Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại phiên điều trần ở Hạ viện, bà Madelyn Creedon khẳng định việc hiện đại hóa số vũ khí hạt nhân cũ tuy tốn kém nhưng rất cần thiết nhằm tạo lòng tin cho các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo đuổi mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân đã được Tổng thống Barack Obama đề ra.
Theo bà, hiện chưa có bất kỳ biện pháp thay thế nào vừa đáp ứng yêu cầu quân sự, vừa đảm bảo mục tiêu chính trị trong bối cảnh Mỹ đang phải cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách, kể cả ngân sách quốc phòng, trong 10 năm tới.
Cũng tại buổi điều trần, những người chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cho rằng việc hiện đại hóa này sẽ là cơ sở để nước Mỹ có thể mạnh tay cắt giảm số lượng.
Nói cách khác, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được cơ cấu lại theo hướng tăng về chất lượng và giảm về số lượng.
Trước mắt, Mỹ sẽ cần phải hiện đại hóa toàn bộ vũ khí hạt nhân đã được sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước, thay thế các chi tiết lạc hậu trong những vũ khí sản xuất từ những năm 60 và nâng cấp các hệ thống vũ khí tấn công thông qua việc mua thêm tàu ngầm bắn tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom đường dài thế hệ mới.
Theo những người bảo vệ phương án nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, việc cắt giảm số lượng chỉ có thể thực hiện khi những vũ khí còn lại đã được nâng cấp để đảm bảo tính hiệu quả chiến đấu.
Tiến sỹ Paul Homment - Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm sự an toàn và tin cậy của kho vũ khí hạt nhân - còn cho biết, do bên trong các vũ khí sẽ diễn ra những phản ứng tự nhiên nên cũng cần phải tiến hành chương trình kéo dài tuổi thọ cho các loại vũ khí này.
Tuy nhiên, nỗ lực hiện đại hóa đang bị các nhóm kiểm soát vũ khí chỉ trích, cho rằng việc làm này quá tốn kém và không cần thiết.
Tổ chức nghiên cứu độc lập Stimson Center ước tính tổng kinh phí nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ vào khoảng 350-400 tỷ USD.
Trong báo cáo đưa ra tuần trước, Liên minh các nhà khoa học - một tổ chức độc lập - cũng cho rằng kế hoạch này là sai lầm và trái với cam kết của Tổng thống Obama về không phát triển vũ khí hạt nhân mới.
Theo chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hủy diệt, ông Kingston Reif, việc chi gần 11 tỷ USD để nâng cấp bom B61 trong thời điểm ngân sách bị thắt chặt là không sáng suốt. B61 được triển khai ở châu Âu và được coi là nền tảng cho cam kết răn đe hạt nhân của Mỹ với NATO.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã kêu gọi xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời đạt được thỏa thuận với Nga về Hiệp nước "Start mới" trong việc cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân và vũ khí hạt nhân.
Theo hiệp ước này, cả Nga và Mỹ sẽ cùng cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân về mức 1.550 đơn vị vào năm 2018.
Trong một bài phát biểu tại Đức đầu tháng này, nhà lãnh đạo Mỹ còn tuyên bố Lầu Năm Góc có thể cắt giảm thêm 1/3 số vũ khí hạt nhân chiến lược đã được triển khai, tương đương 1.000 - 1.100 đơn vị, mà không làm suy chuyển mức độ đảm bảo an ninh cho Mỹ cũng như các đồng minh.
Các kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh ngân sách thắt chặt đang buộc Lầu Năm Góc phải giảm bớt chi tiêu theo dự kiến gần 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới./TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét