tại sao chính phủ lại không hoan nghênh thiểu số sáng suốt? Tại sao chính phủ lại gào lên và chống cự khi người ta chưa ra đòn? Tại sao chính phủ không động viên các công dân sẵn sàng chỉ ra sai phạm của mình và làm cho tốt, hơn là mắc phải chúng? Tại sao chính phủ lại luôn luôn đóng đinh câu rút chúa Jesus-Christ, tại sao nó lại rút phép thông công của Copernicus và Luther và tuyên bố rằng Washington và Franklin làm loạn?
Người ta có cảm tưởng rằng sự phủ nhận trên thực tế một cách cố ý quyền lực của chính phủ là hành vị phạm pháp duy nhất mà nó chưa từng dự liệu vì nếu không thì tại sao nó lại không đưa ra biện pháp trừng phạt tương ứng, phù hợp và xác định? Một người không có tài sản chỉ cần một lần không chịu kiếm cho chính phủ 9 shilling thì anh ta sẽ bị bỏ tù trong thời hạn do những người giam giữ anh ta tự ý quyết định chứ không phải theo bất cứ điều luật nào; trong khi nếu người ấy ăn cắp của nhà nước số tiền gấp 90 lần từng đó thì anh ta sẽ được thả ra ngay.
Nếu bất công là do sự va chạm nhất định phải có của bộ máy nhà nước thì cứ để cho nó va chạm, có thể bất công sẽ bớt đi nhưng bộ máy nhà nước cũng sẽ tiêu ma. Nếu bất công là một cái lò xo, cái ròng rọc, cái dây thừng hay một cánh tay đòn thì có thể cần phải nghĩ xem liệu việc chữa trị có tốt hơn không; nhưng nếu bản chất của nó đòi hỏi rằng bạn phải là tác nhân bất công đối với người khác thì tôi nói rằng bạn phải chống lại luật đó. Hãy lấy cuộc đời bạn làm cái phanh ngăn chặn cỗ máy đó. Điều ta cần phải làm là không được ủng hộ điều sai quấy mà ta lên án.
Về những biện pháp mà chính phủ đưa ra để sửa chữa những điều sai quấy thì tôi phải nói rằng tôi không biết các biện pháp đó. Chúng đòi hỏi nhiều thời gian mà đời người thì có hạn. Tôi còn những việc khác phải làm nữa. Tôi đến thế giới này không phải đơn giản là để tạo ra một chỗ tốt để sống mà còn phải sống trong đó, dù nó tốt hay xấu. Không ai phải làm tất cả mọi việc, nhưng ai cũng phải làm một số việc, và bởi vì người ta không thể làm mọi việc nên không được làm những việc sai quấy. Việc của tôi không phải là thỉnh cầu ông Thống đốc bang hay nhà làm luật cũng như họ không có trách nhiệm gửi thỉnh cầu cho tôi; nhưng nếu lời thỉnh cầu của tôi không được họ nghe thì sao? Trong trường hợp này nhà nước không có biện pháp nào cả; chính Hiến pháp đã là sai quấy rồi. Điều đó nghe có vẻ chói tai, ngang ngạnh và thiếu thiện chí, nhưng phải đối xử với thái độ đó một cách tử tế nhất và thận trọng nhất như thế vì nó xứng đáng như thế. Cải thiện cũng giống như sinh thành và hoại diệt, cơ thể phải quặn lên…
Tôi chỉ trực diện chính phủ Mĩ hay đại diện của nó là chính phủ bang nhiều nhất là một lần một năm, đấy là người nhân viên thuế vụ; một người như tôi thì đấy là cách duy nhất có thể trực diện với nó. Bao giờ nó cũng nói: “Hãy công nhận uy quyền của ta”. Trong tình hình hiện nay thì ta chỉ có thể nói với nó rằng ta đang bất mãn với nó, ta không yêu nó một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất và cần thiết nhất: không công nhận nó… Tôi biết rõ rằng nếu một ngàn người trung thực, nếu một trăm người trung thực, nếu có mười người tôi có thể kể tên, chỉ cần mười người trung thực thôi, thậm chỉ chỉ cần một người TRUNG THỰC trong cả Bang Massachusetts này không giữ nô lệ nữa, người đó sẽ ra khỏi cộng đồng, bị nhốt vào tù; nhưng chế độ nô lệ trên toàn nước Mĩ sẽ bị bãi bỏ. Vấn đề là khởi đầu dù nhỏ đến đâu: một khi điều tốt đã được làm thì nó sẽ trở thành vĩnh viễn. Nhưng chúng ta chỉ thích nói về chuyện đó thôi: ta coi đấy là nhiệm vụ của mình. Rất nhiều chỉ bảo giúp rập cải cách, nhưng chẳng có một người cụ thể nào (làm chuyện đó cả)…
Khi chính phủ bỏ tù người ta một cách bất công thì nhà tù chính là chỗ cho người công chính… Nếu có người nào đó nghĩ rằng đi tù thì anh ta sẽ không còn tạo được ảnh hưởng nữa, rằng chính phủ sẽ không nghe thấy anh ta, rằng trong tù anh ta không còn là kẻ thù nữa thì anh ta không hiểu rằng chân lí mạnh hơn dối lừa đến mức nào, cũng như không hiểu rằng người thực sự trải nghiệm bất công sẽ đấu tranh hiệu quả và hùng hồn như thế nào. Bạn không chỉ đưa ra ý kiến bằng một mẩu giấy mà phải bằng toàn bộ ảnh hưởng của mình. Thiểu số là bất lực khi chiều theo đa số, trong trường hợp đó nó cũng không còn là thiểu số nữa, nhưng sẽ là vô địch khi nó chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình. Nếu sự lựa chọn là bỏ tù những người công chính hay chấm dứt chiến tranh và chế độ nô lệ thì Nhà nước sẽ không lưỡng lự. Nếu một ngàn người không chịu đóng thuế thì sẽ không có đàn áp và đổ máu như khi họ đóng thuế để giúp chính phủ đàn áp và giết hại những người vô tội. Đấy chính là một cuộc cách mạng hoà bình, nếu quả thật có thể có một cuộc cách mạng như thế. Nhưng nếu một nhân viên thuế vụ hay một nhân viên công lực nào khác hỏi, như có người đã từng hỏi tôi: “Tôi biết làm thế nào?” thì câu trả lời của tôi sẽ là: “Nếu ông quả thật muốn làm một cái gì đó thì hãy từ nhiệm đi”. Khi công dân bất tuân và công chức từ nhiệm thì đấy chính là cách mạng. Nhưng giả sử có đổ máu? Thế máu không đổ khi lương tâm bị thương tổn ư? Nhân cách và sự bất tử của con người đang rỉ ra từ vết thương này, máu sẽ chảy cho đến chết. Dòng máu ấy lúc này vẫn đang chảy đây…
Tôi không đóng thuế thân sáu năm rồi. Một lần tôi bị giam một đêm vì chuyện đó; trong khi ngắm nhìn bức tường đá dày gần một mét [1] , cái cổng gỗ viền thép dày cả nửa mét [2] tôi bất ngờ nhận ra sự ngu dốt của cái thể chế coi tôi chỉ như một cục thịt, có thể giam cầm được. Tôi ngạc nhiên vì họ đã chọn cách đó chứ không sử dụng tôi bằng cách nào khác. Có một bức tường đá ngăn cách tôi với đồng bào của tôi, nhưng người ta còn phải vượt qua một bức tường khó khăn hơn thế nhiều để đạt được tự do như tôi. Tôi không cảm thấy bị giam cầm dù chỉ một khắc giây và bức tường kia chỉ là sự phí phạm đá và vữa mà thôi. Tôi thấy như chỉ một mình tôi đóng thuế mà thôi. Không biết xử sự với tôi, họ đã hành động như những kẻ vô giáo dục. Những lời đe doạ cũng như thuyết phục của họ đều ngớ ngẩn vì họ cho rằng ước muốn duy nhất của tôi là ra khỏi mấy bức tường đó. Tôi không thể không mỉm cười nhìn theo cách họ ngăn chặn tư tưởng của tôi, nhưng tư tưởng của tôi vẫn theo họ mà ra, không hề ngăn ngại, và chỉ có chúng mới là mối nguy với họ mà thôi. Không thể khuất phục được tôi, họ quay ra hành hạ thân xác tôi; giống như trẻ con, khi không đánh được người chúng ghét thì chúng quay ra hành hạ con chó của người đó. Tôi thấy rằng nhà nước rất kém khôn ngoan, nó cũng lúng túng giống như một gái già cô độc với chiếc thìa bạc vậy; nó không phân biệt được bạn thù, nó đã đánh mất sự tôn trọng cuối cùng còn lại của tôi và tôi chỉ cảm thấy thương hại cho nó mà thôi.
Như vậy là nhà nước không bao giờ có ý kiểm soát lí trí, đạo đức mà chỉ kiểm soát thân xác và ngũ quan của con người [3] . Nó không được trang bị lòng trung thực và trí thông minh, nó chỉ có sức mạnh mà thôi. Tôi sinh ra không phải để bị đè nén. Tôi sẽ thở theo cách của mình. Để xem ai mạnh hơn ai. Đám đông thì có cái gì? Chỉ những ai thuận theo luật cao hơn tôi mới ép buộc được tôi. Đằng này họ lại bắt tôi giống như họ. Tôi chưa từng nghe nói có người nào chịu để cho đám đông chỉ cho phải sống thế này hay sống thế kia. Thế mà gọi là sống ư? Khi chính phủ bảo tôi: “Muốn sống thì đưa ví đây”, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi…
Tôi không bao giờ trốn thuế cầu đường vì tôi muốn là một người hàng xóm tốt cũng như một công dân tồi; còn về việc bảo trợ trường học thì tôi đang đóng góp phần của mình vào việc giáo dục đồng bào của mình đây. Không phải là tôi từ chối nộp khoản này hay khoản kia trong bảng thống kê thuế khoá. Đơn giản là tôi bất tuân chính phủ và không muốn liên quan gì đến nó hết. Tôi không quan tâm đến đường đi của những đồng tiền của tôi, ngay cả nếu tôi có thể làm thế, cho đến khi họ dùng nó để mua người hay súng để giết người – đồng tiền không có lỗi gì – nhưng tôi muốn theo dõi hậu quả của sự bất tuân của tôi. Trên thực tế tôi tuyên bố một cuộc chiến tranh thầm lặng với chính phủ, theo cách của tôi, mặc dù, như vẫn thường thấy trong các trường hợp như thế, tôi tiếp tục nhận những lợi ích của nó.
Quan điểm hiện nay của tôi là như thế. Nhưng phải rất thận trọng sao cho hành động của mình không bị ảnh hưởng bởi thái độ cố chấp hay ý kiến của đám đông. Hãy chịu trách nhiệm trước lương tâm của mình và trước lịch sử.
Đôi khi tôi nghĩ rằng họ đều là những người tốt, chỉ vì họ u mê mà thôi, họ sẽ hành xử đúng hơn nếu họ biết phải làm như thế nào; tại sao ta lại làm cho những người hàng xóm phải đau khổ khi đối xử với ta như thế dù họ không cố ý? Nhưng sau đó tôi lại nghĩ đấy không phải là lí do để tôi hành xử như họ hay khiến những người khác phải chịu những đau khổ còn lớn hơn thế nhiều. Đôi khi tôi lại tự hỏi rằng nếu đám đông hàng triệu người không giận dữ, không có ác ý, đòi có mấy shilling, mà họ thì không thể rút lui cũng không thể thay đổi yêu cầu được, còn mình thì cũng không thể kêu gọi hàng triệu người khác giúp đỡ được, vậy thì đưa thân ra hứng chịu cái sức mạnh bạo tàn ấy mà làm gì? Ta đâu có kháng cự cái đói, cái rét, ta đâu có kháng cự sóng gió một cách ngoan cố như vậy, ta yên lặng qui thuận hàng ngàn chuyện bất khả kháng khác cơ mà. Ta đâu có đưa đầu vào lửa. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy rằng đấy không hoàn toàn là sức mạnh bạo tàn mà còn có tính nhân bản nữa, và tôi có mối liên hệ với họ như với những con người chứ không phải với những vật vô tri vô giác nên tôi cho rằng có thể, thứ nhất, thuyết phục được Đấng sáng tạo ra họ và thứ hai, thuyết phục được chính họ. Còn khi tôi cố ý cho đầu vào lửa thì tôi không thuyết phục được lửa, cũng không thuyết phục được Đáng sáng tạo ra lửa, tôi chỉ nên tự trách mình mà thôi. Nếu tôi có thể tự thuyết phục được mình rằng tôi có toàn quyền chấp nhận người ta như họ đang là và đối xử phù hợp với họ, chứ không phải đối xử theo quan điểm cũng như mong ước của tôi về cái tôi cũng như họ phải là, khi đó, giống như một người Hồi giáo hay một người theo thuyết định mệnh, tôi sẽ phải ráng mà chấp nhận các sự kiện như chúng đang là và tự nhủ rằng đấy là ý Chúa. Nhưng giữa sự kháng cự lại sức mạnh của con người và chống lại sức mạnh của thiên nhiên có một sự khác nhau là trong cuộc đấu tranh với con người tôi có thể thành công, trong khi giống như Orpheus, tôi không thể thay đổi được bản chất của đất đá, cỏ cây hay dã thú.
Tôi không muốn tranh chấp với bất cứ người nào hay dân tộc nào. Tôi không muốn chẻ sợi tóc làm tư hay bới lông tìm vết hoặc làm ra vẻ ta đây với người khác. Có thể nói, tôi thường tìm cớ để tuân thủ pháp luật. Tôi luôn sẵn sàng tuân thủ pháp luật. Tôi tự nhận thấy như thế và hàng năm, mỗi lần nhân viên thuế vụ tới thì tôi lại kiểm điểm hành động và quan điểm của chính phủ trung ương và chính phủ Bang cũng như thái độ của quần chúng để tìm cớ tuân thủ.
Ta phải yêu nước như yêu cha mẹ mình
Nếu có lúc ta giận hờn người,
Nếu tình yêu và sức lực ta không vinh danh người
Thì đấy là vì niềm tin và lương tâm ta
Chứ không phải là do tham lam mà ra.
Tôi tin rằng chẳng mấy nữa chính phủ sẽ giải thoát cho tôi khỏi những công việc kiểu này và khi đó tôi cũng sẽ là một người yêu nước bình thường như mọi công dân khác. Nếu xem xét từ yêu cầu thấp thì Hiến pháp, với tất cả hạn chế của nó, là tuyệt vời; luật pháp và toà án rất đáng tôn trọng; Bang này cũng như chính phủ Mĩ nói chung rất đáng ngưỡng mộ như nhiều người đã mô tả; nhưng nếu xét từ yêu cầu cao hơn thì chúng đúng như tôi mô tả; còn xét từ yêu cầu cao nữa hay cao nhất thì liệu ta có thể nói gì, hoặc chúng có đáng để xem xét hay suy nghĩ hay không?
Tôi chẳng liên quan nhiều đến chính phủ và tôi sẽ nghĩ đến nó thật ít thôi. Ngay trong thế giới này tôi cũng ít khi là thần dân của chính phủ. Nếu một người biết tự do tư tưởng, tự do tưởng tượng thì đối với anh cái không có không bao giờ lại là có trong một thời gian dài và các nhà cầm quyền hoặc cải cách ngu xuẩn không hoàn toàn cản trở được tư tưởng của anh ta.
Tôi biết rằng đa số mọi người có suy nghĩ khác tôi, nhưng tôi cũng chẳng đồng ý với những người nghiên cứu các vấn đề này hoặc những vấn đề tương tự. Các chính khách và các nhà làm luật đắm mình trong thể chế và không thể nào nhìn rõ được nó. Họ thảo luận việc cải cách xã hội, nhưng chính họ lại không có điểm tựa bên ngoài nó. Họ có thể là những người có kinh nghiệm và sáng suốt và đã tạo ra những hệ thống tinh vi và hữu ích, chúng ta phải cám ơn họ về điều đó; nhưng tài trí và sự hữu dụng của họ cũng chỉ nằm trong những giới hạn nhất định chứ không phải là rộng lớn…
Quyền lực của chính phủ, ngay cả chính phủ mà tôi sẵng sàng tuân thủ – vì tôi sẽ vui mừng tuân thủ những người giỏi hơn và làm tốt hơn tôi; và trong nhiều trường hợp tôi sẽ tuân thủ những người không giỏi hơn cũng không cần tốt hơn – còn chưa trong sạch: để có thể hoàn toàn công chính, chính phủ phải được những người bị trị thừa nhận và tán thành. Chính phủ chỉ có quyền với tôi khi đã được tôi thừa nhận. Quá trình phát triển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến rồi từ lập hiến sang dân chủ là quá trình tiến đến sự tôn trọng cá nhân. Ngay một triết gia Trung Quốc cũng biết rằng dân là gốc của nước. Chả lẽ nền dân chủ như chúng ta đang thấy hiện nay là bước cải thiện cuối cùng rồi ư? Chả lẽ không thể tiến thêm một bước nào trong việc công nhận và tổ chức các quyền của con người ư? Nhà nước chưa thể trở thành tự do và khai sáng thật sự chừng nào nó chưa công nhận các công dân là những chủ thể độc lập với nhà nước và cao hơn nhà nước; quyền lực và sức mạnh của nhà nước là từ nhân dân mà ra và phải đối xử với các công dân một cách tương xứng. Tôi thích vẽ ra trong trí não một nhà nước đủ sức thực hiện lẽ công bằng đối với mọi công dân, một nhà nước đối xử với thần dân của mình như với người láng giềng, một nhà nước không lấy làm lo lắng khi có một số sống tách ra, không dây dưa với nhà nước, miễn là họ thực hiện nghĩa vụ đối với những người láng giềng và đồng bào mình. Tạo ra được những loại quả như thế và để cho nó tự rụng khi chín tới là nhà nước đang chuẩn bị cho một nhà nước tuyệt vời hơn và vinh quang hơn, tôi cũng đã tưởng tượng ra nhà nước ấy nhưng chưa nhìn thấy ở đâu cả.
____________
[1]Nguyên văn: two or three feet thick – dày hai ba foot (mỗi foot dài 0,3048m)
[2]Nguyên văn: a foot thick – dày một foot (mỗi foot dài 0,3048m)
[3]E rằng lúc đó nhà nước chưa được tinh tế lắm. Các nhà nước toàn trị sau này đã kiểm soát tất, cả lí trí, cả tình cảm nữa. (ND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét